Cậu học trò miền núi Lường Văn Vũ lặng lẽ nhìn phần cơm trưa mang theo đã nguội ngắt của mình, chỉ có ít rau với cá khô, rồi lại liếc sang bàn bên cạnh, nơi có khay cơm canh nóng hổi đang nghi ngút và thơm nức mùi thức ăn vừa nấu.

Vũ thèm cảm giác được bê khay inox có những ô tròn, vuông nhỏ xinh, trong đó đặt những thức ăn đầy màu sắc, ấm nóng. Cơm, canh thì được xin thêm thoải mái.

Đó là khay cơm của các học sinh ăn bán trú ở Trưởng Tiểu học Tô Múa, một trường thuộc khu vực khó khăn của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, từ khi trường áp dụng thí điểm mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” năm 2020.

Bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng của học sinh Trường Tiểu học Tô Múa khi tham gia mô hình điểm.

Cô Hà Thị Thắm, giáo viên chủ nhiệm lớp Vũ, cho biết bố mẹ Vũ đi làm thuê, bữa có bữa không nên gia cảnh khó khăn. Hàng ngày, Vũ mang cơm ở nhà đến trường nhưng rất ít thức ăn. Nhiều hôm cô giáo phải sẻ thức ăn của mình cho Vũ.

“Thương con và được sự động viên của thầy cô, bố mẹ Vũ sau đó đã quyết định cho Vũ ăn bán trú ở trường cùng các bạn. Vũ thích lắm,” cô Thắm chia sẻ.

Theo thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Múa, những bữa ăn đủ dinh dưỡng đã giúp Trường Tiểu học Tô Múa giảm đến 2% tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng thấp còi, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng gầy còm giảm gần 3% chỉ sau một năm.

Sự thay đổi đó cũng là mục tiêu hướng đến của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn TH khi phối hợp triển khai thí điểm mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam.”

Chia sẻ về lý do quyết định thực hiện mô hình này, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, xúc động cho biết khi thấy trẻ nhỏ phải ăn những bữa ăn trưa tạm bợ đạm bạc như Vũ, bà đã không thể cầm lòng.

“Nhìn bữa ăn trưa không đảm bảo dinh dưỡng của các em học sinh, nhìn vóc dáng nhỏ bé, gầy còm của các em, tôi thương vô cùng. Tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó để giúp cho các em có những bữa ăn học đường chất lượng hơn, cải thiện vóc dáng của trẻ em Việt Nam hôm nay, những chủ nhân đất nước ngày mai,” nữ Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chân thành chia sẻ.

Khi tìm hiểu, bà được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025.”

Đề án đặt mục tiêu “nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp đối với cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh nhằm dự phòng các bệnh không lây nhiễm; thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp đối với trẻ em, học sinh, sinh viên.” Đây cũng chính là mục tiêu mà nữ Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH hướng đến.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký kết hợp tác.

 

BÀI 1: THÁCH THỨC KÉP VỀ DINH DƯỠNG TRẺ EM

BÀI 2: THỔI LUỒNG GIÓ MỚI

BÀI 3: NHÂN RỘNG MÔ HÌNH, TẠO CƠ SỞ CHO QUYẾT SÁCH QUỐC GIA

 

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng (2011-2020), Việt Nam tuy giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nhưng vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như tỷ lệ trẻ béo phì tăng nhanh, tỷ lệ suy dinh dưỡng chênh lệch lớn giữa các khu vực và tỷ lệ trẻ thiếu vi chất cao. Việt Nam đứng trước bài toán kép về dinh dưỡng trẻ em: vừa thiếu vừa thừa chất.

Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017-2020 của Bộ Y tế, sau 10 năm, Việt Nam đã đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và tăng chiều cao đặt ra trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020.

Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ suy dinh dưỡng giữa các khu vực, nhiều nơi còn ở mức rất cao so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Chiều cao người Việt vẫn còn khiêm tốn so với các nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ thiếu vi chất vẫn chưa đạt mục tiêu trong khi tỷ lệ trẻ béo phì lại tăng phi mã.

Cụ thể, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã giảm từ 29,3% (năm 2010) xuống 19,6% (năm 2020), chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới về vấn đề sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường (5-19 tuổi) giảm từ 23,4% (năm 20210) xuống 14,8%.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền.

Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn chênh lệch giữa các vùng miền và tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống ở mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015. Trong khi tỷ lệ này ở khu vực Đồng bằng sông Hồng là 11,2%, khu vực Đông nam bộ là 9,7% thì ở Tây Nguyên là 28,8%, khu vực miền núi phía Bắc thậm chí lên tới 37,4%, cao gấp gần 4 lần so với khu vực Đông Nam bộ.

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ở khu vực thành thị là 12,4%, nông thôn là 14,9%, miền núi là 38%, thuộc mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của WHO năm 2018.

Chiều cao trung bình của người Việt Nam đã tăng hơn 2 cm sau 10 năm (nam 168,1 cm; nữ 156,2 cm), vượt so với mục tiêu đề ra (nam 167 cm; nữ 156 cm) nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Thái Lan là 170,3 cm với nam, 159 cm với nữ; Singapore là 170 cm với nam và 160 cm với nữ…)

Tuy đạt kết quả rất tích cực về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, cải thiện chiều cao, song tình trạng thiếu vi chất như Vitamin A, sắt và kẽm dù có giảm nhưng đều chưa đạt được mục tiêu đặt ra.

Các chỉ số chưa đạt mục tiêu đặt ra.

Cụ thể, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đến năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam là 19,6% trong khi mục tiêu đặt ra là 15%. Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5% trong khi mục tiêu đặt ra là dưới 8%.

Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm tới 58% – xếp ở mức nặng về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, lên đến 67%. Ở khu vực thành phố tuy có thấp hơn (49%) nhưng vẫn ở mức nặng và hầu như không cải thiện trong năm năm qua (2015-2020).

Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em rất cao trên cả nước.

Theo Bộ Y tế, điều này cho thấy, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng mức nặng có thể giảm xuống song song với mức cải thiện điều kiện kinh tế xã hội, nhưng nếu không có các can thiệp đặc hiệu thì khó có thể giảm tiếp xuống mức trung bình.

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu “khống chế tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 5% ở nông thôn và dưới 10% ở thành phố lớn vào năm 2015 và tiếp tục duy trì đến năm 2020”. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ béo phì ở trẻ em không những không được khống chế mà còn gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi, cả ở thành thị và nông thôn.

Năm 2020, tỷ lệ thừa cân/béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị; 5,3% ở nông thôn). Tỷ lệ này ở lứa tuổi học đường rất cao, lên đến 19%, tăng gấp hơn 2,2 lần so với tỷ lệ 8,5% của năm 2010. Trong đó, khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Tỷ lệ trẻ béo phì ở lứa tuổi học đường.

Các chuyên gia y tế nhận định, những số liệu đã chỉ rõ Việt Nam đang phải đối mặt với cả hai vấn đề: thừa và thiếu dinh dưỡng. Trong khi thừa dinh dưỡng dễ dẫn đến các bệnh mãn tính thì thiếu dinh dưỡng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển trí não và thể chất của trẻ nhỏ, và đều để lại những hệ lụy lâu dài.

Theo Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trên là nhiều can thiệp dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của trẻ như bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng tại các hộ gia đình và trường học mới chỉ được triển khai trên diện hẹp. Việc tăng cường vận động/hoạt động thể chất cho trẻ vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về dinh dưỡng cho trẻ còn hạn chế. Kết quả điều tra cho thấy có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân. Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.

Vì thế, trong dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, một trong những giải pháp được Bộ Y tế xác định có vai trò quan trọng là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về dinh dưỡng, đặc biệt là trong các nhà trường và phụ huynh.

Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho trẻ của Trường Mầm non Sơn Ca khi thực hiện mô hình điểm. (Ảnh: PV)

Đây cũng là những vấn đề đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2019 khi quyết định triển khai đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 – 2025” (Đề án 41) khi mục tiêu của đề án là nâng cao hiểu biết về dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp đối với trẻ em, học sinh, sinh viên của cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên, trẻ em, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác y tế trường học; ít nhất 85% học sinh, sinh viên, giáo viên; ít nhất 50% cha mẹ học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đối với việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm. Có ít nhất 90% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú cung cấp bữa ăn tại trường học đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định; 100% cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các các quy định về hoạt động thể lực thông qua các hoạt động chính khóa và ngoại khóa. 

Theo ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau hơn một năm triển khai đề án, nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong việc xây dựng và chỉ đạo thực thi chính sách; hiểu biết và thực hành của giáo viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực đã được nâng lên.

Đi kèm với bữa ăn đủ chất là một hộp sữa tươi đảm bảo chất lượng mỗi ngày.

Đề án đã nhận được sự chung tay của nhiều đơn vị, trong đó Tập đoàn TH là đơn vị tiên phong, đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện mô hình điểm “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”.

Từ thực tế trẻ em thành thị có sự phát triển khác biệt với trẻ em nông thôn và trẻ em vùng dân tộc thiểu số, 10 trường thuộc 10 tỉnh thành với các đặc tính vùng miền địa lý khác nhau đã được chọn để triển khai mô hình này, gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, An Giang trong năm học 2020-2021. Ở mỗi địa phương cũng xác định cụ thể 10 trường để làm cơ sở đối sánh.

Xác định sự thiếu thực hành, nhận thức chưa đầy đủ về dinh dưỡng và vận động từ phía phụ huynh và nhà trường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thấp còi hoặc thừa cân ở trẻ nhỏ, mô hình đã thực hiện đúng theo tinh thần của Đề án 41 trong phát triển thể chất cho trẻ là tác động toàn diện: kết hợp dinh dưỡng và vận động, nhà trường và phụ huynh, lý thuyết và thực hành.

Học sinh được học kiến thức về dinh dưỡng. (Ảnh: PV)

Theo đó, các trường thí điểm sẽ thực hiện chế độ bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, bổ sung dưỡng chất từ sữa tươi sạch, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực, đồng thời được tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng cho mọi đối tượng, từ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và thay đổi thói quen thực hành ăn uống lành mạnh của trẻ.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, cho biết TH đã ký hợp đồng với những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu Nhật Bản, kết hợp với những chuyên gia Việt Nam để thí điểm chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp với thể trạng của người Việt. Mô hình đã xây dựng hàng trăm thực đơn mẫu phù hợp cho từng lứa tuổi và các mùa ở từng vùng địa lý khác nhau, đảm bảo cân đối chế độ dinh dưỡng, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực, giúp trẻ hình thành chế độ ăn lành mạnh, chế độ vận động tích cực. Đặc biệt, một khẩu phần hợp lý sữa tươi sạch đã được bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của toàn bộ các học sinh tại các trường tham gia mô hình điểm.

Các trường học được tập huấn kỹ càng bởi các chuyên gia dinh dưỡng và thể chất, được trang bị bếp ăn, dụng cụ phù hợp cho các bữa ăn tại trường cũng như các mô hình, đồ chơi giúp vận động thể lực. Chương trình giáo dục dinh dưỡng được triển khai cho các giáo viên, nhân viên bếp, kế toán ăn và cho cả các em học sinh.

Mô hình điểm kết hợp chặt chẽ dinh dưỡng và vận động thể lực giúp trẻ phát triển toàn diện. (Ảnh: PV)

Các phụ huynh cũng được tập huấn về đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong các bữa ăn tại nhà, vai trò của vận động đối với sức khỏe của trẻ. Mô hình đặt mục tiêu trên 80% học sinh có ít nhất 60 phút hoạt động thể lực mỗi ngày, theo đúng khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo bác sỹ, tiến sỹ Từ Ngữ, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, tính toàn diện và sự giám sát định kỳ của các nhà chuyên môn là điểm mới tích cực của mô hình này so với những nghiên cứu, hoạt động đẩy mạnh bữa ăn học đường đã từng có trước đây. Nguồn dưỡng chất toàn diện từ sữa tươi sạch bổ sung trong thực đơn hàng ngày của trẻ cũng là một điểm đáng chú ý khi triển khai mô hình. Sữa tươi nguyên chất chứa các protein ở dạng “hoàn chỉnh” mang đến lợi ích trực tiếp cho quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Khi được uống sữa tươi thường xuyên, trẻ sẽ tăng trưởng và phát triển, đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ.

Mô hình được triển khai bài bản, từ khảo sát thực tế đến tập huấn, hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ triển khai với sự theo sát của các chuyên gia, có giám sát, đánh giá, đối sánh, thậm chí có tính đến cả yếu tố văn hóa, tự nhiên, xã hội của địa phương. Đây là một thực nghiệm quan trọng, toàn diện, đưa ra được các giải pháp cần thiết, khả thi cho vấn đề dinh dưỡng và phát triển thể lực, trí lực cho trẻ.

Ngần ngại mãi, anh Nguyễn Đăng Lư hít một hơi thật sâu rồi mạnh dạn bước vào khu nhà bếp của Trường Tiểu học Tô Múa (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) để… xin thực đơn.

Từ ngày Trường Tiểu học Tô Múa áp dụng thí điểm mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, buổi tối về nhà, bé Nguyễn Gia Bảo con anh cứ chê cơm bố nấu không ngon như các cô ở trường.

“Cảnh gà trống nuôi con, sợ chăm con không được chu đáo nên dù hơi ngại tôi vẫn lên trường xin các cô công thức và thực đơn. Tôi chẳng thể nấu màu sắc, hấp dẫn được như ở trường nhưng ít ra, giờ tôi biết cách sắp xếp các loại thực phẩm phù hợp và đủ dinh dưỡng hơn”, anh Lư chia sẻ.

Theo thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Múa, từ khi trường tham gia mô hình điểm, mỗi bữa ăn có giá 15.000 đồng nhưng có hôm lên đến 4 món nên học sinh ăn rất ngon miệng và thích thú. Đặc biệt, do thực đơn phong phú, khâu chế biến cũng được đào tạo bài bản hơn nên các món rau được chế biến ngon hơn, các em không còn “sợ” rau.

Bữa ăn của học sinh Trường Tiểu học Tô Múa (Sơn La) trong chương trình mô hình điểm. (Ảnh: PV)

“Điều quan trọng hơn nữa là sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh như anh Lư và của cả đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường về dinh dưỡng cho con trẻ. Từ đó, học sinh được chăm sóc tốt hơn không chỉ ở trường mà cả ở nhà,” thầy Thự hào hứng nói.

Nhớ về những ngày đầu tham gia dự án, thầy Thự cho biết, trường đã gặp rất nhiều khó khăn khi đời sống kinh tế xã hội của một xã miền núi như Tô Múa còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng được theo yêu cầu mong muốn của mô hình điểm, nhất là về giáo dục thể chất. Bên cạnh đó, nhận thức của đội ngũ giáo viên về dự án cũng chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, trường đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các đơn vị thực hiện Mô hình điểm. Những buổi tập huấn chuyên môn của chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia thể lực đã giúp cho cán bộ, giáo viên hiểu hơn về ý nghĩa của dự án với việc phát triển thể chất cho trẻ.

Cán bộ nhà bếp được đào tạo về nấu ăn, bữa ăn bình thường phụ huynh đóng 12.000 đồng nay được Mô hình điểm hỗ trợ thêm 3.000 đồng và sản phẩm sữa tươi để đảm bảo đủ dinh dưỡng theo nghiên cứu về khẩu phần của các chuyên gia dinh dưỡng. Nhà trường được trang bị thêm dụng cụ cho học sinh tăng cường vận động. Cả học sinh và phụ huynh cũng được bồi dưỡng về kiến thức dinh dưỡng và thể chất nên sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh thuận lợi hơn rất nhiều.

Không chỉ có những bữa ăn ngon, đủ chất, mô hình còn hỗ trợ học sinh sữa tươi mỗi ngày. (Ảnh: PV)

“Vì thế, vượt qua những e ngại ban đầu, trường đã nhận được sự ủng hộ của giáo viên, phụ huynh và khi triển khai đã thực hiện được toàn diện. Nếu trước đó, có 90/125 học sinh ăn bán trú ở trường, số còn lại tự mang cơm nhà, thì chỉ sau 9 tuần thực hiện mô hình thí điểm, toàn trường có 123/125 học sinh ăn bán trú,” thầy Thự chia sẻ.

Tương tự, tại trường mầm non Sơn Ca (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi), thực đơn được xây dựng dựa trên thực phẩm sẵn có ở địa phương và được thay đổi theo từng tuần với sự tham vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.

Theo cô Phan Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường, bữa cơm của trẻ nhiều món hơn, có đủ canh, rau, món mặn- trong đó rau xanh được bổ sung nhiều hơn. Nếu như trước đây, bữa trưa của các con chủ yếu là ăn cơm thì nay chế biến thêm các món phở, miến, mỳ Ý để thay đổi khẩu vị và khiến trẻ háo hức, thích ăn, ăn tốt hơn.

Quan sát bữa ăn của trẻ ở Trường Mầm non thực hành Hoa Hồng, trường đại diện tham gia dự án ở Hà Nội, phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận định bữa ăn đã đáp ứng được tới 95% theo tiêu chuẩn đề ra. Theo bà Nhung, bữa ăn của học sinh không chỉ phải đáp ứng tiêu chí năng lượng mà còn có tiêu chí về các vi chất dinh dưỡng khác, vì vậy bữa ăn phải đa dạng, có trên 10 loại thực phẩm, trong đó có sữa tươi và các chế phẩm từ sữa tươi.

Cán bộ, giáo viên, phụ huynh và đặc biệt là cán bộ nhà bếp của các trường tham gia mô hình điểm được tập huấn về dinh dưỡng cho trẻ. Các trường cũng được hỗ trợ trang thiết bị, được hướng dẫn, giám sát trong quá trình thực hiện. (Ảnh: PV)

Không chỉ can thiệp về  dinh dưỡng, mô hình điểm cũng đảm bảo yêu cầu quan trọng là trẻ được vận động thể lực ít nhất 60 phút mỗi ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, với các hoạt động phù hợp.

Theo tiến sỹ Đào Thị My, Hiệu trưởng Trường mầm non thực hành Hoa Hồng, tham gia mô hình, trẻ được vận động nhiều hơn trong các buổi học. Những bài tập vận động được thiết kế khoa học và vui nhộn bởi các chuyên gia với những giáo cụ nhiều màu sắc vừa giúp tăng thể lực cho trẻ, rèn luyện sự khéo léo, dẻo dai, vừa giúp trẻ có tinh thần thoải mái hơn, năng động hơn.

Đây cũng là chia sẻ của cô Phan Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca. Theo cô Thuận, các bài tập vận động giúp trẻ tiêu hao năng lượng nhiều hơn, nhanh đói bụng hơn.

Kiến thức về dinh dưỡng được giáo viên lồng ghép dạy cho trẻ thông qua các bài học hàng ngày, như các bài học vận động với mô hình rau củ quả, giúp trẻ dần ý thức được vai trò của từng loại thực phẩm và háo hức chờ đến bữa ăn, ăn ngon hơn.

Học sinh được tăng cường vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp, được nghiên cứu và hướng dẫn bởi các chuyên gia về thể chất. (Ảnh: PV)

“Trẻ em cần được vận động ít nhất 60 phút mỗi ngày, càng tốt hơn nếu là vận động ngoài trời. Đó là yêu cầu mà chúng tôi nỗ lực thực hiện khi nhà trường triển khai mô hình”, cô Thuận chia sẻ.

Tăng cường vận động cho trẻ nhiều hơn cũng là điều các cán bộ, giáo viên Trường Mẫu giáo mầm non quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng luôn cố gắng thực hiện kể từ khi tham gia Mô hình điểm. “Trẻ có nhiều thời gian vận động hơn và có một số trò chơi vận động mới lạ, kết hợp với một số đồ dùng thiết bị của đề án nên các con rất thích,” cô Nguyễn Thị Trang, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), đối với trẻ nhỏ, khẩu phần ăn, chế độ ăn rất quan trọng.

Đánh giá cao mô hình điểm, bà Hiền nhận định việc có chế độ dinh dưỡng hợp lý, có bổ sung thêm sữa tươi trong khẩu phẩn ăn, kết hợp với các bài tập vận động thường xuyên của học sinh trong nhà trường đã giúp trẻ ngày càng phát triển về tầm vóc và thể lực.

Điều này đã được minh chứng rất rõ qua những thay đổi về các chỉ số cân nặng, chiều cao của trẻ ở các trường thực hiện Mô hình điểm (trường can thiệp) chỉ sau một năm, qua tham chiếu với các trường đối sánh (riêng Trường Tiểu học Phú Cát, tỉnh Thừa Thiên Huế không thực hiện được cân đo sau can thiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.)

Kết quả cân đo ở thời điểm đầu trước và sau khi triển khai dự án ở tất cả các trường can thiệp cho thấy cả 10 trường đều giảm tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì. Trong đó có trường giảm tới 5% như Trường Mầm non 1 (Hải Phòng) giảm tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì từ 15,89% xuống 10,07%. Tỷ lệ này ở Trường Tiểu học Lê Lợi (An Giang) giảm từ 50,87% xướng 46,74%.

Trong khi đó, ở các trường đối sánh, tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì đều tăng lên (trừ Trường Mầm non Hùng Vương, Hải Phòng)

Tương tự, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng ở hầu hết các trường can thiệp đều giảm. Còn ở nhiều trường không can thiệp, chỉ số này lại tăng lên hoặc có giảm nhưng mức độ giảm ít hơn so với trường can thiệp.

Bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng của các em nhỏ ở Trường Tiểu học Tô Múa. (Ảnh: PV)

Ví dụ, tại Thái Bình, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi ở Trường Mầm non Lê Tư Thành (trường can thiệp) giảm gần 2% nhưng tỷ lệ giảm ở Trường Mầm non Duyên Hà (trường đối sánh) chưa đến 1%.

Tại Sơn La, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng gầy còm và nhẹ cân ở Trường Tiểu học Tô Múa (trường can thiệp) đều giảm khoảng 3%, nhưng các tỷ lệ này ở trường đối sánh là Tiểu học Tây Tiến lại tăng nhẹ.

Theo thầy Ngô Tiến Thự, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Múa, những chỉ số là minh chứng rõ nhất cho thấy hiệu quả rõ rệt mà mô hình đem lại cho trường sau một năm triển khai.

Tại Hà Nội, tiến sỹ Đào Thị My, Hiệu trưởng Trường mầm non thực hành Hoa Hồng cũng phấn khởi cho biết: “Sau một năm áp dụng Mô hình điểm, đánh giá kết quả cuối năm học, chúng tôi hoàn toàn không có trẻ nhẹ cân, không có trẻ béo phì. Đó là điều rất đáng mừng.”

Báo cáo tổng kết dự án sau một năm thực hiện cho thấy mô hình đã đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trên cả ba phương diện: dinh dưỡng, thể chất và truyền thông.

Cụ thể, trong hoạt động truyền thông, 100% cán bộ quản lý, nhân viên nhà bếp, y tế và 94,4% giáo viên được truyền thông hoặc tập huấn nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý, nguyên tắc xây dựng khẩu phần ăn. Có 97,9% phụ huynh học sinh được truyền thông về lợi ích của dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đối tượng thụ hưởng với trên 90% ý kiến khảo sát đánh giá hữu ích, trong đó 77% phụ huynh, 87% nhân viên y tế, 70% nhân viên nhà bếp và gần 60% giáo viên đánh giá ở mức rất hữu ích. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 95,4% phụ huynh học sinh đã phối hợp với nhà trường trong việc tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ.

Cán bộ nhà bếp được dạy về dinh dưỡng và nấu ăn đảm bảo dinh dưỡng. (Ảnh: PV)

Về bữa ăn học đường, mô hình đã cung cấp 400 thực đơn được xây dựng cân đối, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, phù hợp với khẩu vị, đạt được sự yêu thích của học sinh và gia đình. Mô hình khuyến khích bếp ăn các trường sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên sẵn có tại địa phương.

Về hoạt động thể chất, mô hình đã xây dựng được hai nhóm bài tập và trò chơi tăng cường hoạt động thể lực phù hợp lứa tuổi, thu hút được sự tham gia tích cực của trẻ.

Các số liệu điều tra về dinh dưỡng và thể chất cuối kỳ cho thấy các hoạt động của mô hình đã có tác động tốt đến sự phát triển tầm vóc và thể lực của trẻ (ít nhất 95% học sinh mẫu giáo và tiểu học đạt chuẩn thể lực theo đánh giá của mô hình).

100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bếp và y tế cho rằng các hoạt động của Mô hình đã góp phần nâng cao sức khỏe và tầm vóc cho trẻ. Gần như 100% phụ huynh hài lòng với sự thay đổi tích cực của con mình.

Bên cạnh niềm vui khi các chỉ số trẻ thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng được cải thiện, theo lãnh đạo các trường, điều quan trọng hơn và có giá trị lâu dài, bền vững hơn là mô hình đã thổi một luồng gió mới, làm thay đổi không chỉ các bữa ăn, các hoạt động thể lực cho trẻ mà thay đổi cả trong cả tư duy, tầm nhìn về dinh dưỡng học đường, thể chất học đường của toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh.

Mô hình còn tác động thay đổi nhận thức của phụ huynh về dinh dưỡng, giúp trẻ không chỉ được chăm sóc tốt ở trường mà cả ở nhà. (Ảnh: PV)

Từ sự thay đổi trong nhận thức, mỗi cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh đều có sự thay đổi trong hành động khi biết chú trọng hơn đến vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho bản thân, cho gia đình trong cuộc sống hàng ngày, từ những việc nhỏ nhất như lựa chọn thực phẩm cẩn trọng hơn, đa dạng hơn, chọn cách chế biến đảm bảo dinh dưỡng hơn. Theo đó, phạm vi tác động của mô hình không chỉ trong các nhà trường mà lan tỏa ra toàn xã hội, đối tượng thụ hưởng không chỉ có các em học sinh mà cả cộng đồng.

Đánh giá về Mô hình sau một năm thí điểm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Mô hình đã thực sự thành công, là bước đi bài bản và sáng tạo trong thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình điểm đã giải quyết bài toán kép vừa thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì, vừa thiếu dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng lâu dài đến tầm vóc người Việt.”

Trước những kết quả đạt được của Mô hình sau một năm triển khai, tiến sỹ Đàm Quốc Chính, Giám đốc văn phòng Ban điều phối Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 cho rằng Mô hình như một cuộc cách mạng tại Việt Nam về dinh dưỡng học đường khi kết hợp vấn đề dinh dưỡng với tăng cường thể lực cho trẻ em, học sinh.

“Trước đây chúng ta mới chỉ có các nghiên cứu riêng về dinh dưỡng hoặc riêng về thể chất. Trên thế giới mới có một số nước thực hiện các mô hình tiếp cận cùng lúc cả 3 yếu tố: dinh dưỡng, thể lực và nguồn lực/nhân lực thực hiện. Mô hình điểm có cả 3 yếu tố đó và còn làm tốt hơn ở hoạt động truyền thông thay đổi nhận thức đến tận gia đình và nhà trường. Thành công đó cần được duy trì bằng chính sách”, ông Chính nói.

Với những hiệu quả tích cực sau một năm triển khai mô hình điểm “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, lãnh đạo các trường và các địa phương đều bày tỏ mong muốn mô hình sẽ tiếp tục được triển khai và nhân rộng để mọi học sinh đều được thụ hưởng những lợi ích mà mô hình mang lại. Từ đó, cải thiện được các chỉ số về dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam, cải thiện tầm vóc người Việt trong tương lai và hạn chế các bệnh không lây nhiễm.

Là hiệu trưởng một trường trực tiếp thụ hưởng dự án trong suốt một năm qua, đồng hành cùng mọi hoạt động của dự án và nhận thấy rõ rệt sự thay đổi về tinh thần và thể chất của trẻ, thay đổi trong nhận thức về vấn đề dinh dưỡng học đường của đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, tiến sỹ Đào Thị My, Hiệu trưởng Trường mầm non thực hành Hoa Hồng chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đề án kéo dài để có thể chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho trẻ.”

Với những địa phương khu vực miền núi vốn còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, sự quan tâm và hiểu biết của người dân về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ chưa được đầy đủ, mong mỏi nhân rộng mô hình càng lớn hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, học sinh miền núi thường không được ăn phong phú như ở miền xuôi. Do vậy, việc áp dụng hàng trăm thực đơn, với nhiều loại thực phẩm phong phú, hàng ngày bổ sung dinh dưỡng cân bằng từ sữa tươi, như ở Trường Tiểu học Tô Múa, đơn vị thụ hưởng dự án, đã khiến học sinh rất hào hứng.

Niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Tô Múa, Sơn La khi được ăn bữa ăn ngon, đủ chất và uống sữa tươi. (Ảnh: PV)

Ông Chiến cho rằng khi áp dụng mô hình, tác động lớn nhất là thay đổi nhận thức của thầy cô và cha mẹ. Thay vì lo cho học sinh ăn đủ, ăn no, phụ huynh và các nhà trường biết cân bằng giữa các thực phẩm để đủ dinh dưỡng.

Lãnh đạo ngành giáo dục Sơn La cho biết trên địa bàn tỉnh có khoảng 50.000 học sinh trong diện được hưởng chế độ bán trú nhưng hiện chỉ có 178 trường bán trú, đáp ứng cho khoảng 1/3 nhu cầu học sinh. Phần lớn số học sinh còn lại phải thuê trọ, ở nhà người quen hoặc tự lo ăn trưa. “Vì thế, không chỉ dừng lại ở việc thí điểm tại hai trường, chúng tôi rất mong muốn được áp dụng ở nhiều trường hơn nữa trong tỉnh”, ông Chiến nói.

Bày tỏ sự tâm đắc với mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, ông Vũ Văn Trà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho rằng, với mô hình này, thực đơn được các chuyên gia dinh dưỡng hỗ trợ xây dựng đảm bảo dinh dưỡng và vi chất cần thiết cho trẻ, phối hợp với các thực phẩm sẵn có tại địa phương để tập cho trẻ thói quen ăn uống đa dạng. Các nhà trường có phần mềm tính toán các bữa ăn làm sao đủ dinh dưỡng, phù hợp với mức đóng của phụ huynh học sinh và điều kiện thực tế trên địa bàn, đồng thời tận dụng tối đa cơ sở vật chất và lựa chọn hoạt động phù hợp cho trẻ vận động.

“Chúng tôi sẽ tổng kết đề án và nhân rộng ra toàn thành phố đối với toàn bộ hệ thống các trường mầm non của thành phố Hải Phòng,” ông Trà nói.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Thanh Quốc cho hay mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách còn hạn chế, nhưng ngân sách dành cho đề án Bữa ăn học đường cũng như Sữa học đường đã được tỉnh hoạch định sẵn cho đến năm 2024.

Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng của học sinh Quảng Nam khi tham gia mô hình điểm. (Ảnh: PV)

“Chúng ta không thể dạy và cung cấp kiến thức cho trẻ với tình trạng cơ thể trẻ gầy gò, ốm yếu. Tôi đánh giá cao Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khi thay đổi vấn đề giáo dục thể chất, đặc biệt là bắt đầu từ trẻ mầm non, tiểu học. Chúng ta phải chuẩn bị cho trẻ một cơ thể mạnh khỏe thì trẻ mới học tốt và tiếp thu kiến thức tốt”, ông Quốc chia sẻ.

Ông Quốc cũng đánh giá cao giá trị dinh dưỡng của sữa tươi, được thể hiện trong những con số tổng kết sự phát triển thể lực, tầm vóc của trẻ sau một năm học triển khai mô hình điểm cũng như của cả chương trình Sữa học đường tại Quảng Nam.

Là người quản lý trực tiếp đối với Trường Mầm non Sơn Ca, đơn vị thụ hưởng dự án trong một năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) nhận định: “Sự đón nhận tích cực từ nhà trường, học sinh và phụ huynh mầm non Sơn Ca là bước khởi đầu để chương trình có thể được triển khai rộng trên cả nước, bởi đầu tư cho tầm vóc tương lai luôn là sự đầu tư xứng đáng!”

Nhìn từ góc độ chuyên gia, bác sỹ Từ Ngữ, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam đánh giá cao mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”.

Theo ông Ngữ, đã có nhiều nghiên cứu, hoạt động đẩy mạnh bữa ăn học đường nhưng các mô hình đó chưa thực hiện được tổng thể đánh giá bữa ăn đã được khoa học và hợp lý chưa. Nguyên nhân chủ yếu vì thiếu giám sát định kỳ của các nhà chuyên môn.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia giám sát bữa ăn của học sinh trong chương trình mô hình điểm. (Ảnh: PV)

“Bữa ăn học đường là một vấn đề khó khăn khi không phải cứ quy định là có thể thực hiện được mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như mức thu, kinh tế địa phương, kiến thức về dinh dưỡng. Ngoài ra còn cần sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và xã hội. Khi nhà trường làm một công việc khó khăn như vậy, nếu không được hỗ trợ tập huấn chuyên môn và giám sát định kỳ từ những chuyên gia thì sẽ vô cùng khó khăn để ngành giáo dục địa phương có thể quản lý thực hiện tốt bữa ăn học đường,” bác sỹ Từ Ngữ nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng nhược điểm này đã được khắc phục trong mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”.

“Mô hình điểm là một thực nghiệm quan trọng trong việc áp dụng các giải pháp cần thiết để có thể thực hiện một cách khả thi và toàn diện (thực đơn được áp dụng theo đúng thiết kế của chuyên gia) trong điều kiện thực tế của từng địa phương bằng việc khảo sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng, bếp ăn, nhân lực, trình độ chuyên môn, mức thu, thực phẩm, phong tục tập quán ăn uống và có thể xây dựng thực đơn khoa học, phù hợp với giá tiền. Trong trường hợp không đủ tiền thì đề án hỗ trợ. Đề án cũng hỗ trợ tập huấn, thực hành, theo dõi, giám sát với sự tham gia của các chuyên gia; tập huấn hội thảo phụ huynh học sinh để vận động xã hội và phụ huynh, giáo dục dinh dưỡng,” ông Ngữ phân tích.

Trước những đề xuất về việc nhân rộng mô hình, bác sỹ Từ Ngữ cho rằng cần phải trả lời rất nhiều câu hỏi để có thể thực hiện được điều này như nếu không có sự hỗ trợ kinh phí từ nhà tài trợ, các trường có duy trì được thực đơn bằng việc yêu cầu phụ huynh đóng thêm tiền? Việc mở rộng có đảm bảo sẽ được đánh giá định kỳ, bài bản, quản lý và giám sát? Cơ sở vật chất và nhân lực cần được đảm bảo như thế nào? Cần sự phối hợp ra sao giữa ngành y tế và giáo dục?…

“Mục tiêu mô hình điểm năm 2020-2021 là thử nghiệm, việc mở rộng các tỉnh thành cũng chính là mục tiêu của chương trình bữa ăn học đường trong đề án sức khỏe học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai. Giải quyết được những câu hỏi này cũng chính là chúng ta giải quyết những việc cần làm ngay để chuẩn hóa bữa ăn học đường,” bác sỹ Từ Ngữ nói

Theo bác sỹ Từ Ngữ, đã có những bài học cho vấn đề này như việc triển khai phần mềm dinh dưỡng học đường trước đây không hiệu quả mà chỉ được các trường thực hiện mang tính phong trào mỗi tuần một buổi, thực đơn không thực hiện đúng như thiết kế mà chỉ đảm bảo về cung cấp năng lượng.

Học sinh Quảng Nam được giáo dục về dinh dưõng và được thụ hưởng bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng khi tham gia mô hình điểm. (Ảnh: PV)

Ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề thừa cân, béo phì tăng nhanh ở trẻ hiện nay và cho rằng điều này báo động những bệnh tật rất nguy hiểm cho trẻ em như rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa. Vì thế, cần có một mạng lưới giám sát định kỳ dinh dưỡng như thế nào để đưa ra các số liệu cho phụ huynh học sinh, xã hội để có giải pháp can thiệp sớm.

Những băn khoăn của bác sỹ Từ Ngữ là hoàn toàn đúng khi trên thực tế, để triển khai ở 10 tỉnh trong năm học vừa qua, Mô hình đã có sự tài trợ rất lớn từ Tập đoàn TH với vai trò nhà đồng hành hỗ trợ phục vụ nghiên cứu. Đơn vị này hỗ trợ từ khâu khảo sát, đề xuất phương án tập huấn đến hỗ trợ kinh phí cải thiện cơ sở vật chất phục vụ bếp ăn, kinh phí mua trang thiết bị tập luyện thể thao đến hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các suất ăn, cung cấp miễn phí khẩu phần sữa tươi sạch, ở những vùng khó khăn. Ở những vùng này, mức đóng góp của phụ huynh rất thấp, chưa đủ chi phí cho các bữa ăn đạt chuẩn về calo, khẩu phần theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia.

Đồng tình với những kiến nghị, đề xuất nhân rộng Mô hình, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng và tin tưởng với cách làm bài bản, chặt chẽ, khoa học và có tính thực tiễn cao, Mô hình điểm sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, nhất là khi ngày 2/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký phê duyệt “Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025.”

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá cao những kết quả đạt được từ mô hình điểm. (Ảnh: PV)

Nội dung Chương trình gồm 5 điểm, trong đó có ba điểm tương đồng với nội dung thực hiện của mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, gồm: hoạt động thể chất, bữa ăn học đường và giáo dục tuyên truyền. Hai nội dung còn lại của Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025 là chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khỏe học sinh và ứng dụng công nghệ thông tin.

Về hoạt động thể chất, chương trình đặt mục tiêu 80% trường học bảo đảm trang thiết bị cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao; 85% trường học tổ chức hoạt động vận động thể lực phù hợp cho học sinh thông qua các hoạt động thể thao ngoại khóa, hình thức câu lạc bộ thể thao; 100% trường phổ thông có đủ giáo viên giáo dục thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ…

Về bữa ăn học đường, 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa; 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, trong đó 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% trường học ở khu vực nông thôn xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm. 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định.

Về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học, chương trình đặt chỉ tiêu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn; 95% cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học được tập huấn về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong trường học.

Chính phủ nêu rõ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu hợp pháp của các trường học theo quy định pháp luật.

Giải bài toán ngân sách, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng để nhân rộng mô hình “Bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam” đồng thời thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 cần sự vào cuộc của toàn xã hội bên cạnh sự đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ban, ngành và Tập đoàn TH. Bà Minh cũng đề nghị các địa phương cũng cần chủ động tìm kiếm các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ, truyền thông cho mô hình.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai tiếp mô hình tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong khi ngành giáo dục tiếp tục tìm kiếm thêm các đơn vị tài trợ, bà Thái Hương – nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cam kết tiếp tục đồng hành với chương trình để có thể triển khai tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước ở giai đoạn tiếp theo, đảm bảo các bữa ăn học đường có được bổ sung sữa tươi sạch và các sản phẩm từ sữa tươi trong bữa ăn đạt chuẩn theo quy định.

“Tôi thực sự hạnh phúc vì sự nỗ lực để các em ở lứa tuổi vàng có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, toàn diện thông qua bữa ăn học đường đã có kết quả. Các em có khỏe mới học tốt. Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai”, Nhà Sáng lập Tập đoàn TH chia sẻ trước những kết quả tích cực Mô hình mang lại. Bà Thái Hương cũng bày tỏ tin tưởng sẽ có nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng chung tay thực hiện cùng Bộ vì đây chương trình giàu tính nhân văn, mang ý nghĩa chiến lược quốc gia.

Bà Hương cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội đồng khoa học để đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất với Chính phủ ban hành quyết sách mạnh mẽ cho vấn đề dinh dưỡng học đường nhằm thực hiện cho được mục tiêu cải thiện thể lực và tầm vóc người Việt.

Khẳng định sự đồng hành đầy tâm huyết và trách nhiệm của Tập đoàn TH có vai trò đặc biệt trong sự thành công của dự án, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết ngành giáo dục sẽ tiếp tục khảo sát để nhân rộng mô hình, không chỉ gói gọn trong 20 tỉnh. Ngành cũng sẽ chú trọng số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ở từng địa phương, tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào các thực đơn dinh dưỡng, phù hợp với từng khu vực, vùng miền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình.

Những kết quả triển khai từ mô hình sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn để nhân rộng góp phần thực hiện Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”, đề xuất xây dựng chính sách về Dinh dưỡng học đường, hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040, góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ thế hệ tương lai.

Với trọng tâm giải bài toán kép vừa thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì, vừa thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi, đây thực sự là một chương trình có ý nghĩa thiết thực lâu dài, góp phần giải quyết căn cơ câu chuyện về tầm vóc người Việt. “Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai” – đó chắc chắn là tâm niệm không chỉ của riêng nhà Sáng lập Tập đoàn TH Thái Hương – nữ doanh nhân luôn tâm huyết với những triết lý kinh doanh của một người tử tế, của một người mẹ.

 

17/12/2021 02:52