Lấy chồng người Do Thái và sang Israel định cư được hơn 20 năm, nhiều năm qua gia đình chị Hồng Shurany luôn là địa chỉ để cộng đồng lao động và tu nghiệp sinh người Việt gửi gắm tình cảm và nỗi nhớ quê hương, nhất là vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Ngôi nhà nhỏ và mảnh vườn xinh xắn ở thành phố Netanya, miền Trung Israel, từ lâu đã là điểm gặp gỡ của nhiều người Việt đang làm việc, học tập tại Israel. Vừa trở về sau chuyến đi hơn 2 tuần về Việt Nam, chị lại tất bật vào bếp chuẩn bị bữa cơm để mời một số bà con người Việt đến nhà “ăn Tết sớm”. Cành đào làm bằng lụa được mang ra lau chùi để cắm lại. Lá cờ Việt Nam được treo lên. Những món ăn đơn giản, như giò lụa, nem, bún chả, bánh canh... nấu bằng những nguyên liệu mang từ Việt Nam sang khiến bữa cơm mang đậm hương vị quê hương. Chị tâm sự: Ở Israel để có một bữa cỗ đầy đủ hương vị Việt rất khó, mọi thứ đều thiếu thốn. Bánh chưng phải gói bằng lá chuối. May còn có nấm hương, mộc nhĩ vừa mang sang nên có bát canh đúng vị. Niềm vui được gặp gỡ cộng đồng, chuẩn bị một bữa cỗ đặc biệt giúp mọi người có được cảm giác quê hương đã giúp chị quên đi mệt mỏi sau chặng bay 16 tiếng đồng hồ từ Việt Nam và chênh lệch múi giờ với trong nước.

Chị Hồng vào bếp làm cơm mời bà con. 

 

Khách mời bao gồm một vài gia đình người Việt và một số thực tập sinh nông nghiệp mới sang Israel theo chương trình đào tạo của trung tâm đào tạo nông nghiệp quốc tế Agrostudies. Câu chuyện bên mâm cơm năm nay ngoài các phong tục truyền thống ngày Tết, những kỷ niệm Tết xưa, không thể không nhắc đến chủ đề chiến tranh. Chuyện nhà này nhà kia có người vào quân ngũ, chuyện tham gia các hoạt động tình nguyện, chuyện phòng tránh bom đạn, giữ an toàn cho bản thân, nhất là đối với các tu nghiệp sinh mới sang Israel học tập.

 

Cộng đồng người Việt tại Israel có khoảng 500 người, sống rải rác ở các địa phương ba miền bắc, trung, nam của Israel. Chiến sự nổ ra từ ngày 7/10/2023 đã kéo dài hơn 3 tháng, may mắn là cộng đồng vẫn bình an do hầu hết đều ở cách xa khu vực chiến sự. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh với tiếng còi báo động vẫn diễn ra hằng ngày ở khu vực biên giới giáp ranh với Dải Gaza và giáp với biên giới Liban, khiến nguy cơ mất an toàn luôn thường trực. Chị Hồng cho biết: “Nhiều năm sống ở Israel, tôi đã quen với bom đạn chiến tranh. Nhưng chưa bao giờ không khí khẩn trương như năm nay. Tôi rất lo, nhất là với các bạn trẻ mới từ Việt Nam sang, sống xa nhà và tâm lý chưa ổn định. Cậu con trai lớn của tôi cũng đang trong quân đội, phục vụ cho một đơn vị tác chiến kỹ thuật cao, nên rất chia sẻ”.

Công việc bận rộn, nhưng cứ đến dịp các sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức, như Tết cộng đồng hay kỷ niệm Quốc khánh 2/9, gia đình chị đều tham gia và hỗ trợ nhiệt tình, đặc biệt là các khâu hậu cần như chế biến món ăn, nấu bánh chưng, trang trí. Bản thân chị năng nổ với tư cách trong Ban liên lạc cộng đồng, vừa là một thành viên của cộng đồng người Việt tại Israel luôn hướng về quê hương đất nước. Nhận xét về chị Hồng, Đại sứ Lý Đức Trung cho biết: “Cộng đồng người Việt là một nhân tố quan trọng giúp kết nối, thúc đẩy sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Israel. Trong đó, bà Hồng Shurany là một trong những người luôn nhiệt tình tham gia và hỗ trợ Đại sứ quán trong các hoạt động chung của cộng đồng, là một hạt nhân tích cực, đóng góp vào sự thành công của Đại sứ quán về lĩnh vực ngoại giao nhân dân”.

Nhóm tu nghiệp sinh đón Tết tại nhà chị Hồng.

Không những vậy, gia đình chị Hồng Shurany còn là một trong những địa chỉ đón các lao động và tu nghiệp sinh đang làm việc, học tập tại Israel. Lần đầu tiên phải xa gia đình trong dịp Tết, ở một quốc gia cách hàng chục nghìn km với những phong tục tập quán khác lạ, các lao động và tu nghiệp sinh như lại được sống trong không khí và hương vị Tết ở Việt Nam. Lần nào cũng vậy, tự tay chị chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh chưng, làm mâm cỗ ngày Tết với các món ăn truyền thống để giúp các tu nghiệp sinh vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Chị Hồng trong một lần về thăm Việt Nam.

 

Thành công và coi Israel là quê hương thứ hai, chị Hồng Shurany vẫn luôn hướng về Việt Nam với niềm mong mỏi góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh và phát triển. Mỗi năm chị đều về Việt Nam 3-4 lần, để tham gia các hoạt động như làm từ thiện giúp đỡ đồng bào vùng cao, tham gia các hội nghị hội thảo về khuyến khích nguồn lực đầu tư của người Việt ở nước ngoài. Đặc biệt, chuyến đi nào chị cũng dành thời gian tới các vùng biên giới, hải đảo, để đưa các danh lam thắng cảnh của đất nước về giới thiệu, quảng bá tới người dân Israel.

Hiện chị Hồng Shurany đang đầu tư một số dự án nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, với quy mô hàng chục ha, tập trung trồng cây bơ, dứa được lấy giống và áp dụng quy trình công nghệ của Israel. Chị hy vọng trong vài năm tới sẽ mở rộng ra các tỉnh thành khác, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng năng suất và hiệu quả canh tác, tạo thêm công việc và thu nhập cho người dân địa phương.

Đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay đúng vào thời gian chiến tranh, việc đi lại, thăm hỏi lẫn nhau trong cộng đồng người Việt tại Israel có phần khó khăn hơn. Ban liên lạc Hội người Việt phối hợp với Đại sứ quán tổ chức các cuộc gặp mặt cộng đồng theo hình thức trực tuyến, để bà con cùng trao đổi, chia sẻ cuộc sống trong thời chiến và hỗ trợ giúp đỡ nhau nếu cần thiết.

Khi được hỏi chồng có lo lắng hay than phiền khi chị dành nhiều thời gian đi lại, tham gia công tác cộng đồng, chị cười cho biết: “Bao nhiêu năm qua ‘chàng rể Việt Nam’ luôn đồng hành, động viên và hỗ trợ vợ trong các công việc chung cũng như việc riêng, trở thành một hậu phương vững chắc để tôi thỏa sức tham gia các hoạt động cộng đồng. Trong các sự kiện gặp mặt cộng đồng, chồng và hai con tôi đều đến tham gia cùng. Mong ước của tôi là gia đình trở thành một nhịp cầu nhỏ gắn kết người dân hai nước, góp phần vào nỗ lực chung xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, tiềm năng, là điểm đến an toàn và hấp dẫn với khách du lịch Israel”.

 

Bài: VŨ HỘI (P/v TTXVN thường trú tại Israel)

Ảnh: NVCC

Trình bày: Bảo Hà

08/02/2024 06:15