Phụ nữ nước ta ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản cần xóa bỏ để thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ.

 

“Chèo lái” hoạt động của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bản Dao - Thống Nhất (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) từ những ngày còn “đánh kẻng tính công”, bà Nguyễn Thị Bình đã trở thành tấm gương phụ nữ lao động sáng tạo, đổi mới khi xây dựng được các sản phẩm tinh dầu đưa ra thị trường, tận dụng chính vùng trồng tại địa phương.

Từ những ngày đầu Hợp tác xã hình thành mới chỉ có 7 thành viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, với tổng vốn 86 triệu đồng. Thời điểm đó, trong vùng, người người trồng sả, nhà nhà trồng sả dẫn đến việc “cung quá cầu” không bán được, hoặc bán rẻ, thất thu. Một số chị em bỏ gia đình, đi tìm việc làm ở nơi xa.

Bà Nguyễn Thị Bình đã trăn trở tìm hiểu và trải nghiệm thị trường. Được biết cây sả còn có thể nấu thành tinh dầu, bà mạnh dạn thu mua hết cho bà con để thuê nấu tinh dầu. Khi sản phẩm bán được, chị em trong hợp tác xã vô cùng phấn khởi.

“Tôi lại nung nấu ý tưởng có được bộ dây chuyền sản xuất ngay tại hợp tác xã để đỡ công bốc vác, công chở, công thuê nấu... Năm 2019, nhận được nguồn hỗ trợ từ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chúng tôi mua sắm thiết bị và mở rộng kho xưởng chế biến tinh dầu. Chúng tôi đã thu mua hết số sả của chị em và nhân rộng diện tích trồng, để phục vụ cho dây chuyền nấu tinh dầu”, bà Bình chia sẻ.

Với mô hình sản xuất theo chuỗi từ cây giống - trồng - thu hoạch - bao tiêu và chế biến đi vào ổn định, năm 2020, sản phẩm tinh dầu sả chanh của hợp tác xã đã đạt “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”, năm 2021 sản phẩm tinh dầu đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đặc biệt, năm 2022, sản phẩm tinh dầu sả chanh của Hợp tác xã lại tiếp tục đạt “Sản phẩm công nghệ nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc”. Mô hình hợp tác xã của bà Nguyễn Thị Bình đã được nhiều chị em trong và ngoài tỉnh đến học hỏi, nhân rộng.

Cũng làm kinh tế thành công ngay tại địa phương, chị Nguyễn Thị Hiên (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã sản xuất ống hút tre thay thế ống hút bằng nhựa. Nhờ sự độc đáo của sản phẩm, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường, nên ống hút tre của gia đình chị Hiên nhanh chóng có uy tín trên thị trường, thậm chí có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và các nước Đông Nam Á, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại chỗ và khoảng trên 500 lao động thời vụ.

Những tấm gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, tham gia giải quyết việc làm cho người dân, những tấm gương doanh nhân nữ liên tục được tôn vinh cho thấy vai trò không nhỏ của lực lượng phụ nữ với sự phát triển của đất nước khi họ có môi trường tốt, cơ hội để phát huy.


 

Theo báo cáo của Liên hiệp Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số khởi nghiệp của phụ nữ là 15,5% so với của nam giới là 11,6%. Việt Nam hiện có 95.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm khoảng 21% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Xét về quy mô và kết quả kinh doanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ không hề thua kém các doanh nghiệp của nam giới. 

Các tầng lớp phụ nữ đang ngày càng vươn lên, từ tham gia công tác quản lý nhà nước, làm chủ doanh nghiệp, phát huy năng lực ở nhiều lĩnh vực  xã hội đến làm tốt hơn vai trò trong gia đình..., khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ đối với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Đánh giá về đóng góp của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới thời gian qua, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực cố gắng không ngừng của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. 

Cụ thể, điều này thể hiện qua những con số: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26% (cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội khóa V trở lại đây), hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia; có 50% bộ, cơ quan ngang bộ có nữ lãnh đạo chủ chốt.

Trong lĩnh vực khoa học, từ năm 2015 đến nay đã có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng thế giới. 

Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, các nữ cán bộ y tế, y bác sĩ và nữ nhân viên y tế đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản khó khăn, thậm chí cả hy sinh, mất mát, tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số kết quả tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9 trên tổng 58 nước, xếp thứ 2 trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu...

Trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023.

Phụ nữ trong lực lượng vũ trang Việt Nam cũng tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc... Bên cạnh đó, còn nhiều thành tựu khác, thể hiện vai trò, vị thế và sự đóng góp quan trọng của phụ nữ trên các lĩnh vực.

Cũng theo bà Hà Thị Nga, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chủ động triển khai, vận động phụ nữ tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhiều chương trình hiệu quả như: Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, đến nay đã có 11.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do COVID-19 đã được kết nối hỗ trợ, đỡ đầu; triển khai các Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; đồng thời tích cực phát huy vai trò của phụ nữ trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Thời đại công nghệ số phát triển cũng là cơ hội để phụ nữ mở rộng kiến thức, khẳng định vị thế của mình. Đặc biệt, ngày càng nhiều phụ nữ đứng trong hàng ngũ lãnh đạo, quản lý, trí thức và văn nghệ sĩ có ảnh hưởng đến xã hội… Điều này có ý nghĩa quan trọng trong công tác bình đẳng giới, khẳng định phụ nữ cần được tạo điều kiện hơn nữa để có thể phát huy, đóng góp trí tuệ, tài năng, công sức… đối với sự phát triển của đất nước.

Theo TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam ngày nay không chỉ là người phụ nữ của gia đình mà còn là người của xã hội với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam vẫn chịu sự trói buộc của những phân biệt đối xử mang tính lịch sử; phụ nữ phải gồng mình thực hiện các vai trò, cố gắng làm tròn bổn phận như xã hội kỳ vọng…

Các chuyên gia cho rằng, để phụ nữ tự tin, khẳng định vị thế của mình cần sự hành động của nhiều phía. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giới, bình đẳng giới, chính sách pháp luật liên quan đến phụ nữ. Các cấp, các ngành và mọi người dân nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, khả năng to lớn của phụ nữ trong xã hội.

Đặc biệt, thúc đẩy bình đẳng giới là trách nhiệm của cả phụ nữ và nam giới chứ không phải của riêng phụ nữ. Vì vậy, nam giới cần có ý thức thực hiện quyền và nghĩa vụ trong gia đình, vì sự tiến bộ của cả hai giới. 

Tại buổi đối thoại với phụ nữ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: Vẫn còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tiếp tục quán triệt một số quan điểm về công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…

Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đảm bảo cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước; tạo điều kiện để Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh, toàn diện, hướng về cơ sở; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp hội trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới…

Bài: Tạ Nguyên
Trình bày: Nguyễn Hà

20/10/2022 07:40