Những bước đi đầu tiên của Việt Nam trên con đường phát triển công nghiệp văn hóa đã thu được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như chưa khai thác đúng tầm các giá trị văn hóa để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thông qua công nghiệp văn hóa vẫn dừng lại ở chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia… Vì vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ gỡ bỏ những rào cản để các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể cất cánh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Từ những năm 2000, coi trọng yếu tố sáng tạo - nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển của quốc gia là xu thế lớn trên thế giới. Các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hoá đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới. Văn hóa được quan tâm nhiều hơn khi là tác nhân kích thích sự hình thành, tạo ra giá trị cho sáng tạo. Các ngành công nghiệp văn hóa trở thành lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Cứ mỗi dịp hoa anh đào nở, lễ hội ngắm hoa "Hanami" tại Nhật Bản lại thu hút đông đảo người tham gia.

Bản đồ toàn cầu đầu tiên về Công nghiệp văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015 công bố: Năm 2017, công nghiệp văn hóa và sáng tạo có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD; tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. Ðặc biệt hơn, đây là ngành công nghiệp trẻ khi có tới gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15 - 29 (nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào).

Công nghiệp sáng tạo được xem là chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Á. Thống kê của UNESCO, châu Á với nhiều quốc gia mà công nghiệp văn hóa và sáng tạo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ đã trở thành thị trường công nghiệp sáng tạo lớn nhất thế giới, vượt cả châu Âu và Bắc Mỹ. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu văn hóa cũng nằm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia.

Theo Ngân hàng thế giới, năm 2019, tỷ lệ đóng góp doanh thu của công nghiệp văn hóa (bao gồm cả du lịch văn hóa) trong tổng doanh thu toàn cầu là khoảng 4,04%; đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới, lao động có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung.
Tiến sỹ Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Khu vực Đông Bắc Á, tiêu biểu là Nhật Bản và Hàn Quốc, công nghiệp văn hóa đóng góp nguồn thu nhập lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cụ thể, Nhật Bản đầu tư trọng điểm vào các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu hằng năm khoảng 7%, thu hút 5% nhân công lao động. Nước này tập trung vào các lĩnh vực nổi bật là truyện tranh (Manga, Anime), phim hoạt hình với doanh thu hợp đồng bản quyền và các sản phẩm có liên quan.

Các buổi hòa nhạc của nhóm nhạc nam đình đám BTS luôn trong tình trạng "cháy vé" trên toàn thế giới. BTS không chỉ gặt hái được doanh thu khổng lồ, mà còn đem lại cho nền kinh tế Hàn Quốc nhiều lợi ích to lớn.

Còn tại Hàn Quốc đã nổi tiếng với chiến lược xuất khẩu văn hóa đại chúng, phim ảnh và ca nhạc từ những năm 1990. Sau đó, nước này tạo ra hiệu ứng thu hút phát triển du lịch mạnh mẽ cùng các sản phẩm văn hóa liên quan như ẩm thực, trang phục, mỹ phẩm... mang thương hiệu Hàn Quốc. Đóng góp của công nghiệp văn hóa cho GDP là hơn 6%. Đặc biệt, công nghiệp văn hóa Hàn Quốc được đánh giá cao về khả năng tiếp cận, lan tỏa sâu rộng, đa chiều đến người dùng trong và ngoài nước, đóng góp lợi nhuận cao...

Qua các ví dụ trên cho thấy, công nghiệp văn hóa có khả năng đem lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể, là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam là: Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3% cho GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.  Cụ thể điện ảnh đạt 150 triệu USD. Nghệ thuật biểu diễn đạt 16 triệu USD. Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt 80 triệu USD. Quảng cáo đạt 1.500 triệu USD. Du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã nêu rõ ngành nghề, công nghiệp văn hóa gồm ngành sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ tin tức, vui chơi giải trí, đào tạo văn nghệ sỹ và kinh doanh tác phẩm nghệ thuật, phát hành, xuất bản, phát thanh truyền hình, điện ảnh, video, quảng cáo...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Nhiều bộ phim ra đời như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Bố già”, “Mắt biếc”... thậm chí có doanh thu hơn hẳn so với những bộ phim bom tấn của Mỹ. Nhiều bài hát của các ca sỹ như Sơn Tùng MTP, Hoàng Thùy Linh... cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả thông qua việc khai thác giá trị văn hóa Việt Nam.

Bộ phim “Mắt biếc” đạt giải Bông sen Vàng thể loại phim Truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII.

Mới đây, tại hội thảo khoa học đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP thì sau 3 năm triển khai, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đang ở mức trung bình của thế giới và dư địa phát triển vẫn còn nhiều. Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, thậm chí tạo nên hướng đột phá trong phát triển kinh tế tri thức, kinh tế văn hóa để phát triển kinh tế theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa đang từng bước tạo nên sự gắn kết bền vững trong phát triển đất nước thông qua việc góp phần tái tạo các thành phố, cải thiện cuộc sống đô thị; giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng và khu vực. Số lượng các không gian văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật ngày càng nhiều, tăng lên về cả chất lượng và số lượng các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân nhiều thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt... Theo nghiên cứu của Hội đồng Anh, từ năm 2014 đến năm 2018, số lượng không gian sáng tạo ở Việt Nam tăng từ 60 đến 140 trung tâm.

Đáng chú ý là nhiều khu vực nhà máy cũ, khu công nghiệp, khu vực kém phát triển tại nhiều đô thị được nghiên cứu, đề xuất và thử nghiệm chuyển đổi công năng thành các trung tâm sáng tạo, không gian văn hóa nghệ thuật. Các không gian này góp phần quan trọng trong việc phát triển bối cảnh văn hóa sáng tạo đương đại của thành phố nói chung và giới trẻ yêu nghệ thuật, văn hóa nói riêng. Có thể kể đến trường hợp của tổ hợp Complex 01 ở phố Tây Sơn (Hà Nội), điểm đến yêu thích hiện nay của giới trẻ, vốn là một xưởng in cũ. Không gian sáng tạo về thiết kế 282 Design ở phố Phú Viên (Gia Lâm, Hà Nội), trước là nhà máy sản xuất mũ cối hiện đã là một địa điểm tổ chức các sự kiện thiết kế, triển lãm nghệ thuật, tọa đàm về thiết kế nội thất gỗ. Hanoi Creative City trên thực tế được vận hành ở một tòa nhà xây trên nền tòa nhà Kim khí Thăng Long...

Quảng bá nghệ thuật truyền thống trong không gian phố đi bộ của Hà Nội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng: Phát triển công nghiệp văn hóa còn là con đường để thúc đẩy sự “tiến bộ và phồn vinh của văn hóa dân tộc”. Ngành công nghiệp văn hóa tạo cơ hội học tập cho nhiều người, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền. Bởi lẽ, Việt Nam có 54 dân tộc anh em với kho tàng di sản vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng... Tất cả đều có thể trở thành chất liệu sáng tạo, mang đến sản phẩm văn hóa nghệ thuật vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật.

Vào năm 2004, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời, cho đến nay, mạng lưới này đã phát triển đáng kể. Năm 2017 có 180 thành phố trong Mạng lưới thì năm 2019 đã tăng lên 264 thành phố. Năm 2021, danh sách đã tăng lên 295 thành phố sáng tạo từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới được công nhận nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

Mạng lưới tập trung vào 7 lĩnh vực sáng tạo, gồm: Thiết kế; văn học; âm nhạc; thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian; ẩm thực, điện ảnh và nghệ thuật truyền thông. Vào năm 2019, các thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian chiếm đa số (20%). Các loại hình khác như: Âm nhạc (chiếm 19%), thiết kế (16%), văn học (16%), ẩm thực (15%), điện ảnh (7%) và nghệ thuật truyền thông (7%).

Tháng 10/2019, Thủ đô Hà Nội vinh dự trở thành một trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tháng 10/2019, Thủ đô Hà Nội vinh dự trở thành một trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới này về lĩnh vực thiết kế. Việc này đã tạo động lực cho một số thành phố có khả năng khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) phấn đấu nhằm hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống của UNESCO.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá: Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến của Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục; góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tour đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" đem đến cho du khách những cảm nhận mới, lắng đọng và đầy tự hào trong không gian linh thiêng, lưu dấu ngàn năm lịch sử của khu di sản.

Qua 4 lần điều chỉnh địa giới và 7 lần quy hoạch, Thủ đô đã mở rộng gấp 22 lần diện tích cũ. Chính sự mở rộng này đã mang lại cho Hà Nội bản sắc mới, tạo thêm nguồn lực quan trọng cho phát triển, đặc biệt là tái thiết đô thị và gia tăng nguồn lực văn hóa khi văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác phát huy được giá trị đặc sắc và tinh túy, phát triển hài hòa, tạo nên dòng sinh khí mới, đưa Thủ đô cất cánh. Bên cạnh duy trì bản sắc truyền thống, Hà Nội đang trở thành “vườn ươm” sáng tạo trên khắp đất nước và đặc biệt thu hút giới trẻ. Có thể nói, Hà Nội luôn nhận biết được giá trị truyền thống, giá trị hiện đại để tạo hình ảnh, diện mạo mới cho chính mình.

Những năm gần đây, Hà Nội bắt đầu từng bước phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm của Hà Nội, chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố. Trong đó, giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi, giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP. Giá trị kinh tế tuy chưa cao, nhưng đây là tiền đề mở ra nhiều triển vọng thu hút đầu tư khi Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Những thiếu nữ với tà áo dài trắng chụp ảnh bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ giao chủ trì thực hiện xây dựng Đề án Phát triển Mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Đây là một trong những nhiệm vụ nằm trong Chương trình hành động của Chính phủ giao Bộ chủ trì nhằm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án tập trung nghiên cứu khả năng tham gia của một số thành phố có tiềm năng sáng tạo tại Việt Nam.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “Thành phố sáng tạo” không chỉ là thương hiệu, danh hiệu, mà khi tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống của UNESCO, các thành phố đó đã đặt văn hóa, sự sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển, chìa khoá của quy hoạch phát triển đô thị. Từ đó, khẳng định vị thế, làm cho các thành phố an toàn, có khả năng phục hồi, hòa nhập, bền vững, người dân hạnh phúc và phát triển.

Trình diễn nghệ thuật dân gian tại Tuần lễ Festival Huế 2022.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, để tham gia Mạng lưới, các thành phố cần xác định một lĩnh vực thế mạnh dựa trên các tiêu chí như chính sách, biện pháp lồng ghép văn hóa, sáng tạo vào các kế hoạch phát triển bền vững, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, phát triển hợp tác công - tư, không gian sáng tạo, mở rộng cơ hội cho những người thực hành sáng tạo, nâng cao việc tiếp cận, tham gia đối với các nhóm, cá nhân yếu thế, dễ bị tổn thương… Bên cạnh đó, các thành phố cần xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể nhằm triển khai đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, tăng cường kết nối quốc tế, tạo dựng thương hiệu sáng tạo cho thành phố phát triển bền vững trong tương lai.

Vào tháng 8/2022, tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất để thành phố Đà Lạt xây dựng hồ sơ, đề án tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam nằm trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực âm nhạc. Đây là thành phố được đánh giá là tạo ra ấn tượng khác biệt nổi trội với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc dân cư, quy hoạch, kiến trúc. Đặc biệt, Đà Lạt đang sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO ghi danh là: Di sản phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (năm 2005), Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” (năm 2009) và "Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang" (2015). Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, Đà Lạt cũng là địa điểm thu hút, tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, những nghệ sỹ tài năng sáng tác, sáng tạo nghệ thuật. Đà Lạt sẽ hoàn thành hồ sơ đăng ký vào tháng 4/2023 nhằm chào mừng kỷ niệm 130 năm thành phố hình thành và phát triển (1893 - 2023).

Tháng 8/2022, tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất để thành phố Đà Lạt xây dựng hồ sơ, đề án tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam nằm trong Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.

Hy vọng trong tương lai không xa, nước ta sẽ hình thành được một Mạng lưới các thành phố sáng tạo để bứt phá, tận dụng cơ hội, phát triển bứt phá từ chính những sáng tạo văn hóa đặc trưng của từng thành phố.

Những bước đi đầu tiên của nước ta trên con đường phát triển công nghiệp văn hóa đã thu được những kết quả đáng kể. Nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, công nghiệp văn hóa vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như chưa khai thác đúng tầm các giá trị văn hoá để đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thông qua công nghiệp văn hóa vẫn dừng lại ở chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia.

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Các ngành công nghiệp văn hóa chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hóa dân tộc, tài năng của con người Việt Nam. Việt Nam không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu vốn văn hóa nhưng chưa hình thành được một môi trường phù hợp, hỗ trợ cho sự sáng tạo để giúp quảng bá văn hoá dân tộc, cũng như giúp các tài năng sáng tạo của đất nước tỏa sáng.

Màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cũng phân tích một số điểm nghẽn trong khai thác công nghiệp văn hóa. Đầu tiên chính là nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa chưa đầy đủ, ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Văn hóa nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hóa. Bên cạnh đó, sự phối hợp trong phát triển công nghiệp văn hóa còn thiếu. Trong 12 ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý 5 ngành gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa. Sự phối hợp công - tư cũng còn nhiều khó khăn. Những mô hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đa phần là tự phát, đam mê của các cá nhân yêu thích sáng tạo, mong muốn tìm ra điều mới mẻ cho cuộc sống và công việc kinh doanh.

Thêm vào đó, việc giáo dục sáng tạo, kỹ năng kinh doanh là điểm nghẽn tiếp theo. Hệ thống giáo dục của Việt Nam có một số điểm chưa tương thích với hoạt động đổi mới sáng tạo. Dù có nhiều cải tiến, thay đổi theo hướng hỗ trợ học sinh, sinh viên thực hành sáng tạo nhưng vì nhiều lý do, khối lượng kiến thức cần học quá lớn, khiến cho các môn học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật chưa được coi trọng đúng mức. Các môn học về marketing nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh, quan hệ công chúng nên được xem là những môn học chính ở các trường nghệ thuật. Ngoài ra, một số điểm nghẽn về chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như địa vị pháp lý cho doanh nghiệp sáng tạo, sử dụng đất, thuế, luật về bảo trợ và hiến tặng,... cũng là những rào cản khiến các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa thể cất cánh.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Việt Nam có quy mô dân số trên gần 100 triệu người là một thị trường tiềm năng với các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa, nhưng các khảo sát thực tế cho thấy, sức tiêu dùng của người Việt đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa vẫn ưu ái hàng "ngoại" nhiều hơn "nội. Có thể thấy, các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam thiếu đi sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân trong nước. Điều này dẫn đến thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ các cường quốc văn hóa cùng khu vực châu Á với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Lễ hội “100 món Ẩm thực đường phố Huế” năm 2022.

Cơ sở hạ tầng phong phú giàu bản sắc và hàng trăm không gian sáng tạo trên toàn quốc là một lợi thế để Việt Nam khai thác chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa ở sức hấp dẫn, khả năng kết nối. Tuy nhiên, đổi mới thể chế chưa quyết liệt trong việc mở cửa đầu tư mạnh vào khu vực tư nhân, các rào cản thể chế chưa cởi mở hướng tới sự kết hợp công tư trong khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng, không gian sáng tạo văn hóa.

Hiện nay, cơ chế đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa mới chỉ chú trọng tới đầu tư của Chính phủ mà xem nhẹ vấn đề thu hút vốn. Đầu tư tài chính trong lĩnh vực văn hóa, thực chất bao gồm hai khái niệm là đầu tư và thu hút vốn. Là nước có nguồn lao động dồi dào nhưng vốn đầu tư phát triển văn hóa lại tương đối eo hẹp... 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng: Muốn đổi mới cơ chế đầu tư văn hóa, tương xứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam buộc phải giải quyết hiện tượng "thắt cổ chai" về vốn đầu tư. Đổi mới cơ chế đầu tư còn có lợi rất lớn trong việc thúc đẩy quá trình điều chỉnh kết cấu trong chế độ sở hữu và kết cấu ngành công nghiệp văn hóa thông qua "tăng lượng" thu hút vốn đầu tư. Việc này đồng thời cũng có thể kích hoạt được nguồn vốn tồn đọng của Nhà nước, ưu việt hóa cơ cấu vốn trong các doanh nghiệp văn hóa Nhà nước, có lợi cho việc bố trí sắp xếp nhân lực thông qua nguồn vốn văn hóa, giải quyết vấn đề mối quan hệ hữu cơ giữa hai yếu tố của sản xuất là nguồn vốn và nhân lực khi phát triển sự nghiệp văn hóa. Đây là giải pháp quan trọng để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam hiện đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam đưa ra các quyết sách có tính chiến lược.

Trình diễn thời trang áo dài trong đêm khai mạc Tuần lễ Festival Huế 2022.

Song vấn đề cơ bản để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có chính sách đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực. Hơn nữa cần có chính sách cởi mở để có thể phát huy tiềm năng văn hóa của mình, thu hút bên ngoài hướng tới "sức hấp dẫn" - văn hóa của đất nước ngay tại chỗ. Vấn đề tạo ra "không gian sáng tạo" hay môi trường sáng tạo cũng là một giải pháp quan trọng cho việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa nước ta hiện nay. Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa (văn nghệ sỹ, trí thức khoa học công nghệ) cũng là giải pháp rất căn bản của sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh các giải pháp khác.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho rằng: Cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đó có thể là luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật, cơ chế về đất, thuế và địa vị pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là phải coi đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực "tiêu tiền", thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy, chúng ta mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp.

Bên cạnh đó, nước ta cũng cần nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo ở các cấp học, tạo ra mạng lưới liên kết giữa tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo, tổ chức sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt như điện ảnh (Liên hoan phim quốc tế Hà Nội), âm nhạc (Lễ hội âm nhạc Gió mùa Monsoon), thời trang (Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam), ẩm thực (Tuần lễ ẩm thực quốc tế Hà Nội) để tạo điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa là giải pháp phù hợp hiện nay.

Lễ hội âm nhạc Gió mùa - Monsoon Music Festival 2019.

Ngoài ra, do tính hấp dẫn của văn hóa đại chúng và nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có nội dung số vừa phục vụ thị trường nội địa vừa hướng ra nước ngoài, nên việc phát triển các cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghiệp này rất quan trọng. Đây là giải pháp mang tính quyết định sự thành công của quá trình chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm văn hóa từ đó làm nên sức mạnh mềm văn hóa. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia phát triển (Mỹ và phương Tây) và mới phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc) đều phát triển các ngành điện ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử… trên cơ sở hệ thống ứng dụng khoa học công nghệ phát triển. Sự phát triển của hệ thống này đảm bảo chất lượng truyền tải, kênh tiếp cận và đánh giá nhu cầu thị trường để có những chiến lược tiếp cận hiệu quả, mang lại sức cạnh tranh của ngành công nghiệp văn hóa trong nước.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ giúp Việt Nam đảm bảo nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn lực mềm, gia tăng khả năng, cách thức tiếp cận đối tượng, mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong ngành công nghiệp văn hóa.

Bài: Thanh Giang 
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

02/10/2022 05:55