Từ nơi chỉ có xương rồng, cát trắng, giờ đây đảo Bạch Long Vỹ (thành phố Hải Phòng) đã có điện, đường, trường, trạm, nước sạch, cây xanh - mà nói như người dân nơi đây thì "Mọi thứ như ở đất liền". Sự đổi thay kỳ diệu ấy một phần là nhờ khối óc, bàn tay của lực lượng thanh niên xung phong.

Bạch Long Vĩ là một huyện đảo thuộc thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Đây là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, nằm ở khoảng giữa vịnh, cách hòn Dáu (Hải Phòng) 110 km, cách đảo Hạ Mai (Vân Đồn, Quảng Ninh) 70 km. Đảo Bạch Long Vỹ được ví như “lá chắn” giữa biển khơi, là chỗ dựa để ngư dân yên tâm đánh bắt cá xa bờ, giúp ngư dân cùng chính quyền tham gia bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Bạch Long Vĩ góc nhìn từ trên cao.

Theo tư liệu của Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng, thực hiện chủ trương của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Thành ủy thành phố, ngày 22/2/1993, Đội Thanh niên xung phong xây dựng huyện Bạch Long Vỹ được thành lập, với 62 cán bộ, đội viên. Các đoàn viên, thanh niên này chủ yếu ở khu vực nội, ngoại thành của Hải Phòng và các tỉnh: Thái Bình, Hà Bắc, Nam Định, Thanh Hóa.

Ngày 25/2/1993, Đội Thanh niên xung phong xây dựng huyện Bạch Long Vỹ đã tổ chức Lễ xuất quân tại trụ sở Thành Đoàn Hải Phòng, với 32 cán bộ, đội viên. Ngày 26/3/1993, đợt xuất quân ra đảo lần thứ hai có 30 đội viên. Đó là những cán bộ, đội viên đầu tiên ngoài lực lượng vũ trang có mặt trên đảo.

Lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia dọn rác thải trên đảo Bạch Long Vỹ.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bạch Long Vỹ Vũ Thị Ngân là một trong những thanh niên xung phong ra đảo 30 năm trước. Chị xúc động chia sẻ, lúc đó, đi từ đất liền ra đảo mất hơn một ngày nếu điều kiện thời tiết thuận lợi. Đảo chỉ có đất, đá, không có công trình dân sinh. Thời tiết khắc nghiệt, mùa hè khô nóng, mùa đông rét buốt. Nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống như nước sinh hoạt, rau xanh đều phụ thuộc vào đất liền. Thanh niên xung phong và cán bộ công chức, viên chức huyện đảo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để ổn định cuộc sống, bám trụ và xây dựng đảo.

Thanh niên xung phong đã chung tay cùng quân và dân huyện đảo xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ người dân ra đảo lập nghiệp như: nhà ở, đường giao thông, trung tâm y tế, nhà trẻ, công viên. Ở mảnh đất "đầu sóng ngọn gió" này, những vườn rau, hàng cây xanh, bồn hoa đã góp phần tạo cho đảo sức sống mới.

 Bạch Long Vỹ góc nhìn từ trên cao.
  

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vỹ Trần Quang Tường, Bạch Long Vỹ là một trong hai huyện đảo của Hải Phòng, với vị trí là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, nằm trên một trong tám ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ, có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển. Tại Nghị quyết 32 và Kết luận 72 của Bộ chính trị "Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", trong đó đã xác định xây dựng Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc. 

Trẻ em vui chơi trên quảng trường huyện Bạch Long Vỹ.

Với vị trí và tầm quan trọng của huyện đảo, trong những năm qua, Bạch Long Vỹ đã được Trung ương và thành phố Hải Phòng quan tâm chỉ đạo sát sao, được đầu tư khá toàn diện trên các lĩnh vực. Qua đó, đã góp phần thay đổi diện mạo của huyện đảo, kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang và đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, quân và dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường.

Hiện tại, Bạch Long Vỹ đã có cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống điện gió, điện từ năng lượng mặt trời đủ phục vụ đủ nhu cầu làm việc, giao thương, sinh hoạt hàng ngày của các lực lượng, người dân trên đảo. Nguồn điện phục vụ sinh hoạt trên đảo đến từ dự án cấp điện cho đảo Bạch Long Vỹ do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc là chủ đầu tư. Hiện có một tua bin gió và một trang trại điện mặt trời đang hoạt động và cung cấp điện liên tục. Việc cung ứng điện ổn định góp phần tạo động lực phục vụ phát triển kinh tế biển, hoạt động du lịch biển, đáp ứng điều kiện để Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ.

Dự án điện gió và điện mặt trời trên đảo Bạch Long Vỹ.

Đặc biệt, để giải quyết bài toàn tích trữ nước, Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng được giao làm chủ đầu tư Dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi cấp nước tại huyện Bạch Long Vỹ.

Tháng 7/2020, Dự án hoàn thành trên diện tích 40 nghìn m2 với quy mô hồ chứa 60 nghìn m3, bước đầu đáp ứng nhu cầu nước thô cho người dân. Tháng 3/2022, thành phố tiếp tục khởi công dự án cấp nước sạch đến từng hộ dân, các cơ quan, đơn vị, khắc phục cơ bản tình trạng vận chuyển nước vất vả và thiếu nước ngọt từ trước đến nay trên đảo.

Vận hành hoạt động của trạm cấp nước ngọt trên đảo Bạch Long Vỹ.

Theo anh Nguyễn Hoàng Hưng, cụm dân cư số 3, huyện Bạch Long Vỹ, trước đây, nước ngọt chủ yếu lấy từ giếng khoan hoặc nguồn nước mưa tự nhiên. Đến mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, người dân trên đảo sinh hoạt rất khó khăn. Thiếu nước còn làm cho việc việc thu mua, chế biến, bảo quản hải sản khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các gia đình. Từ khi trạm nước sạch đi vào hoạt động, người dân có đủ nguồn nước phục vụ mọi nhu cầu.

Anh Phạm Văn Hiển, Tổ trưởng Tổ vận hành Trạm cấp nước Bạch Long Vỹ cho biết, nước ngọt từ hồ chứa sẽ được xử lý qua trạm cấp nước để có nước đạt tiêu chuẩn cung cấp đến từng hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên đảo, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước ngọt triền miên từ trước đến nay.

Năm 2022, Trung tâm Y tế Quân dân y trên huyện đảo đã khám và chữa bệnh cho khoảng 3.500 lượt bệnh nhân; trong đó, điều trị nội trú 300 lượt người. Trường Mẫu giáo và Tiểu học thực hiện kế hoạch, chương trình giảng dạy theo đúng hướng dẫn của ngành Giáo dục và đặc thù huyện đảo. 

Giáo viên luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, chăm lo, giảng dạy cho học sinh trên đảo Bạch Long Vỹ.

Không chỉ đảm bảo các vấn đề dân sinh, chính quyền, quân và dân trên đảo Bạch Long Vỹ còn là lực lượng tiên phong trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Anh Trần Văn Quý, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi có tàu neo đậu tại âu cảng Bạch Long Vỹ chia sẻ, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, các tàu được cập cảng, lên đảo mua rau xanh, bổ sung nước ngọt. Ngư dân có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức. Theo anh Quý, hiện đảo Bạch Long Vỹ có đầy đủ đồ dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu thường ngày cũng như sửa chữa phương tiện.

Tàu thuyền đậu tại âu cảng Bạch Long Vĩ.

Đến Bạch Long Vỹ những ngày tháng 3 này, mọi người sẽ thấy đảo xanh rực rỡ cờ hoa. Chị Đinh Thị Phương (cư dân ra đảo từ năm 2002) chia sẻ, bây giờ mọi sinh hoạt ở đây như ở đất liền. Việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. Ngoài tàu Hoa Phượng Đỏ khang trang, hiện đại của thành phố chạy miễn phí 3 lần/tháng, cư dân trên đảo có thể về đất liền bằng các phương tiện khác.

Để Bạch Long Vỹ trở thành niềm tự hào của mỗi người dân trên đảo hôm nay, ngoài sự quan tâm của chính quyền các cấp còn có sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của lớp lớp thanh niên - những người vượt qua gian khổ góp phần xây dựng đảo xa khô cằn đá sỏi thành quê hương tươi đẹp của nhiều gia đình, điểm tựa của ngư dân, là lá chắn vững vàng giữa biển khơi của Tổ quốc.

Chủ động cung cấp nước ngọt cho người dân đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ:

Bài: Minh Thu
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn

25/03/2023 05:55