Những ngày cuối tháng 10/2021, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị cấp cao liên quan đã diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Brunei, nước Chủ tịch ASEAN năm 2021. Với chủ đề "Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng", các hội nghị ASEAN đã thảo luận một số vấn đề, trong đó có tăng cường hơn nữa khả năng của Cộng đồng ASEAN hướng tới phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, củng cố sự sẵn sàng của ASEAN trong việc giải quyết những thách thức chung, nắm bắt cơ hội mới để theo đuổi sự thịnh vượng chung; đồng thời duy trì hợp tác để đạt được những mục tiêu dài hạn của khu vực.

Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Darussalam, Chủ tịch ASEAN năm 2021, Hasanal Bolkiah, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự các sự kiện này từ ngày 26 - 28/10. Đây là chuỗi các sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN trong năm 2021, cũng là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 dưới sự dẫn dắt của Brunei Darussalam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2021.

Tiếp nối thành công trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của Brunei Darussalam trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2021, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nỗ lực triển khai các chương trình và mục tiêu đề ra, thúc đẩy những sáng kiến mới, phù hợp chủ đề “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng” trong năm 2021. Chuỗi sự kiện Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, cùng các hội nghị liên quan đánh dấu là dịp đầu tiên trong năm 2021, lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi và chỉ đạo về chính sách, cũng như quyết định tất cả các vấn đề then chốt liên quan đến thực hiện các mục tiêu của ASEAN.

Sau 3 ngày họp trực tuyến, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 cùng các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp. Tại các hội nghị, Lãnh đạo ASEAN và các nước Đối tác đã thảo luận sôi nổi, sâu rộng nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, các nhà Lãnh đạo nhất trí cao về các biện pháp tăng cường hợp tác ứng phó dịch COVID-19, nhất là nâng cao năng lực y tế, tự chủ về vaccine và sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục đi lại giữa các nước trong điều kiện “bình thường mới”. Các nước cũng nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như: Chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững. Các nhà Lãnh đạo cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề đang nổi lên, tác động đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38.

Về vấn đề Biển Đông, Lãnh đạo các nước đều đề cao trách nhiệm, tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Các nhà Lãnh đạo ASEAN và các Đối tác đã công bố/thông qua/ghi nhận khoảng 100 văn kiện bao gồm các Tuyên bố, Chiến lược, Khung hợp tác, Kế hoạch hành động, Báo cáo, Tài liệu tầm nhìn... trên nhiều lĩnh vực thuộc 3 trụ cột hợp tác của ASEAN.

Những nội dung được bàn thảo, nhất trí và thông qua tại các hội nghị đã thể hiện quyết tâm của ASEAN cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 vẫn bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế của các nước trong khu vực. Kết quả đạt được tại các hội nghị cũng một lần nữa khẳng định năng lực, vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại Hội nghị cấp cao các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra theo hình thức trực tuyến, ngày 26/10/2021.

Một trong những kết quả quan trọng của hội nghị là việc lãnh đạo các nước ASEAN đã tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa Cộng đồng ASEAN cũng như vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN nhằm giải quyết các thách thức chung, trước hết là đưa khu vực sớm vượt qua đại dịch COVID-19 (vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 277.000 người dân ASEAN) cũng như thúc đẩy sự phục hồi toàn diện hậu đại dịch COVID-19. 

Để đạt được mục tiêu trên, ASEAN nhắc lại cam kết hợp tác thông qua 5 chiến lược rộng lớn của Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) nhằm giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN. 

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã thông qua một loạt văn kiện, trong đó có Khuôn khổ toàn diện ASEAN về nền kinh tế chăm sóc nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng phức tạp và các thách thức ngày càng gia tăng; Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực; Khung kinh tế tuần hoàn ASEAN, trong đó xây dựng lộ trình hướng tới các mục tiêu dài hạn đầy tham vọng về khai thác hiệu quả tài nguyên, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững...

Việc ASEAN nhất trí thông qua những khuôn khổ và kế hoạch hành động chung một lần nữa chuyển đi thông điệp về tinh thần hợp tác, đồng lòng cùng nhau kiểm soát đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế, đúng như chủ đề năm ASEAN 2021: “Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị và chúng ta cùng phát triển thịnh vượng”.

Tại các hội nghị ASEAN với các đối tác, lãnh đạo các nước đều khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN.

Việc ASEAN tăng cường hợp tác với các đối tác bên ngoài, trước hết là thúc đẩy nỗ lực nhằm cùng nhau ứng phó với COVID-19, tiến tới phục hồi tổng thể và bền vững, giải quyết các thách thức chung và chuẩn bị cho tương lai, cũng là một điểm nhấn của hội nghị.

Tại các hội nghị ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga..., lãnh đạo các nước đã khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ và tiếp tục hợp tác với ASEAN ứng phó dịch COVID-19, nhất là nâng cao năng lực y tế, tự chủ về vaccine và sớm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục đi lại giữa các nước trong điều kiện bình thường mới. Hiện các nước thành viên và các đối tác bên ngoài đã cam kết đóng góp cho Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 số tiền lên tới 25,8 triệu USD, trong đó 10,5 triệu USD sẽ được trích để mua vaccine. Các nước cũng nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững.

ASEAN cũng đã thể hiện vai trò chủ động và trách nhiệm tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, khẳng định quan điểm và tiếng nói trong những vấn đề toàn cầu. Tại hội nghị này, ASEAN đã đưa ra Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về Đề cao chủ nghĩa đa phương, Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN về Kinh tế biển xanh, Tuyên bố của ASEAN gửi đến Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26)… 

Trong khi đó, các đối tác tiếp tục đề cao vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực; lãnh đạo nhiều nước đối tác cũng khẳng định các tiến trình do ASEAN đứng đầu và dẫn dắt đang tiếp tục là cách thức để ứng phó hiệu quả với các thách thức. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đánh giá vai trò trung tâm của ASEAN luôn là ưu tiên quan trọng đối với New Delhi. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hoan nghênh ASEAN đã giữ vai trò trung tâm và thống nhất, đưa ra định hướng rõ ràng thông qua Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington cam kết đối với vai trò trung tâm của 10 quốc gia ASEAN trong khu vực. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh ASEAN có vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới; Trung Quốc ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực...

Đặc biệt, trong khuôn khổ chuỗi các Hội nghị cấp cao của ASEAN với các đối tác, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 24, hai bên đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, đồng thời công nhận lợi ích của việc xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 24.

Ghi nhận tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), hai bên hoan nghênh việc tiếp tục đọc bản dự thảo thứ hai của Văn kiện đàm phán COC duy nhất bất chấp các thách thức do đại dịch COVID-19, đồng thời khen ngợi thỏa thuận tạm thời về phần Mở đầu và tiến trình đàm phán phần Mục tiêu trong Điều khoản chung; khuyến khích đạt tiến triển nhằm sớm đúc kết một COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. 

Hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC và hoan nghênh các biện pháp thiết thực giúp giảm căng thẳng và nguy cơ tai nạn, hiểu nhầm và tính toán sai lầm; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm tăng cường lòng tin và sự tin cậy giữa các bên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Nhân dịp này, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi. Hai bên ghi nhận những thành tựu đã đạt được kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc vào năm 1991 và hoan nghênh các hoạt động kỷ niệm 30 năm sự kiện này trong năm nay. Nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của khu vực, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác hỗ trợ Khung phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF). 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 24 diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Trong khi đó, kết thúc Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN - Mỹ lần thứ 9 diễn ra vào ngày 26/10, hai bên đã ra Tuyên bố Chủ tịch, trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và việc theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với các các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đồng thời ghi nhận những tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), hướng tới việc sớm ký kết một COC thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Ngày 28/10, hội nghị cấp cao ASEAN - Nga cũng đã ra tuyên bố chung, trong đó hai bên nhất trí đảm bảo an ninh trên biển, tự do hàng hải và không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Cùng ngày, tuyên bố Chủ tịch sau Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 18 một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến, ngày 27/10/2021.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia lần thứ nhất diễn ra vào ngày 27/10, hai bên đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi. Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 24 (ngày 27/10) và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 22 (ngày 26/10) cũng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời nhất trí phối hợp bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, nhất là trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay.

Phát huy kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch ASEAN năm 2021 Brunei thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

Trong chuỗi Hội nghị cấp cao lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự 14/17 hoạt động chính gồm các Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39; các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Nga, ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 16.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị cấp cao với các đối tác.

Tại các sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều có bài phát biểu quan trọng, tập trung các vấn đề trọng tâm và thách thức mới nổi mà ASEAN đang ứng phó. Trong đó có các vấn đề như ứng phó với COVID-19, khôi phục kinh tế sau đại dịch, vấn đề Biển Đông, Myanmar, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng... Qua đó tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN; đồng hành cùng các nước vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN.

Phát biểu Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các kết quả tích cực mà ASEAN đạt được qua một năm đầy khó khăn, thử thách. Chia sẻ ý kiến của Lãnh đạo các nước, Thủ tướng đề xuất hai trọng tâm mà ASEAN cần tập trung trong thời gian tới.

Thứ nhất, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch COVID-19 với sự tham gia của “cả Cộng đồng”, hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới để quản lý sự thay đổi với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thủ tướng, để thực hiện hiệu quả, cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chủ động về vaccine, thuốc điều trị và đề cao ý thức của nhân dân. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố danh mục vật tư y tế trị giá nhiều triệu đô-la Mỹ của Việt Nam cam kết đóng góp Kho Dự phòng vật tư y tế ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị cấp cao với các đối tác.

Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.

Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, ASEAN cần cân nhắc tận dụng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời, nhằm tiếp tục triển khai các ưu tiên của ta trong năm ASEAN 2020, trong đó có thúc đẩy hợp tác phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể tiến trình phát triển chung của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông báo kế hoạch tổ chức Diễn đàn ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì Phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm vào ngày 30/11/2021 tại Hà Nội.

Việt Nam góp phần củng cố vai trò trung tâm và vị thế quốc tế của ASEAN:

Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị cấp cao liên quan và sự tham gia của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam cũng khẳng định Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp. Các hội nghị đã đạt được những kết quả nổi bật như sau:

Thứ nhất, ASEAN đoàn kết, nhất trí hướng tới xây dựng Cộng đồng. Đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực tiếp tục là mục tiêu chung của ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng.

Thứ hai, các đối tác bên ngoài vẫn đặc biệt coi trọng ASEAN, cam kết cùng ASEAN hợp tác kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên, trong đó có biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, đồng thời cũng cho thấy phục hồi bền vững vẫn là nội dung được hầu hết các nước đặt ưu tiên, phấn đấu đạt được trong thời gian tới đây.

Thứ ba, những nội dung ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực như Biển Đông, Myanmar, Triều Tiên, thu hẹp khoảng cách phát triển tiếp tục được đề cập sâu rộng và trao đổi sôi nổi các hội nghị. Theo đó, tất cả các nước đều đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN, sẵn sàng chia sẻ minh bạch về các bước đi của mình với khu vực và khẳng định hòa bình, ổn định là mục tiêu chung, thượng tôn pháp luật, đối thoại thẳng thắn, hợp tác hiệu quả là những công cụ chủ yếu để đạt tới mục tiêu này. Bên cạnh đó, các nước đề cao tinh thần trách nhiệm, ứng xử minh bạch, quan hệ hài hòa là cơ sở cho quan hệ giữa các nước trong và ngoài khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các Đại sứ, đại biện các nước ASEAN tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN 38, 39 và các hội nghị cấp cao liên quan.

Cách tiếp cận thẳng thắn, chân thành, minh bạch của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có Biển Đông, thúc đẩy phát triển tiểu vùng gắn với tổng thể phát triển chung của ASEAN, đẩy mạnh liên kết khu vực đã được phản ánh đầy đủ trong văn kiện của các hội nghị.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu, sau đó dần phát triển thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm 10 nước thành viên là: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia. Ngoài ra, Timor Leste hiện là quan sát viên của ASEAN.

Kể từ khi ra đời, dù còn có sự khác biệt về tôn giáo, về trình độ phát triển, về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin... song các nước đã luôn hỗ trợ, giúp đỡ và cùng nhau phát triển về mọi mặt. ASEAN đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc đưa Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình, thịnh vượng và ổn định; từ một khu vực kinh tế lạc hậu trở thành một đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập toàn cầu.

Thủ tướng Samdech Hun Sen Campuchia tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022.

Từ dân số khoảng 260 triệu người khi mới thành lập, ASEAN giờ là ngôi nhà chung của khoảng 650 triệu người dân và là một thị trường nhiều tiềm năng. Dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Cộng đồng ASEAN đã bước vào năm thứ 6 hình thành và phát triển, kể từ mốc 31/12/2015 và đang nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn đến 2025, bước đầu đạt được những tiến triển đáng khích lệ.

Thành công quan trọng nhất của ASEAN trong suốt hơn 5 thập kỷ qua là đảm bảo duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên xây dựng được mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp. Những khác biệt giữa các thành viên, những bất đồng hay tranh chấp nhất định đều được ngăn chặn và hóa giải trên cơ sở lợi ích chung. Và nền tảng cho những thành công trong hơn 5 thập kỷ qua chính là những cơ chế hợp tác nội khối của ASEAN được triển khai thông qua các hiệp ước, diễn đàn, hội nghị, dự án, chương trình phát triển...

Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng đã quy tụ được nhiều quốc gia, được các nước lớn coi trọng. Trên thực tế, vai trò trung tâm của ASEAN đã được khẳng định thông qua việc ASEAN thúc đẩy sự ra đời và dẫn dắt Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM+), đóng góp ngày càng quan trọng vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực. Tiêu biểu là việc ASEAN đã bày tỏ lập trường kiên định trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và khu vực, như Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được kỳ vọng sớm hoàn tất, cùng nhiều tiến triển quan trọng khác.

Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực.

Không chỉ gắn kết, liên kết về nội khối, ASEAN còn tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài, trở thành một đối tác quan trọng của các nước lớn trong và ngoài khu vực. Trên cơ sở quan hệ đối ngoại rộng mở bao gồm 11 Đối tác đối thoại, trong đó có tất cả các nước lớn, tiếng nói ASEAN được lắng nghe và vai trò trung tâm của ASEAN từ đó ngày càng được củng cố.

Năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều nằm trong các đối tác đầy đủ của ASEAN. Ngày càng có nhiều đối tác bên ngoài mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC). Trong chiến lược khu vực của các nước lớn như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, chính sách “Hành động hướng Đông”… vai trò trung tâm của ASEAN luôn được nhấn mạnh và coi trọng.

Như vậy, có thể thấy, thông qua các hội nghị lần này, ASEAN đã thể hiện tinh thần cộng đồng, sẻ chia, kiên cường, chủ động đối mặt với khó khăn, thách thức, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh, từng bước phục hồi kinh tế để chăm lo ngày càng tốt hơn cho người dân. Sự đóng góp trách nhiệm, xây dựng của các nước thành viên ASEAN tại các hội nghị vừa diễn ra không chỉ thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, mà còn củng cố vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong khu vực và trên thế giới. Và bên cạnh những thành công chung của các hội nghị, đóng góp của Việt Nam đã tiếp tục được duy trì, thúc đẩy, qua đó, hình ảnh và vai trò của Việt Nam tiếp tục được khẳng định.

Lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2022:

Bài: Trần Thanh Bình - Hữu Chiến - Phạm Tiếp - Trọng Đức
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát - asean.org; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà

02/11/2021 02:45