Có lần nhà báo Quang Đạm được gặp Bác Hồ. Bác gọi vào và hỏi: “Chú làm gì? Trước chú có viết báo không?
Ông trả lời: “Thưa Bác, cháu chưa viết báo, chỉ làm mật mã".
Nghe vậy, Bác Hồ nói: “Trước chú làm mật mã, tức là chú viết cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được. Bây giờ làm báo Sự Thật thì chú phải làm ngược lại, chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được”.
Chương mới về cuộc đời làm báo của nhà báo Quang Đạm - nghề mà sự tảo tần của trí tuệ được ví là “Nợ đời, tình người” vốn chỉ đứng sau nghề thợ mỏ đã bắt đầu như thế.
Vùng đất Nam Đàn (Nghệ An) là một vùng thiên nhiên trù phú nhưng cũng rất khắc nghiệt. Hoàn cảnh khó khăn ấy hun đúc cho con người một ý chí vươn lên mạnh mẽ, một sự chịu đựng dẻo dai và tinh thần sáng tạo không ngừng và có nhiều dòng họ sản sinh ra những anh hùng, những danh nhân làm vẻ vang cho quê hương, đất nước. Họ Tạ Quang ở Hoành Sơn, huyện Nam Đàn là một dòng họ như vậy.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học truyền thống, (Nam Đàn, Nghệ An) với tư chất thông minh và sự kiên trì rèn luyện, học tập, nhà báo Quang Đạm - nhà trí thức cách mạng đã tự trang bị cho mình vốn hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị đến văn hóa, xã hội, pháp luật.
Nhà báo Tạ Quang Đệ (Quang Đạm) là em GS Tạ Quang Bửu. Hai ông là con trai cử nhân Tạ Quang Diệm thuộc dòng dõi một gia đình đã qua nhiều thế hệ cha dạy con thành đạt, “phụ giáo tử đăng khoa”. Cụ Tạ Quang Diệm thi đỗ không để đi làm quan (thời trước có sự phân biệt rạch ròi hai hệ thống: “Đường quan”, các quan chức lo việc cai trị, quản lý việc công; và “Học quan” chuyên ngành giáo dục) mà trở về nghề dạy học, đào tạo nhân tài từ các thế hệ hậu sinh. Cụ qua đời sớm, để lại vợ cùng hai con trai đang tuổi ăn học.
Thân mẫu nhà báo Quang Đạm là cụ Nguyễn Thị Đào, bút danh Sầm Phố nữ sĩ, từ những năm 1930 đã nức tiếng khắp vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh qua những bài thơ Đường luật dí dỏm thâm trầm, tràn đầy dũng khí hiếm thấy ở một người đàn bà thời phong kiến vẫn bị coi là “phụ nhân nan hóa”. Cụ là cháu nội cụ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, người mấy lần được triều đình bổ đi làm Đốc học nhưng đều xin từ quan về nhà dạy học. Chính từ tình nghĩa thầy trò mà cụ Phan Bội Châu, sau khi bị Pháp bắt đưa về giam lỏng tại Huế, đã nhận dạy chữ Hán cho cháu Tạ Quang Đệ khi cậu vừa học xong bậc tiểu học, phải ở nhà vì yếu đau.
Sinh thời, nhà báo Quang Đạm vẫn nói ông là một người tự học. Khi nhận xét về nhà báo Quang Đạm, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nói: “Quang Đạm là một nhà đại tự học”.
Bằng tự học là chính, nhà báo Quang Đạm thành thạo nhiều thứ tiếng. Trong nghề dịch thuật, ông là một dịch giả có tên tuổi, là một học giả - nhà báo, thông thạo nhiều ngoại ngữ, nhiều nền văn hóa: Nho giáo Trung Hoa, văn hóa Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức… văn phong trong sáng, khúc chiết.
Nhà báo Phan Quang nhớ lại thời còn làm Phó Trưởng ban Thư ký tòa soạn báo Nhân Dân giúp việc các nhà báo Quang Đạm, Nguyễn Đức Thi: “Lần nào vào phòng làm việc của Quang Đạm cũng thấy anh đang cặm cụi viết bài, khi viết tay khi đánh máy. Bên trái cái bàn hẹp có chồng báo Pravda đọc dở, bên phải là tập sách tiếng Hoa, và phía sau lưng, phải xếp xuống sàn nhà, mấy chồng báo Pháp: Nhật báo L’Humanité, các tạp chí La Nouvelle Revue Francaise, La Nouvelle Critique đều là cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Pháp - dạo ấy anh đang viết loạt bài luận chiến phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại. Ở cơ quan anh là sếp, về nhà anh là hàng xóm vậy mà tôi tuyệt nhiên không hay biết anh có bằng cử nhân Luật rất sớm, và đến tuổi “tri thiên mệnh” vẫn cần cù học, nhận bằng Phó tiến sĩ Triết học (nay là Tiến sĩ) từ tay Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn trao” - nhà báo Phan Quang cho biết.
Thường xuyên học và tự học, âm thầm nâng cao kiến thức để làm tốt mọi công việc được giao, học để cống hiến và cũng để có thêm sức vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và sự cố về tinh thần; bất cứ trong hoàn cảnh nào nhà báo Quang Đạm cũng tràn đầy nghị lực, miệt mài học tập và làm việc, làm việc và học tập, rồi tự rút ra bài học về những việc mình đã làm, phải chăng đó là nét nổi trội trong “tính cách Quang Đạm?”, ông Phan Quang nhận xét.
Quả thực, nhà báo Quang Đạm là một tấm gương về sự nỗ lực học hỏi, tìm tòi, tự trau dồi kiến thức, để các lớp nhà báo hôm nay học tập, noi theo.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học, cuộc đời nhà báo Quang Đạm gắn bó hai công việc: Làm công tác mật mã ở Bộ Tổng tham mưu những ngày đầu sau cách mạng tháng Tám 1945 và làm báo Đảng trong hơn 30 năm về sau cho đến khi nghỉ hưu. Ông đến với báo chí qua sự dìu dắt của Tổng bí thư Trường Chinh và ông đã sớm bộc lộ khả năng thiên phú với những bài báo đầy trí tuệ và tính chiến đấu.
Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vừa bước vào nghề báo chưa lâu, ông đã có những bài báo sắc sảo đăng trên báo Sự Thật, tranh luận với một số học giả có tên tuổi về vấn đề tư pháp - một vấn đề gai góc lúc bấy giờ.
Cả cuộc đời làm báo, ông luôn tận tụy với công việc, hết lòng vì độc giả, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trải qua hơn nửa thế kỉ cầm bút, ông nổi lên như một cây bút hàng đầu của báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo ông Phan Quang, nhà báo Quang Đạm bước vào nghề báo bằng… báo liếp, những bài viết nghiệp dư dán lên tấm liếp tre cho các cán bộ trong cơ quan cùng đọc. Bài của Quang Đạm xuất sắc hơn cả. Ngày 11/3/1953, báo Nhân Dân ra số đầu tại Việt Bắc, Bộ Chính trị chỉ định Ban Biên tập trong đó có Quang Đạm, bên cạnh những nhân vật như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh...
“Công lớn” của nhà báo Quang Đạm không chỉ ở chỗ chung tay xây dựng tờ báo từ thời còn trong trứng nước, mà đậm nét hơn nhiều là từ sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, tháng 10/1954, báo Nhân Dân ra hằng ngày với định hướng tạo dựng một tờ nhật báo tiếng nói của Đảng, phù hợp với xu thế báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, góp phần nâng cao dân trí. “Những số báo Nhân Dân hằng ngày đầu tiên được thực hiện ngay trong khuôn viên Nhà thương Đồn Thủy, nay là Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện 108, nơi tòa soạn báo tạm ghé chân chờ tìm chỗ đóng trụ sở, đó là những phiến đá đầu tiên đặt nền móng cho tờ báo Đảng qua nhiều thế hệ lãnh đạo vẫn không ngừng cải tiến, mở rộng, nâng cao, đổi mới, đạt vị thế ngày nay”, nhà báo Phan Quang nhớ lại.
Những năm sau đó, Bác Hồ và Bộ Chính trị chỉ thị cho báo Nhân Dân phải là tờ báo cách mạng, là tờ báo Việt Nam. Muốn vậy, khâu đầu tiên là đào tạo cán bộ tại chỗ, song song với việc không ngừng nâng cao trình độ toàn đội ngũ về mọi mặt, từ quan điểm lập trường, nếp tư duy, cách tác nghiệp, văn phong… đến giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Với tư cách Uỷ viên Ban Biên tập phụ trách Ban Thư ký tòa soạn, từng trải lối sống tháo vát, có bài bản nảy mầm từ những ngày là một “sói con” trong đội Hướng đạo sinh mà Tạ Quang Bửu (anh trai của nhà báo Quang Đạm) là “sói cả”, huynh trưởng của toàn xứ Trung Kỳ, nhà báo Quang Đạm được giao trách nhiệm đề xuất, xây dựng các quy chế làm việc của tòa soạn.
Theo nhà báo Phan Quang, báo Nhân Dân là cơ quan đi đầu trong việc hiện thực hóa ý kiến của Bác Hồ, đó là nhà báo muốn tác nghiệp tốt phải có ba đại học: Đại học báo chí, đại học chuyên ngành và đại học ngoại ngữ (Đạt trình độ đại học chứ không nhất thiết có bằng đại học). Nhiều lớp học tiếng Nga, tiếng Anh được nhà báo Quang Đạm mở tại cơ quan cho phóng viên học trong giờ làm việc, và không phải ngẫu nhiên mà cuộc Hội thảo quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” do Thủ tướng Phạm Văn Đồng điều hành theo Chỉ thị của Bác Hồ lại diễn ra dưới bóng cây đa Hàng Trống, cạnh ngôi nhà nhỏ mới xây trên cái hầm trú ẩn kiên cố (nay là Phòng Truyền thống báo Nhân Dân), vào những ngày thủ đô Hà Nội bắt đầu hứng chịu đạn bom của không lực Hoa Kỳ.
Vào những năm 1950, cả nước ta mới có một lớp đại học chuyên ngành báo chí - xuất bản, cách hai năm mới tuyển sinh một khóa, và học viên phải là cán bộ trong biên chế. Được sự hỗ trợ của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp do GS Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng, báo Nhân Dân đứng ra mở lớp dạy đại học chuyên ngành báo chí, học viên tuyển chọn từ học sinh tốt nghiệp các trường danh tiếng như Chu Văn An, Lý Thường Kiệt... Lớp học mở tại tòa báo, sáng học lý thuyết chiều tập thực hành.
Khóa đầu khai giảng năm 1960 do Tổng biên tập Hoàng Tùng phụ trách, nhà báo Quang Đạm chịu trách nhiệm chính về Ban Giáo vụ, có nhà báo Nguyễn Đức Thi và Phan Quang cùng phụ lực. Nhà báo Quang Đạm lo phần chính luận, biên khảo; nhà báo Nguyễn Đức Thi lo việc biên tập, tổ chức, xử lý bài vở, dàn dựng trang báo; nhà báo Phan Quang lo phần phản ánh, bút ký, phóng sự, phóng sự điều tra… Giảng viên đã có sẵn một đội ngũ hùng hậu tại cơ quan như nhà báo Thép Mới, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hồng Hà, Diệu Bình... Phần kiến thức cơ bản về ngữ văn, triết học, lịch sử do Trường đại học Tổng hợp Hà Nội cử thầy sang dạy. Sau hơn bốn năm vừa học vừa làm, các học viên ra trường đúng lúc máy bay Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Nhiều người một thời gian sau trở thành những cây bút tên tuổi.
Thành công trên là công lao tập thể, trong đó tâm huyết của nhà báo Quang Đạm góp phần đáng nể.
Theo Nhà báo Hồng Vinh, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, nhiều người ở báo Nhân Dân đều có nhận xét rằng, trong đời làm báo chưa thấy nhà báo Quang Đạm cáu gắt, to tiếng, mắng mỏ ai. Những người mắc khuyết điểm đều được nhà báo Quang Đạm ôn tồn góp ý thân ái và gợi mở cách sửa chữa.
“Bác Quang Đạm thật sự là người mẫu mực về thời gian làm việc, 7h30 sáng đã có mặt ở cơ quan cho dù những hôm phải trực khuya tới 11 - 12 giờ đêm. Điều đáng nói là ngày ấy, xe ô tô của cơ quan còn ít, bác Quang Đạm tự nguyện đi chiếc xe đạp công mang biển số PU067, được cơ quan cấp cho Thư ký Tòa soạn từ năm 1958. Nhưng theo quan sát của phòng thường trực, bác đi bộ là chủ yếu với lý do “nhà gần, đi bộ kết hợp tập thể dục, thể thao”. Bàn làm việc ở cơ quan được bác xếp gọn gàng tài liệu, bài vở cần duyệt, do vậy chưa bao giờ có hiện tượng “quên bài” hoặc “mất bài” của cán bộ, phóng viên”, nhà báo Hồng Vinh nhớ lại.
Từ khi nghỉ hưu (năm 1979), cây bút của nhà báo Quang Đạm ngày càng phóng khoáng, toàn diện, sâu sắc hơn. Nhiều công trình, bài viết mang tính chuyên khảo của ông lần lượt được công bố trong sự chào đón của bạn đọc. Đáng kể trong số đó, có Nho giáo xưa và nay (1993), Tư văn qua các triều đại (2006, xuất bản sau khi ông mất).
Năm 2010, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia với sự giúp đỡ của báo Nhân Dân, xuất bản cuốn “Một nghề đáng quý”, tập hợp hơn 50 bài viết và công trình tiêu biểu của nhà báo Quang Đạm. Cuốn sách phản ánh một cách khái quát, có hệ thống, nhiều vấn đề lớn của đất nước, thời đại, qua những giai đoạn lịch sử, cũng như vai trò, vị trí của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời, trong cuốn sách có các bài viết nêu những kinh nghiệm quý trong cuộc đời làm báo của ông. Về nội dung “Nghề báo, làm báo” trong cuốn sách này, có một số bài viết về báo chí (trong đó có bài nổi tiếng “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam”) và một số bài báo tiêu biểu của ông đăng trên báo Sự Thật và báo Nhân Dân. Nội dung về công trình nghiên cứu bao gồm những bài nghiên cứu về tư tưởng - triết học; về văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam và một số bài viết về nhà báo Quang Đạm - là những lời đánh giá, trân trọng chắt lọc từ tâm huyết của những người bạn đồng nghiệp, đồng chí trên mặt trận báo chí, những người thân và học trò của ông. Theo nhận xét của Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm: “Đây là bản tổng kết của cuộc đời một nhà báo uyên bác, trung thực, với một cái tâm trong sáng, tất cả đều bắt nguồn từ một truyền thống yêu nước sâu sắc của quê hương, dòng họ, mở rộng ra là của cả dân tộc…”
Gần đây, Nhà xuất bản Lao động ấn hành cuốn “Nước mát từ nguồn”, ghi lại một số câu chuyện về nhà báo Quang Đạm cũng như những hồi ức và một số tác phẩm báo chí, thơ ca tiêu biểu của ông.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam cho rằng: Nhà báo Quang Đạm là người học vấn uyên thâm chủ yếu nhờ tự học, một nhà báo tài năng và bản lĩnh, một kẻ sĩ, một người thầy, người anh trong nghề. Nhà báo Quang Đạm là nhà báo có tri thức dồi dào, làm việc hết mình, trong cuộc sống cũng dồi dào nghĩa tình sâu nặng.
Ngoài những công trình nghiên cứu kể trên của ông, trong nghề báo, nhà báo Quang Đạm được coi là một trong những cây đại thụ ở báo Nhân Dân, là “từ điển sống” nhờ học vấn uyên bác và tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, chính xác; là người thầy nghiêm khắc nhưng ân cần, chu đáo. Ông nổi tiếng với nhiều bài chuyên luận, bình luận được dư luận chú ý qua các thời kì. Ông dìu dắt, đào tạo được nhiều thế hệ học trò làm báo xuất sắc ở ngay chính báo Nhân Dân, bằng tấm gương tự học, tự làm việc và nêu gương. Đối với các thế hệ nhà báo trẻ, nhà báo Quang Đạm là người thầy nghiêm khắc nhưng thân tình, ân cần chỉ bảo.
Nói về đức độ, uyên bác của người cha tài ba, ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản cho biết: “Suốt 19 năm từ khi cha tôi qua đời, báo Nhân Dân luôn gần gũi với gia đình chúng tôi, từ các đồng chí lãnh đạo đến các anh chị em, phóng viên, biên tập, cán bộ và nhân viên tòa báo. Những người bạn làm báo của ông ở mọi miền cũng luôn dành sự quý trọng về tài năng và đức độ của ông. Những điều làm ông trăn trở nhiều năm tháng cuối đời cũng được cảm thông, và không lấy đi chút nào sự cảm phục và mến mộ của bạn bè, đồng chí”.
Theo ông Tạ Quang Ngọc, những cống hiến của nhà báo Quang Đạm qua từng công việc ông làm, qua từng trang báo ông viết, các công trình nghiên cứu đã công bố và in ra là một kho tài sản gái trị của gia đình. “Tôi nghĩ rằng đó là một gói di sản quí của báo chí nước nhà mà cha tôi yêu quí”, ông tạ Quang Ngọc nói.
Có thể khẳng định, nhà báo Quang Đạm là một cây bút và học giả tạo đặt “dấu tích” nền tảng cho báo chí Việt Nam. Những công trình trong gần nửa thế kỷ của nhà báo, nhà nghiên cứu Quang Đạm, cũng như những câu chuyện đời thường toát lên ngoài công việc hàng ngày của ông, cho chúng ta thấy những phẩm chất quý giá nơi ông, cũng như những giá trị mà ông góp phần tạo đặt nền tảng cho nền báo chí Việt Nam hôm nay.
Đó là phẩm chất và phong cách của nhà báo - nhà nghiên cứu. Bất cứ công việc gì được giao, nhất là những công việc đòi hỏi tính nghiên cứu và cơ bản, hệ thống và tính lý luận, ông luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc. Không những thế, ông còn là nhà nghiên cứu lý luận báo chí, và những công trình của ông đã đặt nền móng cho hôm nay. Đó là bài giảng “Quan điểm báo chí cách mạng”; “Ngôn ngữ báo chí và một số phát biểu về loại thể tác phẩm báo chí”. Ông và cố nhà báo Hoàng Tùng đồng quan điểm khi phân loại thể tác phẩm báo chí Việt Nam. Rằng, chỉ có hai nhóm loại thể, là loại thể tác phẩm thông tin (thông tấn) và loại thể tác phẩm nghị luận (chính luận). Cách phân loại dễ tiếp cận, rất thực tiễn, không rối rắm phức tạp như nhiều quan điểm khác.
Nói về nhà báo Quang Đạm, nhà báo Thuận Hữu, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Vị thế của nhà báo Quang Đạm là một trong những nhà báo hàng đầu ở báo Nhân Dân, cũng có nghĩa là hàng đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhất là ở cương vị một nhà báo chuyên viết bình luận, xã luận, chuyên luận đầy tính chiến đấu sắc sảo và thuyết phục; một biên tập viên nghiêm khắc, cẩn trọng và uyên bác; một nhà báo giỏi nhiều ngoại ngữ nhưng luôn nêu gương tự học và nói, viết đúng tiếng Việt, luôn có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đối với những người viết báo Việt Nam”.
Bài, ảnh: Viết Tôn
Trình bày: Nguyễn Hà
17/06/2019 02:00