Một ngày cuối tháng 9/2021, bước lên chuyến bay trở về từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Ths.BS Lê Xuân Hà, Khoa Nội tổng hợp A, Bệnh viện Hữu nghị và các đồng nghiệp mang thật nhiều cảm xúc. Khác với tinh thần hừng hực khí thế của tuổi trẻ lúc lên đường; trong đôi mắt mỗi người dường như tĩnh lặng hơn, chất chứa thật nhiều những vui, buồn khi đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt, bảo toàn lực lượng, bình an trở về sau chuyến công tác đáng nhớ nhất trong đời.
Với riêng BS. Lê Xuân Hà, có lẽ chuyến công tác này là một lần “thử lửa” để trưởng thành hơn cả về chuyên môn và kinh nghiệm sống.
“Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trước lời kêu gọi của Bộ Y tế và sự huy động của Bệnh viện Hữu Nghị về cử cán bộ y tế đi chi viện, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng lên đường. Không ai muốn vào nơi nguy hiểm, đối mặt với khó khăn, nhưng ở cuộc chiến này, chúng tôi không thể đứng ngoài. Trước khi đăng ký đi, tôi gọi điện về nhà, và rất bất ngờ vì bố mẹ tôi cũng khuyên tôi nên tham gia đồng thời dặn dò tôi tự bảo vệ sức khoẻ để làm việc. Có lẽ mọi người trong gia đình đều hiểu, với tính cách của tôi, chắc chắn tôi không chịu ở nhà. Và thế là tôi yên tâm lên đường…”, BS. Lê Xuân Hà nhớ lại những ngày đầu đi vào tuyến lửa.
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 TP Hồ Chí Minh là điểm đến của BS. Lê Xuân Hà và các đồng nghiệp.
Đã chuẩn bị trước tinh thần vào nơi tâm dịch sẽ đối mặt với cuộc chiến vô cùng khốc liệt vì chủng virus biến thể rất khủng khiếp, nhưng khi bước chân vào Trung tâm, cả đoàn y, bác sĩ vẫn bị choáng ngợp. Số lượng bệnh nhân nặng quá lớn, mức độ khốc liệt gấp nhiều lần so với tưởng tượng trước đó.
“Buổi đầu tiên chúng tôi đến giao ban với Bệnh viện, tất cả hơi “choáng” khi biết chỉ trong 10 ngày từ một cơ sở chưa có gì về trang thiết bị phục vụ điều trị COVID-19, một Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 đã được xây dựng với hơn 400 giường bệnh. Các bác sĩ tại đây động viên chúng tôi đừng lo lắng, cứ yên tâm tham gia công tác điều trị; vừa làm việc, vừa học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt, nếu không may trở thành F0 mà không có triệu chứng thì vẫn được tiếp tục tham gia điều trị như bình thường. “Được lời như cởi tấm lòng” chúng tôi như được tháo nút thắt, bởi với “người lính ra trận”, lo nhất là mình không hoàn thành nhiệm vụ, lại còn có thể trở thành gánh nặng cho cả đoàn nếu chẳng may bị lây nhiễm”, BS. Lê Xuân Hà chia sẻ.
Khoác bộ đồ bảo hộ bước vào ICU, "cuộc chiến" của các y bác sĩ chính thức bắt đầu.
Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 TP Hồ Chí Minh là tuyến cuối tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 nặng, thậm chí rất nặng, nguy kịch từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển tới. Trước áp lực đó, tâm lý của BS. Lê Xuân Hà và các đồng nghiệp cũng khá lo lắng vì tuy các y bác sĩ đi chi viện lần này đều có chuyên môn vững nhưng chuyên môn về hồi sức, nhất là hồi sức COVID-19 thì chưa có nhiều.
“Khi vào làm việc, mọi lo lắng gần như được xoá nhoà hết, chúng tôi chỉ có tinh thần cao nhất là tất cả vì bệnh nhân. Chúng tôi học hỏi những người trình độ cao hơn, thường xuyên hội chẩn, trao đổi lẫn nhau về chuyên môn nên đã bắt nhịp được ngay. Chỉ sau 1 tuần, tất cả đều đã “vào guồng”, BS. Lê Xuân Hà chia sẻ.
Công việc hàng ngày của các y bác sĩ chỉ có trực và trực; ca trực hàng ngày kéo dài tới 7 tiếng tiếng liên tục; ca đêm, các điều dưỡng phải làm tới 10 tiếng ở các khoa hồi sức tích cực, có lọc máu, bệnh nhân chạy ECMO.
“Đúng là chúng tôi không còn khái niệm thời gian, ngày tháng, chỉ biết hết ca trực lại tranh thủ nghỉ để hôm sau lại vào ca tiếp. Các bệnh nhân COVID-19 hoàn toàn cô đơn trong bệnh viện, không có người thân ở bên; vì vậy tất cả các khâu từ điều trị bệnh nhân đến thay tã, bỉm, tắm, vệ sinh cá nhân, động viên an ủi bệnh nhân..., đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. Trong ICU, bác sĩ và điều dưỡng không có sự phân biệt trong công việc, ngay cả những việc giúp bệnh nhân vệ sinh, ăn uống…, bác sĩ cũng có thể làm”, BS. Lê Xuân Hà chia sẻ.
Thời kỳ cao điểm, mỗi ca trực chỉ có khoảng 2-3 bác sĩ phụ trách tới 70- 80 bệnh nhân. Lượng công việc khổng lồ phải làm trong bộ bảo hộ kín mít, bí bách là một thử thách không nhỏ với các y bác sĩ.
“Trong ca trực, chúng tôi phải đi lại nhiều, rất mệt; nhưng thực sự, nếu không đi thì còn mệt hơn vì bộ đồ bảo hộ rất nóng, dừng lại ngồi lâu là kính bảo hộ sẽ bị mờ; và nếu không đi cũng cảm thấy ca trực rất dài”, BS. Lê Xuân Hà bộc bạch.
BS.Lê Xuân Hà nhớ lại, đã có nữ nhân viên y tế của đoàn, trong tuần đầu chưa quen với áp lực công việc, đã bị ngất xỉu ngay trong khu điều trị. Ca trực dài suốt 7 tiếng liên tục khiến nữ nhân viên y tế bị mất nước và ngất. Các bác sĩ phải tiến hành cấp cứu ngay tại chỗ. Nhưng điều đáng lo ngại là những tình huống này có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Phải mất 20 phút, các y bác sĩ mới đưa được đồng nghiệp, lúc đó đã phải bỏ khẩu trang, chuẩn bị thở oxy, ra khu vực đệm phía ngoài. May mắn, nữ nhân viên y tế đã sớm hồi phục, Đoàn chi viện lại phải báo cáo với Bệnh viện và theo dõi trong vòng 5 ngày. Sau thời gian theo dõi và có kết quả xét nghiệm âm tính, nữ nhân viên y tế nhanh chóng quay lại với công việc như bình thường. Sau những tình huống “rớt tim” đó, thấy đồng nghiệp vẫn an toàn, không ảnh hưởng đến công việc là niềm vui vô bờ của các y bác sĩ.
“Tuy cả đoàn công tác đều an toàn, nhưng tôi đã chứng kiến nhiều nhân viên y tế làm việc tại Trung tâm bị lây nhiễm, chuyển thành F0. Nói với nhau là không lo lắng, nhưng nếu trực tiếp trở thành F0 mới thực sự hoang mang. Tôi vẫn nhớ có một nữ nhân viên y tế của một đoàn khác, gần đến ngày về lại được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Chị đã khóc, rất buồn rầu, một phần vì lo bệnh nhưng nhiều hơn là tủi thân vì đã làm việc suốt 2 tháng, sắp hoàn thành nhiệm vụ chi viện; lúc mọi người gần được về thì chị lại phải ở lại điều trị, theo dõi. Những lúc như vậy, chúng tôi chỉ có thể động viên nhau cố gắng vượt qua. Rất may, trong số các nhân viên y tế từng bị lây nhiễm ở Trung tâm, chỉ có một vài ca nặng, người nặng nhất là thở máy và đều hồi phục được”, BS. Lê Xuân Hà kể.
Công việc điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tuyến đầu với áp lực rất lớn, họ luôn phải đau đáu với câu hỏi: “Liệu có cứu được bệnh nhân không?”. Bởi ở đây là chật kín giường bệnh, bệnh nhân nào cũng nặng.
“Hầu như bệnh nhân nào vào Trung tâm, nếu tỉnh táo cũng hỏi: “Tôi có chết không, bác sĩ?”; “Bác sĩ ơi, cứu em!”… những câu hỏi, lời cầu khẩn thống thiết ấy khiến tôi thực sự ám ảnh. Đa số bệnh nhân COVID-19 khi được chuyển vào ICU, họ không biết mình đang ở đâu, chuyển viện lúc nào, trong tình trạng nặng họ chỉ còn biết cố gắng để thở. Bệnh nhân khi tỉnh táo một chút, câu đầu tiên là hỏi bác sĩ: “Tôi đang ở đâu?”, “Tôi có thể liên lạc với gia đình không?... Còn chúng tôi chỉ biết cố gắng, cố gắng hết sức mình để cứu họ”, BS. Lê Xuân Hà tâm sự.
Trong giai đoạn dịch đỉnh điểm ở TP Hồ Chí Minh, tại Trung tâm Hồi sức tích cực, giường bệnh luôn luôn kín, thậm chí còn rất nhiều người xếp hàng chỉ chờ có giường trống để nhập viện. Nhiều trường hợp không nhận được chăm sóc y tế đầy đủ ngay từ đầu nên khi vào viện đã chuyển nặng, rất nhiều tình huống đáng tiếc nhưng cũng là tình trạng chung lúc đó, khi y tế đang bị quá tải.
Suốt gần 2 tháng trong ICU, tham gia điều trị biết bao nhiêu người bệnh COVID-19 nặng, từng trải qua cảm giác bất lực khi nhiều bệnh nhân tử vong; nhưng có lẽ trường hợp khiến BS. Lê Xuân Hà ám ảnh nhất, buồn và tiếc nuối nhất là một bệnh nhân nữ sinh năm 1995. Sản phụ trẻ bị mắc COVID-19 khi đi sinh con. Sinh xong, em bé phải giữ tại bệnh viện sản để chăm sóc, còn người mẹ được chuyển tới bệnh viện dã chiến vì bệnh tình chuyển nặng.
“Lúc vào viện, điện thoại của bệnh nhân hết sạch pin, chúng tôi không liên lạc được với người thân của bệnh nhân. Chúng tôi phải tìm mọi cách, hỏi khắp nơi, tìm các đầu mối và xin được số điện thoại của chồng bệnh nhân. Đến khi bệnh nhân tỉnh hơn, có thể nói chuyện được, và khi nối liên lạc được với người chồng, ai cũng mừng vì bệnh nhân đã tiến triển tốt lên. Bệnh nhân đã từng diễn biến nặng đến mức phải đặt nội khí quản, lọc máu, nhưng có chuyển biến tích cực và đã qua được giai đoạn nặng, được rút ống nội khí quản, chỉ còn phải thở máy oxy dòng cao. Mọi việc tưởng như đã suôn sẻ, bệnh nhân đã nhìn thấy ngày về nhưng trong lúc sức khoẻ yếu, bệnh nhân lại bị nhiễm khuẩn bệnh viện, viêm phổi nên lại phải quay ngược lại ICU. Đây là trường hợp chúng tôi vô cùng tiếc nuối, vì tất cả các y bác sĩ đã cố gắng hết mình, bệnh nhân cũng tưởng như đã nắm chắc chiến thắng trong tay nhưng hy vọng ấy cuối cùng đã tuột mất. Bệnh nhân không qua khỏi. Trong hơn 1 tháng, từ lúc bệnh nhân sinh con, chưa một lần được nhìn thấy con, khi nối được liên lạc, chồng bệnh nhân cũng chỉ kịp gửi đồ vào cho vợ 2 lần; rồi đã mãi mãi chẳng thể đoàn tụ nữa...”, giọng BS. Lê Xuân Hà trầm hẳn xuống.
Trong tâm dịch, chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong vì COVID-19 một cách rất nhanh chóng mới thấy cuộc sống này thật mong manh, nhất là cái chết của bệnh nhân COVID-19, thực sự đã trở thành những nỗi ám ảnh khủng khiếp với các thầy thuốc. Các bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi đều ra đi đơn độc, không có người thân, chỉ có bác sĩ và điều dưỡng ở bên cạnh họ trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Điều này thực sự rất xót xa. Chứng kiến những đau thương, mất mát ấy, các y bác sĩ càng nỗ lực, tự động viên mình cố gắng làm hết sức để bệnh nhân có ngày trở về.
Nhưng ở nơi ranh giới sống - chết mong manh ấy cũng còn có những niềm vui; động lực cho các y bác sĩ nỗ lực hơn mỗi ngày. Đó là những tín hiệu chuyển biến tốt của bệnh nhân, là những lần chứng kiến bệnh nhân kiên cường vượt qua cơn nguy kịch, khỏi bệnh trở về nhà. Những người từ ICU về đều như đã được sinh ra lần nữa.
Đôi mắt sáng lên khi nhắc tới kỷ niệm vui, BS. Lê Xuân Hà kể: “Chúng tôi từng điều trị cho một bệnh nhân trẻ (sinh năm 1995), bị béo phì hơn 100kg, nằm gần như kín cả giường, khá khó khăn trong việc chăm sóc. Bệnh nhân chuyển nặng, phải thở oxy dòng cao; trong lúc rất yếu, bệnh nhân vẫn thều thào: “Anh ơi cứu em, em còn trẻ lắm, em chưa muốn chết”. Câu nói đó như xé lòng tôi, tôi chỉ biết gật đầu động viên em và nói sẽ cố gắng hết sức. Trong điều trị COVID-19, quan trọng vẫn là nỗ lực muốn sống tiếp; rất may bệnh nhân đã đáp ứng điều trị, hồi phục dần và được ra viện sau 2 tuần. Ngày được ra viện, bệnh nhân phấn khởi quá, em chạy đi tất cả các khoa, gặp mọi người trong Trung tâm để cảm ơn khiến niềm vui dường như lan toả khắp nơi, tan biến đi những căng thẳng, áp lực, làm sự sống như trỗi dậy ở nơi chỉ có tiếng tít tít máy thở, tiếng bước chân”.
Cũng có những trường hợp cả 3 thế hệ trong một gia đình; từ bà, bố mẹ và con đều mắc COVID-19 bị chuyển nặng phải vào Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị. Mức độ nặng nhẹ khác nhau nên mỗi người được nằm một khoa. Họ có sức chiến đấu mãnh liệt, và cả nhà đều may mắn đã thoát được tình trạng nặng, hồi phục dần. Chung niềm vui đó, các bác sĩ cũng bố trí để cả nhà bệnh nhân được ra viện cùng nhau.
“Nhìn gia đình bệnh nhân khoẻ mạnh đoàn tụ, cùng nắm tay nhau trở về thật bình yên, niềm hạnh phúc ấy cũng lan toả sang những người thầy thuốc, truyền cho chúng tôi thêm động lực để cố gắng, quên đi những nhọc nhằn”, BS. Lê Xuân Hà chia sẻ.
Cùng thuộc đoàn chi viện vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Ths.BS Bùi Thị Mỹ Lệ, khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị cũng chứng kiến Thành phố vượt qua giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” nhất của đợt dịch COVID-19 lần này.
Có lẽ bởi vậy mà dù đã hoàn thành nhiệm vụ đi chi viện trở về, nhưng những ấn tượng ở nơi căng thẳng nhất của cuộc chiến ấy vẫn ám ảnh, khiến chỉ cần nghe một vài thông tin, đọc một bài báo cũng khiến Ths.BS Bùi Thị Mỹ Lệ bỗng rùng mình nhớ lại.
“Chuyến công tác này thực sự rất nhiều cảm xúc, ấn tượng với tôi. Đến TP Hồ Chí Minh trong lúc đại dịch khó khăn nhất với nhiệm vụ đặc biệt, ngay từ lúc bắt đầu bước chân vào ICU tôi đã gần như “sốc” khi thấy bệnh nhân nặng nằm kín hết khu điều trị, kinh khủng hơn rất nhiều so với những gì tôi nghĩ trước đó mặc dù tôi cũng đã tự tưởng tượng ra những điều mà chúng tôi sẽ phải đối mặt. Với áp lực lớn như vậy, trong chúng tôi dường như có nhiệt huyết, có năng lực đặc biệt nào đó để có thể vững vàng chiến đấu trong những ngày tháng đó. Có lẽ bởi thế mà đứng giữa một khu vực xung quanh đều là bệnh nhân COVID-19, bỗng dưng chúng tôi không còn sợ hãi gì nữa”, Ths.BS Bùi Thị Mỹ Lệ nhớ lại.
Với BS. Bùi Thị Mỹ Lệ, cảm giác sau chuyến công tác trở về là sự tự hào vì chị đã có mặt hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong lúc khó khăn nhất.
“Những kỷ niệm đó sẽ theo chúng tôi đến suốt cuộc đời này, chúng tôi đã sống những tháng ngày rất ý nghĩa. Chuyến đi cho chúng tôi thấy mình trưởng thành hơn, biết trân trọng cuộc sống này hơn, hoàn thiện bản thân và chắc chắn chúng tôi sẽ sống tốt hơn. Chúng tôi đều có thêm sự nhiệt huyết, mang theo tất cả trong sự nghiệp sau này”, BS.Bùi Thị Mỹ Lệ chia sẻ.
Tới chi viện cho TP Hồ Chí Minh đúng 1 tháng 20 ngày, cũng đúng vào lúc cao trào nhất của đợt dịch lần này. Chứng kiến từ khi dịch cao điểm nhất đến lúc đã vào “guồng”, công tác chống dịch, công tác điều trị dần ổn định hơn, các y bác sĩ cũng nhẹ lòng dần. Cuối tháng 9, BS. Lê Xuân Hà, BS. Bùi Thị Mỹ Lệ và đồng nghiệp nhận lệnh rút về hậu phương.
“Khi rời TP Hồ Chí Minh, tôi vẫn còn chút luyến tiếc vì khi đoàn bắt đầu lên đường, chúng tôi đều hy vọng đến khi nào TP Hồ Chí Minh chiến thắng hoàn toàn, chúng tôi mới về. Tuy nhiên thời gian làm việc kéo dài, sức khoẻ, tâm sinh lý của anh em đã thay đổi nhiều; chúng tôi còn có thể cố thêm được 2- 3 tuần nữa nhưng nhìn nhận dịch chưa thể chấm dứt trong thời gian ngắn như vậy và có thể còn kéo dài tới vài tháng nên chúng tôi nhận lệnh trở về. Với những chuyển biến tích cực trong kiểm soát dịch, chúng tôi trở về trong niềm tin Thành phố sẽ hồi sinh, sẽ lại vui vẻ, ”, BS. Lê Xuân Hà chia sẻ.
Thực sự cuộc chiến này quá khốc liệt; mỗi chiến sĩ áo trắng tham gia vào trận chiến đều đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ và ai cũng rất tự hào khi hoàn thành nhiệm vụ, tham gia đúng lúc tâm dịch đang cầu cứu. Điều này càng ý nghĩa hơn khi họ đã góp phần cứu sống được nhiều người dân.
“Đến giờ này, chúng tôi vẫn còn giữ liên lạc với các bệnh nhân để theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn họ điều trị. Chuyến đi đã cho tôi cảm nhận rõ hơn về tình người. Ở nơi những vật chất đời thường được bỏ qua hết, mọi người sống với nhau thực sự chỉ có tình cảm mà thôi. Khi chúng tôi phải trở về, các đồng nghiệp trong đó rất xúc động nói lời cảm ơn; dù họ cũng xả thân như chúng tôi, công việc không có gì khác nhau, bởi tất cả đều vì người bệnh”, BS Bùi Thị Mỹ Lệ xúc động.
Giờ đây các chiến sĩ trở về từ chiến trường khốc liệt vẫn đang cố để quên đi những mất mát, để chỉ nhớ tới những kỷ niệm vui. Và những tin nhắn cảm ơn của bệnh nhân đã khỏi bệnh mà họ nhận được hàng ngày là những nguồn động viên quý giá.
Riêng về chuyên môn, lần trải nghiệm này đã cho các y bác sĩ rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức về phòng chống dịch.
Theo BS. Lê Xuân Hà, kinh nghiệm điều trị bệnh nhân cho thấy, khâu chăm sóc là rất quan trọng vì bệnh nhân COVID-19 thường diễn biến rất nhanh; có những trường hợp vài phút trước còn nói chuyện bình thường nhưng đã có thể suy hô hấp ngay được. Vì vậy kinh nghiệm của các bác sĩ là phải thường xuyên đi buồng, sát sao từng bệnh nhân để theo dõi, nếu có diễn biến thì xử lý ngay, tránh chuyển nặng hoặc có bệnh nhân tiến triển tốt thì kịp thời giảm sử dụng máy để giải phóng bệnh nhân nhanh nhất.
Chiều 18/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện tiêu biểu lực lượng y tế trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19:
Từ “chiến trường” trở về, trước khi có thể bắt tay trở lại với công việc bình thường, các y bác sĩ cũng trải qua thời gian tự cách ly 7 ngày tại Bệnh viện. Những ngày cách ly lại trở nên "buồn chân, buồn tay"; nhưng cũng là lúc để mỗi người có thể trấn tĩnh lại, ổn định tinh thần sau những áp lực vừa trải qua.
Những ngày bắt đầu trở lại với công việc cũ, các y bác sĩ gần như phải thích nghi lại sau thời gian dài làm việc ca kíp liên tục không biết ngày đêm. Mọi người thường trêu đùa gọi đó là “lệch múi giờ”. Gần 2 tháng sống và làm việc cùng đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, tất cả đã rất gắn bó, tình cảm. Vẫn ở trong nhóm online điều trị của Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 nên hàng ngày, các y bác sĩ vẫn tranh thủ trao đổi với đồng nghiệp về chuyên môn, thường xuyên hỏi thăm, động viên nhau.
“Và chúng tôi cũng có một cuộc hẹn: Cuộc hẹn hội ngộ để có thể nhìn rõ mặt nhau khi cuộc sống trở lại bình thường. Bởi có những đồng nghiệp mà chúng tôi mới chỉ quen bằng ánh mắt và biết tên nhau, quen qua giọng nói chứ chưa từng biết mặt, chưa hình dung được khi được cởi bỏ lớp khẩu trang và bộ đồ bảo hộ, chúng tôi sẽ nhận ra nhau như thế nào”, BS. Lê Xuân Hà vui vẻ chia sẻ.
Bài: Tạ Nguyên
Ảnh, clip: Bộ Y tế, nhân vật cung cấp, VNews/TTXVN. Đồ họa: TTXVN
Trình bày: Tuệ Thy
27/10/2021 06:42