Những ngày tháng 5 lịch sử, trong căn phòng nhỏ tầng 3 - ngõ Quỳnh, thuộc khu phố Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, họa sỹ Đỗ Lệnh Tuấn tỉ mỉ cắt từng con tem nhỏ để hoàn thành bức chân dung Bác Hồ nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác.

Căn phòng không bật quạt, không máy lạnh. Chốc chốc, họa sỹ lại lấy tay gạt mồ hôi, vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thú vị về cuộc đời cũng như cơ duyên của ông gắn bó với tem, đến nỗi tem trở thành nghệ danh của ông: “Tuấn tem”, “Ông hoàng tem”.

Họa sỹ Đỗ Lệnh Tuấn sinh năm 1955, tuổi Ất Mùi, tại Hà Nội. Năm 1973, ông tốt nghiệp cấp III. Năm 1981, ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội với tấm bằng loại ưu, chuyên ngành tạo dáng và ưu thế là về đồ hoạ, sơn dầu.

Ra trường lúc cơ chế còn bao cấp, vài ba lần ông đã lưỡng lự định rẽ ngang để lo cơm áo gạo tiền cho gia đình, vì…“đói thì mấy ai còn tâm trạng đâu mà ngắm tranh”, họa sỹ già suy tư nhắc lại. Thế rồi như một cơ duyên, Đỗ Lệnh Tuấn được nhận làm việc tại Công ty Tem và được biên chế trong nhóm họa sỹ vẽ tem bưu chính.

Những năm tháng đầu tiên trong nghề vẽ tem bưu chính, ông Tuấn gặp không ít khó khăn. Tem bưu chính với kích thước bé nhỏ, làm sao để thể hiện được nhiều nhất, rõ nét nhất chủ đề của các bộ tem? Đó là chưa kể đến điều kiện trang thiết bị, họa phẩm tối thiểu cho người họa sỹ vẽ tem cần có.

Họa sỹ Lệnh Tuấn tâm sự: “Không chỉ cần ý tưởng, người họa sỹ phải cố gắng phác họa để chọn cho mình phương án tốt nhất, tập trung cao độ để sáng tác. Đặc biệt là những bộ tem về chính trị, các danh nhân, các vị lãnh tụ trong lịch sử dân tộc. Làm cách nào để khắc họa chính xác, chân thực, tránh sáo mòn hoặc "vay mượn" ý tưởng của người khác, đó là điều người cầm cọ nào cũng trăn trở”.

Việc khắc họa hình tượng Bác trên tem luôn mang đến cho họa sỹ già “Tuấn tem” những xúc cảm đặc biệt. “Tôi chưa được gặp Bác bao giờ. Nhưng tôi nghe và xem tư liệu về Bác. Khi thành họa sỹ vẽ tem chuyên nghiệp, tôi vào Lăng Bác nhiều, được gặp thư ký riêng của Bác là bác Vũ Kỳ, từ đó hun đúc nên cảm xúc và dẫn dắt cho cây bút vẽ”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn kể: "Năm 1969, tôi còn là một cậu bé lớp 6, đang đi sơ tán. Nghe tin Bác mất, dù chưa từng được gặp Người nhưng tôi cũng nức nở, òa khóc trong ngày lễ tang". Sự kính trọng, biết ơn vị lãnh tụ của dân tộc trong tâm hồn đã truyền lửa vào từng nét vẽ của họa sỹ. Trong quá trình làm việc tại Công ty Tem, ông Tuấn đã vẽ trên 10 mẫu về Bác, trong đó có 6 mẫu tem được duyệt phát hành chính thức.

Những mẫu tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sỹ Lệnh Tuấn sáng tác đều được thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa đặc trưng với màu sắc tươi sáng. Nổi bật là khuôn mặt phúc hậu của Người, vầng trán cao, rộng mênh mông, giàu trí tuệ, đôi mắt sáng hiền từ, nụ cười rạng rỡ, nhân ái, đầy vị tha...

“Những con tem là những tác phẩm nghệ thuật với hàm lượng thông tin tri thức cao, thông điệp mạnh mẽ về đất nước và con người. Vì vậy, khi thấy những con tem không còn hạn, con tem bị lỗi, tôi rất xót xa”, ông Tuấn tâm sự. Bằng sự khéo léo, tinh tế và sáng tạo của mình, họa sỹ Tuấn đã sử dụng những con tem đó, lắp ghép và cho ra đời không ít tác phẩm tranh tem độc đáo.

Theo họa sỹ Lệnh Tuấn, ông “bén duyên” tranh ghép tem, đặc biệt sáng tạo hình tượng Bác từ năm 1995. Sau khi nghỉ hưu năm 2015, ông vẫn tiếp tục sáng tạo và cho ra đời nhiều bức tranh về đề tài Bác Hồ với chất liệu độc đáo từ chính những con tem bưu chính.

Khi bắt đầu bức tranh, với mỗi con tem, họa sỹ Lệnh Tuấn phải cắt gọt từng chi tiết, tỉ mỉ lắp ghép. Theo ông quan niệm, làm tranh ghép tem như một cuộc chơi đầy thách thức, đòi hỏi sự kiên trì của người nghệ sỹ, nếu suôn sẻ thì mất hơn một tuần, nếu không thì phải cả tháng.

Để ghép được một bức tranh, trước tiên, người họa sỹ phải vẽ hình, tìm tem trùng màu với khuôn mặt, đôi mắt, mái tóc, trang phục; cắt theo mẫu, rồi dán bằng hồ.

“Khó nhất là làm sao phối màu đã có trên những con tem cũ mà vẫn thể hiện khuôn mặt và đôi mắt Bác Hồ một cách hài hòa, chân thực và có hồn. Khi còn sống, Bác Hồ vốn là người sống giản dị và thanh cao. Vì vậy, tôi thường sử dụng màu nâu và vàng là tông màu chủ đạo. Kích thước mỗi con tem vốn đã nhỏ nhưng không phải tất cả các phần đều được sử dụng. May mắn thì lấy được cả con tem để làm nền, có lúc một con tem chỉ lấy được một mẫu bé bằng hạt gạo để dán vào tranh. Trung bình mỗi bức tranh, tôi phải sử dụng từ 1.000 đến 3.000 con tem để hoàn thành”, ông Đỗ Lệnh Tuấn chia sẻ.

Theo giới họa sỹ, những người say mê tem, để có được bức tranh tem ghép, khâu cắt ghép là tốn thời gian nhất, độ cắt của tem phụ thuộc vào kích cỡ của bức tranh, tranh càng nhỏ thì diện tích cắt càng bé, thậm chí tính từng milimet. Khi chuyển thể sang tranh, người họa sỹ phải rất tinh tế trong phối màu, còn phụ thuộc vào màu sắc của con tem đậm hay nhạt để điều chỉnh các màu xung quanh sao cho hài hòa.

Không chỉ vậy, bản thân những con tem lại được làm từ giấy, màu mực không bền, dễ bị bạc theo thời gian nên các tác phẩm sau khi hoàn thành sẽ được các họa sỹ phun lên một lớp Epoxi, tạo thành một lớp nhựa trong suốt giúp tranh bền màu và sáng đẹp hơn.

“Mỗi lần có đặt hàng làm tranh của Bác, tôi đều phải đến tận cơ sở để lựa chọn tem, màu sắc cho phù hợp, tem được công ty bưu chính cấp nhưng không phải loại nào cũng phù hợp để làm tranh, nhất là tranh chân dung về Bác”, họa sỹ “Tuấn tem” nói.

Điểm đặc biệt, khó thể hiện nhất khi làm tranh ghép tem về Bác, theo ông Tuấn là chi tiết đôi mắt và vầng trán, nếu làm không tốt sẽ không thể hiện trọn vẹn được phong thái, cốt cách giản dị, thanh cao của Người. “Khó nhất là khi thể hiện đôi mắt Bác sao cho hài hòa, có hồn, có thần thái, để nhìn ai cũng nhận ra Bác Hồ. Miệng bác tươi, sống mũi bác ghép ngang ko được, phải ghép dọc mới ra dọc dừa.

Sau khi chọn tem có màu sắc, chủ đề phù hợp, cắt gọn, xếp lớp, độ cắt của con tem phụ thuộc vào kích cỡ tranh, để hoàn thành mỗi bức tranh, họa sỹ dùng tới 3.000 con tem, có tác phẩm mất cả tháng trời.

Những khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn

“Làm những bức tranh như thế này đòi hòi sự kiên trì, tỉ mỉ. Với tranh chân dung, đắp lên nhiều, hỏng nhiều, bỏ đi, gỡ ra nhiều. Nói chung nếu làm được 10 tranh tem thì có tới 7 tranh phải làm đi làm lại”, ông Đỗ Lệnh Tuấn chia sẻ.

Hoạ sỹ “Tuấn tem” còn đặc biệt lưu ý: Trong quá trình sử dụng tem để làm tranh về Bác cũng như các lãnh tụ, phải hết sức cẩn trọng. Tuyệt đối không thể sử dụng phần cắt tem động vật, tem có chữ nước ngoài để làm chân dung Bác. Đối với những hình tem Bác Hồ, không thể cắt để dán lên tranh, chỉ tận dụng để làm nền cho bức tranh. Khi dán tem luôn phải để ý để không bị ngược hình.

Đến nay, họa sỹ Lệnh Tuấn đã ghép tổng cộng hơn 500 bức tranh tem về đề tài Bác Hồ. Trong đó, có các bức tranh như: “Hồ Chủ tịch quan sát trận địa”, “Hồ Chủ tịch làm việc ở vườn Chủ tịch phủ”, “Bác Hồ đọc báo”, “Cờ đỏ búa liềm”, “Bác cùng chúng cháu hành quân”, “Chiến thắng Điện Biên”…khiến người xem rung động. Có những bức tranh: “Hồ Chủ tịch quan sát trận địa”, “Hồ Chủ tịch làm việc ở vườn Chủ tịch phủ”, “Bác Hồ đọc báo”, “Cờ đỏ búa liềm”, “Bác cùng chúng cháu hành quân”, “Chiến thắng Điện Biên”…bức to nhất lên đến 2 mét, phải mất cả tháng trời để hoàn thành.

Và đến nay, trên căn gác nhỏ, người họa sỹ già vẫn miệt mài, dồn hết tâm huyết, tình cảm của mình vào trong từng chiếc tem nhỏ để đưa những bức tranh ấn tượng đến với công chúng mọi miền. Qua những bức tranh ghép tem của ông, hình ảnh Bác Hồ càng trở nên gần gũi, sống lâu hơn trong trái tim mỗi người con Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Minh Phương - Lê Phú

15/05/2020 03:14