Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở TP Hồ Chí Minh, số lượng người mắc bệnh cần đến oxy để thở tăng đột biến, ngay lập tức, anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHG Smarthome đã kết hợp với Thành Đoàn và Trung ương Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho ra mắt “ATM oxy”. Việc làm kịp thời này đã hỗ trợ cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn F0 cách ly tại nhà vượt qua nguy hiểm. Anh Hoàng Tuấn Anh cũng là “cha đẻ” của “ATM gạo”, đã hỗ trợ rất nhiều người dân trong thời điểm khốn khó vì dịch bệnh.

Giữa tháng 8, cả gia đình chị Nguyễn Thị Thanh ngụ ở phường Tân Phong (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) nhận được tin cả nhà trở thành F0. Đây cũng là ngày "kinh hoàng” đối với gia đình chị. Trong khi 4 người trẻ trong nhà không có triệu chứng thì mẹ chị Thanh, năm nay 55 tuổi, lại có dấu hiệu khó thở và trở nặng, đang rất cần oxy để trợ thở.

Hàng ngàn F0 cách ly tại nhà nhờ những bình oxy miễn phí từ dự án "ATM oxy" đã kịp thời qua cơn nguy kịch. 

Thời điểm này, TP Hồ Chí Minh lại đang bước vào cao điểm của dịch bệnh nên hệ thống y tế và những người cung cấp oxy cũng quá tải; thậm chí do giãn cách nên việc tìm mua và giao hàng cũng cực kỳ khó khăn. Mặc dù trong nhà chị có dự trữ bình oxy 5 lít nhưng khi đến gần 1 giờ 30 phút sáng, trong khi mẹ chị Thanh có dấu hiệu khó thở nặng thì cũng là lúc bình oxy cũng đã cạn kiệt.

“Đang lo lắng vì đêm đã khuya, không biết liệu gọi vào đường dây nóng “ATM oxy” cầu cứu thì có ai nghe máy không, bởi trước đó, tôi đã gọi điện thoại cho nhiều đường dây nóng nhưng không ai nghe máy. Nhưng, chỉ sau 2 hồi chuông đổ, một tình nguyện viên ở trạm “ATM oxy” Quận 7 đã nghe máy và nhiệt tình bảo “chị cho em địa chỉ nhà chị, khoảng 10-15 phút bọn em sẽ mang bình oxy cho gia đình nhé”, chị Nguyễn Thị Thanh nói. 

Và chỉ khoảng 15 phút sau, các tình nguyện viên ở trạm “ATM oxy” Quận 7 đã mang bình oxy 40 lít đến tận nhà cho mẹ chị Thanh. Nhờ bình oxy này, mẹ chị Thanh đã qua cơn nguy kịch. Sau đó, cứ đều đặn cách 2 ngày, mẹ chị Thanh lại được đội “ATM oxy” đến thay bình oxy một lần. Sau 10 ngày sử dụng oxy hỗ trợ và thuốc theo hướng dẫn của ngành y tế, mẹ chị Thanh đã khỏi bệnh.  

"Tôi biết ơn và khâm phục người tạo ra dự án “ATM oxy” rất nhiều vì đã giúp gia đình tôi trong lúc nguy kịch nhất. Chính nhờ có “ATM oxy” và các tình nguyện viên mà người thân của tôi và hàng trăm F0 khác đã được cứu chữa kịp thời. Theo tôi, khi TP Hồ Chí Minh bước vào cao điểm của dịch bệnh, “ATM oxy” chính là những trợ thủ đắc lực cùng ngành y tế Thành phố vì đã giúp F0 giành lại sự sống trong gang tấc”, chị Nguyễn Thị Thanh nói.

Tham gia từ ngày đầu thành lập trạm “ATM oxy” tại Quận 7, anh Bùi Tấn Hoài, tình nguyện viên tại trạm “ATM oxy” Quận 7 cho biết, mục tiêu của trạm “ATM oxy” là phải đưa bình oxy đến với F0 nhanh nhất, dù đó là ban ngày hay ban đêm. Sau hơn một tháng làm công việc hỗ trợ bình oxy cho người dân tại Quận 7, huyện Nhà bè… anh Hoài cảm thấy công việc này rất ý nghĩa là đã cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân thiếu oxy.

Đội tình nguyện hàng ngày đều đặn đến thay bình oxy cho các F0 đang điều trị tại nhà. Mặc dù có nhiều nguy cơ phơi nhiễm nhưng các bạn tình nguyện vẫn muốn được giúp đỡ người dân qua cơn nguy kịch.

“Hồi đầu tháng 8, có rất nhiều cụ già trên địa bàn Quận 7 rơi vào tình trạng thiếu oxy trầm trọng và đây cũng là thời điểm trạm “ATM oxy” hoạt động hết công suất, các tình nguyện viên phải thay phiên nhau trực tổng đài 24/24. Tôi còn nhớ, lúc đó khoảng 12 giờ đêm, đội chúng tôi vừa kết thúc ca tối, khi đó các bạn tình nguyện trong đội ai cũng mệt mỏi sau một ngày chạy tới chạy lui giao hàng chục bình oxy trên khắp địa bàn quận. Lúc này, ai cũng nghĩ sẽ được chợp mắt và không còn phải nghe điện thoại, tuy nhiên chuông điện thoại lại reo, ở đầu dây bên kia giọng một phụ nữ thở gấp và cầu cứu cần bình oxy. Không chần chừ, tôi và một đồng đội khác lại tức tốc lên đường. Đến nơi, chúng tôi biết được chồng cô đang điều trị tại bệnh viện dã chiến, trong nhà hiện chỉ còn mình cô”, anh Hoài kể lại.

Anh Hoài kể tiếp: “Khi lắp xong bình oxy nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm khi để cô lại một mình, vì vậy chúng tôi quyết định cùng cô chờ xe cấp cứu đến, khi đó chúng tôi mới rời đi. Cuối cùng sau 2 giờ chờ đợi, xe cấp cứu 115 cũng đã đến và chuyển cô đến bệnh viện điều trị kịp thời. Kết thúc công việc, chúng tôi về nhà, khi đó cũng gần 3 giờ sáng. Công việc tuy vất vả nhưng chúng tôi thấy vui vì mình đã giúp được những người đang cần oxy. Vui hơn nữa là vài ngày sau chúng tôi nhận được thông tin nhờ bình oxy của chúng tôi mà cô đã được cấp cứu kịp thời. Hiện nay, cô và chồng cũng đã khỏi bệnh và thỉnh thoảng cô cũng gọi điện thoại đến cảm ơn toàn đội tình nguyện “ATM oxy”.

Chú thích ảnh
Đầu tháng 8, các tình nguyện viên của dự án "ATM oxy" phải hoạt động ngày đêm vì lượng bệnh nhân F0 tăng cao. 

Theo nhiều bác sĩ tại các trạm “ATM oxy” lưu động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, dự án “ATM oxy” của anh Hoàng Tuấn Anh và Đoàn Thanh niên, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam đã góp phần cung cấp oxy cho 414 trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh. Nhờ nguồn lực từ “ATM oxy” mà các y, bác sĩ tại địa phương đã có thêm điều kiện để hỗ trợ cấp cứu cho nhiều bệnh nhân F0 trở nặng. Bởi oxy rất quan trọng và mang tính sống còn đối với bệnh nhân mắc COVID-19 khi chỉ số oxy máu (SpO2) tụt xuống dưới 95%. Khi các “ATM oxy” phủ sóng khắp các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh, nhiều người F0 cũng đã có tâm lý yên tâm hơn vì có bình oxy miễn phí gần nhà.

Anh Hoàng Tuấn Anh cho biết, thực tế cho thấy, khi dịch bùng phát, nhiều nước xảy ra tình trạng khan hiếm oxy, TP Hồ Chí Minh khi đó cũng có hàng ngàn bệnh nhân F0 tự cách ly, điều trị tại nhà cần được cung cấp oxy khi trở nặng. Ngày 27/7, khi đọc câu chuyện về người cha 40 tuổi di chuyển giữa đêm trong giờ giới hạn để chở bình oxy về cứu con trai đang bị bệnh, anh Hoàng Tuấn Anh đã nảy ra ý tưởng làm “ATM oxy”. Ngay trong đêm, chỉ vài giờ sau khi chia sẻ lên mạng xã hội, anh đã nhận được cuộc gọi của một người con nhờ cung cấp oxy khẩn cấp để cứu cha mình.

“Tôi muốn giúp các F0 và người dân ở nhà vẫn có sự chăm sóc y tế cơ bản khi các bệnh viện, các cơ sở điều trị quá tải nên đã kết nối, tạo ra mô hình “ATM oxy", anh Tuấn Anh nói.

Khi dự án “ATM oxy” đi vào hoạt động, bệnh nhân F0 cần đổi bình oxy có thể liên hệ qua đường dây nóng 0796.555.564. Các tình nguyện viên sẽ chở oxy bằng xe máy đến tận nhà cho người chưa có bình và hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày, các xe bán tải của đội phản ứng nhanh sẽ đi nạp khí oxy tại các trạm sang chiết ở ngoại thành và tỉnh lân cận, sau đó đem về các trạm ở các quận, huyện chờ hỗ trợ bệnh nhân.

Theo anh Hoàng Tuấn Anh, ngoài việc hỗ trợ các F0 tại nhà, khi thành phố bước vào cao điểm dịch bệnh, “ATM oxy” đã hỗ trợ đổi bình oxy miễn phí cho các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện dã chiến với số lượng 5.000 - 10.000 bình. Đến nay, với nỗ lực của anh Hoàng Tuấn Anh, “ATM oxy” đã hoàn thiện việc giao oxy cho các bệnh viện dã chiến và 414 trạm y tế lưu động tại 23 quận, huyện và thành phố Thủ Đức để đồng hành cùng chính quyền TP Hồ Chí Minh trong công tác đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

“Những ngày đầu đi vào hoạt động, nhóm của Tuấn Anh đã nhận được vài trăm cuộc gọi của các F0, F1 muốn đổi và mượn bình oxy; có lúc hệ thống cũng rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ Hội doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh và đến nay dự án đã kêu gọi được số tiền ủng hộ lên đến 20 tỷ đồng. Nhờ vậy, dự án đã có thể triển khai nhanh thêm nhiều trạm khác để khắc phục tình trạng quá tải trên”, anh Tuấn Anh nói.

Theo anh Tuấn Anh, xuất phát từ 90 bình oxy loại 8 lít ban đầu và triển khai tại các trạm ở Quận đoàn trên địa bàn Quận 7, Quận 8, Quận 10, quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, đến nay, dự án “ATM oxy” đã được mở rộng ra 23 quận, huyện và thành phố Thủ Đức số với số lượng bình oxy khoảng 7.000 bình. Hiện nay, dự án cũng đang đi vào giai đoạn 3 - giai đoạn TP Hồ Chí Minh đã giảm dịch, “ATM oxy” sẽ được anh Hoàng Tuấn Anh mở rộng sang hỗ trợ các tỉnh, thành khác trên cả nước như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… mỗi tỉnh khoảng 400 - 500 bình oxy.

Trước khi giao cho người dân, các bình oxy đã được các nhân viên ở trạm bơm kiểm tra kỹ lưỡng từ nút van, vỏ bình...

“Những ngày tháng qua với tôi và gia đình là một mốc “trưởng thành”, đặc biệt khi dự án “ATM oxy” đã phát triển mạnh mẽ và giúp được rất nhiều người dân trong cơn nguy kịch. Điều này cho thấy, dù việc phát triển thương hiệu kinh doanh không như mong muốn nhưng tôi đã rất thành công khi hỗ trợ cộng đồng trong công tác chống dịch và hỗ trợ trong các hoạt động làm từ thiện. Đặc biệt là việc phát triển mạnh mẽ các mô hình “ATM gạo” khi người dân cần lương thực thực phẩm khi giãn cách và hiện nay là phát triển dự án “ATM oxy” để cấp cứu các F0 trở nặng tại nhà”, anh Hoàng Tuấn Anh cười nói.

Trước khi sáng lập “ATM oxy”, anh Hoàng Tuấn Anh đã rất thành công trong sáng kiến “ATM gạo” để cứu đói cho người dân trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó, vào tháng 3/2020, trong đợt cả nước thực hiện giãn cách xã hội lần thứ nhất do COVID-19, trên trang cá nhân của mình, anh Hoàng Tuấn Anh bày tỏ mong muốn được mọi người chung tay phát 100 tấn gạo đến người nghèo. Với ưu thế là doanh nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, anh quyết định sáng tạo một chiếc máy phát gạo, sao cho người nhận gạo không phải chen lấn xô đẩy và nhân sự phát gạo cũng không làm việc trực tiếp để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh, cũng như nhiều hệ lụy khác. Sau ít ngày miệt mài, chiếc “ATM gạo” đầu tiên đã ra đời, đặt tại trụ sở công ty anh trên đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.

“Tôi lo một số người bị ảnh hưởng, vì thiếu ăn mà có thể “làm bậy”, vi phạm pháp luật. Tôi nghĩ mình cần làm gì đó để giúp những người khó khăn, góp phần nhỏ bé để ổn định xã hội trong thời gian dịch bệnh. Vì vậy, tôi đã sáng chế ra cây “ATM gạo”. Với cây “ATM gạo” mọi người có thể lấy gạo từ đó, hoàn toàn “bình đẳng” khi đối mặt với chiếc máy và còn đảm bảo được các quy định giãn cách và phòng dịch”, anh Tuấn Anh cho biết.

Những "ATM gạo" do anh Hoàng Tuấn Anh sáng lập đã được lan tỏa khắp nơi từ trong đến ngoài nước và đã giúp nhiều người dân khốn khó ổn định trong mùa dịch. 

“ATM gạo” hoạt động theo nguyên lý gạo được đổ vào phía bên trong máy, dẫn ra ngoài qua một đường ống. Bên ngoài lắp đặt nhiều máy “rút gạo” với khoảng cách an toàn. Thiết bị chính của ATM gạo là chuông thông minh và van tự động. Khi có người đến nhận, ấn nút thì cảm biến chuyển động kích hoạt hệ thống trên điện thoại và gạo sẽ chạy ra từ bồn chứa phía trên. Người đến nhận gạo được yêu cầu đứng vào các vị trí đánh dấu để xếp hàng cách nhau 2m, được nhân viên vận hành máy hướng dẫn rửa tay sạch sẽ và nhận gạo.

Mỗi lần nhấn nút, mỗi người được nhận 1,5 kg gạo, không lấy quá 2 lần/ngày và có thể “lập trình” để thay đổi số lượng gạo và số lượt. Sau khi ra đời, “ATM gạo” nhanh chóng trở thành một “hiện tượng”. Trong ngày đầu tiên vận hành, 1 tấn gạo đã đến tay hơn 500 người nghèo.

Không chỉ “ATM gạo” là một sáng chế mới lạ và hiệu quả mà còn đặc biệt ở chỗ là dù độc đáo nhưng không đòi hỏi độc quyền. Sau khi cây “ATM gạo” đầu tiên phát huy hiệu quả tích cực, anh Hoàng Tuấn Anh đã hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho nhiều đơn vị, địa phương từ máy, gạo, nhân lực… để mô hình này lan tỏa rộng khắp cả nước. Trong năm 2020, “ATM gạo” đã có mặt tại hầu hết các quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Bình Thuận, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng…

Chú thích ảnh
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét: Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, Đoàn Thanh niên và các cá nhân phát minh ra các mô hình "ATM gạo", "ATM sách", "ATM F0", "ATM oxy" đã viết lại khái niệm ATM và giờ đây nó không còn là tên một loại máy mà là một hành động đầy tình người.

Khi dịch bệnh bùng phát trở lại tại TP Hồ Chí Minh, đầu tháng 6/2021, “ATM gạo” lại tái khởi động. Lần này, cả bộ phận vận hành lẫn người nhận đều đã nhuần nhuyễn. Người dân đã xếp đúng hàng, đứng đúng vạch, lấy đúng mức. Chiếc máy rút gạo nghĩa tình đã trở nên quen thuộc với người dân TP Hồ Chí Minh và khắp cả nước. Đến nay, “ATM gạo” đã nhận được sự chung sức của hàng chục ngàn nhà hảo tâm, có người góp hàng trăm tấn gạo, có người âm thầm chở đến một vài bao... Hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ gặp nhau ở tấm chân tình dành cho những phận đời khốn khó hơn mình.

Khi lần đầu tiên “ATM gạo” đi vào hoạt động có hiệu quả, anh Hoàng Tuấn Anh cũng đã tâm sự về một “giấc mơ xa”. Đó là đem “ATM gạo” đi khắp thế giới, để Việt Nam được biết đến như nước đầu tiên phát minh ra chiếc máy này. Giấc mơ đó hiện nay cũng đã trở thành sự thật khi thông qua các cơ quan chức năng của Việt Nam, “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh đã được trao tặng cho 10 nước Đông Nam Á và đang tiếp tục đến với nhiều nước khác trên thế giới để giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn khi thiếu lương thực.

03/10/2021 09:10