Suốt 30 năm kể từ lần đầu tiên tham gia tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 1988, chính trị gia lão luyện Joe Biden đã bền bỉ với mục tiêu của mình và cuối cùng đã giành chiến thắng, một chiến thắng được hun đúc từ những thành công, tâm huyết và cả những mất mát trong cuộc đời.
Cuộc đua lần thứ ba tới Nhà Trắng của Joe Biden cũng là một cuộc chạy đua bầu cử tổng thống vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Mỹ. Một cuộc đua gắt gao trong một thời điểm lịch sử ngặt nghèo với nước Mỹ: đại dịch COVID-19 tấn công, khủng hoảng xã hội, y tế... Nhưng ông Biden đã thắng và thắng thuyết phục. Việc ông trở thành tổng thống Mỹ giành được số phiếu phổ thông cao nhất trong lịch sử, với trên 75 triệu phiếu, là một trong những chỉ số quan trọng cho thấy sức ảnh hưởng của chính trị gia kỳ cựu này đối với người Mỹ.
Sự nghiệp chính trị lâu dài, nổi bật của ông Joe Biden được đánh dấu bởi vô số thành công, nhưng cũng không ít lời chê bai và cả những nỗi đau. Ông kiên định với cam kết “khôi phục lại linh hồn của nước Mỹ”, “chăm sóc cho mọi người dân Mỹ” và hàn gắn những chia rẽ của nước Mỹ trên cương vị tổng thống.
Ông Joe Biden tên đầy đủ là Joseph Robinette Biden Jr, sinh ngày 20/11/1942 trong một gia đình Công giáo gốc Ailen ở thành phố Scranton, bang Pennsylvania. Bố của ông Biden vốn là một đại lý bán ô tô khá giả, nhưng khi thành phố quê hương trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế trong thập niên 1950, bị mất việc, ông “Biden cha” đã phải đưa vợ con tới thành phố láng giềng Delaware để tìm kế sinh nhai.
“Bố tôi thường nói: ‘Joe này, khi bị đánh gục, con phải bật dậy nhé”, Biden kể về bài học đầu đời mà bố dạy cho ông.
Suốt nửa thế kỷ trên chính trường Mỹ, ông Joe Biden nổi tiếng đóng khung những ý tưởng hiện tại thông qua lăng kính từ quá khứ, một quá khứ gắn với những bi kịch gia đình góp phần định hình sự nghiệp chính trị của ông.
Trong lần đi mua sắm khi chỉ còn vài ngày là đến lễ Giáng sinh năm 1972, người vợ Neilia 30 tuổi của ông Biden và con gái Naomi mới 13 tháng tuổi đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn thương tâm. Chiếc xe Chevrolet do Neilia điều khiển bị một xe kéo chở ngô tông ngang hông. Thời điểm đó, những tờ rơi vận động tranh cử của thượng nghị sĩ vừa đắc cử Joe Biden – 30 tuổi, đại diện tiểu bang Delaware - vẫn đang rơi rải rác khắp đường phố. Hai người con trai của ông, Joseph “Beau” Biden III và Robert Hunter Biden sống sót trong thảm kịch. Nhưng hơn 40 năm sau, Beau đã qua đời sau khi được chẩn đoán ung thư não.
Bà Neilia vốn là con gái của một ông chủ điều hành các nhà hàng thành công ở bang New York. Bà sinh năm 1942 tại thị trấn giàu có Skaneateles. Năm 1963, khi là sinh viên năm hai của trường Đại học Syracuse, Neilia đã gặp gỡ Joe Biden, lúc đó là sinh viên Đại học Delaware, trên bãi biển ở Nassau trong kỳ nghỉ xuân. Hai người nhanh chóng cảm mến nhau. Thời đó, khi được mẹ vợ tương lai hỏi về mục tiêu sự nghiệp, chàng thanh niên Biden đã mạnh mẽ trả lời rằng ông muốn làm Tổng thống Mỹ!
Hai người kết hôn và một năm sau khi sinh con gái út Naomi, ông Biden chạy đua tranh cử, thách thức đối thủ đảng Cộng hòa là Calbe Boggs, để giành suất ghế đại diện bang Delaware tại Thượng viện Mỹ. Cả gia đình đã vận động tranh cử khắp tiểu bang, thực hiện một chiến dịch bám chắc vào cơ sở để tấn công đối thủ đảng Cộng hòa, khắc họa hình ảnh Boggs là một ông già bảo thủ. Chiến dịch đã khắc họa sự chia rẽ thế hệ giữa một bên là lớp chính trị gia bảo thủ cao tuổi và một bên là các cử tri trẻ tuổi hơn nhiều, trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam và các phong trào nhân quyền.
Cuối cùng, chính khách 30 tuổi Joe Biden đã chiến thắng trên đường đua tới Thượng viện Mỹ vào tháng 11/1972. Nhưng chỉ một tuần trước Lễ Giáng sinh, Thượng nghị sĩ đắc cử Joe Biden khi đó đang ở Washington DC phỏng vấn nhân sự mới cho văn phòng của mình thì nhận được tin sét đánh về cái chết của vợ và con gái.
Sau cuộc gọi đó, “cả thế giới của tôi đã thay đổi mãi mãi”, ông Biden kể lại trong bài phát biểu tại một buổi lễ tốt nghiệp ở trường Đại học Yale. Trong cuốn sách “Promise Me, Dad” (tạm dịch: Hứa với con, bố nhé) ra mắt năm 2017, ông Biden viết rằng “nỗi đau ban đầu dường như không thể chịu đựng nổi, và tôi đã mất một thời gian dài để hàn gắn, nhưng tôi đã sống sót qua thử thách trừng phạt đó. Tôi đã vượt qua, với rất nhiều sự ủng hộ, và xây dựng lại cuộc đời mình, gia đình mình”.
Joe Biden đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thượng nghị sĩ ngay bên giường bệnh của hai con trai, khi cả hai vẫn còn nằm viện sau tai nạn.
Để dành thời gian nhiều nhất cho gia đình, ông bắt đầu đi lại hàng ngày trên chuyến tàu Amtrak giữa Delaware và Washington D.C. để có thể chăm sóc hai cậu con trai còn nhỏ. Sự tận tâm đó khiến còn được gọi bằng biệt danh “Amtrak Joe”. “Tôi bắt đầu đi về hàng ngày vì nghĩ rằng tôi chỉ mất thêm chút thời gian – 4 tiếng mỗi ngày từ Washington tới Wilmington, điều mà tôi đã làm trong hơn 37 năm”, ông Biden phát biểu tại Yale. “Tôi đã làm vậy bởi tôi muốn được hôn các con hằng đêm, hôn chúng vào sáng hôm sau. Nhưng nhìn lại, đúng ra mà nói, lý do thực sự tôi về nhà mỗi đêm là tôi cần bọn trẻ hơn chúng cần tôi”.
5 năm sau vụ tai nạn, ông Biden kết hôn với Jill Jacobs, khi đó là sinh viên tại trường Đại học Delaware. Cặp đôi làm đám cưới vào tháng 6/1977 tại Nhà thờ Liên hợp quốc ở New York City và đến năm 1981, Joe Biden đón người con duy nhất của hai người, Ashley Blazer, chào đời.
Chính từ những bi kịch trong cuộc đời mình, Joe Biden đã tìm được tiếng nói đồng cảm khi trò chuyện với những cử tri từng trải qua mất mát tương tự. Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm 2020, ông nói “hàng trăm người đã quàng tay lên vai tôi” nói với ông về việc mất mát những người con trai, con gái, vợ chồng và “tất cả họ đều muốn biết họ có thể vượt qua được không”.
“Cách bạn vượt qua là phải tìm thấy mục đích và bạn nhận ra họ ở ngay bên trong bạn”, ông trả lời, “Họ là một phần của bạn. Không thể tách rời”.
Xem video những hình ảnh làm "tan chảy" trái tim của ông Joe Biden (Nguồn: Kênh YouTube Joe Biden)
Sự nghiệp chính trị của Joe Biden không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Trước khi trở thành ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ và giành chiến thắng trong mùa bầu cử 2020, ông từng thất bại trong hai cuộc bầu cử.
Năm 1987, ở tuổi 45, Joe Biden là một thượng nghị sĩ được kính trọng, thường được so sánh với Thượng nghị sĩ Ted Kennedy. Ông từng cân nhắc ra tranh cử tổng thống bốn năm trước đó, khi Tổng thống Ronald Reagan đang hoàn thành nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng nhưng lại quyết định tạm dừng. Đến năm 1987, Biden đã nổi tiếng là một ứng cử viên có sức thu hút rộng rãi trong những người ôn hòa; ông là Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, người thu hút được thế hệ “baby boomer” (thế hệ bùng nổ sinh sau Thế chiến 2) và có thể quyên tiền.
Ông Joe Biden quyết định ra tranh cử nhưng chiến dịch của ông đã nhanh chóng sụp đổ. Mặc dù có nhiều tiền hơn bất kỳ ứng cử viên đối thủ nào, số phiếu thăm dò ủng hộ ông bắt đầu tụt xuống. Mùa Hè năm đó, ông bị cáo buộc và sau đó thừa nhận đã đạo văn từ bài phát biểu của lãnh đạo Công đảng Anh Neil Kinnock. Ông từ bỏ cuộc đua vào tháng 9/1987, trước cuộc bầu cử sơ bộ và chỉ 4 tháng sau khi tuyên bố ra tranh cử.
Phải mất 20 năm tiếp theo, Thượng nghị sĩ Joe Biden, lúc này ở tuổi 65, mới quyết định lại ra tranh cử tổng thống. Lần này, ông tập trung vào những vấn đề thực chất, đặc biệt là chiến lược trong cuộc Chiến tranh Iraq, mà ông đã bỏ lá phiếu ủng hộ gây tranh cãi vào năm 2003. Nhưng khi đó Biden lại thiếu tầm ảnh hưởng về tên tuổi như Hillary Clinton và ngôi sao đang lên Barack Obama. Đến tháng 1/2008, số phiếu thăm dò dư luận ủng hộ Biden ở mức thấp, nhiều người vẫn không biết ông là ai và ông chỉ xếp thứ năm trong cuộc bầu chọn ứng cử viên của đảng, với 1% số phiếu. Biden lại rời khỏi cuộc đua, nhưng sau đó ông xuất hiện trở lại với tư cách liên danh tranh cử Phó tổng thống Mỹ cùng ứng cử viên Barack Obama.
Nói về 8 năm làm Phó tổng thống của Biden, ông Obama khẳng định: “Lựa chọn Biden – người từng làm Phó Tổng thống dưới thời tôi là một trong những quyết định tốt nhất tôi từng đưa ra và ông ấy cũng là một người bạn thân của tôi. Tôi tin rằng Biden có đủ những phẩm chất mà chúng ta cần ở một tổng thống”.
Tới cuối tháng 4/2019, cựu Phó Tổng thống Joe Biden mới công khai đoạn video tuyên bố quyết định lần thứ ba tranh cử Tổng thống Mỹ. “Giá trị cốt lõi của quốc gia này… vị thế của chúng ta trên thế giới… nền dân chủ của chúng ta… mọi thứ tạo nên nước Mỹ. Và nước Mỹ đang gặp nguy hiểm. Đó là lý do vì sao hôm nay tôi tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ”, ông Joe Biden chia sẻ.
Khác với hai lần ra tranh cử trước, tới năm 2020, Joe Biden không còn phải vất vả với vấn đề “công nhận thương hiệu”: Ông bắt đầu cuộc đua với tư cách là ứng cử viên sáng giá nhất của đảng Dân chủ, gương mặt tiềm năng nhất có thể đối đầu với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Joe Biden đã lần lượt vượt qua các cuộc bầu cử sơ bộ và chính thức giành đề cử ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ vào ngày 18/8, trong ngày thứ hai của Đại hội đảng toàn quốc. Ngày 11/8, ông Biden công bố lựa chọn cựu Thượng nghị sĩ Kamala Harris làm liên danh tranh cử Phó Tổng thống.
Những kỹ năng chính trị ‘bán lẻ” của Biden là vô song: ông có thể nở nụ cười “công suất hàng triệu watt” của mình trước các sinh viên đại học, giao lưu chân tình với những người thợ máy thất nghiệp hay tung ra những lời chỉ trích nảy lửa nhằm vào đối thủ.
Tuy vậy tính cách hòa đồng, đáng mến của ông đã không được phát huy mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến chiến dịch tranh cử trực tiếp bị dừng lại vào tháng 3/2020 và Biden tỏ ra thận trọng hơn trên đường đua. Những người phản đối ông, và thậm chí cả một số thành viên Đảng Dân chủ, còn tự hỏi liệu Joe Biden có “vấp ngã” theo đúng nghĩa đen trong chiến dịch dài hơi chống lại đối thủ đảng Cộng hoà hay không. Ông Trump thường xuyên gọi ông là "Joe ngái ngủ" và cáo buộc ông bị suy giảm trí lực.
Nhưng với sự điềm đạm, Biden dường như lờ đi tất cả những lời công kích. Ông tập trung xoáy sâu vào những chiến lược mạnh mẽ để thuyết phục cử tri.
Với đại dịch Covid-19, cách tiếp cận của Joe Biden là miễn phí xét nghiệm cho toàn bộ dân Mỹ và thuê 100.000 người để thiết lập hệ thống theo dõi tiếp xúc cấp quốc gia. Ông Biden muốn thành lập ít nhất 10 trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở mỗi tiểu bang, triển khai các nguồn lực từ các cơ quan liên bang và công bố các hướng dẫn kiên quyết hơn thông qua các chuyên gia liên bang. Ngoài ra, ông cho rằng tất cả các thống đốc nên ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang.
Về chính sách tài khóa - việc làm, nhằm giải quyết tác động tức thời của khủng hoảng kinh tế do hậu quả của đại dịch, ông Biden cam kết sẽ “bằng mọi giá” mở rộng các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và tăng các khoản trợ cấp trực tiếp cho các gia đình Mỹ. Trong số các đề xuất có thể kể đến 200 USD tiền an sinh xã hội mỗi tháng, hủy bỏ việc cắt giảm thuế của ông Trump và khoản xóa nợ sinh viên trị giá 10.000 USD. Biden đặt tên cho các chính sách kinh tế của mình là kế hoạch “Tái xây dựng tốt hơn”, nỗ lực làm hài lòng hai khu vực cử tri truyền thống của đảng Dân chủ là thanh niên và người lao động chân tay. Ông Biden ủng hộ tăng mức lương tối thiểu của liên bang lên 15 USD/ giờ. Đây là đề xuất được cử tri trẻ tuổi ở Mỹ hoan nghênh.
Về vấn đề chủng tộc vốn đã gây căng thẳng sau làn sóng biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ hồi mùa Hè, Joe Biden khẳng định phân biệt chủng tộc là vấn đề có thật ở Mỹ và phải được giải quyết thông qua các kế hoạch kinh tế và xã hội sâu rộng để hỗ trợ cộng đồng thiểu số. Theo ông, sẽ có một ngân quỹ trị giá 30 tỉ USD để thực hiện các kế hoạch trên.
Về tư pháp, ông Biden không còn giữ quan điểm cứng rắn vốn đã khiến ông nhận nhiều chỉ trích trong thập niên 1990. Thay vào đó, ông đề xuất các chính sách giảm giam giữ, giải quyết bất bình đẳng chủng tộc, giới tính và thu nhập trong hệ thống tư pháp, và giúp tái hòa nhập những người đã thụ án xong. Ông Biden cam kết tạo ra chương trình tài trợ trị giá 20 tỉ USD nhằm khuyến khích các tiểu bang đầu tư cho nỗ lực giảm án tù, loại bỏ các mức án tổi thiểu bắt buộc, và chấm dứt án tử hình.
Về đối ngoại, có ít dấu hiệu cho thấy Joe Biden sẽ xa rời chủ nghĩa đa phương và các cam kết quốc tế như người tiền nhiệm Trump đã làm. Ông cũng cam kết sẽ “sửa chữa” quan hệ với các đồng minh Mỹ, trong đó có quan hệ với NATO, một liên minh mà ông Trump liên tục đe dọa sẽ cắt giảm tài trợ. Ông cũng cho rằng Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động thương mại và môi trường bất bình đẳng. Tuy nhiên, thay vì đơn phương áp thuế, ông Biden đề xuất liên minh quốc tế với các nước khác khiến Trung Quốc “không thể làm lơ”.
Với vấn đề nhập cư, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cam kết trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, ông sẽ thay đổi hoàn toàn chính sách ngăn cách cha mẹ và con cái tại biên giới Mỹ-Mexico, hủy bỏ giới hạn số lượng đơn xin tị nạn và chấm dứt lệnh cấm đi lại từ một số quốc gia có dân số chủ yếu theo Hồi giáo của chính phủ Tổng thống Trump. Ông cũng cam kết bảo vệ các "Dreamers" – là những người được đưa đến Mỹ bất hợp pháp khi còn là trẻ em,và được phép ở lại Mỹ theo chính sách thời Barack Obama - cũng như đảm bảo họ đủ điều kiện nhận tài trợ sinh viên liên bang.
Về giáo dục, ông Joe Biden tán thành phần lớn chính sách giáo dục của đảng Dân chủ: xóa nợ cho sinh viên, mở rộng các trường đại học miễn học phí và phổ cập mầm non. Những chính sách này dự kiến sẽ được chi trả bằng số tiền thu được sau khi hủy chính sách cắt giảm thuế dưới thời Tổng thống Trump.
Về y tế, Joe Biden ủng hộ chương trình Obamacare hơn nữa, trong đó có việc chi trả cho những người còn lại không có bảo hiểm. Bên cạnh đó, ông Biden cùng một số cựu ứng cử viên từng tham gia chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 như Hạ nghị sĩ John Delaney, cựu Thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg ủng hộ các cuộc đàm phán về giá của Medicare khi liên kết giá thuốc với mức giá rẻ hơn được trả bởi các nước phát triển khác (giá tham chiếu quốc tế). Đồng thời, ngoài việc hỗ trợ nhập thuốc giá rẻ hơn từ nước ngoài, ông Biden cũng thúc đẩy việc hạn chế thông qua việc tiến hành áp hình phạt thuế đối với các nhà sản xuất thuốc để tăng cao hơn tỷ lệ lạm phát chung trong Medicare.
Về biến đổi khí hậu, Joe Biden khẳng định ông sẽ kêu gọi toàn bộ thế giới nhanh chóng hành động nhằm giảm thải bằng cách tái tham gia Hiệp định Khí hậu Paris, mà nước Mỹ đã rút khỏi dưới thời Tổng thống Trump. Ông cũng đề xuất khoản đầu tư trị giá 1,7 tỉ USD để nghiên cứu công nghệ xanh. Ngoài ra, Joe Biden cũng muốn đến năm 2050, Mỹ sẽ đạt mức phát thải là 0, cam kết đã được hơn 60 nước đồng thuận trong năm 2019.
Khi nhậm chức vào tháng 1/2021 ở tuổi 78, Biden sẽ trở thành vị Tổng thống già nhất trong lịch sử Mỹ. Mặc dù so với thời làm Phó tổng thống, bóng dáng ông đã hao gầy hơn và mái tóc trắng mịn mỏng đi nhiều, Joe Biden vẫn được các bác sĩ xác nhận là “một người đàn ông 77 tuổi khỏe mạnh, hoạt bát, đủ sức khỏe để đảm nhiệm thành công cương vị tổng thống”.
Báo cáo của bác sĩ cho biết ông Biden cao 181 cm, nặng 80kg, có Chỉ số Khối Cơ thể (BMI) là 24,38, huyết áp là 128/84. Sự cố sức khỏe “đáng chú ý” nhất trong lịch sử y tế của Biden là bị xuất huyết nội sọ do chứng phình động mạch não vào năm 1988. Tình trạng của ông khi đó nghiêm trọng đến mức một linh mục đã được mời đến để thực hiện nghi thức cuối cùng cho ông.
Giống như người tiền nhiệm Donald Trump, Joe Biden không hút thuốc hoặc uống rượu. Ông tập thể dục năm lần một tuần. Món ăn yêu thích của Biden là kem, và theo cháu gái của ông, thì Biden thích nhất kem socola-vani của thương hiệu kem truyền thống Breyers.
Hôm 4/11, khi đang tiến gần đến mốc 270 phiếu đại cử tri để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, Joe Biden đã phát đi thông điệp về cách ông sẽ trở thành một nhà lãnh đạo của tất cả mọi người. "Chúng tôi đang vận động với tư cách là đảng viên Dân chủ, nhưng tôi sẽ điều hành với tư cách là một tổng thống Mỹ" - ông Joe Biden nói và nhấn mạnh: "Bản thân chức vụ tổng thống không phải là một thể chế đảng phái. Đó là văn phòng duy nhất ở quốc gia này đại diện cho tất cả mọi người và nó đòi hỏi nghĩa vụ chăm lo cho tất cả người dân Mỹ và đó chính xác là điều tôi sẽ làm".
Trong diễn văn chiến thắng đêm 7/11 (giờ địa phương), ông Biden cho biết bản thân ông cũng ngạc nhiên với kết qủa trên 75 triệu phiếu bầu dành cho mình. Ông nói: "Người dân thuộc mọi sắc tộc, tôi đã có bạn, các bạn đã trao chiến thắng cho chúng tôi", và kêu gọi hàn gắn nước Mỹ sau những chia rẽ: "Hãy trao cho nhau cơ hội. Kinh thánh có nói mùa gieo hạt, mùa gặt hái, mùa chữa lành. Hãy để cho chúng ta thời gian chữa lành".
Vẫn là Joe Biden với lòng cảm thông chan chứa, trong bài phát biểu từ quê nhà Wilmington, Delaware, vị Tổng thống đắc cử đã chia sẻ với các cử tri ủng hộ ông Trump. "Tôi hiểu nỗi thất vọng đêm nay. Bản thân tôi đã đánh mất đôi lần. Nhưng bây giờ, hãy cho nhau cơ hội", Biden nói.
Ông khẳng định: "Tôi cam kết là một tổng thống không tìm cách chia rẽ, mà thống nhất, người không nhìn thấy các bang đỏ và bang xanh, mà chỉ nhìn thấy Hoa Kỳ.... Tôi tìm kiếm văn phòng này để xây dựng lại linh hồn của nước Mỹ, xây dựng lại xương sống của quốc gia này, tầng lớp trung lưu và làm cho nước Mỹ được tôn trọng trên toàn thế giới một lần nữa".
Thực hiện: Thu Hằng
Trình bày: Hồng Hạnh
08/11/2020 10:00