Hà Nội đang từng bước xây dựng Thủ đô hiện đại, có vị thế trong khu vực và thế giới. Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…, thành phố đang tập trung mở rộng các đô thị vệ tinh.
Nhìn lại giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Chính trị đã ghi nhận những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đạt được. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 6,83%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước; thu nhập bình quân GRDP của Hà Nội trong năm 2020 đạt 5.325USD/người, phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội được bảo đảm; diện mạo Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh…
Thực tế, TP Hà Nội đã dồn sức, dồn lực chú trọng cho công tác đô thị hóa với những đồ án quy hoạch được lập làm công cụ quản lý phát triển; song song với đó là phát triển con người, văn hóa và xây dựng không ít mô hình trở thành hình mẫu cho cả nước.
Hà Nội đã phát triển nhiều đô thị mang tính chất điểm nhấn, dẫn dắt và kết nối vùng. Hai năm trở lại đây có thể thấy rõ, phía Đông và Đông Bắc thành phố, quận Long Biên, huyện Gia Lâm và Đông Anh là những khu vực phát triển có tính đột phá. Ở phía Tây, huyện Hoài Đức cũng nổi lên như điểm sáng về quy hoạch và phát triển đô thị. Đến nay, có nhiều dự án đô thị đã hoàn thành xây dựng như: Kim Chung - Di Trạch, Bắc và Nam An Khánh... Đặc biệt vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng). Điều này cho thấy việc quy hoạch, phát triển đô thị ở Hà Nội đã phủ đồng đều các vùng.
Tuy nhiên, việc tổ chức không gian đô thị và quy mô đô thị chưa hợp lý, không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đô thị, mà còn khiến kinh tế đô thị Hà Nội chưa phát huy được lợi thế. Ngoài những nguyên nhân khách quan do vướng mắc về cơ chế, chính sách…, cũng có những nguyên nhân chủ quan đến từ doanh nghiệp, địa phương đã không thực hiện nghiêm quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực đất đai…
Trước thực trạng trên, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Thành phố đã kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp trong quá trình lập, thẩm định các quy hoạch chung đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực quan trọng, các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan và các quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn. Đồng thời, kiến nghị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng trụ sở bộ, ngành Trung ương và ban hành danh mục, tiêu chí, lộ trình và giải pháp di dời ra khỏi khu vực nội thành, làm cơ sở để Hà Nội chỉ đạo, rà soát, sử dụng quỹ đất sau di dời theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện tích cực rà soát, đánh giá, triển khai lập quy hoạch vùng huyện, đề xuất các nội dung tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội đang nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp. Đây không chỉ là đổi mới trong quy hoạch, mà còn là điều kiện để phát huy kinh tế đô thị, xác định những ngành, lĩnh vực mũi nhọn của Thành phố.
TP Hà Nội đang đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, đặc biệt là các quy hoạch phân khu nội đô, quy hoạch phân khu sông Hồng. Bên cạnh đó, đối với quy hoạch phân khu (QHPK) các đô thị vệ tinh (QHPK cấp 2), có tổng cộng 31 đồ án thuộc 5 đô thị vệ tinh đang được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nghiên cứu. Đến nay, Bộ Xây dựng đã có ý kiến đối với 6 đồ án, gồm 3 đồ án thuộc QHPK đô thị Xuân Mai và 3 đồ án thuộc QHPK đô thị Phú Xuyên.
5 đô thị vệ tinh của Hà Nội là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Trong đó, 4 đô thị vệ tinh gồm Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây được TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2015 với tổng diện tích khoảng 20.388,3ha. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải mật độ dân cư trong nội thành. Hà Nội sẽ phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng như xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đai: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2.5, Vành đai 3, Vành đai 3.5...; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển cho Thành phố Hà Nội.
Ông Lã Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn (Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội) khẳng định: Nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện các QHPK tại 5 đô thị vệ tinh, thành phố đã giao rõ người, rõ việc, rõ tiến độ cho các địa phương. Vấn đề hiện nay là cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch, đảm bảo chất lượng, tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, thành phố cũng cần xây dựng cơ chế giám sát, thi đua, khen thưởng, chế tài trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đánh giá của các chuyên gia kinh tế cho thấy, với việc định hướng quy hoạch trên, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đạt được yêu cầu về phát triển không gian đô thị, tạo điều kiện để phân bổ lại sức sản xuất, phân bổ lại dân cư, cũng như các khu chức năng phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên và phù hợp với các yêu cầu phát triển. Đặc biệt, Hà Nội đã và đang đi theo xu hướng chung của các nước trên thế giới là quy hoạch các đô thị vệ tinh, tạo nên các vành đai xanh, khích lệ tăng trưởng, kéo giãn dân ra khỏi nội đô chật chội.
Hiện tại, theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có nhiều trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh với chiều dài khoảng gần 100 km. Các trục đường này có quy mô mặt cắt ngang từ 40 – 60 m, tối thiểu 6 làn xe cơ giới, bao gồm trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài khoảng 20 km; trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài khoảng 25 km; trục Hà Đông - Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai dài khoảng 20 km; trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài khoảng 25 km.
Cùng với việc quy hoạch các đô thị vệ tinh, Hà Nội đã lập danh mục nhiều dự án ưu tiên có tính chất tạo động lực phát triển kinh tế xã hội; huy động các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư quan trọng về hạ tầng kỹ thuật mang tầm khu vực như: Time City, Royal City, Gamuda City, Vinhome Reveside...; nhiều công trình quan trọng cũng được đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau như: Tòa nhà Lotte, Tòa nhà Quốc hội, Nhà ga T2 sân bay Nội Bài... Đáng chú ý, với hàng loạt các dự án bất động sản đã và đang được triển khai bên ngoài khu vực nội đô như: Splendora, Quốc Oai, Park City, Thanh Hà, Mỗ Lao, Đặng Xá; đầu tư xây mới 4 triệu m2 nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu đô thị Vin City Gia Lâm, Kim Chung-Đông Anh; Vinhomes Ocean Park nằm giáp ranh giữa Hà Nội và tỉnh Hưng Yên...
Trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh kinh tế không còn là yếu tố mạnh nhất chi phối quyền lực quốc gia, mà “quyền lực mềm” quốc gia gắn với sức mạnh văn hóa ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi đất nước. Thực tế cũng đã cho thấy, chỉ khi Thủ đô Hà Nội phát triển dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa truyền thống có tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại thì mới bảo đảm các yếu tố cho phát triển bền vững.
Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định rõ: Phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Đó là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân đang sinh sống, làm việc tại Thủ đô thông qua những hành vi ứng xử mỗi ngày, nhằm chung tay xây dựng Hà Nội thành điểm đáng đến, thành phố đáng sống.
Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được cán bộ, nhân dân Thủ đô và cả nước đón nhận, trở thành động lực phấn đấu của các cấp, các ngành. Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn. Để Nghị quyết được triển khai thực hiện hiệu quả, ngày 26/8, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ Thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW. Chương trình xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một thành phố có văn minh, hiện đại hay không, bên cạnh việc đầu tư quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng xã hội thì thành tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định chính là con người. Danh xưng “người Tràng An” không phải là vô cớ được mệnh danh cho “người Hà Nội”. Hiểu một cách đơn giản thì đó là phẩm chất thanh lịch, ứng xử văn minh, không lẫn với bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những mặt trái, tiêu cực vẫn len lỏi, tác động xấu, nhất là ảnh hưởng đến văn hóa ứng xử của người Hà Nội.
Năm 2017, Thành phố đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô. Việc thực hiện đồng bộ hai quy tắc ứng xử này đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế những hành vi chưa đẹp, định hướng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bộ Chính trị mới đây đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố. Tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, nền văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang; tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Cổ Loa, Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội là tiêu biểu cho lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm. Hà Nội linh thiêng và hào hoa, niềm tin và hy vọng...
Tổng Bí thư cũng nhắc nhở: Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng Thủ đô. Xây dựng ứng xử văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, nhất là thời điểm Hà Nội đang giao thoa nhiều hình thái văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong dòng chảy ấy, người Hà Nội cần biết "gạn đục khơi trong", dung hòa giữa cái cũ và cái mới, giữ gìn tác phong, lề lối, cách nghĩ hiện đại bên cạnh nếp ứng xử của người Tràng An. Và phải nhấn mạnh rằng, văn hóa trong xã hội có gốc từ gia đình. Vì thế, hơn bao giờ hết cần đặc biệt chú trọng vấn đề văn hóa gia đình.
Trên quan điểm đó, Nghị quyết 15 vừa được Bộ Chính trị ban hành đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực như: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động…
Đồng thời, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô. Cụ thể, tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô. Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hóa, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn…
Toàn cảnh vành đai 4:
Bài: Trung Nguyên - Tiến Hiếu
Ảnh, video: Trung Nguyên
Trình bày: Hà Nguyễn
10/10/2022 06:01