Hướng đến kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020) và 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được xây dựng đã kịp về đích, đáp ứng mong mỏi của người dân Thủ đô và trở thành động lực để “Trái tim của cả nước” tiếp tục phát triển mạnh mẽ thành đại đô thị văn minh, hiện đại, giàu đẹp.

Một thập kỷ qua, những người dân sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của hệ thống hạ tầng giao thông, không chỉ phục vụ hiệu quả cho Thủ đô phát triển kinh tế xã hội, mà còn giúp thành phố khang trang hơn, hiện đại hơn.

Đường Võ Nguyên Giáp (tổng mức đầu tư 6.742 tỷ đồng) dẫn lên cầu Nhật Tân là trục đường chính của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thủ đô, trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực huyện Đông Anh và Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội chia sẻ: Từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) đến nay, thành phố đã huy động tổng hợp các nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đầu tư hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng.

Đường Võ Nguyên Giáp chạy qua huyện Đông Anh.

Đáng chú ý là 6 tuyến cao tốc kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội là trung tâm, là cụm công trình giao thông kiểu mẫu: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài-đường Võ Nguyên Giáp-cầu Nhật Tân, là hàng loạt tuyến đường xuyên tâm, các đường Vành đai 1, 2, 3 và 3,5... góp phần kết nối và dần khép kín hệ thống giao thông thông suốt...

“Từ cây cầu di sản Long Biên được xây dựng từ thời Pháp, cầu Chương Dương và Thăng Long được khánh thành năm 1985, đến nay, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu lớn, như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Đông Trù, Vĩnh Thịnh..”- ông Viện nhớ lại.

Đường Vành đai 3 trên cao thông xe ngày 10/10:

Với việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị Hà Nội đã và đang được xây dựng đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Diện tích đất dành cho giao thông tăng dần hàng năm, năm 2020 đạt khoảng 9,38% (năm 2015 đạt 8,65%). Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung với các công trình giao thông trọng điểm như: Đại lộ Thăng Long, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội-Lào Cai, cao tốc Nhật Tân- Nội Bài... hoàn thiện, đã tạo thêm một diện mạo mới của Hà Nội.

Cầu Nhật Tân, biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Nhật, một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới.

Cách đây hơn 5 năm, khi cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và Nhà ga T2 Nội Bài chưa đưa vào khai thác, ấn tượng của người dân và du khách quốc tế đi/đến Hà Nội, tham gia giao thông từ sân bay Nội Bài vào khu vực trung tâm không mấy tích cực. Nhà ga sân bay Nội Bài nằm trong top 10 sân bay tệ nhất châu Á vì chật hẹp, tuyến đường độc đạo Phạm Văn Đồng dẫn vào nội đô luôn ùn tắc nghiêm trọng, thường xuyên ô nhiễm bụi và tiếng ồn.

Nhưng từ tháng 1/2015, cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và Nhà ga T2 Nội Bài khánh thành, được đưa vào khai thác, đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo Thủ đô. Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài lần thứ 5 liên tiếp được nằm trong “Top 100 Sân bay tốt nhất thế giới”; Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân trở thành cửa ngõ đẹp nhất Thủ đô, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tuyến Bắc Thăng Long-Nội Bài, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông và tạo ấn tượng đẹp cho du khách ngay khi đặt bước chân đầu tiên đến Hà Nội.

Đáng chú ý, cầu Nhật Tân được coi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Nhật, một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới nổi bật bắc qia sông Hồng.

Nhà ga T1 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, mang đậm bản sắc dân tộc và được đánh giá cao về thẩm mỹ, từng đạt giải nhất kiến trúc Việt Nam

Đóng vai trò kết nối sân bay Nội Bài với cửa ngõ phía Tây Thủ đô, đường Vành đai 3 mở rộng dưới thấp, đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long đã thông dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2019). Đây là tuyến đường cửa ngõ phía Tây kết nối với các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc về Hà Nội và ngược lại. Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa quan trọng cho giao thông Thủ đô, hoàn thiện đường Vành đai 3 theo quy hoạch, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện nay.

Cùng với dự án này, sau hơn 2 năm thi công, đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) triển khai cũng đã hoàn thành và khánh thành đúng dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội và 66 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/2020).

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết thêm, đến hết năm 2020, thành phố dự kiến hoàn thành 148/214 dự án giao thông, tăng thêm khoảng 498 km đường giao thông; hoàn thành và đưa vào khai thác hàng loạt cầu, đường, nút giao trục hướng tâm. Những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã cơ bản được định hình. Thành phố đang tập trung đầu tư hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông khung của thành phố theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông tuyến và khép kín các đường vành đai trong khu vực đô thị trung tâm, cùng một số tuyến đường sắt đô thị có tính kết nối.

Cầu Đông Trù là hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng đường 5 kéo dài, được TP Hà Nội xếp trong danh mục 37 công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015. Dự án đường 5 kéo dài có tổng mức đầu tư trên 6.600 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, Hà Nội sẽ xây dựng khép kín hệ thống đường vành đai (từ vành đai 1 đến vành đai 4); các tuyến quốc lộ, các trục hướng tâm như: Tây Thăng Long, Hà Nội-Xuân Mai; Tứ Liên-đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên; đầu tư 8 cầu qua sông Hồng, sông Ðuống theo quy hoạch; cải tạo 6 nút giao thông trọng điểm gồm: Nút giao Nguyễn Văn Huyên, hầm chui Lê Văn Lương, hầm chui đường vành đai 2,5 với Quốc lộ 1A, nút giao đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, nút giao đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường vành đai 3, nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch

Dự án cải tạo, nâng cấp đường Tản Lĩnh-Yên Bài đoạn từ Km2+400 đến Km10+500, nối từ Đại lộ Thăng Long đến Tỉnh lộ 414 thuộc huyện Ba Vì và Thị xã Sơn Tây kịp cán đích dịp Lễ kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/2020. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội. Dự án hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường năng lực giao thông cho khu vực phía Tây Thủ đô, tạo điều kiện kết nối trung tâm thành phố với các khu văn hóa, du lịch thuộc huyện Ba Vì như: Rừng quốc gia Ba Vì; Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Khu di tích khu di tích K9 và các danh lam thắng cảnh trong khu vực... 

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng là dự án đường ô tô cao tốc loại A dài 105,5 km từ Thủ đô Hà Nội qua Hưng Yên, Hải Dương, tới TP cảng Hải Phòng, kết nối đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, hình thành tam giác kinh tế phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Dự án đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở được xây dựng từ năm 2012 đã khánh thành đúng dịp Lễ Quốc khách 2/9 vừa qua. Trước đây, đường Vành đai 2 từ Vĩnh Tuy-Minh Khai-Trường Chinh-Ngã Tư Sở chạy xuyên tâm thành phố trở thành một trong những “điểm đen” giao thông nóng nhất về ùn tắc giao thông của Thủ đô, là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi phải đi qua đây.

Hiện nay, nơi đây không còn sự ngột ngạt oi nồng bởi khói bụi, không còn rào chắn thi công và dòng người xe chen chúc. Tuyến đường hiện đại này giờ chạy thẳng tít tắp, vừa che bóng mát cho người tham gia giao thông phía dưới, vừa giải quyết được tình trạng ùn tắc, đồng thời tăng khả năng lưu thông của các phương tiện. Đường Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía Nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở, phía đường Trường Chinh là dự án đường trên cao đầu tiên ở Thủ đô sử dụng công nghệ thi công cầu bê-tông cốt thép trên đà giáo di động, đổ dầm trực tiếp.

Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài 264 km, có điểm đầu là nút giao thông giữa Quốc lộ 2 và đường cao tốc Bắc Thăng Long-Nội Bài (Hà Nội), điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Đường cao tốc này là một phần của đường Xuyên Á AH14.

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân và chuyên gia giao thông chia sẻ, ngoài việc giải quyết điểm đen giao thông trước đây, tuyến đường hiện đại này là kết quả của sự thay đổi mạnh mẽ trong cách làm của chính quyền thành phố, từ khâu giải phóng mặt bằng, thi công, đến áp dụng công nghệ hiện đại vào xây dựng công trình giao thông hướng tới phát triển đô thị bền vững. 

Có thể nói, "con đường đau khổ" thuộc tốp đầu của giao thông Hà Nội hiện đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là hình hài một tuyến đường rộng thênh thang, hiện đại, đẹp về mỹ thuật, tạo nền tảng cho Hà Nội hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị bền vững trong tương lai. 

Đường vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài là 43,6 km, chạy qua địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ và huyện Đông Anh.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011), Hà Nội xác định một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng Thủ đô thành đô thị “xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại”. Trong đó, Hà Nội xác định tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô và ưu tiên đầu tư hoàn thành các trục hướng tâm, đường vành đai, dự án đường sắt đô thị, mạng lưới giao thông tĩnh, nhằm giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng là nền tảng vật chất có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là tại hai đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của đất nước.

Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt đã thông xe ngày 28/8/2020.

Bộ GTVT đang phối hợp với UBND TP Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai đô thị, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị...

Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đặc biệt ưu tiên các tuyến đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải chủ yếu, các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ kết nối với Thủ đô Hà Nội và hệ thống đường bộ Việt Nam, đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Công mở rộng và xuyên Á, nhằm sớm đưa các dự án vào khai thác, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Thông xe cầu vượt Nguyễn Văn Huyên-Hoàng Quốc Việt:

Phát biểu tại Tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội-Thành phố sáng tạo” tại Hà Nội mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định và kỳ vọng “Phát huy truyền thống 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, thành phố gương mẫu đi đầu, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Nút giao Pháp Vân-Cầu Giẽ là nút giao cửa ngõ lớn nhất Hà Nội, có vai trò kết nối quan trọng vào khu trung tâm thành phố, kết nối với đường vành đai 3 và đường Giải Phóng-Ngọc Hồi (QL1 cũ). Việc hoàn thiện nút giao đã xóa bỏ cảnh ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực này trước đây.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, qua 35 năm đổi mới đất nước, Hà Nội đã đổi thay nhanh chóng, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Tại thời điểm này, mức tăng trưởng hàng năm của thành phố đều tăng gấp 1,5 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước.

Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. 

Vòng xoay đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy thuộc công trình cầu Vĩnh Tuy là cầu lớn đầu tiên do Hà Nội tự thực hiện và quản lý thi công, với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ vốn ngân sách Nhà nước. Cầu dài 5,8 km gồm cầu vượt sông, đường dẫn hai đầu cầu và các nút giao khác mức, nối thông cầu với Quốc lộ 5 và các tuyến đường khu vực đầu cầu phía Bắc.

Những con số biết nói này đều xuất phát từ những cách làm đổi mới trong lãnh đạo, quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp về xây dựng, phát triển hạ tầng, dự án kinh tế-xã hội quy mô lớn, hiện đại, trong đó việc hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, lấy giao thông đi trước mở đường là một trong những giải pháp trọng tâm để quy hoạch, phát triển đô thị ngày càng khang trang hơn. Nhờ vậy, ngày 30/10/2019, UNESCO đã tiếp tục công nhận Hà Nội gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo”. Đây là cơ hội thuận lợi cho Thủ đô định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới. 

Nút giao thông 4 tầng (Hầm chui Thanh Xuân-Đường vành đai 3 trên cao-Đường sắt cát Linh Hà Đông-nút giao thông Thanh Xuân Khuất Duy Tiến.

Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế. 

Để đạt được những mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng để giao thông đi trước mở đường. 

Bài, ảnh, video: Sơn Hùng Nguyên
Trình bày: Nguyên Hà - Vân Sơn

10/10/2020 12:10