Hàng nghìn năm qua, trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong khúc khải hoàn. Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son chói sáng đó. Thủ đô Hà Nội đã trở thành nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.

Kể từ “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 đến nay, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử. Quân và dân Hà Nội, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, đã bền bỉ lao động, kiên cường đấu tranh, sáng tạo nên một nền văn hiến rạng rỡ, lập nên nhiều chiến công hiển hách lưu danh muôn đời.  

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hà Nội đã cùng cả nước kiên cường đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Nhưng thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Tháng 10/1946, giặc nổ súng chiếm Hải Phòng, tấn công Lạng Sơn, khiêu khích ở Hà Nội.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội đã nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước. Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc bằng cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt.

Quân, dân Thủ đô đã biến mỗi ngôi nhà, mỗi ngõ, phố trở thành chiến lũy, pháo đài đánh giặc. Sức mạnh quật cường của quân, dân Thủ đô đã kìm chân, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.

9 năm sau đó, quân, dân Hà Nội cùng đồng bào cả nước đã chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo trên các mặt trận, các lĩnh vực; đặc biệt là chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; và phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, quân và dân Hà Nội đã chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô.  

16 giờ, ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, Hà Nội sạch bóng quân thù.

Tối 9/10/1954, mọi nhà đều để đèn sáng. Người dân Hà Nội không ngủ mà thức để chờ đón một ngày mới.

5 giờ ngày 10/10/1954, không khí khắp Thủ đô đã rất sôi động. Nhân dân đứng hai bên đường chào đón đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô. 15 giờ cùng ngày, hàng vạn nhân dân Thủ đô dự lễ chào cờ chiến thắng ghi dấu mốc quan trọng đưa Thủ đô bước sang một trang sử mới.

Và trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.9, tr.77).

Thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để đưa Thủ đô từng bước phát triển. Cùng với nhân dân toàn miền Bắc, Hà Nội lần lượt thực hiện các nhiệm vụ cách mạng: Khôi phục kinh tế (1954 - 1957), cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960); thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1965). Đến cuối năm 1965, diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển phong trào thi đua lao động sản xuất ngày càng sâu rộng, ra sức chi viện sức người, sức của cho miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Giai đoạn 1965 - 1968 và 1968 - 1972, quân, dân Hà Nội đã anh dũng, kiên cường lần lượt chiến đấu, chiến thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Sau khi Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973, nhân dân Thủ đô bước vào giai đoạn khôi phục, phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội; đồng thời tiếp tục đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Toàn cảnh trung tâm chính trị của Thủ đô Hà Nội nhìn từ hồ Hoàn Kiếm ra sông Hồng.

Đi qua những thăng trầm của lịch sử, Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn giữ vững vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới ngày nay, Hà Nội đang thay đổi từng ngày, hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh và hạnh phúc. Từ năm 1986 đến nay, Hà Nội đi đầu cùng đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Thành tựu đạt được qua hơn 35 năm đổi mới khẳng định mạnh mẽ sức vươn của Thủ đô anh hùng.

Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm). Quy mô GRDP năm 2022 đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (tương đương khoảng 5.950 USD), gấp 1,45 lần cả nước, gấp 3,5 - 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - tương đương khoảng 1.697 USD).

Trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội thu hút gần 2,53 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, sau dịch bệnh COVID-19, kinh tế Thủ đô phục hồi và phát triển nhanh. Năm 2022, GRDP trên địa bàn Hà Nội đã tăng 8,89% so với năm 2021 (vượt kế hoạch đề ra là từ 7,0% đến 7,5%), hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, với 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 333 nghìn tỷ đồng, bằng 106,8% dự toán (trong đó, thu nội địa đạt 303 nghìn tỷ đồng, cao nhất cả nước). 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội ước tăng 6,08% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư... Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dần được nâng lên. Năm 2022, toàn thành phố thu hút 1,692 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 10,3% so với năm 2021. Trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Mặc dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 vẫn tăng cao hơn giai đoạn trước với mức tăng bình quân 7,67% so với mức tăng 5,25% của giai đoạn 2011 - 2015. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2022 tăng trưởng bình quân đạt 6,16%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt hơn 17 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần năm 2010. Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 12,5 tỷ USD.

Thủ đô Hà Nội không chỉ vinh dự được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” (năm 1999) mà còn là điểm đến an toàn, bình yên và thân thiện, được bạn bè trong nước, quốc tế yêu mến. Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) đã đề cử Hà Nội là 1/17 thành phố bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018”. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới…

Trong 9 tháng của năm 2023, tổng khách du lịch đến thành phố ước đạt 18,9 triệu lượt khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 15,7 triệu lượt khách, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.

Nếu so với chỉ tiêu ngành Du lịch đề ra trong năm 2023, Hà Nội đón trên 22 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế và 19 triệu lượt khách nội địa, lượng khách quốc tế đến Thủ đô trong 9 tháng năm 2023 đã vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm.

Cột cờ Hà Nội là một trong những biểu tượng của Thủ đô.

Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế. Những năm qua, Thủ đô đã và đang phát triển theo hướng đa hệ, bản sắc, văn minh và hiện đại. Theo đó, không gian đô thị ngày càng được mở rộng theo quy hoạch, với nhiều khu đô thị mới khang trang, hiện đại. Các khu đô thị mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, văn minh, mở rộng ra 4 hướng của Thủ đô.

Cùng với việc thực hiện xây dựng, cải tạo đô thị, nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân cũng mọc lên… Hiện thành thành phố cũng đang tập trung đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận; tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án, như: Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, Khu tổ hợp thương mại quy mô lớn Outlet, phát triển khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài... và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

Hạ tầng đô thị các huyện phía Tây Hà Nội ngày càng khởi sắc.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng đầu tư cho các chương trình chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị theo hướng ngày càng xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh và hiện đại. Để giữ vững danh hiệu là một trong những thủ đô có nhiều cây xanh, hồ nước trên thế giới, Hà Nội đã tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh, mặt nước, hướng tới xây dựng Thủ đô thành một đô thị “Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”. Cùng với chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đô thị giai đoạn 2016 - 2020; 500.000 cây xanh đô thị giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh, tạo không gian, cảnh quan xanh trên địa bàn thành phố.

Nhằm mang đến những không gian vui chơi, sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người dân ngày cuối tuần, Hà Nội đã từng bước đưa vào hoạt động nhiều không gian, tuyến phố đi bộ, như: Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Trần Nhân Tông kết nối với hồ Thiền Quang, công viên Thống Nhất; phố Trịnh Công Sơn, thành cổ Sơn Tây... Việc đưa vào hoạt động các không gian, tuyến phố đi bộ được các chuyên gia quy hoạch đô thị đánh giá cao.

Để nhịp độ phát triển được đồng bộ, những “mạch máu” là các trục giao thông được Hà Nội huy động các nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai đầu tư hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng. Hàng loạt dự án giao thông lớn được triển khai, nhằm kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi, như các tuyến cao tốc: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ; Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông...

Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đường bộ khép kín.

Cùng với đó, nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng trong khu vực nội đô Hà Nội được xây dựng và đưa vào sử dụng, như: tuyến đường Vành đai 2, tuyến đường Vành đai 3, cầu Vĩnh Tuy, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; các công trình cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, như: Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - Thanh niên, đường nối từ đường Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... Hà Nội cũng vừa khởi công dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô…

Hiện nay, thành phố Hà Nội đã có 7 tuyến đường hướng tâm (gồm tổng cộng 111,32 km chạy qua địa bàn), 8 tuyến quốc lộ hướng tâm (244,58 km) được hình thành và đưa vào khai thác; hoàn thành 132,26/285,46 km của 7 tuyến đường vành đai. Cùng với đó là 4 tuyến đường hướng tâm kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh (Hồ Tây - Ba Vì, Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, Hà Đông - Xuân Mai) cũng đang được khẩn trương đầu tư. Trong hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng, đến nay đã có 9 cầu hoàn thiện. Riêng đường Vành đai 4, thành phố phấn đấu hoàn thành trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.

Sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông Hà Nội đã mang lại sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện đáng kể, với những tuyến cao tốc, đại lộ thênh thang, những cây cầu duyên dáng vắt qua sông Hồng. Giao thông phát triển đã khiến những vùng đất ven đô hoang vắng trước đây chuyển mình mạnh mẽ, tiêu biểu như trục cao tốc Láng - Hòa Lạc.

Sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông Hà Nội đã mang lại sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị.

Hà Nội còn là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nền văn hóa, văn minh của dân tộc; nơi hội nhập, giao thoa và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chính vì vậy, vốn văn hóa, tiềm năng văn hóa của Hà Nội là thế mạnh riêng có, vượt trội so với các thành phố trong nước cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Hà Nội có tài nguyên văn hóa, kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm hơn 5.920 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 1 di sản tư liệu thế giới, 17 di tích quốc gia đặc biệt cùng hàng nghìn di tích cấp quốc gia và di tích cấp thành phố. Hà Nội cũng là địa phương nắm giữ số lượng di sản văn hóa phi vật thể lớn, tới hơn 1.790 di sản...  

Song song với đó, Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, như hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc; nguồn lực con người to lớn và vô cùng quý giá (trên 51,7% dân số trẻ, tập trung 65% tổng số các nhà khoa học trong cả nước; hội tụ nhiều nghệ nhân giỏi, thợ lành nghề, cộng đồng sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa).

Gần 4 năm Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững đang dần được hiện thực hóa. Hà Nội đang từng bước phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực, nhất là khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa và con người, chuyển hóa nguồn lực ấy thành sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy việc kế thừa, phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Hồ Hoàn Kiếm - “trái tim” của Thủ đô Hà Nội.

Hàng loạt các sáng kiến Hà Nội cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã và đang được triển khai như: Tổ chức các cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững thành phố (thiết kế các không gian sáng tạo, thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội, thiết kế Km số 0…). Các không gian tuyến phố đi bộ, không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công được mở rộng. Các cuộc trưng bày, triển lãm mang tính sáng tạo; lễ hội văn hóa, lễ hội thiết kế sáng tạo được tổ chức…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo đã giúp Thủ đô xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế. Việc xây dựng thành phố sáng tạo nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thành phố, nhiều nghị quyết, kế hoạch được ban hành, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động này phát triển. Hà Nội đang tích cực hiện thực hóa sáng kiến, cam kết phát triển thành phố sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô bền vững. Thành phố luôn tạo mọi điều kiện nhằm nâng tầm cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế, nâng cao nhận thức, gắn kết cộng đồng để từng bước xây dựng hình ảnh Hà Nội - Thủ đô sáng tạo. 

Rực rỡ sắc màu Carnaval thu Hà Nội.

Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nêu rõ, phát triển công nghiệp văn hóa là một ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng GRDP Thủ đô. Việc khai thác các nguồn lực văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa đang được thành phố đẩy mạnh trên nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để ngành công nghiệp văn hóa vừa đáp ứng yêu cầu thời đại, vừa mang bản sắc riêng của Hà Nội. Ngay cả trong quy hoạch Thủ đô giai đoạn hiện nay cũng đảm bảo nguyên tắc này.

Thành phố đã chủ động xây dựng các chương trình, đề án để triển khai thực hiện các Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 

Thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn thành phố. 

Thành phố tổ chức nghiên cứu lập một số quy hoạch đặc thù như: khu nội đô lịch sử; khu vực di sản quốc tế, quốc gia như trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Cổ Loa, Văn Miếu, Quốc Tử Giám; hệ thống không gian ngầm; làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Ga Hà Nội và khu vực phụ cận. 
Đồng thời, thành phố đang tập trung đầu tư chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận; tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%.

Hà Nội ngày càng xứng danh "Thành phố vì hòa bình" được UNESCO trao tặng.

Hà Nội xác định phải phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững. 

Thành phố cơ cấu lại ngân sách, theo hướng ổn định, lâu dài, để tạo nguồn lực phát triển. Hình thành các mô hình mới huy động nguồn lực hiệu quả như PPP, TOD và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực về đất đai, con người và quy hoạch để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 

Cùng với đó, thành phố tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên sử dụng hiệu quả các nguồn lực trí tuệ - sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; không ngừng nâng cao mức đóng góp của TFP và kinh tế số trong GRDP. 

Hà Nội xây dựng một số ngành - chuỗi sản phẩm công nghiệp, dịch vụ hiện đại đặc trưng, với sự dẫn dắt của các tập đoàn doanh nghiệp mạnh, thành những trụ cột phát triển của kinh tế Thủ đô; ưu tiên phát triển một số chuỗi sản xuất công nghiệp - công nghệ cao, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hóa.

Thành phố đề ra kế hoạch triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt. Đồng thời, thành phố quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành phục vụ việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước, trở thành phương tiện đi lại hằng ngày của người dân Thủ đô, bước đầu phát huy hiệu quả trong việc góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Thành phố Hà Nội phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng; hiện đại hoá các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô; phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng; phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.

Thành phố đề xuất xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh mang tính dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị trên địa bàn Thủ đô…

Thời gian tới, thành phố đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đồng thời, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô.     

Xác định điểm nghẽn để xây dựng quy hoạch Thủ đô:

Bài: Nguyễn Hồng Điệp - Nguyễn Văn Cảnh - Đinh Thuận - Nam Giang
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát - Trung Nguyên; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

10/10/2023 06:05