Cùng với quyết định của thành phố Hà Nội cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 quay trở lại trường học thì tính đến ngày 6/4, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho học sinh bậc tiểu học đến trường học trực tiếp. Ngoài sự đồng thuận, phấn khởi khi con trẻ được tới trường gặp thầy cô và bạn bè thì nhiều bậc phụ huynh vẫn canh cánh nỗi lo làm thế nào đảm bảo an toàn trong khi các con chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Sau thời gian dài học trực tuyến tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19, ngày 6/4, trên 1 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã trở lại trường học trực tiếp. Trong buổi sáng đầu tiên đến trường, cả phụ huynh và học sinh đều phấn khởi, vui mừng. Theo ghi nhận, ngày 6/4, hầu hết các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở đã mở cửa đón học sinh, chỉ còn một số trường đang cải tạo, sửa chữa sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ để đón học sinh vào đầu tuần tới.

Hân hoan trong ngày đầu trở lại lớp.

Tại Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), ngay từ 7 giờ sáng 6/4, nhiều phụ huynh đã đưa con tới trường trong tâm trạng phấn khởi. Nhiều phụ huynh cho biết có cảm giác như là ngày khai giảng năm học mới.

Anh Phạm Hải Lương (quận Cầu Giấy) cho biết, khi được cô giáo chủ nhiệm lớp con thông báo về lịch đi học, dù thời gian hơi gấp nhưng anh vẫn sắp xếp công việc đưa con gái học lớp 4 đi mua thêm quần áo, sách vở và đồ dùng học tập. “Dù thời gian năm học không còn dài nhưng tôi vẫn muốn cho con đến trường để học tập trực tiếp. Nhìn con háo hức, mong chờ đi học và sự chuẩn bị chu đáo của nhà trường, tôi thấy rất yên tâm. Giờ chỉ mong các trường tổ chức bán trú để tạo thuận lợi cho gia đình”, anh Phạm Hải Lương chia sẻ.

Xen lẫn cảm xúc háo hức, vui vẻ của phần lớn học sinh khi được đến trường, vẫn có một vài học sinh lớp 1 đã òa khóc khi tạm biệt bố mẹ trước khi được các cô giáo dẫn vào lớp học. Cũng có phụ huynh bày tỏ mong muốn được đưa con vào tận lớp học, song các giáo viên phụ trách đón học sinh đã ân cần giải thích, vỗ về học sinh để các phụ huynh yên tâm ra về.

Công tác phân luồng, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho học sinh được thực hiện chu đáo. 

Ra cổng trường đón học sinh cùng các giáo viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân Nguyễn Thị Bích Nga cho biết, trong sáng 6/4, tỷ lệ học sinh tới trường đạt hơn 94%, chỉ còn một số học sinh đang là F0, F1 hoặc đang học nhờ tại địa phương khác chưa kịp trở về. Nhà trường dành sự ưu tiên đặc biệt cho học sinh lớp 1 bởi đây là khối lớp nhỏ tuổi nhất, lại mới chuyển môi trường học tập nên còn nhiều bỡ ngỡ.

Tại Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), trong tuần học đầu tiên, Nhà trường bố trí cho học sinh lớp 1, 2 học buổi chiều; lớp 3, 4, 5 học buổi sáng. Mỗi khối lớp, đón và trả học sinh lệch nhau khoảng 10 phút nhằm đảm bảo giãn cách. Riêng khối lớp 1, do là ngày đầu tiên được đến trường nên nhà trường phân công 2 giáo viên, trong đó, giáo viên chủ nhiệm đứng cầm biển lớp tại khu vực đã được bố trí tại sân trường và giáo viên hỗ trợ đưa các con vào lớp.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bà Triệu Nguyễn Thu Thủy, toàn trường có trên 1.300 học sinh. Sau thời gian dài tạm dừng đến trường để học trực tuyến, giáo viên nhà trường đều háo hức khi được đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Nhà trường đã chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho các con.

Tổ chức đo thân nhiệt và sát khuẩn tay cho học sinh trước khi lên lớp.

“Những ngày đầu đến lớp, các giáo viên chủ yếu tập trung vào việc làm quen với học sinh qua các hoạt động, trò chơi tương tác trên lớp. Riêng với khối lớp 1, các giáo viên còn phải hướng dẫn học sinh làm quen với đặc điểm của trường, với nội quy mới. Các con từ môi trường mẫu giáo nên còn bỡ ngỡ với môi trường học mới nên việc làm quen với nền nếp, thời khóa biểu, các quy định sẽ được các giáo viên triển khai kỹ”, bà Nguyễn Thu Thủy chia sẻ thêm.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân thông tin, ngay trong sáng 6/4, đã có 96,3% học sinh lớp 6 của trường đã đi học trực tiếp. Những ngày đầu học sinh lớp 6 đến trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ hướng dẫn cho các em giai đoạn chuyển tiếp, làm quen, tăng cường các hoạt động tương tác tạo điều kiện cho học sinh hứng thú. Đồng thời, giáo viên tranh thủ thời gian học trực tiếp, tổ chức ôn tập, củng cố, đánh giá chất lượng kết quả học tập giai đoạn giảng dạy trực tuyến.

Theo ghi nhận của phóng viên, để có thể thực hiện được kế hoạch đón khoảng hơn 1 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trên địa bàn thành phố Hà Nội  trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến vào ngày 6/4, công tác chuẩn bị đã được các địa phương, cơ sở giáo dục ráo riết thực hiện, đảm bảo chu đáo, toàn diện, hoàn thành trước khi học sinh trở lại trường.

Đại diện Trường Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, Ban Giám hiệu Nhà trường đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi học sinh quay trở lại trường. Toàn trường có 61 lớp với 3.595 học sinh, nhà trường đã khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị để đón học sinh trở lại.

Công tác chuẩn bị đón học sinh đi học trực tiếp.

Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn tại các văn bản của Trung ương và thành phố Hà Nội. Công tác vệ sinh, khử khuẩn được triển khai trong chiều 5/4, trước khi học sinh tới trường. Quá trình học sinh học tập tại trường, việc vệ sinh các khu vực được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là phòng học, khu vệ sinh chung, vị trí tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can...

“Nhà trường bố trí người đón và giao học sinh tại 4 cổng, không để cha mẹ học sinh vào trường và hạn chế người không có nhiệm vụ vào trường. Trước mắt, nhà trường không tổ chức hoạt động tập trung đông người, tổ chức chào cờ tại lớp học. Để hạn chế tập trung đông học sinh vào một thời điểm, nhà trường bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp, đồng thời quy định học sinh không sang lớp khác”, bà Nguyễn Thị Bích Nga cho biết thêm. 

Công tác vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Đối với công tác bán trú, nhà trường đang triển khai xin ý kiến phụ huynh học sinh. Khi thực hiện, nhà trường yêu cầu nhân viên tham gia phải đảm bảo đã tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng COVID-19, sức khỏe bình thường, phải tuân thủ tuyệt đối công tác phòng dịch như, đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc đông người... Bếp ăn của trường sử dụng nguồn hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm quy trình một chiều.

Mỗi khối lớp học sẽ thực hiện giờ phân luồng đi vệ sinh, rửa tay riêng để đảm bảo hạn chế tiếp xúc đông người. Học sinh ăn bán trú tại trường sẽ tham gia sinh hoạt tại lớp, không sang các lớp khác chơi, dùng cốc, khăn lau riêng, bát thìa được vệ sinh sấy khô hàng ngày. Những học sinh không tham gia bán trú sẽ được gia đình đón vào 11 giờ và trở lại trường vào 13 giờ 30 phút, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch.

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khi học sinh trở lại trường học.

Để công tác đón học sinh trở lại trường được chu đáo, UBND huyện Quốc Oai đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng phương án đón học sinh và kế hoạch tổ chức dạy học. Phòng Y tế thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đánh giá mức độ an toàn của các trường học. UBND các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, tạo điều kiện giúp đỡ các trường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học.

Ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai cho biết, đến nay, các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn đã xây dựng xong phương án phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan kiểm tra việc thực hiện tại các trường. Đặc biệt, yêu cầu các trường tạo thuận lợi nhất cho cha mẹ học sinh và học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bán trú.

Việc học trực tuyến trong một thời gian dài có thể khiến học sinh không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định về tâm lý khi trở lại trường. Do đó, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, nhiều trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học chi tiết, tăng cường hoạt động giao lưu, làm quen trong những ngày đầu đến trường, nhất là các em lớp 1, lớp 6 để tránh căng thẳng, áp lực đối với học sinh. 

Anh Mai Quốc Thắng (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) khá lo lắng cho những ngày đầu tiên đến trường của con. Con gái anh học lớp 1, khá nhút nhát nên sự lo lắng càng lớn. Ngay khi nhận thông báo con sẽ đi học trực tiếp, anh đã đưa con đi mua thêm đồ dùng học tập, quần áo, bình đựng nước uống… “Hai bố con tôi vừa mua đồ, vừa trò chuyện. Cháu khá háo hức và có phần hồi hộp khi nghe tôi kể về những hoạt động sẽ diễn ra ở trường. Tôi cũng tranh thủ dặn con chú ý thực hiện những lời cô giáo nói, đặc biệt là việc ăn, ngủ tại trường”, anh Thắng cho biết.

Cô Hiệu trưởng Đinh Thị Vân Hồng, Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa cùng các em học sinh khối 6 dán lên bảng "những điều mình muốn nói". 

Chia sẻ với sự lo lắng của các phụ huynh, trong những ngày đầu học sinh trở lại trường, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) đã đề nghị các giáo viên giúp học sinh làm quen, tăng cường hoạt động tương tác, giao lưu, tạo điều kiện để các em thấy hứng thú khi học trực tiếp. Các giáo viên năng khiếu chuẩn bị các trò chơi tương tác - vận động để nâng cao sức khỏe và tinh thần cho học sinh. Tại các phòng học, giáo viên và phụ huynh đã phối hợp vệ sinh, trang trí, viết vẽ những khẩu hiệu chào đón học sinh tới trường.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh; thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ các em trong học tập, rèn luyện. Trong những ngày đầu học sinh trở lại trường, các nhà trường tăng cường tổ chức hoạt động tương tác, giao lưu, cho học sinh làm quen với hoạt động, quy định của lớp, của trường, đặc biệt quan tâm tới học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6, tạo cho các em tâm thế vui tươi, phấn khởi, thích được đến trường. Trong các giờ thể dục, giáo viên có bài tập phù hợp, bảo đảm việc nâng dần khối lượng vận động của học sinh, chưa bố trí bài tập nặng có khối lượng vận động lớn để học sinh có thời gian thích nghi.

Một trong những nội dung được các nhà trường và phụ huynh quan tâm khi học sinh đi học trở lại là hoạt động bán trú. Theo thông tin từ nhiều trường Tiểu học, trước mắt các trường chưa tổ chức hoạt động bán trú, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày.

Mặc dù rất mong mỏi con được tham gia bán trú ngay từ ngày đầu tiên, song chị Trương Quỳnh Anh có con học lớp 4 Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) cũng đồng tình với việc nhà trường tổ chức bán trú từ ngày 12/4. “Việc các trường rà soát, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức bán trú là rất cần thiết bởi đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh. Ngoài việc phòng, chống dịch COVID-19 thì công tác bán trú cần phải thật an toàn, phụ huynh mới yên tâm khi con học tập tại trường”, chị Trương Quỳnh Anh chia sẻ.

Học sinh nội thành Hà Nội háo hức buổi đầu tới trường.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết, để tổ chức bán trú, các trường đang xin ý kiến của phụ huynh học sinh, đồng thời khẩn trương kích hoạt lại hoạt động của bếp ăn và kiểm tra các điều kiện của đơn vị cung ứng thực phẩm, suất ăn. Xác định nhu cầu ăn bán trú của học sinh tiểu học và lớp 6 rất lớn, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy yêu cầu các nhà trường chuẩn bị thật kỹ cho phần việc này để có thể tổ chức bán trú từ ngày 12/4.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin, toàn bộ 29 trường tiểu học và 21 trường Trung học Cơ sở trên địa bàn huyện đã đón học sinh đúng theo kế hoạch. Các trường cũng đồng thời khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tổ chức hoạt động bán trú. Các nhà trường sẽ tổ chức hoạt động bán trú từ ngày 12/4 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Thông tin từ các phòng giáo dục và đào tạo cho biết, hầu hết các trường đều có kế hoạch tổ chức hoạt động bán trú như trước thời điểm có dịch COVID-19. Tuy nhiên, do cần thêm thời gian rà soát và cần chuẩn bị kỹ càng nên trong một vài ngày đầu đi học trở lại, nhiều trường học tạm thời chưa tổ chức hoạt động bán trú, mà sẽ thực hiện từ ngày 12/4, tức là sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Trong ngày đầu học sinh Tiểu học, lớp 6 của Hà Nội trở lại trường, nhiều đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đi kiểm tra và động viên học sinh, giáo viên của các trường học. Từ thực tế kiểm tra tại các nhà trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến nhận định: Các nhà trường đều đã chuẩn bị đón học sinh chu đáo, quan tâm đến học sinh lớp đầu cấp; có phương án ứng phó cụ thể với các tình huống trong quá trình dạy học trực tiếp, đồng thời, triển khai kế hoạch tổ chức dạy học hiệu quả, linh hoạt, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Bên cạnh yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan với dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến cũng đề nghị các trường quan tâm nắm bắt diễn biến tâm lý của học sinh để có sự hỗ trợ cần thiết. Trong những ngày đầu học sinh đi học, các trường dành thời gian ổn định nền nếp học tập; rà soát, kiểm tra kiến thức đã học trực tuyến để có kế hoạch bổ trợ đồng thời với việc dạy bài học mới. Việc thực hiện kế hoạch dạy học cần bảo đảm khoa học, phù hợp với đối tượng học sinh và tuyệt đối không gây quá tải.

Công tác y tế trong trường học được tăng cường.

Trước đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường học trực tiếp, ngày 5/4/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội dã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác y tế trong trường học, thực hiện phòng, chống dịch năm 2022 yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác y tế trường học nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất trong công tác y tế trường học tại đơn vị; phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương để triển khai kế hoạch của đơn vị. Kế hoạch phải cụ thể trên cơ sở thực tiễn của địa phương, đơn vị; đề ra được các giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. 

Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức khác nhau  nhằm tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh hướng tới việc xây dựng “Văn hóa phòng, chống dịch bệnh COVID-19” trong các cơ sở giáo dục. Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền  đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Cô và các con phấn đấu đạt kết quả cao trong năm học này. 

Các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện tổ chức dạy và học trực tiếp gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, kiểm soát và xử lý kịp thời các ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh và giáo viên; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, kịp thời xây dựng phương án tổ chức dạy và học trực tiếp tại trường  linh hoạt, hiệu quả  báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của quận, huyện, thị xã phê duyệt. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, cập nhật kịp thời số ca F0, tình hình tiêm phòng của đơn vị qua hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.

Bên cạnh đó, các trường cần triển khai các hoạt động vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học; huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia vệ sinh khuôn viên sân trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải xung quanh sân trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong nhà trường. Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Phát huy vai trò giám sát của Ban Đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp.  

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 6/4, toàn thành phố đã tiêm được 16.592.777 mũi vaccine phòng COVID-19. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai tốt công tác tiêm chủng, đồng thời, sẵn sàng tiêm vaccine cho lứa tuổi 5 - 11 tuổi khi được Bộ Y tế giao.

Trước đó, ngày 4/4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022. Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu trên 95% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sống trên địa bàn thành phố (bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học có chỉ định sử dụng vaccine xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế) được tiêm chủng đủ mũi vaccine phòng COVID-19 theo từng đợt phân bổ vaccine. Dự kiến, thời gian triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022 (thời gian cụ thể phụ thuộc theo các đợt phân bổ vaccine của Bộ Y tế). 

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm). 

Việc triển khai tiêm cho trẻ sẽ được tiến hành đồng loạt trên địa bàn thành phố. Lộ trình triển khai theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ dưới 12 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine.

Địa điểm triển khai chính tại các điểm tiêm chủng lưu động ở trường học; trạm y tế hoặc cơ sở y tế cho các đối tượng trẻ không đi học, đối tượng thận trọng, trì hoãn tiêm. Tổ chức tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên…

UBND thành phố cũng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, tập huấn về xây dựng kế hoạch chi tiết, điều tra lập danh sách đối tượng; tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vaccine và vật tư tiêm chủng; đồng thời tổ chức điểm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 an toàn, phòng và xử trí phản vệ, giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng…

Do đó, thời điểm này, bên cạnh việc tăng cường công tác y tế trong trường học, ngành giáo dục Thủ đô đang nỗ lực phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch liên ngành trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó đặc biệt lưu tâm tới trách nhiệm của Ban Giám hiệu, các thầy cô, nhà trường trong việc rà soát đối tượng, vận động phụ huynh học sinh cho con, em tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại trường học đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

Học sinh tiểu học và lớp 6 trở lại trường:

Bài: Nguyễn Cúc - Việt Hà
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN - TTXVN phát
Đồ họa: TTXVN; Video: Vnews 
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

09/04/2022 06:45