Nguyễn Khôi nhận bằng khen của Thủ tướng tại Lễ tuyên dương 10 gương thanh niên tiêu biểu năm 2017.

Trong căn phòng tầng 8 của một tòa nhà cũ trên phố Phương Liệt (Thanh Xuân, Hà Nội) – trụ sở của Wefit, Nguyễn Khôi và các cộng sự đang bàn bạc chiến dịch marketing cho sản phẩm của mình để nhiều khách hàng hơn nữa biết đến. Cuộc họp đúng với tinh thần của những người trẻ khi không có khoảng cách giữa sếp và nhân viên. Ai cũng có thể tự do đưa ra ý kiến. Hằng ngày, nhân viên Wefit tại 2 đầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn làm việc với nhau qua Internet.

Khi cuộc họp kết thúc cũng là lúc những tia nắng mặt trời cuối cùng hắt qua khung cửa kính căn phòng vụt tắt. Không kịp uống nước, Khôi nhanh chóng dành cho tôi một khoảng thời gian để trao đổi ý tưởng công việc, dự định tương lai trên con đường khởi nghiệp của mình.

Trong khi chúng tôi trò chuyện với nhau thì khoảng 70 nhân viên của Wefit tại văn phòng Hà Nội vẫn miệt mài làm việc. Ngày nào cũng thế, 7 giờ tối mới là giờ nghỉ, những người trẻ đang quyết tâm xây dựng Wefit – ứng dụng kết nối phòng tập duy nhất tại Việt Nam hiện nay, ngày một lớn mạnh.

Những năm gần đây, xu hướng tập luyện thể hình, yoga, bơi lội tại các phòng tập gym rất phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với nhiều người, việc sắp xếp thời gian để đi tập không đơn giản do công việc quá bận rộn. Sự xuất hiện của Wefit như một bước ngoặt trên thị trường này.

Với các phòng tập truyền thống, khách hàng là những người đã có thói quen tập luyện, họ yêu thích và liên tục đến một phòng tập đã chọn trước. Còn Wefit hướng đến những khách hàng thích sự linh hoạt, thuận tiện, có thể tập ở bất cứ đâu, bất kì thời gian nào. Nó phù hợp với những người bận rộn, hay phải di chuyển. Khách còn được tập nhiều hình thức, nhiều môn khác nhau chứ không chỉ có gym hay bơi. Việc sử dụng vô cùng đơn giản, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh trong tay là người dùng có thể chủ động thời gian và địa điểm tập gần nhất.

“Với sự có mặt của Wefit, quy mô thị trường tăng nhanh hơn rất nhiều so với hiện tại. Khi kinh tế dần phát triển thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe dần tăng lên. Nhưng phần còn lại chưa tập luyện còn rất nhiều. Hiện chỉ khoảng 4% dân số đã từng đến phòng tập. Nhưng số lượng chăm chỉ tập luyện còn nhỏ hơn nhiều, chỉ khoảng dưới 1%. Với Wefit, mọi người sẽ cùng được hưởng lợi”, người sáng lập kiêm CEO của Wefit nhận định.

Nữ MC Minh Trang từng viết trên mạng xã hội: “Nhiều bạn hỏi mình rằng Wefit là phòng tập nào, ở đâu? Mình chỉ cười và trả lời ngắn gọn rằng Wefit là tất cả các phòng tập và là phòng tập ở gần bạn nhất. Bạn rời nhà đi tập, sẽ có 1 phòng tập ở gần nhà cho bạn chọn. Nếu tranh thủ giờ nghỉ trưa/chiều ở cơ quan, sẽ có phòng tập ở gần cơ quan của bạn. Thậm chí đi công tác Hà Nội, Sài Gòn cũng có phòng tập luôn. Mình là thành viên của Wefit, có thể chọn tập ở hơn 500 phòng tập trên toàn quốc mà các bạn ấy hợp tác, ngoài gym còn có yoga, zumba, groupX, bơi…”

Niềm yêu thích của khách hàng dành cho Wefit chính là động lực để một người khởi nghiệp như Nguyễn Khôi có thể tự tin bước tiếp. “Mỗi ngày thức dậy lại thấy những phản hồi tích cực của những người yêu thích sản phẩm của mình. Đó cũng là điều tôi kì vọng khi start-up (khởi nghiệp - PV), đó là mang lại giá trị cho mọi người”, Khôi nói.

Giá trị mà Khôi muốn mang lại cho cộng đồng nằm ở lĩnh vực giáo dục và sức khỏe mà anh đã khởi nghiệp tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư máy tính tại Học viện Công nghệ Illinois (Chicago, Mỹ), từ bỏ lời mời làm việc của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Nokia, Microsoft, Khôi trở về Việt Nam và hiện thực hóa những ý tưởng của mình.

Thời gian học tập trên đất Mỹ giúp Khôi nhìn ra những mô hình khởi nghiệp thành công, sau đó tìm hiểu để áp dụng vào thị trường Việt Nam. “Từng có ý định quit (từ bỏ - PV) đại học nhưng đấu tranh với gia đình mãi, cuối cùng tôi quyết định học xong về nước làm việc. Nếu chỉ học thêm một năm nữa là tôi có bằng thạc sĩ”.

“Quãng đường này không có đích đến mà chỉ có những cột mốc. Đến thời điểm này thì chúng tôi đã vượt qua được một số cột mốc lớn, như đã chứng minh được thị trường có nhu cầu. Tất nhiên còn nhiều cột mốc khác như làm sao để nhiều người biết đến hơn, làm sao để tăng trưởng tốt hơn, bền vững hơn, làm sao để các đối tác thấy rằng phần mềm này hữu ích với họ, làm sao để khách hàng càng ngày càng tập luyện hiệu quả hơn… Vẫn còn rất nhiều bài toán phía trước phải giải”, Khôi đặt ra hàng loạt câu hỏi mà chính mình sẽ phải tự đi tìm câu trả lời.

Nguyễn Khôi tự đánh giá tốc độ phát triển của Wefit đạt được khoảng 80-90%, chưa phải tốc độ thực sự kì vọng nhưng nếu so sánh với các mô hình khởi nghiệp khác thì tốc độ này cũng không phải là thấp.

Với bộ râu dài và cách nói chuyện điềm tĩnh, chậm rãi, nhìn Nguyễn Khôi bên ngoài già dặn hơn lứa tuổi 27 rất nhiều. Nhớ lại những ngày đầu của Wefit, Khôi cho biết: “Khi mới ra mắt sản phẩm, trên thị trường chưa ai tưởng tượng ra nó là gì. Chúng tôi phải đi thuyết phục các đối tác rất nhiều, giải thích cho họ Wefit không phải đối thủ, mà thực ra là một đối tác của họ”.

“Khi đến các phòng tập, các đơn vị lớn không tiếp mình, thậm chí đuổi mình về. Tôi phải rất kiên trì, phải huy động toàn bộ nhóm làm việc tập trung vào 50 đối tác đầu tiên. Khi đối tác nhận thấy hợp tác với mình có lợi thì mình bắt đầu mở rộng, hiện giờ đã có hơn 600 đối tác tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”, Khôi cho hay.

Bắt đầu bán sản phẩm, ra mắt vào mùa đông, tháng 11/2016 – thời điểm mà tất cả các phòng tập của miền Bắc đều “sợ vì lạnh quá” nên tốc độ phát triển của Wefit tương đối ì ạch, khiến cho việc chứng minh nhu cầu bị chậm lại. Sau Tết, Wefit dồn hết sức. Cả nhóm phải đi gọi điện, bán hàng, “ship” hàng kể từ các bạn kĩ thuật đến nhân sự cấp cao. Đến tháng 3/2017 thì Wefit vượt qua khó khăn, chính thức ra mắt, mở được nhu cầu thị trường và tăng trưởng đều đặn 40% mỗi tháng – con số mà nhiều người khởi nghiệp phải mơ ước.

Nguyễn Khôi lọt Top 3 khởi nghiệp tiềm năng năm 2016 tại chương trình StartUp Festival do VTV tổ chức.

“Ngay từ khi bắt tay làm, chính tôi là người phải đi làm việc với những ông lớn trong giới như California, Elite Fitness… Tôi vẫn nhớ có một đơn vị mà đã tìm mọi cách vẫn không liên lạc được với ông chủ. Chúng tôi tự tìm đến phòng tập, gặp lễ tân và để lại danh thiếp. Sau nhiều lần liên lạc không thành công, khoảng hơn nửa năm khi Wefit bắt đầu có thương hiệu thì kết nối lại họ đã chịu lắng nghe. Sau đó thì bắt đầu hợp tác”, Khôi nhớ lại những ngày sơ khởi khó khăn của Wefit.

Wefit đến nay đã có những thành công bước đầu khi kết nối được hơn 600 đối tác ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với hơn 5.000 khách hàng chịu chi tiền mua sản phẩm. Hiện tại, Wefit mới hoạt động tại thị trường Việt Nam nhưng Khôi luôn ấp ủ đưa phần mềm này ra quốc tế. 

Khôi cho biết thêm, anh đã từng khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, sau đó đầu quân cho một công ty phần mềm giáo dục tiếng Anh trực tuyến. Hồi đó chưa biết cách làm sao để khởi nghiệp tốt nên cách làm rất ngây thơ. Sau đó dự án thất bại. Tuy nhiên, làm việc ở công ty này, anh được các anh lãnh đạo chỉ bảo, và sau thời gian thử thách và luyện tập khoảng 2 năm, cũng đã có dự án thành công. Sau thành công đó, anh nghĩ: “Nếu mình ở lại thì tương đối an toàn với bản thân trong khi mình lại yêu thích mạo hiểm, yêu thích những cái mới. Do đó, tôi quyết định ra ngoài làm Wefit”.

Dù là một người trẻ khởi nghiệp nhưng Khôi không chọn hướng kinh doanh, buôn bán một mặt hàng nào đó như nhiều người mà đi vào lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe dựa trên nền tảng công nghệ 4.0. Đây chính là điểm đặc biệt của anh so với những người trẻ khởi nghiệp khác.

Với những đóng góp nổi bật trong việc tiên phong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe, thể hình, Nguyễn Khôi đã vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký” để lọt Top 10 gương thanh niên tiêu biểu năm 2017, được Trung ương Đoàn tuyên dương.

Được đào tạo bài bản tại Mỹ - một môi trường rất thuận lợi cho người trẻ khởi nghiệp, Khôi nhìn nhận hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn khá sơ khai và chưa thể so sánh với Singapore hay Israel. Thông thường, những mô hình start-up sẽ đi nhanh hơn luật và các cơ quan quản lý có thể chưa nắm rõ những mô hình này nên còn lúng túng trong quản lý. Việc huy động vốn đầu tư cũng tốn khá nhiều thời gian so với các nước khác nên có thực tế doanh nghiệp start-up không thành lập tại Việt Nam mà chọn Singapore để huy động vốn đầu tư dễ hơn.

“Thường các bạn nghĩ ra một ý tưởng hay hay là làm ngay mà không nghĩ kỹ, không xác định động lực để giúp mình có thể đi bền bỉ. Nếu xác định được động lực chuẩn thì mình sẽ đi được dài hơi. Start-up là câu chuyện bền bỉ, ai bền bỉ hơn thì có thể đi được đến cuối cùng. Tôi thường bảo các bạn nhân viên đây không phải con đường để kiếm tiền nhanh và sẽ rất khó khăn. Tỷ lệ thành công ít nhưng khi thành công sẽ tạo ra một cái gì đó khá giá trị”, Khôi chia sẻ quan điểm.

Hệ thống các phòng tập Wefit kết nối khắp Hà Nội.

Từ chối nói về doanh thu của công ty, Khôi cho biết đó không phải là mối quan tâm hàng đầu của anh. Doanh thu, lợi nhuận cũng phần nào chứng minh doanh nghiệp làm được gì cho xã hội, nhưng thực tế có những con đường an toàn hơn mà lại làm giàu nhanh hơn như bất động sản hoặc kinh doanh truyền thống… 

“Nó tương đối dễ dàng với bản thân mà khôngphải quá mạo hiểm. Còn start-up phải làm ra thứ hoàn toàn mới, có tính mạo hiểm cao. Mở một quán cà phê không thể biến một ai đó trở thành Mark Zuckerberg mà phải có đột phá. Nếu ai đó chỉ xác định làm kiếm tiền thì nên làm những cái an toàn hơn”, ông chủ Wefit nói về việc khởi nghiệp.

Hiện tại, độ tuổi trung bình của nhân viên Wefit là khoảng 24 – 25, có những bạn chưa đến 20 tuổi. Những người trẻ dù còn thiếu kinh nghiệm, bản lĩnh nhưng lại có nhiệt huyết, chăm chỉ, phù hợp với môi trường làm việc công nghệ.

“Bên cạnh việc đào tạo kiến thức, kĩ năng thì cái lớn nhất mà tôi muốn tạo cho các bạn là một môi trường có thể thử sai, không sợ thất bại, không sợ làm sai. Từ đó rèn luyện bản lĩnh để khi gặp bài toán lớn hơn thì có cách đối diện. Khi làm quản trị thì tôi có vai trò người cố vấn. Mình sẽ giao phó cho nhân viên đứng đầu một phần việc nào đó, mình sẽ đứng đằng sau. Tôi không sợ những người nhân viên trở thành đối thủ của mình vì nếu các bạn cảm thấy đã đủ lớn và không thể học được gì nữa thì tôi ủng hộ các bạn ra làm những thử thách lớn hơn”, Khôi nhấn mạnh.

Khi được hỏi có thích được gọi là một doanh nhân sau khi đã thành công với Wefit, chàng trai từng một mình du lịch châu Âu khi còn là sinh viên đại học cho biết vẫn thích được nhắc đến như một người khởi nghiệp vì những yếu tố trong con người của anh phù hợp với khởi nghiệp hơn.

“Mình yêu thích làm ra những sản phẩm mới, những công nghệ đột phá. Ngay cả một số doanh nhân thành đạt đến thời điểm này cũng muốn nhân viên của mình luôn duy trì tinh thần khởi nghiệp. Khởi nghiệp không chỉ là động từ mà còn là tính từ. Doanh nghiệp còn khởi nghiệp thì còn tiếp tục sáng tạo, đột phá, tìm những cái mới, không bị hạn chế trong giới hạn bản thân”, Nguyễn Khôi chia sẻ.

Với suy nghĩ “Khởi nghiệp không phải con đường dễ dàng, thậm chí có thể phải hi sinh nhiều thứ trước khi có được thành quả”, chàng trai Nguyễn Khôi không ngại dấn thân và thử thách mình ở những lĩnh vực mới. Vị giám đốc Công ty CP Công nghệ Onaclover này không muốn giới hạn công ty ở Wefit mà sẽ mở rộng ra nhiều ngành khác như chăm sóc sức khỏe nói chung, spa, beauty… Khôi định vị sau này sẽ có một hệ sinh thái áp dụng các sản phẩm công nghệ cho lĩnh vực “life-style” - phong cách sống, dùng công nghệ để khiến phong cách sống của mọi người trở nên lành mạnh hơn.
Để đón đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Khôi cho rằng Việt Nam không cần tìm cách phát minh lại cái bánh xe làm gì mà cần nhìn thế giới họ đi như thế nào để áp dụng cho Việt Nam, tận dụng thành quả mà những nước đi trước để lại. Đó là cách tốt nhất.

Bài: Hoàng Dương
Trình bày: Trần Thắng
Bài viết sử dụng một số hình ảnh do nhân vật cung cấp

 

29/03/2018 03:22