Bức tường biên giới Mỹ - Mexico trở thành tâm điểm và cũng là "biểu tượng" cho cuộc đối đầu gay gắt Cộng hòa - Dân chủ, với hai đại diện là Tổng thống Donald Trump và tân Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

29 ngày Chính phủ Mỹ đóng cửa, một kỷ lục trong lịch sử “xứ cờ hoa” và vẫn chưa dừng lại ở đó khi không bên nào tỏ ra nhượng bộ. Bế tắc chính trị xung quanh dự án xây dựng bức tường biên giới phía nam với Mexico đang khiến chính trường Mỹ chia rẽ sâu sắc, cuộc sống người dân bị đảo lộn và nền kinh tế được dự báo sẽ gánh hậu quả nặng nề.

Sau khi Quốc hội Mỹ không thể thông qua dự luật ngân sách liên bang trong ngắn hạn cho chính phủ trước hạn chót nửa đêm 21/12, Chính phủ Mỹ đã bắt đầu đóng cửa một phần kể từ 0 giờ 1 phút ngày 22/12 (12h01 phút ngày 23/12 theo giờ Việt Nam).

Đến ngày 12/1 vừa qua, thời gian Chính phủ Mỹ đóng cửa đã vượt qua kỷ lục dài nhất trước đó là 21 ngày vào cuối năm 1995 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Việc đóng cửa chính phủ không còn xa lạ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới khi quốc hội bất đồng về chi tiêu ngân sách, hay như lần này là sự đối đầu giữa Tổng thống Trump và phe Dân chủ tại Hạ viện.

Bức tường biên giới Mỹ - Mexico trở thành tâm điểm trong cuộc đối đầu gay gắt Cộng hòa - Dân chủ.

Trung tâm của bế tắc lần này nằm ở dự án xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh lên kế hoạch, thiết kế và xây dựng một bức tường công nghệ cao dọc theo biên giới phía nam, đồng thời nhắc lại cam kết sẽ buộc Mexico phải trả chi phí xây dựng bằng cách tăng thuế nhập khẩu hoặc phí quá cảnh.

Ý tưởng buộc Mexico phải chi tiền xây tường tất nhiên đã phá sản từ lâu, dù Tổng thống Trump tuyên bố rằng việc thu nhập của người Mỹ tăng lên nhờ Hiệp định Thương mại mới ký lại với Canada và Mexico đồng nghĩa với việc Mexico ít nhất đã "trả tiền gián tiếp cho bức tường". Nhưng lập luận kiểu này rõ ràng không thể thuyết phục các nhà lập pháp phe Dân chủ, những người cho rằng bức tường hàng tỉ USD là quá tốn kém và không hiệu quả. Phe Dân chủ, đứng đầu là tân Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cũng coi bức tường biên giới vừa là trở ngại vật lý "rào kín" nước Mỹ, vừa là hành động "phi đạo đức" không thể chấp nhận được.

Chính vì vậy, phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện đã không chấp nhận thông qua dự luật chi tiêu ngân sách bao gồm điều khoản cấp khoảng 5,7 tỉ USD để xây dựng bức tường biên giới với Mexico, trong khi Tổng thống Trump cũng kiên quyết tuyên bố không ký phê chuẩn luật nếu không có điều khoản đó bất chấp chính phủ phải đóng cửa nhiều tháng, thậm chí cả năm.

Trở lại vị trí Chủ tịch Hạ viện sau 8 năm, nữ chính trị gia lão luyện Nancy Pelosi đối đầu với một Tổng thống Donald Trump bốc đồng và khó đoán. Bà Pelosi đã chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 3/1 cho chức Chủ tịch Hạ viện, vị trí bà từng nắm giữ trong 4 năm kể từ năm 2007, khi bà làm nên lịch sử với tư cách người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ đảm nhiệm chức vụ này.

Trận chiến đầu tiên mà nữ nghị sĩ quyền lực nhất Đồi Capitol tham gia sau khi đưa phe Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11/2018 chính là cuộc đối đầu với Nhà Trắng và đảng Cộng hòa xung quanh bức tường biên giới với Mexico, một dự án mà bà chỉ trích là tốn kém và "phi đạo đức".

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bà Pelosi từng là một lực lượng đối lập mạnh mẽ với Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của ông. Giờ đây vai trò của bà trong việc kiềm chế Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng sẽ tương tự.

Bà Pelosi và các lãnh đạo đảng Dân chủ có quyền ngăn chặn các đạo luật của đảng Cộng hòa và cản trở phần lớn chương trình nghị sự của Tổng thống Trump, từ đề xuất cắt giảm thuế mới đến xây dựng bức tường ở biên giới.

Chúng ta sẽ không xây tường. Có ai còn nghi ngờ gì về việc chúng ta sẽ không xây tường không? Một bức tường là điều trái đạo đức giữa các quốc gia. Đó không phải là chúng ta, với tư cách một đất nước”. Tuyên bố của bà Pelosi được ví như mũi tên nhằm thẳng vào tâm điểm của sức hấp dẫn dân túy mà Tổng thống Trump tạo ra với các cử tri da trắng ngay từ đầu chiến dịch tranh cử tổng thống: đó là cam kết xây dựng một "bức tường vĩ đại ở phía nam". Bình luận này cũng cho thấy bà Pelosi muốn bắn tín hiệu rõ ràng với tổng thống rằng bà sẽ không nhượng bộ như các chính khách khác.

Ngoài ra, tuyên bố của bà Pelosi cũng cho thấy tình trạng đóng cửa chính phủ một phần hiện nay sẽ kéo dài bất tận trừ phi kế hoạch pháp lý của bà có tác dụng. Kế hoạch của bà là khiến phe Cộng hòa từ bỏ cuộc chiến liên quan tới bức tường biên giới – bức tường gần như chắc chắn sẽ không bao giờ tồn tại, ít nhất là dưới dạng mà ông Trump đã quảng bá trong chiến dịch tranh cử.

Tờ Foreign Policy cho rằng khi khẳng định quan điểm không thể thỏa hiệp, cả bà Pelosi và Tổng thống Trump đã chấp nhận rủi ro chính trị lớn vì đang để chính phủ đóng cửa kéo dài, tốn kém và không hợp lòng dân. Tổng thống Trump cho thấy ông sẽ không làm gì khiến người ủng hộ da trắng theo quan điểm phản đối nhập cư phật ý, còn bà Pelosi tỏ rõ không thể lùi bước trong hành động quan trọng đầu tiên của nhiệm kỳ Chủ tịch Hạ viện lần này.

Cuộc chiến Trump - Pelosi đã tiếp tục xấu đi sau khi nhà lãnh đạo Mỹ không cho Chủ tịch Hạ viện Mỹ sử dụng máy bay quân sự đến thăm Afghanistan ngay trước khi chuyến công du của bà bắt đầu.“Vì chính phủ đóng cửa, tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo với bà rằng chuyến công du đến Brussels, Ai Cập và Afghanistan đã bị hoãn”, ông Trump viết trên Twitter. Nhà lãnh đạo 72 tuổi cũng không quên khiêu khích nữ Chủ tịch Hạ viện Mỹ về thỏa thuận xây tường biên giới. Ông cho rằng bà Pelosi nên dành thời gian “ở lại Washington mà đàm phán” hoặc “tham gia phong trào An ninh Biên giới Vững mạnh”. Đây là hành động trả đũa trực diện sau khi bà Nancy Pelosi yêu cầu Tổng thống lùi lịch phát biểu Thông điệp Liên bang hoặc gửi văn bản Thông điệp tới Quốc hội do chính phủ đang đóng cửa.

Chính trường chia rẽ và một nước Mỹ đảo lộn. Cả tháng trời chính phủ bị đóng cửa một phần, “xứ sở cờ hoa” đã chứng kiến những hậu quả nhãn tiền: rác chất đống trong các công viên quốc gia; các bảo tàng, tượng đài nổi tiếng đóng cửa, hoạt động an ninh tại các sân bay bị đình trệ do nhiều nhân viên của Cơ quan An ninh Vận tải (TSA) đồng loạt nghỉ làm từ khi họ không nhận được lương.

Trong thời gian chính phủ đóng cửa, khoảng 800.000 viên chức liên bang tạm mất việc hoặc đi làm mà tạm thời không được trả lương. Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ tạm ngừng một số chức năng then chốt như giám sát các cơ sở, thu hồi thực phẩm và đánh giá các loại dược phẩm mới. Nông dân Mỹ vốn đã điêu đứng vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nay lại chịu thêm ảnh hưởng từ việc chính phủ đóng cửa. Hỗ trợ khẩn cấp liên bang để đền bù cho giá đậu tương sụt giảm mạnh đã bị đình lại. Hoạt động nghiên cứu tại các cơ quan liên bang lớn như Cơ quan Khí quyển và Hải dương học quốc gia, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ và Cơ quan Khí tượng quốc gia đều bị tạm ngừng.

Những hệ lụy của lần đóng cửa chính phủ này nghiêm trọng hơn nhiều những lần trước đó và những người cảm nhận rõ nhất không chỉ là những người làm việc trong hệ thống công quyền, mà còn là những người nghèo đang nhận trợ cấp xã hội. Nếu Chính phủ Mỹ không mở cửa lại vào tháng 2 thì hàng triệu người Mỹ hiện sống nhờ chương trình hỗ trợ dinh dưỡng sẽ tạm thời không nhận được trợ giúp vì Bộ Nông nghiệp – cơ quan chủ trì chương trình này không được trả lương trong thời gian chính phủ đóng cửa. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, việc chính phủ đóng cửa đã ảnh hưởng tới các lực lượng vũ trang Mỹ, khi khoảng 43.000 thành viên Lực lượng Tuần duyên Mỹ phải làm việc mà không được nhận lương định kỳ.

Theo ước tính, nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ đóng cửa trong 1 tuần, vì thế đợt đóng cửa hiện nay đang khiến nước Mỹ mất khoảng 20 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với số tiền tranh cãi xây bức tường biên giới.

Đối với Tổng thống Trump, việc xây bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico luôn là cam kết cốt lõi mà ông đã nhiều lần nhấn mạnh với các cử tri, nó liên quan đến lợi ích thiết thực của các cử tri da trắng trung thành với ông và không dễ dàng thỏa hiệp. Đối với đảng Dân chủ, vấn đề xây dựng bức tường đi ngược lại tinh thần cởi mở và bao dung của nước Mỹ, gắn chặt với lập trường mà những người ủng hộ đảng này đang theo đuổi.

Vì thế, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa do bế tắc quanh số phận của bức tường biên giới dường như đã dựng nên một "bức tường" cao khác của sự chia rẽ và đọ sức gay gắt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, nhất là khi đằng sau cuộc chiến này là khả năng thành bại trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Đối với ông Trump, việc giữ lời hứa xây tường sẽ gây dựng nền tảng uy tín cho ông khi tái tranh cử tổng thống 2 năm tới. Trong khi đó, Đảng Dân chủ đã trở lại lãnh đạo Hạ viện từ ngày 3-1-2019. Vì vậy, thế đối đầu hiện nay giữa Tổng thống Trump và đảng Dân chủ đang hướng đến đích ngắm là kỳ bầu cử 2020.

Theo những kết quả thăm dò công bố hôm 16/1, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Trump là 40,2%, giảm so với mức 42,2% vào ngày 21/12, một ngày trước khi chính phủ đóng cửa. Trong khi đó, tỉ lệ phản đối ông Trump cũng tăng lên 54,8% so với 52,7% trước ngày 22/12. Trong cuộc thăm dò do trường đại học Marist công bố trong tuần trước cũng cho thấy 61% người trả lời cho biết việc chính phủ đóng cửa càng khiến họ nhìn nhận tiêu cực hơn về Tổng thống Trump và chỉ 28% nhìn nhận ông tích cực hơn.

Nhưng liệu những con số đó có thực sự ảnh hưởng tới vị trí chính trị của ông Trump trên đường dài?

Tờ Independent dẫn nhận định của một cựu cố vấn kinh tế Nhà Trắng bà Pippa Malmgren cho rằng cơ hội thắng cử năm 2020 của ông Trump đang bị "thu nhỏ mỗi ngày" do tình trạng chính phủ đóng cửa.

Ngay bên trong Nhà Trắng, các cố vấn của ông Trump cũng có những lo ngại riêng. Trong cuộc đàm phán với phe Dân chủ những tuần gần đây, Phó Tổng thống Mike Pence được cho là đã tìm cách đạt thỏa thuận 2,5 tỉ USD cho bức tường (chưa bằng một nửa so với yêu cầu của Tổng thống). Con rể kiêm Cố vấn tổng thống Jared Kushner cũng để ngỏ khả năng thỏa hiệp bằng cách nới lỏng nhập cư. Trong khi đó theo các nguồn thạo tin, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney đang mở rộng cửa với "bất cứ điều gì có thể mở cửa lại chính phủ".

Người nhập cư trái phép đứng chờ ở hàng rào biên giới Mỹ-Mexico.

 

Nhiều quan chức Nhà Trắng lo ngại việc chính phủ đóng cửa sẽ ảnh hưởng tới "quân bài" chính trị quan trọng nhất của Tổng thống trong chiến dịch tái tranh cử: đó là một nền kinh tế vững mạnh. Nền kinh tế bùng nổ vốn là niềm tự hào của Tổng thống Trump trong nửa nhiệm kỳ đầu. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett ước tính việc chính phủ đóng cửa sẽ làm "bốc hơi" 0,1 điểm phần trăm GDP mỗi 2 tuần, đồng thời cho rằng Nhà Trắng đã đánh giá thấp những thiệt hại kinh tế mà bế tắc kéo dài giữa hai đảng gây ra.

Có lẽ vì thế, trong một nỗ lực mới nhất nhằm giúp chính phủ mở cửa trở lại, Tổng thống Donald Trump ngày 19/1 (theo giờ Mỹ) đã thông báo một đề xuất nhằm đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ về bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Ông Trump đề xuất sẽ bảo vệ tạm thời cho 700.000 người nhập cư trẻ tuổi không có giấy tờ, còn được gọi là “Dreamers” trong vòng 3 năm không bị trục xuất khỏi Mỹ, cũng như đảm bảo cho khoảng 300.000 người nhập cư khác được hưởng quy chế Tình trạng bảo vệ tạm thời (TPS) sắp hết hạn. Đổi lại, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục yêu cầu khoản ngân sách 5,7 tỉ USD cho việc xây dựng hàng rào kéo dài hơn 390 km dọc biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Tuy vậy, kế hoạch trên của Tổng thống Trump chưa thể thuyết phục đảng Dân chủ khi trước đó Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng đề xuất mà Tổng thống Trump sắp công bố về việc bảo vệ tạm thời đối với những người nhập cư không có giấy tờ vào Mỹ nhằm đổi lại khoản tiền xây tường biên giới là không thể chấp nhận được.

Bài: Thu Hằng

Trình bày: Hồng Hạnh

22/01/2019 08:45