Hơn 30 năm tồn tại, đội lốt tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin của một bộ phận đồng bào Mông, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, dụ dỗ, lôi kéo hàng nghìn người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc tham gia nhằm thực hiện âm mưu ly khai, tự trị, lập nhà nước riêng… Trước thực trạng này, cả hệ thống chính trị tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đem lại cuộc sống bình yên, ổn định cho đồng bào. 

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng bào Mông tại tỉnh Tuyên Quang, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tuyên truyền những luận điệu phi lý, sai trái, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Đời sống của bộ phận đồng bào bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp cũng vì thế mà bị xáo trộn, điêu đứng và nghèo khó. Nhiều hoạt động của tổ chức bất hợp pháp đi trái với giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông và ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tỉnh Tuyên Quang từng là một trong số những địa phương có một bộ phận đồng bào Mông bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Thượng tá Trần Xuân Thụ, Trưởng Phòng An ninh Đối nội, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết: Dương Văn Mình (1961 - 2021) còn có tên gọi khác là Dương Súng Mình, nguyên quán ở xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1982, Dương Văn Mình di cư đến thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. 

Kẻ cầm đầu tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (1961 - 2021) cùng ghế và bục xưng vua.

Thời điểm năm 1989, Dương Văn Mình tập hợp một số đối tượng cốt cán lập nên tổ chức bất hợp pháp mang tên chính mình, hoạt động trên địa bàn 31 thôn bản, thuộc 10 xã tại 5 huyện của tỉnh Tuyên Quang là Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang và Sơn Dương, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của khoảng 76% đồng bào dân tộc Mông. Sau đó, tổ chức bất hợp pháp này lan nhanh sang một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên…, nơi có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Hơn 30 năm tồn tại, đội lốt hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tập hợp quần chúng, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông, tuyên truyền tư tưởng sai trái, mục đích lập "Nhà nước riêng của người Mông" do Dương Văn Mình làm "vua", gây phức tạp về an ninh trật tự. Ông Ma Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn - một trong những địa bàn phức tạp, từng có người dân tin, nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình thông tin: Xã Hùng Lợi có gần 1.700 hộ dân, 97% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm cao nhất với 45%. Thời điểm đầu năm 2022, Hùng Lợi vẫn còn có 8/16 thôn với khoảng 49% đồng bào Mông tin, nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Do nhận thức hạn chế, nhiều hộ tin theo những luận điệu phi lý bỏ bê đồng ruộng, không chịu làm ăn dẫn đến cuộc sống càng ngày càng khó khăn, thiếu thốn. 

Lực lượng chức năng họp bàn giải pháp để tuyên truyền người dân hiểu và từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Cũng theo ông Ma Văn Hùng, các đối tượng cốt cán của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình tập hợp nhân dân xây dựng “nhà đòn”, “nhà nhỏ” để cất giữ các “biểu tượng tâm linh” bằng gỗ như con cóc, con ve, bàn khắc hình con én, cây thánh giá... sử dụng trong đám tang. Đây hoàn toàn là những thứ do Dương Văn Mình và tổ chức bất hợp pháp bịa đặt ra, không bắt nguồn từ phong tục tập quán truyền thống của người Mông. 

Căn nhà gỗ xiêu vẹo chưa đầy 12 m2 tại thôn Toòng, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn là nơi sinh sống của vợ chồng anh Hầu Văn Sình cùng 5 đứa con nhỏ. Chiếc xe máy cũ mèm là tài sản lớn nhất của gia đình. Một thời gian dài, cả gia đình anh Sình tin theo lời dụ dỗ, phi lý, lừa bịp của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. 

Anh Hầu Văn Sình chia sẻ, đồng bào được tuyên truyền rằng nếu đi theo Dương Văn Mình thì không làm cũng có ăn, người chết sống trở lại, người già lột xác trẻ lại, không học cũng biết chữ, ốm đau tự khỏi không cần đi bệnh viện... Thế nhưng, sau hàng chục năm đi theo tổ chức, đời sống gia đình anh Sình vẫn chẳng khấm khá lên, thậm chí kinh tế càng thêm khó khăn.

Tuyên truyền để người dân hiểu và từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Anh Ngô Văn Hồng (thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên) không nhớ được mình đã theo ông bà, bố mẹ đến bao nhiêu buổi sinh hoạt của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Anh Ngô Văn Hồng cho biết, tại các buổi sinh hoạt, các đối tượng trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đưa ra nhiều quan điểm sai lệch, dụ dỗ, xúi giục đồng bào không nhận hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, kích động khiếu kiện, vận động người dân không tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021.

Anh Lý Văn Chí (thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú) đã từng bỏ ruộng nương cả năm trời để đi theo các buổi hội hè, sinh hoạt, múa hát do Dương Văn Mình và các đối tượng cốt cán tổ chức. Anh Chí chia sẻ, trước đây, bố mẹ anh tin theo Dương Văn Mình, bỏ bàn thờ tổ tiên, thay vào đó là biểu tượng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Nhiều người Mông cùng trang lứa với anh Chí bỏ ngang việc học hành bởi tin theo lý lẽ không đi học cũng biết chữ. 

Ông Vũ Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, xã có 29 hộ đồng bào Mông sinh sống tại thôn 1A Thống Nhất. Đến đầu tháng 10/2022, vẫn còn 24 hộ bị ảnh hưởng bởi “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình”. Những hộ theo tổ chức này thường sống thành một khu, cụm và thường không tham gia các hoạt động chung của địa phương, cuộc sống bị xáo trộn, kinh tế sa sút, luôn trong tình trạng đói nghèo. 

Lãnh đạo và Công an huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thăm hỏi, động viên đồng bào người Mông chú trọng làm ăn phát triển kinh tế.

Theo Thượng tá Trần Xuân Thụ, Trưởng Phòng An ninh Đối nội, Công an tỉnh Tuyên Quang, những hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã mang đến những hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ đối với những người trực tiếp bị ảnh hưởng mà còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trong đời sống văn hóa, xã hội như phá bỏ đi những truyền thống tốt đẹp từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mông; tạo sự hoang mang, lo lắng cho quần chúng nhân dân; việc nâng cao dân trí cho nhân dân bị ảnh hưởng; tiềm ẩn nguy cơ gây xung đột về mặt an ninh trật tự giữa người theo tín ngưỡng truyền thống, người theo đạo Tin lành và người theo tổ chức bất hợp pháp…

Trước những ảnh hưởng và hệ lụy nghiêm trọng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, cả hệ thống chính trị tỉnh Tuyên Quang, nòng cốt là lực lượng Công an đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không tin, không nghe theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đến nỗ lực ngăn chặn, đấu tranh, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp này.

Đầu năm 2021, trên địa bàn xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, 9 tổ công tác đã được thành lập với thành phần là cán bộ xã, công an xã, lực lượng an ninh phụ trách địa bàn, bí thư chi bộ, trưởng thôn. Nhiệm vụ chính là đến từng hộ người Mông tuyên truyền, vận động, giúp bà con hiểu rõ âm mưu của thế lực thù địch, các luận điệu sai trái của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; đồng thời tuyên truyền, vận động chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật.

Cùng với chính quyền cơ sở và lực lượng công an, đội ngũ người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ông Ma Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Lợi cho biết, địa bàn rộng, đa phần là đồi núi hiểm trở, đồng bào sống Mông sống du canh du cư, rải rác trên các sườn núi. Ban ngày, đồng bào thường lên nương, rẫy, muốn gặp để tuyên truyền, vận động, tổ công tác thường phải đến gặp bà con vào buổi tối, từ 18 - 21 giờ. Tuy nhiên, những hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình thường rất khó tiếp cận. Khi tổ công tác đến, các hộ đã tắt điện, đóng cửa hoặc tránh vào núi. Có những hộ tiếp cận được nhưng không nghe, từ chối sự tuyên truyền. 

Cũng theo ông Ma Văn Hùng, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với các già làng, những người uy tín là người Mông tuyên truyền, vận động đồng bào không nghe theo kẻ xấu. 

Cụm đồng bào Mông tại thôn Khuổi Ma nằm cách trung tâm xã Hùng Lợi gần 30 cây số đèo dốc, nguy hiểm. Thiếu tá Tướng Văn Ba, Trưởng Công an xã Hùng Lợi chia sẻ, lực lượng công an xã, an ninh phụ trách địa bàn thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện với các hộ gia đình, cùng lên nương, lên rẫy, hướng dẫn đồng bào, trồng ngô, trồng lúa, nuôi trâu, nuôi dê. Những hoạt động đó  góp phần tạo thêm lòng tin với đồng bào, tạo điều kiện thuận lợi vận động đồng bào từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Đội an ninh công an luôn thực hiện "4 cùng" với đồng bào Mông trên địa bàn huyện. 

Theo Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, tháng 3/2022, lực lượng chức năng tỉnh, trong đó nòng cốt là công an đã tổ chức đợt đấu tranh cao điểm quyết liệt, mục tiêu xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh đã thành lập 17 tổ công tác đồng loạt xuống các địa bàn có ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Các tổ công tác thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng ngôn ngữ) với đồng bào và phối hợp với 24 tổ công tác của cấp ủy, chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền đấu tranh, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp.

Qua công tác trinh sát, bám nắm địa bàn, lực lượng công an đã phát hiện các đối tượng cốt cán trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; thu thập tài liệu, nghiên cứu, xử lý trước pháp luật các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định. Đồng thời, tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân; kiên quyết đấu tranh với các đối tượng có hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Hàm Yên cho biết, chính quyền xã thường xuyên cử cán bộ xuống từng hộ thăm hỏi, động viên kịp thời nắm bắt tình hình cũng như tâm tư nguyện vọng của đồng bào, hướng dẫn bà con vay vốn để phát triển sản xuất. Bà con người Mông ở xã Tân Thành giờ đã hiểu rõ bản chất, 100% số hộ bị ảnh hưởng đã tự nguyện ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Lực lượng chức năng đi tuyên truyền để người dân hiểu và từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Với sự nghiêm túc, quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh, ngăn chặn tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình tại Tuyên Quang đã có được những kết quả nhất định. Từ năm 2007 đến hết năm 2021, chính quyền và lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang tổ chức trên 80 lượt cưỡng chế, tháo dỡ nhà đòn, nhà nhỏ của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Tính đến ngày 3/11/2022, 100% các hộ đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tháo phông trắng (biểu tượng của tổ chức), ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Sau hơn 30 năm, chính quyền và nhân dân xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã được đón Tết Quý Mão yên vui, phấn khởi. Ông Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết, xã có 1.233 hộ dân, trong đó có 252 hộ đồng bào dân tộc Mông với 1.491 nhân khẩu sinh sống tại 4 thôn là Tháng 10, Ngòi Sen, Quảng Tân và Thài Khao. Là nơi sinh sống của đối tượng cầm đầu và một số cốt cán của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, xã Yên Lâm từng là địa bàn rất phức tạp về an ninh trật tự. Đầu năm 2022, xã vẫn còn 191 hộ với trên 900 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp này. Bằng sự kiên trì, tích cực gần gũi, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, đối tượng, có điều kiện là lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân không tin theo kẻ xấu. Mưa dầm thấm lâu, từ những câu chuyện bên bếp lửa, những buổi cùng lao động sản xuất, những lời tuyên truyền, giải thích của cán bộ đã được đồng bào hiểu và tin tưởng. Đến nay, 100% các hộ đã ký cam kết từ bỏ tổ chức.

Dịp đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Tuyên Quang tặng hơn 30 lá quốc kỳ và hỗ trợ treo cờ cho 29 hộ dân tộc Mông, nhà văn hóa và điểm trường học tại xóm Gò Đá, thôn 1A Thống Nhất xã Yên Phú, huyện Hàm Yên.

Những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc được treo ngay ngắn trước cửa mỗi ngôi nhà của đồng bào Mông ở thôn Ngòi Sen. Ông Đào Văn Nó (72 tuổi) chia sẻ, cả gia đình ông từ tỉnh Cao Bằng sang sinh sống ở thôn đã hơn 30 năm. Từng ấy thời gian, do thiếu hiểu biết, ông nghe, tin “Tín ngưỡng Dương Văn Mình”. Giờ thì ông không theo nữa, tự nguyện cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp. Ông Nó trồng cỏ, nuôi bò. Thời gian rảnh rỗi, ông làm bạn với chiếc Khèn - nhạc cụ truyền thống của người Mông. Ông cũng tuyên truyền con cháu mình cùng bà con trong thôn gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông. 

Cùng ở thôn Ngòi Sen, gia đình anh Đào Văn Sính, chị Lý Thị Mị có 7 người con. Phần vì nhẹ dạ tin lời kẻ xấu rằng không học cũng biết chữ nên chỉ 3 con của anh chị được đi học. Giờ đây, cũng như nhiều đồng bào Mông ở Ngòi Sen, anh Sính đã hiểu rõ những luận điệu phi lý của kẻ xấu. Anh động viên con em mình phải đến trường, học tập đầy đủ, có cái chữ tương lai mới sáng lạn, tiến bộ.

Tại thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, từng là nơi sinh sống của Dương Văn Mình với tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, đồng bào người Mông đã không còn tin, theo tổ chức bất hợp pháp, không còn sống khép kín, đồng bào đã cởi mở với chính quyền, với cán bộ.

Cuối năm 2021, anh Ngô Văn Hồng (dân tộc Mông, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên) đã tự nguyện tháo phông trắng (biểu tượng của tổ chức) cùng các thành viên trong gia đình cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp. Sau đó, anh tham gia nhóm đạo Tin lành và là tổ trưởng Tổ Tin Lành Gò Đá, xã Yên Phú. Trong quá trình sinh hoạt, anh đã vận động được khoảng 20 bà con đồng bào Mông trong thôn từ bỏ tổ chức Dương Văn Mình để tham gia nhóm đạo Tin lành. Từ khi sinh hoạt theo tôn giáo được Nhà nước cho phép, bà con rất phấn khởi, được tuyên truyền về lòng yêu kính chúa, yêu thương con người, biết ơn Đảng, Nhà nước, chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật.

Sau khi từ bỏ tổ chức, được sự vận động của chính quyền và tín nhiệm của bà con, anh Hoàng Văn Dự được bầu làm Phó trưởng thôn Tháng 10, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên. Giờ đây, bà con thôn Tháng 10 đã cởi mở hơn, đồng lòng trong các công việc chung. Cũng nhờ đó, nhiều phong trào như hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng đường bê tông nông thôn, văn hóa, văn nghệ được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Hiện nay, 100% đường giao thông trong thôn được bê tông hóa, không còn nhà dột, nát, thôn chỉ còn 15 hộ nghèo.

Lực lượng Công an phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
 

Hai con trâu sinh sản đã cho nghé, ba con lợn béo tốt, nương lúa cho năng suất cao là thành quả một năm lao động chăm chỉ của gia đình ông Đào Văn Tu (dân tộc Mông, thôn Phiêng Tảng, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình). Ông động viên con trai là Đào Văn Mỳ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua hai con trâu, trồng ngô, trồng cỏ tập trung chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Một lớp học vừa dạy văn hóa, vừa đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc Mông tại xã Yên Lâm cũng đã được khai giảng vào tháng 4/2022. Thầy giáo Nguyễn Duy Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Hàm Yên cho biết, lớp học thuộc Đề án thí điểm Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Phổ thông kết hợp liên kết đào tạo Trung cấp nghề cho học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Các em học sinh được lựa chọn học ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình. 

Công an huyện Lâm Bình thực hiện “4 cùng” với đồng bào Mông trên địa bàn.

Đặc biệt, nhờ sự quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang về "Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình", 100% các hộ đồng bào Mông bị ảnh hưởng đã cam kết từ bỏ tổ chức.

Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Công an tỉnh luôn xác định rõ vai trò của mình trong việc đấu tranh, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; chủ động xây dựng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các kế hoạch tuyên truyền vận động, các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn, lực lượng Công an vừa tổ chức đấu tranh với những đối tượng cầm đầu, cốt cán, phát hiện, xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật; đồng thời bám bản, gần dân, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giải thích, thực hiện tốt công tác vận động người dân ở các địa phương; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Lực lượng Công an xã, an ninh phụ trách địa bàn tích cực bổ sung kiến thức về phát triển nông, lâm nghiệp, hướng dẫn bà con làm ăn kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Niềm vui của người dân thôn Bum Kẹn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn, Tuyên Quang) khi có điện lưới quốc gia.

Trong quá trình đấu tranh, ngăn chặn xóa bỏ tổ chức Dương Văn Mình, Công an tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Đó là phải thống nhất nhận thức, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền địa phương, vận dụng linh hoạt, có hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn, đối tượng,..; chủ động trong công tác nắm bắt, đánh giá dự báo, nhận định đúng tình hình, tận dụng thời cơ, thời điểm để tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh, xử lý với các đối tượng cốt cán, triệt tiêu nguyên nhân, điều kiện để các đối tượng lôi kéo, không chế người dân tham gia tổ chức… 

Cùng với đó, lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, thực hiện “3 bám” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách), “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) trong tuyên truyền, vận động với nhân dân, thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội để tiếp cận, thâm nhập địa bàn, vận động người bị ảnh hưởng từ bỏ tổ chức.

Cảnh thanh bình ở thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ cho người nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trọng tâm là đề án củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn các huyện; hướng dẫn nhân dân tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện các quy ước hương ước về nếp sống văn hóa mới khu dân cư đảm bảo phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, loại bỏ những hủ tục lạc hậu để các dân tộc trên địa bàn cùng phát triển; quan tâm giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng về tín ngưỡng, tôn giáo, không để người dân bị tái ảnh hưởng, lôi kéo theo các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật.

Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp chuyển hóa hoàn toàn 10 địa bàn xã từng bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình xây dựng thành xã điển hình về phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; củng cố vững chắc an ninh nhân dân tại các địa bàn đông đồng bào Mông sinh sống.

Khu tái định cư thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn.

Bài: Vũ Quang - Thu Huyền
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

15/04/2023 05:55