An toàn bếp ăn trường học: Có quy định nhưng vẫn xảy ra ngộ độc

Những vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng tại các trường học xảy ra thời gian gần đây cho thấy nhiều đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và vẫn còn sử dụng thực phẩm không an toàn.

Nhiều vụ với mức độ nghiêm trọng

Vừa qua vụ ngộ độc làm hơn 350 em học sinh tại trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Thành phố Ninh Bình) được xác định nguyên nhân do vi khuẩn tụ cầu vàng trong món ruốc gà trong bữa ăn trưa của học sinh lại thêm một hồi chuông cảnh báo nguy cơ thiếu an toàn trong bữa ăn bán trú tại các trường học. Đáng lo ngại hơn vụ ngộ độc này rất lớn nhưng không phải hi hữu mà đã có nhiều vụ tương tự xảy ra thời gian gần đây. Đơn cử như trong tháng 10 cũng vừa xảy ra vụ 150 em học sinh trường Trường Tiểu học xã Xín Cái (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) có biểu hiện buồn nôn, đau bụng, đi ngoài đồng loạt sau khi ăn bữa sáng tại trường; hay vụ ngộ độc tập thể tại trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội)) cách đây không lâu khiến 9 trẻ rối loạn tiêu hóa phải nhập viện… Cách đây không lâu dư luận cũng từng xôn xao vụ phụ huynh trường phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hưng Yên) kiểm tra đột xuất bếp ăn nhà trường và phát hiện nhiều rau nấu ăn sáng cho học sinh đã bị nhũn, hỏng, không ghi ngày xử lý, lưu trữ sẵn trong tủ lạnh; dưa chuột đã thái hạt lựu từ hôm trước cũng để lại, thịt lợn gà để tồn nhiều ngày…

Chú thích ảnh
Cần những giải pháp để có bữa ăn bán trú an toàn cho hoc sinh.

Những vụ ngộ độc do bữa ăn tại các trường học vẫn diễn ra với mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân chính thường được xác định là do nhiễm khuẩn thức ăn, nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn… Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Hà Nội hiện có khoảng gần 1.600 trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường, riêng cấp mầm non tỷ lệ này là 100% có bữa ăn bán trú. Trong khi đó để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bếp ăn các trường học hiện vẫn còn nhiều khó khăn như: Nhiều trường vẫn chưa thực hiện truy xuất tận gốc thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn; một số nhà thầu cung cấp thực phẩm chưa hoàn thiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP… do đó tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn…

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, quan trọng nhất vẫn là ý thức về ATTP của người chế biến kinh doanh thực phẩm tại trường học và người tiêu dùng chưa đầy đủ do công tác tuyên truyền, giáo dục chưa hiệu quả. Kiến thức, thực hành về ATTP của người quản lý, người chế biến tại bếp ăn trường học vẫn còn hạn chế. Thậm chí nhiều trường có suất ăn giá rất rẻ cũng khó có thể đủ điều kiện để có nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo.

Tiếp nhận và thanh tra đột xuất

Để đảm bảo ATTP bếp ăn trường học, theo ông Chung cần nâng cao nhận thức, kiến thức ATTP cho giáo viên, người chế biến thực phẩm trong trường học. Các trường cần thực hiện nghiêm việc niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, ký cam kết đảm bảo ATTP, phân công cán bộ, nhân viên hàng ngày theo dõi việc tiếp nhận thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm và kiểm thực 3 bước. Ngoài kiểm tra thường xuyên và đột xuất; phải xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, buộc các trường chấm dứt hợp đồng cung cấp thực phẩm với doanh nghiệp vi phạm về ATTP.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 08 về việc hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an tòa thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Trong đó đã nêu rất cụ thể quy định về an toàn thực phẩm cho bữa ăn tại nhà trường. Đặc biệt quan tâm tới khâu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung cấp thực phẩm cho các cơ sở giáo dục như nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm; khâu sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và nhà ăn của các cơ sở giáo dục. Vì thế nếu để xảy ra ngộ độc sau khi phát hiện cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo, hiệu trưởng của trường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Theo đó, nếu nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn sẵn từ bên ngoài chỉ được hợp đồng với những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Xe vận chuyển thực phẩm đến trường phải có thùng kín, dụng cụ đựng thức ăn phải chuyên dụng, không chọn những cơ sở cung cấp suất ăn quá xa trường. Đặc biệt, bảo đảm thời gian từ khi chế biến xong cho đến khi cho học sinh ăn không quá 2 giờ, thực hiện lưu mẫu thực phẩm đúng theo qui định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tham gia của phụ huynh vào ban giám sát bữa ăn trường học cũng vô cùng quan trọng. Khi phụ huynh quan tâm và được cùng tham gia kiểm soát chất lượng bữa ăn ở trường học hàng ngày sẽ hạn chế được rất lớn tình trạng bếp ăn nhà trường vi phạm các điều kiện vệ sinh khi chế biến, lưu mẫu thức ăn và kiểm soát tốt hơn nguồn gốc thực phẩm phục vụ bữa ăn của con em mình.

Theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) những trường học có hàng ngàn học sinh, mỗi ngày cung cấp vài ngàn suất ăn thì dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm kể cả cấp tính và mạn tính (thực phẩm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật). Để tăng cường kiểm soát tình trạng mất ATTP tại các bếp ăn trường học, Cục An toàn thực phẩm tiếp nhận thông tin 24/24 giờ hằng ngày, nếu phụ huynh có thông tin thực phẩm bẩn có thể phản ánh tại các đường dây nóng số 0243.2321556 và 0911811556, Cục sẽ tiếp nhận thông tin và thanh tra đột xuất ngay và có thể sẽ đến trực tiếp tại trường để kiểm tra mà không thông qua địa phương.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Nhiều mô hình 'Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm' phát huy hiệu quả
Nhiều mô hình 'Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm' phát huy hiệu quả

Xác định chủ đề năm 2018 “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng nhiều mô hình, chuỗi liên kết sản xuất tiêu dùng thực phẩm an toàn, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN