Số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện huyện Yên Thành (Nghệ An) đến cuối năm 2019 đạt hơn 9.000 người, trong đó người  tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019 bằng cả chục năm cộng lại. Một trong những yếu tố góp phần vào mức tăng trưởng này là sự năng động của bà Hoàng Thị Chín, Giám đốc BHXH huyện Yên Thành. Bà thường được người dân nơi đây gọi thân thương là O Chín.

Tuyên truyền bằng ngôn ngữ đời thường

Trước đây, vùng quê thuần nông xã Khánh Thành (huyện Yên Thành) khi nhắc đến BHXH tự nguyện, lương hưu, nhiều người vẫn thấy xa lạ vì luôn nghĩ chỉ những ai làm cán bộ nhà nước hoặc làm công ty mới có BHXH. Trong hơn một năm qua, nhiều người mới biết việc tham gia BHXH tự nguyện có lương hưu. Mọi người đều cho rằng, đó là nhờ thông tin từ O Chín, Giám đốc BHXH huyện Yên Thành tư vấn.

Vậy đâu là cách bà Hoàng Thị Chín đã thuyết phục người dân tin vào chính sách BHXH tự nguyện của Đảng, Nhà nước đến vậy? Để tìm lời giải đáp câu hỏi này, chúng tôi đã về xã Khánh Thành (Yên Thành) chứng kiến O Chín tư vấn, giải đáp những vướng mắc khi tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Hoàng Thị Chín tại một buổi tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại xã Khánh Thành (Yên Thành).
 

 

 

 

 

 

 

Bà Phạm Thị Oanh (xóm Đông Phú, xã Khánh Thành) cho biết: "Trước hôm diễn ra hội nghị tuyên truyền, tôi được cán bộ Hội phụ nữ xã tuyên truyền nhưng nói thật vẫn chưa tin lắm, bởi tôi đã 51 tuổi rồi, liệu tham gia BHXH tự nguyện có còn đủ thời gian sống mà lĩnh lương hưu hoặc lỡ có vấn đề gì thì có được lấy lại tiền. BHXH là người thu tiền thì đương nhiên tôi phải hỏi bà giám đốc BHXH huyện xem được lợi gì khi tham gia và thủ tục hưởng các quyền lợi như thế nào?".

Đó là một trong hàng trăm câu hỏi mà người dân dành cho bà Hoàng Thị Chín tại các buổi tư vấn về BHXH tự nguyện. Bà Chín chia sẻ: "Thực tế người dân đến hội nghị cũng đã được các đại lý BHXH tư vấn nhưng họ vẫn muốn hỏi cụ thể về hoàn cảnh của họ, có thể vận dụng điều khoản nào của luật BHXH. Nếu tuyên truyền mà theo văn bản thì người dân sẽ không hiểu. Do đó, tôi đã xuống cơ sở nghe tâm tư người dân, tư vấn và xem họ đang cần gì để tổng hợp và tuyên truyền sao cho hiệu quả".

Dễ thấy nhất nhóm là đối tượng 50 - 60 tuổi có nhu cầu lớn tham gia BHXH tự nguyện nhưng đọc văn bản thì theo quy định sau 20 năm đóng mới có lương hưu thì họ sẽ nản. Do vậy, khi tuyên truyền, bà Chín đã vận dụng luật vào hoàn cảnh cụ thể.

“Tôi gặp rất nhiều câu hỏi của các bác 50 - 60 tuổi mà chưa có chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước, nếu tham gia BHXH tự nguyện thì đến 60 tuổi, 70 tuổi mới có lương hưu thì liệu có sống đến chừng đó? Và nhiều người băn khoăn nếu chết giữa quãng thời gian đang tham gia BHXH tự nguyện thì có được lấy lại tiền và có được hưởng chế độ khác không? Từ đó, tôi đã khái quát mức thấp nhất theo chuẩn nghèo nông thôn thì tổng số tiền phải đóng khi tham gia BHXH tự nguyện khoảng 35 triệu đồng và mức lương hưu nhận được với đàn ông khoảng 450.000 đồng - 500.000 đồng/tháng và phụ nữ khoảng 500.000- 550.000 đồng/tháng. Từ khái quát tổng thể đó để họ dễ nhận thấy họ chi bao nhiêu và được hưởng bao nhiêu, nhưng quan trọng nhất là làm rõ với người lớn tuổi là đóng 5 năm đầu tiên nếu không may mất thì được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất”, bà Chín chia sẻ.

Dẫn chứng cụ thể, một bác nông dân 60 tuổi tham gia luôn BHXH tự nguyện từ tháng 10/2019 và đủ 5 năm, lỡ chết sẽ được BHXH trả tiền mai táng phí và tiền tuất vào khoảng 25 triệu đồng vào thời điểm sau 10/2024; trong đó tiền mai táng là 18 triệu đồng và được truy lĩnh thêm tiền tuất là 2 tháng lương/năm tương ứng là 10 tháng khoảng 7 triệu đồng.

“Như vậy, họ sẽ thấy bài toán đóng 1 lần 5 năm BHXH tự nguyện khoảng 7 triệu đồng với người bình thường thì trường hợp mất sau 5 năm đóng thì người nhà được lĩnh khoảng 25 triệu đồng. Nếu không tham gia BHXH tự nguyện, bố mẹ mất thì các con đóng góp vài triệu đồng lo ma chay. Còn các bác vẫn khỏe mạnh thì tiếp tục đóng 5 năm nữa và tiếp đóng 1 cục cho 10 năm là có lương hưu. Khi thấy cái lợi như vậy thì các bác lớn tuổi sau khi nghe tuyên truyền nói chuyện với con cái mỗi năm góp 2 - 3 triệu đồng để bố mẹ tham gia BHXH tự nguyện thì các con đồng ý ngay”, bà Chín chia sẻ.

Do đó, để tuyên truyền cho người dân hiểu, bà Chín đã khái quát thành câu chuyện theo từng nhóm đối tượng. "Những câu chuyện đúc kết từ thực tế tôi thường cho rà soát để nhắm vào từng đối tượng cụ thể để vận dụng tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn. Nếu đọc luật các điều khoản để giảng giải thì sẽ rất khó hiểu mà phân tích mổ xẻ qua câu chuyện để họ có thấy sự đồng cảnh ngộ”, bà Chín tâm sự.

Tạo dựng được niềm tin, đưa ra các hướng giải quyết

Khi tuyên truyền BHXH tự nguyện, tại Nghệ An có phần ảnh hưởng của bảo hiểm nông dân trước đây do hàng nghìn người phải rút trợ cấp 1 lần, số bảo lưu ít. Chính những người bảo lưu này nay tham gia BHXH tự nguyện để lĩnh lương hưu là minh chứng cho thấy lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. “Việc tuyên truyền trước hết tạo cho dân niềm tin và khẳng định chính sách BHXH tự nguyện là đúng khi họ hết tuổi lao động”, bà Chín chia sẻ.

 

Khi người dân đã có ý định tham gia BHXH tự nguyện thì câu chuyện về mức đóng cũng cần tư vấn định hướng cụ thể. “Chúng tôi luôn được hỏi lấy tiền đâu mà đóng khi nhà làm nông. Nhưng với mức hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia BHXH tự nguyện như hiện nay thì mức đóng thấp nhất là 138.000 đồng/tháng so với ngày công thợ xây khoảng 200.000 đồng/ngày thì người dân hoàn toàn có thể tham gia. Do vậy, khi tuyên truyền chúng tôi cũng định hướng cho họ tiết kiệm 5.000 đồng/ngày đi chợ hoặc mua lợn nhựa bỏ tiền tiết kiệm khi có mẻ cá, cua, lứa trứng… để đóng tiền BHXH tự nguyện sau này có lương hưu” bà Chín kể.

Ngay như đối tượng người nghèo, cận nghèo, người dân cũng cho rằng làm gì có tiền đóng BHXH nhưng thực tế tiếp xúc từ cơ sở thì nhiều gia đình vẫn lao động, vẫn có tiền tiết kiệm. Bà Chín từng gặp trường hợp có chị đơn thân có con đi làm xa, khi nghe tuyên truyền thì đóng ngay 5 năm khiến bà Chính tìm hiểu xem nguồn tiền ở đâu? Khi tìm hiểu về hoàn cảnh, nếu người cận nghèo, người nghèo mà có tiền gửi tiết kiệm thì tư vấn đóng BHXH tự nguyện 5 năm/lần.

“Thậm chí với nhiều hộ có tiền tiết kiệm nhưng vẫn đắn đo giữa việc gửi tiền và đóng BHXH tự nguyện, tôi khẳng định cứ mạnh dạn rút về, có vấn đề gì O Chín sẽ chịu trách nhiệm. Người đứng đầu phải luôn mạnh dạn chịu trách nhiệm sẽ tạo niềm tin với dân. Vì mức hỗ trợ đóng với hộ cận nghèo, hộ nghèo thì đóng 5 năm liền sẽ lợi ích hơn gửi tiết kiệm. Nếu mình không đưa được giải pháp thì họ sẽ luôn nói rằng hiện tại tôi không có tiền nhưng thực ra tiền trong dân không thiếu. Chỉ cần tuyên truyền đúng tâm tư, nguyện vọng thì nhiều người sẽ tham gia BHXH tự nguyện, thậm chí là người nghèo và cận nghèo”, bà Chín tâm sự.

Được bà Chín hướng dẫn chi tiết, ông Đại Hùng, xã Kim Thành đã đóng BHXH tự nguyện cho vợ ở mức rất cao. Khi cán bộ cơ sở tìm hiểu thì biết gia đinh còn 2 người nữa chưa tham gia BHXH tự nguyện, bà Chín tư vấn chia đều số tiền đóng cho cả 3 người để có lương hưu. Tuy mức lương hưu nhận thấp nhưng cả 3 sẽ có thẻ BHYT, nó rất lợi khi về già.

“Bảo hiểm thương mại luôn khuyến khích đóng cao nhưng BHXH thì khuyên chia nhỏ trong gia đình để nhiều người hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Tôi không khuyến khích đóng cao trong điều kiện không có. Khi dân tham gia rồi và hiểu chính sách tự khắc họ nâng mức đóng lên theo điều kiện của gia đình để hưởng lương hưu cao”, bà Chín thông tin.

Đồng thời, bà Chín luôn phân nhóm đối tượng để tuyên truyền để đạt hiểu quả. Với nhóm người có tuổi thì định hướng tư vấn đóng cấp tập để có lương hưu nhưng con cái họ còn trẻ thì tôi lại khuyên đóng rải ra để chạm đến nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi (theo luật hiện hành) sẽ có lương hưu.

Đưa chính sách vào cuộc sống

Năm 2019, qua các hội nghị tuyên truyền, bình quân trung bình mỗi tháng khoảng 400 người tham gia. “Có hai nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này, đó là triển khai Nghị quyết 28 và đẩy mạnh, đổi mới cách tuyên truyền”, bà Chín cho biết.

 

“Tôi đang bám theo giải pháp thứ 5 của Nghị quyết 28 là vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội. Nghị quyết 28 cái cách chính sách BHXH nói rõ điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu đã tháo nút thắt lớn cho BHXH tự nguyện, để người dân khi hết tuổi lao động không bị bỏ lại phía sau. Muốn làm được điều này cần có sự tham gia của người dân, hỗ trợ của Nhà nước. Nếu không tham gia thì phải chờ đến 80 tuổi mới có chính sách trợ cấp người già. Vạn sự khởi đầu nan, từ những thành công này sẽ lan tỏa, tôi hy vọng sẽ đạt chỉ tiêu vào năm 2020 có 4% lao động tham gia BHXH tự nguyện, tức là đạt khoảng 13.000 người”, bà Chín chia sẻ.

“Đầu năm 2019, khi tư vấn tại hội nghị của xã Hợp Thành, một chị chia sẻ rằng BHXH, BHYT là hai chính sách lớn của Nhà nước nhưng nay mới nghe một buổi trọn vẹn. Bảo hiểm nhân thọ làm lâu rồi. Họ vào một lần không được thì vào vài lần, vào đến nỗi con chó trông nhà còn mừng vì quen hơi nhân viên bảo hiểm. Chúng tôi có tiền nhưng không biết đầu tư vào đâu nên tham gia bảo hiểm nhân thọ. Khi nghe tâm sự đó, tôi phải xin lỗi dân vì chưa tròn trách nhiệm trước dân. Đó cũng là câu nói ám ảnh thúc giục tôi phải đi về tận xóm, làng để vận động. Tôi đến cơ sở để tạo niềm tin với dân”, bà Chín tâm sự.

Ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Khi tổ chức hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện, chúng tôi yêu cầu tất cả các tổ chức đoàn thể cùng họp bàn, phân công công việc theo từng nhóm đối tượng để vận động. Khi tổ chức hội nghị tuyên truyền thì cấp ủy, chính quyền cơ sở đứng đầu là chủ tịch xã phải có mặt, phát biểu định hướng tạo lòng tin về chính sách BHXH. Việc tham gia BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội lâu dài mà chính quyền cơ sở phải vào cuộc.

Còn ông Lê Viết Thức, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An khẳng định: Thành công từ phát triển BHXH tự nguyện Yên Thành đang được tỉnh Nghệ An triển khai nhân rộng, đặc biệt là cách tuyên truyền gắn với đời thường để mọi người dễ hiểu và tạo niềm tin trong dân.

Bài, ảnh, clip: Xuân Cường

05/03/2020 02:10