KHI PHI CÔNG NGƯỜI ANH MẮC COVID-19 (BỆNH NHÂN 91) CÓ THỂ NGỒI DẬY, ĐUNG ĐƯA ĐƯỢC CẢ HAI CHÂN, TỰ BẤM NÚT ĐIỀU CHỈNH ĐỘ CAO CỦA GIƯỜNG BỆNH, RA NGOÀI PHƠI NẮNG… THÌ CŨNG LÀ LÚC CÁC Y, BÁC SĨ VỠ ÒA NIỀM VUI VÀ HẠNH PHÚC VÌ SỰ PHỤC HỒI RẤT KỲ DIỆU, GIỐNG NHƯ TỪ CÕI CHẾT TRỞ VỀ CỦA BỆNH NHÂN NÀY.

Gặp bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - người đầu tiên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân 91, Trưởng Khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe anh kể về bệnh nhân 91, đặc biệt là thông tin mới nhất về sự phục hồi kì diệu của phi công người Anh. Bác sĩ Phong cười tươi: “Không có gì hạnh phúc hơn khi biết được bệnh nhân mình đã từng điều trị đang có những cải thiện rất tốt. Không chỉ nhân viên y tế, mà hầu hết người dân Việt Nam cũng đều rất vui mừng”.

Cho đến nay, sau kết quả xét nghiệm SARS- COV-2, bệnh nhân 91 đã hoàn toàn âm tính cả về phương diện PCR cũng như phương diện phân lập virus, phổi của bệnh cũng đã phục hồi được 60%. Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, sau 65 ngày căng thẳng, mất ăn mất ngủ để giành lại sự sống cho phi công người Anh, giờ đây những y, bác sĩ làm công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân 91 đã trở lại cuộc sống thường nhật. 65 ngày qua là những ngày đặc biệt đáng nhớ với nhiều cảm xúc nhất của những người đã tham gia chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân này.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong nhớ lại: “Tôi vẫn còn nguyên cảm giác bồi hồi, có chút căng thẳng khi lần đầu tiên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân 91. Bệnh nhân nhập viện vào chiều 18/3 trong tình trạng tỉnh táo. Đặc biệt, bệnh nhân này có tải lượng virus cao so với những bệnh nhân thông thường nên nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế rất cao. Tuy nhiên, bệnh nhân luôn có những diễn biến bất thường và có những giai đoạn khiến các bác sĩ phải “toát mồ hôi hột”, như khi mở khí quản cho bệnh nhân thì bất ngờ máu chảy liên tục; đang nằm thì bệnh nhân bị tràn khí màng phổi; hay có thời điểm hai lá phổi của bệnh nhân bị đông đặc hoàn toàn... Đây được xem là giai đoạn rất khó khăn, mệt mỏi và áp lực đối với các y bác sĩ tham gia điều trị cho bệnh nhân”...

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh

Vừa kết thúc 14 ngày cách ly theo đúng quy định, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân (28 tuổi), khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - là bác sĩ trẻ nhất trong ê kíp những y, bác sĩ tham gia trực tiếp điều trị cho phi công người Anh từ những ngày đầu nhập viện, chia sẻ: “65 ngày qua là một quãng thời gian rất căng thẳng, áp lực và vất vả. Sức khỏe của bệnh nhân luôn có những chuyển biến bất thường, vì vậy chúng tôi phải theo sát bệnh nhân từng giây, từng phút. Có khi nằm nghỉ vẫn nghĩ đến phác đồ điều trị cho bệnh nhân 91”.

Để kịp thời hội chẩn và theo dõi sát diễn biến tình trạng của phi công người Anh, một nhóm chát online là các chuyên gia đầu ngành của hai bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và bệnh viện Chợ Rẫy gồm hồi sức, huyết học, dinh dưỡng, vi sinh, dược lâm sàng, hô hấp… và tiểu ban điều trị bệnh COVID-19 của Bộ Y tế được thành lập.

Ngày 18/3 bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và được bác sĩ Nguyễn Thanh Phong tiếp nhận, chữa trị đầu tiên. Ảnh: Mạnh Linh

TS. BS Nguyễn Văn Hào cho biết, việc hội chẩn trực tuyến cho bệnh nhân trên một nhóm chát diễn ra liên tục không kể ngày đêm. Bệnh nhân có bất kỳ một thay đổi, dù nhỏ nhất cũng được đưa lên nhóm chat, từ đó tất cả mọi người tham gia ý kiến xử trí từng tình huống cụ thể.

Từ nhóm chát online này, các bác sĩ đã đưa ra nhiều quyết định kịp thời khi bệnh nhân có những diễn biến bất thường. Chẳng hạn trong quá trình bệnh nhân chạy ECMO đã bị biến chứng khi sử dụng thuốc kháng đông Heparin nhiều, dẫn đến rối loạn đông máu. Bệnh nhân còn mắc thêm hội chứng Hit - giảm tiểu cầu do dị ứng với Heparin, nguy cơ chảy máu cao đe dọa tính mạng nên các bác sĩ phải dừng loại thuốc kháng đông này. Qua hội chẩn, đánh giá của các chuyên gia trên nhóm chát online, các bác sĩ điều trị quyết định dùng một loại thuốc chống đông qua đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, đây là một loại thuốc chống đông chưa có ở Việt Nam, phải xin phép nhập ở nước ngoài.

Các bác sỹ thường xuyên theo dõi bệnh nhân 91 qua màn ảnh để có những chẩn đoán chữa bệnh kịp thời. 

“Bộ Y tế đã hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục nhập loại thuốc chống đông này từ Đức về. Tuy nhiên, trong thời gian trên, do tình hình dịch bệnh nên mất nhiều thời gian vận chuyển thuốc về Việt Nam. Lúc đó, chúng tôi không thể sử dụng thuốc chống đông Heparin và cũng không thể ngừng thuốc chống đông cho bệnh nhân. Sau những lần bàn thảo cùng các chuyên gia đầu ngành, chúng tôi quyết định tạm thời dùng thuốc chống đông qua đường uống trong thời gian chờ thuốc về và được theo dõi chặt chẽ”, TS. BS Nguyễn Văn Hào nói.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, tuần đầu tiên bệnh nhân chạy ECMO, 24/24 các y, bác sĩ đều không ngủ, lúc nào cũng phải thay nhau theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân trong phòng áp lực âm. Thông tin được cập nhật liên tục để phân tích, từ đó đưa ra các quyết định điều trị kịp thời.

“Trong suốt thời gian theo nghề, tôi chưa thấy một ca bệnh nào mà cường độ hội chẩn diễn ra liên tục như ca này. Tất cả mọi người đều toàn tâm, toàn ý dồn sức để hội chẩn cho bệnh nhân”, TS. BS Nguyễn Văn Hào, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực, chống độc người lớn bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đánh giá.

Với quyết tâm không để bệnh nhân tử vong do COVID-19, ngành y tế đã dành toàn lực để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân 91. Theo đó, kỹ thuật ECMO chưa được sử dụng tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng được đưa ra sử dụng cho bệnh nhân, một phòng áp lực âm cũng được gấp rút xây dựng trong vòng một tháng ngay tại khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn; nhiều loại thuốc chưa được dùng tại Việt Nam cũng được gấp rút đưa từ nước ngoài về hỗ trợ điều trị...

Phi công người Anh từ lúc thực hiện được những y lệnh đơn giản của bác sĩ như cười, cầm ly nước cho đến khi ngồi được trên xe lăn đi phơi nắng vào mỗi sáng. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho biết, hầu hết các bệnh nhân bị viêm phổi nặng phải thở máy trên 2 tuần gần như tử vong. Đây là lần đầu tiên tất cả các kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu tại Việt Nam được đưa vào sử dụng, nhiều loại thuốc chưa từng có ở Việt Nam cũng được áp dụng cho bệnh nhân 91.

Ngoài những y, bác sĩ ở khoa Nhiễm D, tại khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn còn thành lập một ê kíp gồm 4 bác sĩ và 12 điều dưỡng để tăng cường hỗ trợ cho khoa Nhiễm D và hai chuyên gia của bệnh viện Chợ Rẫy sang hỗ trợ chạy ECMO. Theo đó, lúc nào cũng có 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng thay phiên nhau túc trực.

Chiều 22/5 Xe cấp cứu chuẩn bị chuyển phi công người Anh từ Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn sang bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC

“Tại khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn, bình thường một điều dưỡng chăm sóc 4 bệnh nhân và một bác sĩ có thể điều trị 2 -4 bệnh nhân, nhưng đối với phi công người Anh thì một kíp trực được sự chăm sóc của 3 điều dưỡng và 2 bác sĩ. Chưa kể, những chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các bệnh viện, lãnh đạo Bộ Y tế luôn sẵn sàng hỗ trợ”, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho hay.

Ngày 22/5, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID -19; PGS TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19; PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị, đồng thời thực hiện theo tinh thần của buổi hội chẩn liên viện cấp quốc gia dưới sự chủ trì của PGS. TS Lương Ngọc Khuê và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, trên tinh thần đó, Thầy thuốc ưu tú, BS CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy đã cùng TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tích cực chuẩn bị và phối hợp nhịp nhàng để chuyển bệnh nhân 91 đến khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, tiếp tục điều trị nội khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn và các bệnh lý nền để tiến đến quá trình ghép phổi khi đủ điều kiện.

Thầy thuốc ưu tú, BS CKII Nguyễn Tri Thức khẳng định: “Bệnh viện Chợ Rẫy huy động toàn lực để cứu chữa cho bệnh nhân 91, đến khi bệnh nhân có đầy đủ các yếu tố thuận lợi về sức khỏe thì sẽ tiến hành ghép phổi theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID -19”. Còn theo PGS Lương Ngọc Khuê, sự tiến triển về sức khỏe của bệnh nhân 91 là một nỗ lực lớn, là sự tiến bộ lớn của cả đội ngũ điều trị và hội đồng chuyên môn cũng như các chuyên gia của hai bệnh viện.

Đến thời điểm hiện tại, tình trạng sức khỏe của phi công người Anh đang có những bước tiến triển tốt đẹp. Sự phục hồi của bệnh nhân, đặc biệt là nụ cười của nam phi công điển trai với chiều cao 1m82 đã làm rung động hàng triệu con tim Việt. Hay những hình ảnh bệnh nhân có thể ngồi dậy, đung đưa được cả hai chân cũng làm nhiều người xúc động mừng vui y như người thân của họ hồi phục vậy.

Giờ đây với sự chữa trị tích cực của đội ngũ y bác sỹ mà phi công người Anh có thể ngồi được trên xe lăn đi phơi nắng vào mỗi sáng. Ảnh: BVCC

Có lẽ, chưa có một ca bệnh nào mà người dân cả nước quan tâm và gửi nhiều lời chúc tốt đẹp đến bệnh nhân nhiều đến thế. Không chỉ cầu chúc khỏe mạnh mà khi có thông tin bệnh nhân 91 có thể sẽ phải ghép phổi, ngay những ngày sau đó đã có hàng chục người Việt Nam đã không ngần ngại đăng ký hiến tạng cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Huỳnh Thị Kim Huệ, người từng chăm sóc bệnh nhân ngay từ những ngày đầu tiên tại khoa Nhiễm D bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh xúc động: “Không phân biệt là người nước ngoài hay người trong nước, mọi người trong khoa đều chăm sóc bằng cả tấm lòng của một người thầy thuốc đối với bệnh nhân của mình. Lúc nào tôi cũng mong cho bệnh nhân qua cơn nguy hiểm. Tôi rất mừng vì bệnh nhân đã hồi phục diệu kỳ”. “Không biết bệnh nhân có nghe hay hiểu tôi nói không, nhưng mỗi lần tới lau người cho bệnh nhân tôi đều khẽ vỗ lên người bệnh nhân và nói “cố lên, cố lên nha Stephen””, điều dưỡng Huệ chia sẻ.

Bác sĩ Lê Dư Thanh Xuân, Khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực chống độc người lớn là người gắn bó và chia sẻ với bệnh nhân phi công nhiều nhất. Ảnh: Đan Phương

Nhớ đến thời gian chăm sóc bệnh nhân phi công người Anh, điều dưỡng Huệ nói: “Chăm sóc cho bệnh nhân 91 này rất cực, mỗi lần thay khăn trải giường phải 4 người làm vì bệnh nhân vừa nặng, vừa to con, dây nhợ máy móc trên người bệnh nhân cũng rất nhiều, chỉ cần sơ ý làm tuột một sợi dây nào đó cũng gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân”.

Có lẽ, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân là người gắn bó với bệnh nhân 91 nhiều nhất, từ những ngày đầu, bệnh nhân có những đòi hỏi rất khó chịu cho đến khi tính nết của bệnh nhân thuần hơn. Và những lần thức suốt đêm nói chuyện với bệnh nhân trong căn phòng áp lực âm không phân biệt được thời gian sáng tối. Chị còn bật nhạc cho bệnh nhân nghe, lúc bật nhạc bệnh nhân có vẻ ngủ êm hơn. Hay kể cho bệnh nhân nghe “hôm nay tôi có nói chuyện với bạn của ông và bạn của ông cũng dặn là ông phải cố lên nhé. Bạn của ông chuẩn bị tổ chức một buổi tiệc để chào đón ông về””. Nhớ lại cảm xúc ngày đưa bệnh nhân 91 sang bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân xúc động chia sẻ: “Dù bệnh nhân được chuyển sang một nơi khác, công việc của tôi có nhẹ nhàng hơn. Nhưng hơn 2 tháng gắn bó với bệnh nhân, tôi đã hiểu được tính nết của bệnh nhân, bệnh nhân cũng bắt đầu hợp tác hơn. Việc thường xuyên nói chuyện với bệnh nhân lâu dần cũng có tình cảm nên ngày bệnh nhân chuyển đi, tôi cảm thấy quyến luyến và vẫn muốn giữ bệnh nhân ở lại để điều trị và được nhìn thấy bệnh nhân hồi phục”. Bác sĩ Xuân mỉm cười nói tiếp: “Lúc tôi sang thăm bệnh nhân ở bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân nắm tay tôi đầy xúc động. Lúc đó khóe mắt tôi cay cay”.

Khi được hỏi về việc cố gắng điều trị cho ca bệnh này có phải để lấy tiếng với bạn bè quốc tế hay không, bởi chi phí điều trị rất lớn, trong khi đó không ai có thể chắc bệnh nhân có qua khỏi cơn nguy kịch, TS.BS Nguyễn Văn Hào không một chút ngần ngại trả lời: “Chúng tôi không phải ráng chữa cho bệnh nhân để lấy tiếng, mà làm bằng tất cả tấm lòng của một người thầy thuốc. Dù hi vọng sống rất mong manh, nhưng “còn nước là phải còn tát”. Chúng tôi điều trị cho bệnh nhân với một quyết tâm rất cao, đó là không được để bệnh nhân tử vong”.

 

13/06/2020 05:38