Từ bỏ công việc quản lý tại một công ty sản xuất linh kiện xe máy tỉnh Vĩnh Phúc, chàng trai 9X Hoàng Mạnh Chiến quay về làng nghề, trở thành “anh thợ rèn” với sản phẩm đặc biệt: Chế tác dao theo phong cách Dumacus.

Khối thép đỏ rực vừa được đưa trong lò ra, trông mới chỉ là khối vuông đơn giản, ít ai hình dung được qua bàn tay chế tác tài hoa của “chàng thợ rèn” Hoàng Mạnh Chiến sẽ trở thành những con dao theo phong cách Damacus, với những đường vân đầy nghệ thuật mà nhiều người đang ưa chuộng.

Giữa ngày nắng nóng oi bức, đứng “ôm lò” đỏ lửa, Hoàng Mạnh Chiến, sinh năm 1992, người làng nghề dao Đa Sỹ nổi tiếng (Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) nhễ nhại mồ hôi, nhưng vẫn nhẫn nại, tỉ mỉ  giải thích với chúng tôi từng chi tiết nhỏ trong công việc nhọc nhằn, đầy tâm huyết của mình.

Câu chuyện của chàng trai trẻ mạnh dạn tìm hướng đi mới cho làng nghề truyền thống khiến nhiều người khâm phục. Hoàng Mạnh Chiến cũng là một trong số ít người đã chế tác ra được loại thép Damascus huyền thoại, một chất liệu gợi lên hình ảnh những lưỡi kiếm sắc bén của các chiến binh Trung Đông xưa kia. Một loại thép siêu quý hiếm có thể làm ra nhưng chiếc dao thủ công nổi tiếng đắt đỏ, giúp anh làm nên phong cách dao Damacus của riêng mình.

“Sinh ra ở làng nghề, tôi cũng mang đam mê của người thợ làm dao từ nhỏ. Có lẽ vì vậy mà dù tôi đã đi nhiều nơi, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng đích đến vẫn là để tìm tòi, học hỏi; từ những công việc đó đã giúp ích cho tôi phát triển về công việc chế tạo các loại dao sau này. Tôi luôn muốn làm gì đó đặc biệt. Cơ duyên đến từ khi bắt đầu dịch COVID-19, suốt giai đoạn giãn cách dịch bệnh, tôi có nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về các loại dao; và tôi tình cờ xem được những clip trên mạng xã hội về loại dao Damacus, một loại dao có lịch sử từ lâu đời và ít ai còn làm được. Như được gợi mở, tôi mê mẩn với những kiểu vân nghệ thuật, thế là tôi tò mò nghiên cứu để làm bằng được”.

Qua tìm hiểu, anh biết được các sản phẩm từ thép Damacus một kỹ thuật rèn truyền thống ở Cận Đông và Trung Đông từ thời xa xưa, khi có thể chế tác thành những thanh kiếm sắc bén cho các chiến binh. Hiện tại, kỹ thuật này đã thất truyền, và nhiều người vẫn còn tranh cãi về những con dao hiện đại theo phong cách Damacus liệu có chính xác hay không?

"Khi bắt đầu, tôi cũng nghi ngờ các clip về loại dao này có đúng hay không, thậm chí tôi cũng không dám làm. Sau đó, tôi tìm hiểu kỹ về lý thuyết, về các loại thép, về cách làm có thể cho ra loại thép với những đường vân khác nhau. Vấn đề nan giải nhất là loại thép để chế tác dao này rất khó kiếm trên thị trường Việt Nam. Tôi lại là người mới vào nghề nên việc tìm thép lẻ, số lượng ít để luyện rất khó vì không ai muốn bán số lượng ít. Khi đó tôi phải tận dụng các loại thép vụn như: Nhíp, lưỡi cưa, bánh lưỡi cưa sắt… để thử phối hợp với nhau. Rất may mắn, lần đầu tiên tôi rèn thử để kiểm tra xem có dùng để làm dao Damacus được không, thì đã thành công. Những đường vân như tôi mong muốn đã hiện ra", Hoàng Mạnh Chiến chia sẻ.

Tuy nhiên, những phôi sau đó, anh lại làm hỏng rất nhiều lần. Lúc đó anh chỉ làm thử bằng việc đánh rèn thủ công, tất cả đều làm bằng tay; vừa mệt, lại hỏng liên tục, nên rất chán nản. Nhưng khi chia sẻ với các bác, các chú có nghề trong làng, Chiến mới biết rằng có loại thép làm phải cháy mới được. Anh ngẫm ra đã sai ở chỗ nhiệt độ lửa chưa đạt, việc điều khiển lửa chưa chuẩn, nên sản phẩm ra lò đã bị hỏng, bị tách lớp.

"Biết được bí quyết, sau một thời gian, tôi đã quen dần và làm được. Khi quen điều khiển lửa bằng than, rèn búa tay, tôi bắt đầu nghĩ đến việc dựng xưởng nhỏ để tự làm. Thời điểm đó tôi còn đang mượn lò rèn của nhà chú; thường tận dụng sau khi chú xong việc mới rèn", Hoàng Mạnh Chiến chia sẻ.

Bắt đầu dựng xưởng để thỏa đam mê, Hoàng Mạnh Chiến cũng phải "tiêu tốn" rất nhiều cho sắm búa máy, máy ép thủy lực... Việc tạo lò, làm lò cũng phải đắn đo; bởi nếu làm lò than thì rẻ, nhưng lại độc hại, bụi than nhiều dễ ảnh hưởng tới sức khỏe; sau đó, anh quyết định sử dụng lò đốt bằng gas và cảm thấy dễ dùng hơn, an toàn hơn dù chi phí đắt hơn. May mắn vì đi từng bước và có nghiên cứu, trải nghiệm, nên từ những lần đầu khi mở xưởng, sản phẩm anh đã tạo ra đã ổn, sau đó chỉ cải tiến dần, chứ không bị thiệt hại quá nhiều do làm hỏng.

Múa may đôi tay tài hoa, chàng thợ rèn miêu tả: “Để ra sản phẩm là chiếc dao theo phong cách Dumacus phải trải qua rất nhiều công đoạn; mỗi công đoạn đều phải thật sự tỉ mỉ, công phu mới có thể thành công. Công đoạn đầu tiên là lựa chọn phôi, phải chọn các loại thép phù hợp; cắt ghép phôi phải làm sạch bề mặt phôi để làm mất lớp sỉ, hết bụi bẩn. Trong các công đoạn có thể ngẫu hứng xếp các lớp phôi so le, có thể lệch nhau… để đạt được tính nghệ thuật. Thường ở phôi ban đầu, tôi phải xếp tới 30 - 35 lớp phôi, mỗi miếng dày từ 1,5- 2,5mm.

Khi rèn xếp lớp xong, phải khứa rãnh, mài góc để có thể tạo độ dốc để các đường vân giống như ruộng bậc thang, đường đi của vân cũng biến tấu, nghệ thuật hơn. Sau khi xếp lớp làm đỏ, tôi thường nhúng dầu, cho vào lò, khi bề mặt hơi đỏ thì lôi ra rắc phèn dần để hạn chế không khí ở bên ngoài xen kẽ vào các lớp thép, hạn chế bị lẫn các bụi bẩn vào các lớp thép sẽ dễ bị lỗi, tách lớp… Khi đã lên vân mẫu sẵn là vào công đoạn tạo hình dao, có thể theo sở thích của khách hàng hoặc đôi khi là tôi tự ngẫu hứng sáng tạo mẫu mới. Cuối cùng là công đoạn tráng gương bề mặt để khi lên vân có độ tương phản cao nhất, đẹp nhất. Để có được một chiếc dao như mong đợi tôi thường phải mất 4 ngày ròng rã, làm chậm từng khâu một; và các công đoạn làm vẫn chủ yếu là thủ công”.

Khi Chiến quyết định từ bỏ công việc quản lý sản xuất cho một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc để về làng nối gót nghề làm dao, mọi người trong nhà anh đều ngăn cản, bởi công việc của anh trước đó đang ổn định, trong khi nghề rèn lại rất vất vả, thu nhập ít và có thể bị bệnh tật vì khói bụi.

“Trong làng, nhiều lò rèn cũng đã "rơi rớt", nhiều người làng đã bỏ công việc này. Ở tầm tuổi của tôi chỉ còn khoảng 5 người còn giữ nghề. Nhưng đây mới chính là điều tôi trăn trở, khiến tôi quyết tâm trở thành anh thợ rèn, tôi không muốn làng nghề bị mai một, và tôi cũng mong muốn làm gì đó tươi mới hơn cho làng mình", Hoàng Mạnh Chiến tâm sự.

Chú thích ảnh

  

Anh chia sẻ: “Việc tôi lựa chọn dòng dao thép Dumacus là khá khó, ở Việt Nam nhiều người không biết đến loại dao nghệ thuật này. Nhưng với tôi, càng khó, càng thử thách, tôi lại càng quyết tâm, vì nếu thành công điều này có thể đưa làng nghề phát triển hơn nữa, thậm chí có thể kéo khách du lịch về làng. Với tôi, thương hiệu làng nghề Đa Sỹ cũng là chỗ dựa vững chắc để tôi tiến lên xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình. Định hướng của tôi là làm các sản phẩm mang tính nghệ thuật hơn, nghệ thuật nhưng phải đảm bảo tính kỹ thuật”.

Hiện các sản phẩm dao Dumacus mang “thương hiệu” Hoàng Mạnh Chiến đã ra thị trường đều đặn, được nhiều người tìm đến. Với công sức, đầu tư cho mỗi sản phẩm không hề nhỏ, nhưng mức giá sản phẩm dao Dumacus khá rẻ, khoảng trên dưới 1 triệu đồng/sản phẩm. Sản phẩm này khác biệt rất lớn so với các sản phẩm dao truyền thống, phổ thông hiện nay.

“Sự khác nhau giữa các sản phẩm dao Dumacus và các loại dao khác trên thị trường hiện nay là chất liệu và vân thép. Ở dao Dumacus với các đường vân có hơi hướng của vũ khí thời Trung cổ. Hoa văn trên bề mặt thép là hoa văn do các lớp thép tạo thành chứ không phai do khắc hay ăn mòn hoặc phun vẽ. Việc biến hóa các hoa này còn tùy vào tay người rèn. Thậm chí, chính người rèn cũng không xác định được chính xác hoa văn bề mặt sản phẩm sẽ như thế nào khi chế tác. Vì làm hoàn toàn thủ công nên không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, kể cả có tạo hình, tạo lớp cùng nhau, giống hệt nhau cùng trên một chất liệu…”, Hoàng Mạnh Chiến chia sẻ.

Bài: Tạ Nguyên

Ảnh, video: Lê Phú

Trình bày: Thuần Như

30/08/2023 09:35