Giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng được cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Thành phố đến các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cùng quyết tâm thực hiện. Với nhiều cách làm hay, hiệu quả, đúng đối tượng, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng giảm, đời sống người dân ngày càng được nâng cao .
Bật công tắc điện của hệ thống tưới nước tự động cho vườn rau, ông Lại Văn Phong (ngụ ở khu phố 3, phường Hiệp Thành, Quận 12) thong thả vào nhà tiếp chuyện với chúng tôi.
“Tôi từng dành riêng một nhân công chỉ để xách từng xô nước tưới rau; một ngày 3 lần, mỗi lần mất 2 tiếng đồng hồ. Giờ có hệ thống phun tưới tự động, chỉ cần bật công tắc lên, mất 10 phút mỗi lần tưới, tổng cộng 3 lần chỉ 30 phút là xong. Hôm nào bận, tôi để chế độ hẹn giờ tưới, cứ thế không phải lo nghĩ rau thiếu nước”, ông Phong hào hứng khoe với chúng tôi. “Hệ thống tưới nước tự động này được gia đình tôi đầu tư nhờ các khoản vay vốn xóa đói giảm nghèo của Thành phố”, ông cho biết thêm.
Trước năm 2017, gia đình ông Phong thuộc diện hộ nghèo của địa phương, cuộc sống luôn bấp bênh với thu nhập chính từ việc trồng rau và mang ra bán tại các chợ. Năm 2017, với sự hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh, gia đình ông được tiếp cận nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của phường và vốn hỗ trợ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội từ Hội Nông dân. Với số tiền vay được từ các nguồn này là 100 triệu đồng, ông Phong mạnh dạn đầu tư nhà lưới, nhà màn, máy cày, máy xới đất, máy phun thuốc, hệ thống tưới nước tự động, kho lạnh bảo quản… để chuyển sang sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Hệ thống trang thiết bị đã giúp ông Phong đảm bảo các khâu chăm sóc rau từ cải tạo đất, gieo trồng, ánh sáng, độ ẩm, tránh sâu bọ, bảo quản sản phẩm mà không tốn nhiều công sức, chi phí. Theo đó, năng suất vườn rau của ông cứ tăng lên, đáp ứng nguồn cung cho hệ thống các siêu thị trên địa bàn Thành phố.
“Trước đây gia đình tôi cứ loay hoay “lấy công làm lời”, sức người bỏ ra rất nhiều, làm ngày làm đêm, tiền thu vào chỉ đủ bù chi. Nhiều khâu chăm sóc cũng không đảm bảo tiêu chuẩn. May mắn có nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp rất kịp thời, gia đình tôi có tiền đầu tư máy móc, thiết bị vừa đảm bảo kỹ thuật chăm sóc, vừa tiết kiệm thời gian, công sức”, ông Lại Văn Phong cho biết.
Với diện tích canh tác trên 4.000 m2 hiện tại, thu nhập bình quân hàng tháng của gia đình ông Phong sau khi trừ các chi phí là 15 triệu đồng/người. Thu nhập tăng, gia đình ông thoát nghèo, lại có của ăn, của để. Ngoài vợ chồng ông, còn thêm hai lao động chính và năm lao động thời vụ. Từ một nông dân nghèo vươn lên làm kinh tế giỏi, ông được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của địa phương và Thành phố. Mới đây, ông được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc khi được công nhận có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp Thành phố.
Kinh tế gia đình đã ổn định, ông có thời gian tham gia, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cho các hội viên trong tổ hợp tác xã của phường. “Tôi chỉ mong những kinh nghiệm của mình sẽ hỗ trợ phần nào cho các hộ dân trồng rau cùng thi đua làm giàu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương”, ông Phong tâm sự.
Nhìn ngôi nhà khang trang ngay gần đầu đường ở Ấp 2, xã Đa Phước (huyện Bình Chánh), ít ai biết rằng trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Bế lại là một trong những hộ nghèo của xã. Ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất ngay mặt đường vào năm 2017 là nhờ sự thành đạt của con gái, con trai chị mang lại.
Chị Nguyễn Thị Bế kể, 13 năm trước, chị nhận được giấy báo đậu vào trường Trung cấp điều dưỡng của con gái đầu mà mừng ít, lo nhiều vì không biết lấy tiền đâu cho con đi học. Năm sau, chị lại nhận tiếp giấy báo từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch của đứa con trai út, nỗi lo ấy càng nhiều hơn gấp bội. Thời điểm đó, thu nhập chính của gia đình chị đến từ công việc làm thuê. Hàng ngày, khi các con đi học, chị lại nhận kẽm về đan thành lưới. Đêm đến, ba mẹ con xách xô ra ruộng móc còng về bán. Chồng chị thì làm phụ hồ nhưng không phải lúc nào cũng có việc.
“Kinh tế bấp bênh, cuộc sống chạy ăn từng bữa, trong đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến chuyện không biết lấy tiền đâu mà cho con đi học…”, chị Bế trầm ngâm.
Rồi nỗi lo của chị phần nào vơi đi khi chính quyền địa phương nhìn thấy. Nhờ sự giới thiệu của ấp và UBND xã, gia đình chị Bế được tạo điều kiện vay vốn để trang trải chi phí học tập cho hai con từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội. Cùng lúc, chị được vay thêm vốn làm ăn từ quỹ Hỗ trợ giảm nghèo cũng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Quyết tâm lớn nhất lúc bấy giờ của vợ chồng tôi là phải cho con học tới nơi tới chốn để thoát nghèo. Tiền vay được, vợ chồng tôi không dám tiêu xài lung tung, dồn hết vào trang trải học phí, mua sách vở cho hai con”, chị Bế nói.
Theo chị Nguyễn Thị Bế, nhờ có khoản tiền hỗ trợ, gánh nặng học phí, sách vở của các con nhẹ đi. Hai con của chị Bế cũng yên tâm nỗ lực học hành. Tốt nghiệp ra trường, hai con của chị nhanh chóng có việc làm với thu nhập ổn định. Gia đình chị Bế sớm trả hết các khoản vay và dần dà có của ăn, của để. Căn nhà cấp 4 mà cả gia đình chị sinh sống trước đây nằm cạnh bãi rác Đa Phước được chị cho thuê. Hai vợ chồng lại dọn ra căn nhà đang ở hiện tại được xây dựng từ thu nhập của hai con.
Nhìn hai con trưởng thành, đã trở thành y, bác sĩ từ hoàn cảnh đặc biệt, chị Bế lại nhớ về những tháng ngày cơ hàn và không giấu được nước mắt. Điều khiến chị Bế hạnh phúc, tự hào hơn cả là khi mới đây, chị trải qua ca phẫu thuật loại bỏ khối u nang tử cung do chính đôi tay của con trai thực hiện.
“Không chỉ tạo chỗ dựa, niềm tin cho những gia đình nghèo, chương trình cho sinh viên vay vốn học tập như chiếc phao cuối cùng cho các con tôi bám trụ trong ước mơ tiếp tục con đường học tập để trưởng thành, thành đạt như ngày hôm nay. Gia đình tôi luôn biết ơn về điều đó”, chị Bế rưng rưng cho biết.
Giờ đây, không còn phải lo cơm áo gạo tiền, vợ chồng chị Bế ở nhà thay nhau chăm sóc hai cháu nội, ngoại. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể của địa phương. Chị đang là Trưởng Ban công tác mặt trận Ấp 2 và cũng là một trong những Mạnh Thường Quân của xã, thường xuyên tặng học bổng hàng năm cho các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
“Hình ảnh các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng chính là hình ảnh của hai con tôi ngày trước. Số tiền hỗ trợ không nhiều, tôi chỉ mong các em bớt khó khăn, được đến trường đầy đủ. Chỉ có con đường học tập mới mang đến tương lai tươi sáng cho các em”, chị Bế cho biết.
Không buôn bán, kinh doanh, tuy nhiên hàng chục hộ nghèo và cận nghèo ở khu phố 6, phường Phước Long A (thành phố Thủ Đức) cũng đã thoát nghèo nhờ mô hình “Doanh nghiệp giúp hộ nghèo vượt khó” của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ 191 Thanh Xuân (Công ty Thanh Xuân), nằm trên địa bàn phường.
Theo đó, Công ty Thanh Xuân nhận gia công hàng hóa cho các nhãn hàng được khoảng chục năm nay. Trước kế hoạch liên kết với doanh nghiệp giúp hộ nghèo có việc làm nâng thu nhập của UBND phường Phước Long A đưa ra, ông Nguyễn Ngọc Tương - chủ doanh nghiệp, đã “gật đầu cái rụp”. Ngay sau đó, ông đã tạo điều kiện cho các lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đến làm việc tại công ty.
“Nếu hôm nào bận công việc gia đình, tôi vẫn được công ty tạo điều kiện cho nhận hàng về nhà làm. Công việc nhẹ nhàng, không vất vả, có hôm chỉ dán tem, có hôm chỉ đóng gói sản phẩm. Với thời gian linh hoạt như thế, tôi vừa lo được việc nhà, vừa có việc làm vừa có thu nhập khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Điều này đã giúp cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn”, chị Vương Thị Ly đang làm việc tại công ty chia sẻ.
Theo chị Ly, trước đó, gia đình chị 6 người (gồm vợ chồng chị, 2 con nhỏ và ba mẹ chồng) chỉ trông chờ vào khoản thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng từ công việc làm thuê cơ khí của chồng. Hai con còn nhỏ, mẹ chồng lớn tuổi, ba chồng phải chạy thận liên tục, nhà lại neo người buộc chị phải nghỉ làm hoàn toàn bên ngoài để chăm sóc gia đình. Có chút thời gian rảnh, chị muốn tìm việc làm thêm nhưng không công ty nào nhận. Cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sau thời gian làm việc tại Công ty Thanh Xuân, quen tay, lại chăm chỉ làm việc, thu nhập tăng lên từng năm đã giúp gia đình chị thoát nghèo hoàn toàn vào năm 2021. “Với những hộ nghèo như gia đình tôi, được hỗ trợ trong thời điểm khó khăn không khác gì được nhận một chiếc cần câu. Giờ đây, các con còn được đóng bảo hiểm y tế càng giúp tôi yên tâm làm việc hơn”, chị Ly bày tỏ.
Thống kê của UBND phường Phước Long A, từ năm 2021 đến nay, có 14 hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia mô hình đã thoát nghèo. Bên cạnh mang lại việc làm cho các hộ nghèo, cận nghèo, Công ty Thanh Xuân còn tạo điều kiện cho hàng chục sinh viên nhận hàng về làm thêm để tăng thu nhập. Ngoài ra, mỗi năm, doanh nghiệp này còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương với việc trao tặng hàng chục suất học bổng, xe đạp, nhu yếu phẩm cho học sinh, sinh viên, người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long A cho biết, từ những hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho các phong trào của phường, Công ty Thanh Xuân được UBND phường đề xuất biểu dương. “Không chỉ ghi nhận sự đóng góp mà còn có thể nhân rộng ra các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân khác trên địa bàn phường, cũng như toàn Thành phố hay các vùng lân cận cùng tham gia giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững có hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết.
Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo", các cấp Mặt trận tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động chung tay chăm lo cho người nghèo, trong đó tập trung chăm lo các nhu cầu thiếu hụt cơ bản.
Theo đó, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình sáng tạo, có hiệu quả thiết thực góp phần hỗ trợ người nghèo vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Tính đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc - Ban Vận động Quỹ "Vì người nghèo" TP Hồ Chí Minh đã vận động nguồn quỹ đạt 50 tỷ đồng. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của Thành phố phấn đấu vận động trên 130 tỷ đồng để chăm lo cho người nghèo. Với nguồn kinh phí này, Quỹ sẽ tiếp tục chăm lo các nhu cầu còn thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chủ trương giảm nghèo đa chiều của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, để thực hiện các giải pháp chăm lo cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn an tâm học tập, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên; vận động, trao đỡ đầu cho 75 sinh viên khó khăn, học giỏi tiêu biểu cho đến khi ra trường.
“Với mong muốn các hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí xây nhà, tặng phương tiện sinh kế sẽ có điều kiện để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; các em học sinh, sinh viên sẽ có thêm động lực, ra sức học tập trở thành những công dân tốt, thành đạt, giúp ích cho xã hội, sắp tới, hệ thống Mặt trận Tổ quốc toàn Thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, chương trình sáng tạo, có hiệu quả thiết thực góp phần hỗ trợ người nghèo vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”, bà Trần Thị Kim Yến cho biết.
Là đơn vị chính triển khai các chương trình giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, phương thức giảm nghèo đa chiều đã góp phần đảm bảo cho người dân được đáp ứng đầy đủ yêu cầu về giáo dục và đào tạo, y tế, việc làm và bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, tiếp cận thông tin… từ đó thu hẹp mức sống chênh lệch giữa các cộng đồng dân cư. Chương trình này thành công nhất chính là khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, hộ nghèo; có sự chung tay của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong hỗ trợ người nghèo, khơi sức dân để lo cho dân.
Theo đó, tại nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, của các thành phần kinh tế tham gia; đồng thời, Thành phố cũng xây dựng các kế hoạch lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt gắn chặt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo” để hoạt động thật sự trở thành phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự tham gia của toàn dân thành phố vào sự nghiệp giảm nghèo.
Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, TP Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu để tìm ra nhiều mô hình, cách làm hay. Ngoài việc thực hiện các mô hình trao phương tiện sinh kế thì các quận, huyện cùng thành phố thủ Đức và các ban ngành còn đặc biệt chú trọng đến việc tạo cho người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Trần Bình, Phó Chủ tịch UBND Quận 11 cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, quận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo đến các hộ cận nghèo, giúp các hộ hiểu được các chính sách hỗ trợ là điểm tựa cho họ thoát nghèo chứ không nên trông chờ, ỷ lại. Mặt khác, tùy theo từng nhu cầu của hộ dân, cần hỗ trợ chính sách gì thì lãnh đạo địa phương sẽ tìm cách hỗ trợ chính sách đó để người dân nhận thức được bản thân tự phấn đấu vươn lên, chủ động và có trách nhiệm hơn nữa để chống tái nghèo.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua và đề nghị toàn Thành phố cần chung tay với tinh thần giảm nghèo bền vững theo phương châm và phương pháp phù hợp với thực tế; thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng sống, chăm lo và nâng cao đời sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng cao chất lượng sống cho gia đình chính sách. Đối với các cấp chính quyền, cần thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin, bổ sung các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, cận nghèo (vốn, dịch vụ thiết yếu…) một cách mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân, trách nhiệm, nhân nghĩa, đạo lý mang tính nhân văn của con người Việt Nam. Do vậy, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng; toàn hệ thống chính trị của Thành phố cần phát huy tối đa, mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đã được xây dựng. Bên cạnh đó, cần chăm lo chu đáo cán bộ thực hiện nhiệm vụ, công tác Chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo”, kịp thời phát hiện, biểu dương những tấm gương sáng đời thực… “Hạnh phúc là khi bên cạnh chúng ta không có người nghèo khó, vì vậy toàn hệ thống chính trị Thành phố phải tiếp tục xem công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và luôn nỗ lực hành động để người dân ai cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2022, Thành phố đã giảm hơn 16.100 hộ nghèo (giảm 0,64%), giảm hơn 9.700 hộ cận nghèo (giảm 0,38%). Đến cuối năm 2022, toàn Thành phố còn hơn 21.300 hộ nghèo (chiếm 0,84%), 18.068 hộ cận nghèo (chiếm 0,71% tổng hộ dân thành phố). Năm 2023, Thành phố phấn đấu thực hiện giảm 0,38% tỷ lệ hộ nghèo và 0,28% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Trong năm 2023, Thành phố sẽ huy động hơn 10.200 tỷ đồng thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Để thực hiện hiệu quả chương trình, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố yêu cầu cấp ủy, chính quyền, các ngành tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung hoạt động của chương trình giảm nghèo; các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo của Thành phố thực hiện theo hướng giảm dần từ trợ cấp sang tác động hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tự vươn lên thoát nghèo.
Bài, clip: Hoàng Tuyết
Ảnh, đồ hoạ, trình bày: Nguyễn Hoàng
15/07/2023 11:04