Sau gần 45 năm tôi vẫn nhớ không khí thật đặc biệt trước, trong và sau trận cầu đặc biệt nhất trong đời cầu thủ của mình.

Khi ấy, Tổng cục Đường sắt (TCĐS) đang có chuyến tập huấn và du đấu tại 8 tỉnh Trung Quốc thì nhận được lệnh cấp tốc về nước chuẩn bị “làm nhiệm vụ quan trọng”.

Sau ngày giải phóng, Bộ Chính trị chỉ đạo cần sớm tổ chức một trận giao hữu bóng đá giữa 2 miền Nam - Bắc để đánh dấu ý nghĩa đất nước thống nhất. Nhưng cũng phải hơn 1 năm, đến tháng 11/1976, Tổng công đoàn lao động Việt Nam có liên hệ với Tổng công đoàn bóng đá TP Hồ Chí Minh cử đội TCĐS vô địch giải công nhân vào tham dự.

TCĐS khi ấy được xem là đại diện hoàn toàn xứng đáng của bóng đá miền Bắc khi từng nhiều lần là Á quân và vừa đoạt chức vô địch Công đoàn miền Bắc, có lẽ về tầm vóc khi ấy chỉ đứng sau có Thể Công.

Việc cử một đội bóng đại diện cho công nhân ngành đường sắt càng có ý nghĩa và hợp lý khi lúc đó tuyến đường sắt Bắc - Nam đang được gấp rút xây dựng (ngày 31/12/1976 chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên đã chính thức khởi hành).

Đội Tổng cục đường sắt tham dự trần cầu lịch sử cách đây gần 45 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước đó, chúng tôi cũng đã từng đi giao lưu bóng đá ở nước ngoài. Tổng cục từng mời các đội của Liên Xô, CHDC Đức hay các nước khác trong khối xã hội chủ nghĩa sang thi đấu và cũng đưa đội sang các nước đó. Nhưng khi biết tin đội TCĐS đã được chọn, chúng tôi vừa mừng vui, vừa hồi hộp bảo nhau, vào Sài Gòn thi đấu bóng đá còn hơn đi thi đấu ở nước ngoài bởi đó là trận đấu của độc lập, của thống nhất đất nước.

Bao nhiêu năm bị chia cắt Tổ quốc như thế, bây giờ vào đá cho đồng bào miền Nam thì vinh dự lắm, sung sướng lắm. Những cái tên vốn chỉ nghe danh như “trụ đồng” Tam Lang, “mũi tên vàng” Tư Lê... mà nay có thể gặp mặt, đối đầu trực tiếp để hiểu cho rõ thế nào là phong cách bóng đá Nam, chiến lược bóng đá Bắc.

Ở thời điểm rất đặc biệt ấy, việc tổ chức một sự kiện có ý nghĩa như vậy được thực hiện hết sức công phu về nhiều mặt. Các cầu thủ của TCĐS được lựa chọn trước khi vào phải học tập chính trị để biết tình hình như thế nào, tổ chức ra sao, sinh hoạt tập thể như thế nào. Cùng với đó là quá trình luyện tập thể lực hăng say, chúng tôi gần như quên hết mệt nhọc.

Hôm vào Nam, chúng tôi đáp sân bay Tân Sơn Nhất bằng máy bay cánh quạt của Mỹ mà mình thu chiến lợi phẩm. Thời gian bay thì lâu mà tâm trạng các thành viên đội bóng đầu tiên của miền Bắc vào Nam cũng ngổn ngang khó tả, vừa háo hức vừa hoang mang. Chút hoang mang là bởi Sài Gòn mới giải phóng, công tác an ninh tổ chức có thể chưa được tốt.

Đội Cảng Sài Gòn tham dự trận cầu lịch sử cách đây gần 45 năm. Ảnh: Tư liệu

Và rồi Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông”, TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng hiện ra với tất cả sự ngạc nhiên. Tại nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang đại diện đội Cảng Sài Gòn (CSG), thủ quân Phạm Văn Lắm đại diện đội Hải Quan tiến đến tặng hoa, siết chặt tay thủ quân TCĐS Phạm Kỳ Thụy, đó là cái bắt tay lịch sử kết nối bóng đá 2 miền Nam - Bắc sau 22 năm chia cách.

Mọi người tay bắt mặt mừng, chào hỏi, giới thiệu đây là anh Cù Lắm, anh Cù Sinh... những người xưa nay chỉ nghe tên mà giờ gặp nhau mừng vui như anh em xa đi về gặp mặt.

Không chỉ có chúng tôi hồi hộp, háo hức, không khí TP Hồ Chí Minh trước trận đấu đầu tiên giữa 2 miền sau ngày thống nhất cũng xôn xao với trận đấu vì hầu như không có bất kỳ thông tin nào về bóng đá miền Bắc.

Trước ngày thi đấu 2 ngày, chúng tôi có buổi tập là quen sân Thống Nhất. Đó cũng là buổi tôi được “làm quen” cả với khán giả, phong cách xem bóng đá của người miền Nam. Trong buổi tập khán giả không được vào sân nhưng người dân đón chúng tôi ở bên ngoài sân để “xem”chúng tôi rất đông. Họ sờ chân, sờ đùi cầu thủ rồi khen các chú trẻ khỏe thế này, đẹp trai thế này, to cao thế này mà người ta cứ bảo người miền Bắc gầy còm lắm, 7 - 8 người đu trên cọng đu đủ không gãy. Chúng tôi trả lời bà con: “Ở ngoài Bắc cũng được ăn tập, hôm nay vào để phục vụ bà con.”

Sân tập đã đông thế, trận đá với CSG phải đến tối mới diễn ra mà ngay từ 12 giờ trưa đã đông nghịt khán giả đổ về, sân vận động vừa được đổi tên thành “Thống Nhất”đã không có vé vào sân nữa rồi. Chúng tôi vào đến sân vẫn nghe tiếng súng bắn chỉ thiên ở bên ngoài vì lực lượng an ninh đang dẹp trật tự do số lượng người quá đông còn tập trung bên ngoài.

Thông tin về sự kiện thể thao lớn một thời. Ảnh: Tư liệu

Sân Thống Nhất chưa to như bây giờ, tôi ra sân cũng quen thi đấu quốc tế rồi, đi CHDC Đức, Liên Xô hay Bungari khán giả cũng đông nhưng vẫn không tưởng tượng được cảnh khán giả tràn xuống cả đường piste. Ở ngoài sân thì khán giả trèo lên thành tường, cột điện để xem. Thêm hàng ngàn người nín thở theo dõi từng nhịp đập của trận đấu qua radio.

Đội TCĐS thì rất trẻ, chỉ có anh Phạm Kỳ Thụy là lớn tuổi nhất, lại vừa thi đấu ở Trung Quốc được ăn uống tốt nên sức bật tăng nhiều. Kỳ vọng của khán giả, ý nghĩa lịch sử của trận đấu này càng thêm thôi thúc chúng tôi - những cầu thủ phần lớn đang ở tuổi lứa U23 hiện nay, tận sức cống hiến.

Trong không khí cuồng nhiệt và có phần căng thẳng, nhưng đại diện miền Bắc đã chơi một trận cực hay.

CSG ra quân với những “thần tượng”, niềm tự hào của bóng đá miền Nam như thủ môn Lưu Kim Hoàng, trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang, hậu vệ Nguyễn Tấn Trung (Trung “sói”), bộ đôi tiền vệ Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Mười, các tiền đạo: Lê Văn Tư (Tư Lê), Nguyễn Văn Ngôn, Trần Văn Xinh (Xinh “đen” sau này là huấn luyện viên của đội Xuân Lộc và Công ty cao su Đồng Nai)... Chỉ đạo đội bóng toàn sao này là huấn luyện viên Nguyễn Thành Sự - huấn luyện viên đội tuyển miền Nam vô địch Giải quốc tế 1974.

Còn TCĐS có thủ môn Nguyễn Trường Sinh, trung vệ Lê Khắc Chính, hậu vệ Nguyễn Minh Phương, các tiền vệ: Lê Thụy Hải, Hoàng Gia, Phạm Kỳ Thụy, tiền đạo Mai Đức Chung, Nguyễn Minh Điểm... dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Trần Duy Long. Tất cả những cái tên góp mặt trong trận đấu sau này đều trở thành những “cây đa, cây đề” của bóng đá Việt Nam.

Đúng 19 giờ 30 phút ngày 7/11/1976, cầu thủ hai đội bước ra sân trong tiếng cổ vũ từ hàng chục ngàn người hâm mộ (số lượng thực có lẽ vượt xa sức chứa 25.000 khán giả bởi lẽ mỗi ghế có tới 2 - 3 người ngồi). Đó là 90 phút thi đấu đầu tiên trên sân Thống Nhất. Loa phóng thanh đang phát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.” Giây phút trọng tài Hồ Thiệu Quang chuẩn bị thổi còi bắt đầu trận đấu, cả ngàn người đã khóc.

Hình ảnh trận đấu giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục đường sắt năm 1976. Ảnh: Tư liệu

Sau này, huấn luyện viên Trần Duy Long vẫn nhắc lại rằng mình dày dạn dạn thế mà khi dẫn nhau ra sân ai cũng mắt đỏ hoe vì cảm động. Tôi tin rằng đến nay vẫn không ai quên được giây phút lịch sử ấy...

Có thể coi hai bàn thắng đến cho TCĐS là thành quả của việc kết hợp lối chơi bóng đá hiện đại của đội tuyển miền Bắc sau nhiều lần được du đấu và tập huấn ở các nước XHCN có nền bóng đá tiên tiến.

Tôi chơi tiền đạo và chính là người ghi bàn đầu tiên. Anh Lê Thụy Hải tạt bóng từ bên phải, tôi nhảy lên đánh đầu ghi bàn. Khán giả người ta ào lên, thấy mình đá hay, hiện đại thời đấy. Đúng là mình sang Trung Quốc học được rất nhiều, không phải đưa bóng sát biên tạt lên nữa mà là ngay từ trên đã tạt rồi chứ không cần phối hợp xuống sát đáy biên cầu kỳ.

Bàn thứ hai do công của tiền vệ Lê Thụy Hải. Anh có bóng ở gần vòng cung giữa sân, bất ngờ sút một quả rất căng vào lưới ngay khi đối đầu với “người anh lớn” Tam Lang.

Trận đấu kết thúc với thắng lợi 2-0 cho TCĐS bằng hình ảnh đẹp cầu thủ hai đội ôm chầm lấy nhau sau tiếng còi chấm dứt trận đấu.

Xem clip trung phong Mai Đức Chung chia sẻ về hai pha làm bàn của TCĐS:

Sau trận đấu, các cổ động viên miền Nam đều công nhận TCĐS đã mang đến một cuộc cách tân về chiến thuật hoàn toàn mới mẻ. Trước một CSG thi đấu kỹ thuật với những cầu thủ được phong là những “nghệ sĩ sân cỏ”, TCĐS đã tiếp thu và chuyển sang sơ đồ chiến thuật 4-3-3 mà khi đó CHDC Đức đang áp dụng và thi đấu cho thấy hiệu quả hơn hẳn. Bên cạnh đó, khả năng tận dụng sút xa, tấn công trung lộ thay vì xuống biên... cũng khiến các danh thủ miền Nam hoàn toàn bất ngờ, lúng túng.

Mỗi tư liệu về trận cầu lịch sử đều là một tài sản quý cho lịch sử nền bóng đá Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Sau này, chúng tôi còn thi đấu thêm 4 trận đấu nữa để hoàn thành chuyến Nam du. Các trận đấu sau này, TCĐS tiếp tục thắng Tây Ninh 2-0, Đồng Tháp 2-0, Hậu Giang 3-1 và chỉ chịu thua trong trận cuối cùng khi trở về TP Hồ Chí Minh gặp đội bóng có lối chơi khó chịu bậc nhất miền Nam hồi ấy là Hải Quan của anh em Cù Sinh, Cù Hè (1-2).

Ghi bàn mở tỷ số trong trận cầu Nam - Bắc là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời "quần đùi áo số".

Sau gần 45 năm với biết bao thăng trầm, năm 1999 đội TCĐS ngừng hoạt động, chuyển giao cho Ngân hàng Á Châu và cùng với “bầu” Kiên biến mất luôn trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Còn CSG chính thức giải thể vào năm 2009 ở tuổi 34. Trước đó, vào năm 2001 Hải Quan cũng tan giã, chỉ tồn tại được 25 năm.

Được sách vở ghi lại dấu ấn cá nhân đó thì vinh dự lắm, không phải ai cũng được như thế, rất tự hào. Mình ghi bàn thắng bình thường đã sướng rồi, bàn thắng trong trận đấu giao lưu 2 miền Nam Bắc đầu tiên thì càng đặc biệt.

Đội TCĐS lại được đi các tỉnh chứ không chỉ đá 2 trận ở Sài Gòn. Đi phục vụ mấy tỉnh trong Nam Bộ, đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Người ta thấy đất nước về một nhà rồi, thanh niên Bắc khỏe mạnh thế này, ngày xưa nghe đồn đại không hay bây giờ tận mắt nhìn thấy người ta cũng vui mừng lắm.

Các cựu cầu thủ TCĐS và CSG tái ngộ trong trận giao hữu 40 năm sau cũng trên sân Thống Nhất. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Mọi người bảo các anh ngoài Bắc trẻ khỏe thế, chắc đá là thắng đấy. Chúng tôi nói rằng không, bọn tôi không nghĩ đến thắng lợi. Chúng tôi vào để phục vụ bà con, làm sao đá thật đẹp là được rồi.

Sau trận đấu giữa Cảng Sài Gòn và Tổng cục đường sắt phải đến năm 1980 đá giải toàn quốc đầu tiên mới có thêm những trận cầu Nam - Bắc.

Trước đấy, năm 1978, 1979 có 3 giải Hồng Hà ở miền Bắc, Trường Sơn miền Trung và Cửu Long miền Nam. Hồi đấy máy bay chưa thông dụng như bây giờ, toàn phải đi ô tô, đi tàu cũng khó nên về phương tiện đi lại hơi khó khăn, phải tách ra 3 miền như vậy.

Riêng đội TCĐS vào Nam thi đấu thì nhiều. Năm 1977 chúng tôi có vào Nha Trang tập huấn. Ông Trần Vĩnh Lộc (Chín Lộc) là Phó giám đốc TDTT đường sắt vào Nha Trang tập kết, mời đội TCĐS vào tập luyện hơn 1 tháng trời. Đến năm 1978 lại được Tổng cục TDTT cử vào Bình Định.

Xem clip trung phong Mai Đức Chung tâm sự về trận cầu xưa và những người bạn nay:

Phải đến năm 1980 mới có giải đấu thống nhất 3 miền. Giải cũng chia 3 khu vực đá nhưng bốc thăm lẫn lộn các đội. Bảng A đá ở miền Bắc, bảng B đá ở miền Trung rồi bảng C đá ở miền Nam, sau đó đội nhất 3 bảng ra Hà Nội đá chung kết.

Cầu thủ Tam Lang (bên trái) và Mai Đức Chung (bên phải) - những cầu thủ của trận cầu Nam - Bắc khi xưa vui mừng ngày gặp mặt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau bao năm, chúng tôi vẫn gặp nhau, vẫn gắn bó ôn lại kỷ niệm xưa. Mỗi khi có dịp ra Bắc - vào Nam, chúng tôi đều tận dụng những cơ hội để hàn huyên, tâm sự và bóng đá vẫn là chủ đề luôn “nóng” trong mỗi câu chuyện.

Cảm ơn thể thao đã cho chúng tôi cơ hội được sống, được cống hiến, được gặp gỡ, được gắn bó... để rồi sau gần nửa thế kỷ vẫn được sống với những kỷ niệm ngày Thống nhất.

Thực hiện: Lê Sơn/Báo Tin tức

30/04/2020 06:37