Không chỉ vào dịp ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 hàng năm, mà bấy lâu nay, công tác chăm sóc, phụng dưỡng người có công, đặc biệt là Mẹ Việt Nam anh hùng- những người đã hy sinh cho đất nước những người ruột thịt thân yêu của mình- luôn được các cấp, các ngành và toàn Đảng, toàn dân quan tâm thực hiện. Đây là một nét đẹp của đạo lý dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, luôn ghi công và tri ân những người đã đóng góp cho nền hòa bình của đất nước.
Thầm lặng với nỗi đau mất mát
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Xuyến (89 tuổi), thuộc tổ dân phố Ngọc Long 2, phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là mẹ của hai liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Vào thời điểm giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc và đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam; trong không khí cả nước hừng hực ra trận chi viện của cải và sức người cho miền Nam, tháng 9/1969, mẹ Xuyến tiễn người con trai Nguyễn Huy Vở (sinh 1953) lên đường nhập ngũ. Lúc đó Nguyễn Huy Vở mới 16 tuổi, nhưng đã trốn đi khám tuyển nhập ngũ. Do gầy gò, chàng thanh niên Vở đã phải bỏ thêm đồ vào túi quần để đủ cân nặng tham gia quân ngũ. Khi biết chuyện, mẹ Xuyến đã động viên anh, tiếp thêm ý chí cho anh lên đường làm nghĩa vụ. Nguyễn Huy Vở trở thành chiến sĩ, chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ cho đến khi anh hy sinh ngày 2/5/1972, lúc mới 19 tuổi.
“Gạt nước nước mắt, nén đau thương, tôi làm việc không nghĩ tới thời gian từ sáng sớm đến tối muộn để quên đi nỗi đau thương con trong giấc ngủ chập chờn”, mẹ Xuyến kể lại.
Anh Nguyễn Huy Phong, con trai thứ 2 của mẹ, lúc đó học cấp 3, cũng xin lên đường nhập ngũ. Mẹ Xuyến tiễn anh Phong lên đường nhập ngũ tháng 1/1973. Hai năm sau, một lần nữa nỗi đau lại ập đến với người mẹ tảo tần này khi nhận giấy báo anh Phong hy sinh vào ngày 18/1/1975, tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Vượt lên nỗi đâu, mẹ Xuyến tiếp tục làm công tác xã hội, có nhiều đóng góp cho quê hương và tiếp tục nuôi dạy bốn người con còn lại ăn học thành người.
Khi chúng tôi đến thăm mẹ Xuyến trong con ngõ nhỏ nằm sâu ở tổ dân phố Ngọc Long 2, bà Trịnh Thị Hằng (con dâu mẹ Xuyến) chia sẻ: “Mẹ không còn khỏe mạnh như trước, giờ mẹ tuổi đã cao, cùng nhiều bệnh tật như tiểu đường, áp huyết cao và từ đầu năm 2017 mẹ bị ngã cầu thang phải thay khớp, nên đi lại rất khó khăn”.
Theo bà Hoàng Thị Chiên, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai, toàn phường có 26 bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng hiện chỉ mẹ Nguyễn Thị Xuyến còn sống. Bên cạnh các chế độ người có công, mẹ Xuyến được Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận phụng dưỡng với mức 1 triệu đồng/tháng. Và vào các ngày lễ tết, ngày kỷ niệm trong đại của đất nước, chính quyền phường và các tổ chức đoàn thể đều đến thăm hỏi, tặng quà để tri ân mẹ.
Ngày 25/7/2020, khi lần đầu tiên ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc, mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Ky, sinh năm 1930, ở xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã có dịp lần đầu tiên ra Thủ đô, thăm Lăng Bác Hồ như tâm nguyện bao năm nay. Mẹ Ky sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ đẻ của mẹ cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Ky có hai con liệt sĩ và 1 người con được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chồng mẹ Ky hy sinh khi tham gia kháng chiến, một mình mẹ tần tảo nuôi các con, vừa đương đầu với những khắc nghiệt của chiến tranh. Chứng kiến cảnh người thân và người dân xung quanh bị giết, xóm làng bị tàn phá, mẹ Ky tình nguyện giúp bộ đội kháng chiến. Khi con trai của mẹ khôn lớn, mẹ đã động viên con vào quân đội, tham gia chiến đấu để giải phóng đất nước. “Lòng mẹ đau như cắt khi biết tin con trai con trai đầu hy sinh, nhưng mẹ cũng tự an ủi mình rằng con của mình đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc”- mẹ Ky tâm sự.
Năm nay, mẹ Ky đã 90 tuổi, dù không minh mẫn như trước, nhưng ký ức về sự hy sinh của những người thân yêu và những năm tháng tham gia kháng chiến vẫn còn nguyên vẹn.
“Trước đây, tôi cũng bị thương khi chèo thuyền đưa bộ đội qua sông. Lần đó, bị địch phát hiện và tấn công từ nhiều phía, dù đã được lực lượng trên bờ chi viện nhưng vẫn có nhiều bộ đội hy sinh, bản thân tôi thì bị thương, nhìn cảnh đó đau xót lắm”, mẹ Ky kể lại.
Dù khó khăn, nhưng một mình mẹ tiếp tục nuôi các con, cháu khôn lớn. Hòa bình lập lại, mẹ Ky vẫn sống giản dị và thường xuyên nhắc nhở con cháu giữ truyền thống gia đình cách mạng. Ông Đỗ Văn Chính, Phó Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTBXH tỉnh Kiên Giang cho biết: “Mẹ Ky có chồng, con hy sinh và một người con là thương binh. Dù tuổi đã cao nhưng mẹ vẫn lạc quan, tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Mẹ vẫn nói với chúng tôi là mẹ mong muốn khi mất sẽ được chôn trong nghĩa trang liệt sĩ để nằm gần những người thân của mình”.
Đợt ra thăm Hà Nội nhân dịp gặp mặt Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc cũng để lại ấn tượng sâu sắc với mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tròn, 86 tuổi tỉnh Quảng Ngãi. Mẹ đã mất chồng và 1 con trai trong chiến tranh chống Mỹ. “Đây là lần đầu tiên mẹ ra Hà Nội và thấy Thủ đô to đẹp, hiện đại, được đón tiếp chu đáo, được tặng quà và đi thăm nhiều nơi. Mẹ về, sẽ kể lại cho các con, các cháu nghe về chuyến đi ý nghĩa này. Có lẽ kể vài ngày mới hết”, mẹ Tròn vui vẻ tâm sự.
Còn mẹ Đặng Thị Bưởi, 97 tuổi, xã Minh Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương, có chồng và 1 con hy sinh. Mẹ Bưởi xúc động khi được chọn tham gia sự kiện gặp mặt mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc. “Cuộc sống của người có công đã đổi thay nhiều. Trước kia nghèo khó, nay được chăm lo cuộc sống tốt hơn nhiều”- mẹ Bưởi tâm sự.
Trong chương trình gặp mặt Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội, có những người mẹ như mẹ Lê Thị Hự ở Ninh Thuận có chồng và 3 con là liệt sĩ, bản thân mẹ còn mang trên mình vết thương chiến tranh. Mẹ Nguyễn Thị Hữu ở Tiền Giang vừa là Mẹ Việt Nam anh hùng, vừa là thương binh sau nhiều lần bị địch bắt tù, đày, tra tấn dã man. Mẹ Lê Thị Bê ở Long An, có mẹ chồng và mẹ đẻ đều là Mẹ Việt Nam anh hùng, cả 3 người mẹ đều có chung nỗi đau mất cha, mất chồng, mất con… Hay mẹ Võ Thị Tặng ở Quảng Nam đã mất đi người chồng và 2 người con, mẹ chồng cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng, còn bản thân mẹ đã nhiều lần bị địch bắt giam cầm, tra tấn, giờ đây mang trên mình nhiều vết thương, di chứng nặng nề của chiến tranh để lại. Mẹ Tạ Thị Kiều ở Bắc Giang là tấm gương lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012 - 2017.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, có những người mẹ Việt Nam anh hùng tần tảo, thầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để dệt thêu lên những trang sử hào hùng, chói lọi của mảnh đất hình chữ S. Những người mẹ chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường để rồi ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình; làm hậu phương cho tuyến đầu. Những người mẹ không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn; những người mẹ trực tiếp đối mặt với quân thù, đánh giặc, bị giặc bắt, tra tấn, tù đày và trở thành thương binh... Những người mẹ âm thầm nuốt nước mắt vào trong, cạn khô dòng lệ khi "3 lần tiễn con đi, 2 lần khóc thầm lặng lẽ".
Chăm lo tốt cho các Mẹ Việt Nam anh hùng
Đất nước đã hòa bình, nhưng nỗi đau của các mẹ vẫn còn đó, bởi những người chồng, người con của các mẹ đã mãi mãi không về. Để ghi nhớ công lao to lớn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng và để giáo dục truyền thống cách mạng và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Đến nay, sau 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cho gần 140.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng bà Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, truy tặng là 15.261 mẹ, tiếp đó là Bến Tre 6.905 mẹ, Quảng Ngãi 6.802 mẹ, Hà Nội 6.723 mẹ...
Những năm qua, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, từ những phong trào "Áo lụa tặng bà" của các cháu thiếu nhi cả nước, phong trào "Tấm chăn tặng mẹ" của các tổ chức, đoàn thể xã hội đến việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những bà Mẹ Việt Nam anh hùng,...
Hàng năm, Bộ LĐTBXH tổ chức các buổi gặp mặt các thương, bệnh binh, người có công tiêu biểu. Năm 2019, Bộ LĐTBXH tổ chức gặp mặt, tuyên các thương binh, bệnh binh nặng tiêu biểu toàn quốc. Năm 2020, Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ ngành tổ chức chương trình Gặp mặt 300 bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc.
Trong phong trào đó xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn tấm gương sáng, ví như chị Đặng Thị Ái Việt đã đi xe máy khắp cả nước suốt 8 năm để vẽ gần 2.000 bức chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng, hay nhà báo, đại tá Trần Hồng đã chụp hơn 2.000 bức ảnh các mẹ.
Đến nay, 4.962 mẹ đang còn sống đều được các tổ chức, doanh nghiệp và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng.
Bày tỏ sự cảm động khi được gặp 300 mẹ Việt Nam anh hùng trong dịp tháng 7 lịch sử này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chiến tranh đã đi qua, đất nước hòa bình, thống nhất nhưng hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà cha mẹ, người chồng người vợ, những người con đã mãi mãi không gặp lại những người thân yêu nhất của mình.
Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau hi sinh thầm lặng của những người mẹ nơi hậu phương cũng lớn lao bấy nhiêu. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Con đi trăm núi ngàn khe/ Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/ Con đi đánh giặc mười năm/ Chưa bằng khó nhọc đời bầm 60", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết việc chăm lo, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành chính sách lớn của Đảng, Nhà nước suốt 73 năm qua. Đời sống người có công ngày càng được cải thiện với 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người có công với cách mạng và gia đình những tình cảm chân thành và lòng biết ơn sâu sắc nhất.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã trở thành những người chiến sĩ thầm lặng, góp phần làm nên những trang sử hùng tráng của dân tộc... Ðất nước hòa bình, không có niềm vui nào bằng ngày trở về, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng khi những người thân yêu nhất mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại. Những hy sinh thầm lặng, vô cùng to lớn, cao cả và thiêng liêng của các mẹ đã tôn thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà chính các mẹ đang ngồi đây là những minh chứng sống. Tổ quốc, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn khắc ghi những công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, của các Mẹ Việt Nam anh hùng, của những người thương binh, bệnh binh và người có công với đất nước.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, để ghi nhớ công lao to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, đã có nhiều cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc và để phát huy và giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, ngày 10/9/1994, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Ðến nay, sau hơn 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng, truy tặng gần 140 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cùng với đó, Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng cũng được nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung phù hợp điều kiện thực tiễn của đất nước nhằm từng bước nâng cao chế độ ưu đãi đối với những người có công với cách mạng. Thời gian tới, Ủy ban Thường vụ QH sẽ tiếp tục xem xét việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh này, trong đó, có việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chế độ ưu đãi đối với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Bên cạnh đó, toàn xã hội luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, thông qua việc thực hiện sâu rộng các chương trình: Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng;... Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Ðã có 4.952 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng về chế độ ưu đãi. Cụ thể:
1. Trợ cấp một lần.
2. Phụ cấp hàng tháng từ ngày Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
3. Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống ở gia đình được hưởng trợ cấp người phục vụ.
4. Khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng chết, người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi."
“Trong khúc khải hoàn ca chiến thắng, có máu và nước mắt của gần 140.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước – những người đã hiến dâng chồng, con, cháu của mình cho cách mạng. Bước vào thời bình, vượt qua nỗi đau mất mát, các mẹ lại tiếp tục cống hiến cho các hoạt động xã hội vì cộng đồng. Mẹ Việt Nam anh hùng đã thực sự trở thành một tượng đài trong lòng dân tộc”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Cói thể khẳng định, nỗi đau và nước mắt của những bà mẹ Việt Nam không đo bằng năm tháng, mà đo bằng cả cuộc đời. Có những cuộc chia ly của mẹ với chồng với con là vĩnh viễn, bởi thân thể các chú, các anh đã hòa vào sông núi, ở đâu đó trên mảnh đất này. Vì thế, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và nhân dân đã làm hết sức mình, dành sự quan tâm lớn nhất và về vật chất và tình cảm để chăm lo phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, phần nào bù đắp hy sinh của các mẹ cho quê hương, đất nước.
Theo dọc dài lịch sử, hình ảnh Mẹ Việt Nam đã hòa vào hình ảnh đất nước, trở thành tượng đài thiêng liêng của dân tộc. Không thể nói về dân tộc Việt Nam mà không nói về người mẹ và ngược lại. Nhà thơ Thanh Thảo đã từng đúc kết điều này trong những câu thơ nổi tiếng:
“Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
Là đứng theo dáng mẹ
Đòn gánh tre chín rạn hai vai
Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
Mồ hôi vã một trời sao trên đất
Trời sao lặn hoá thành muôn mạch nước
Chảy âm thầm chảy dọc thời gian”.
“Đến nay, hơn 99,5% là người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú rồi, còn lại ít hộ, chúng ta phải tập trung giải quyết chế độ. Với trường hợp không thể thoát nghèo được do bất khả kháng như vì lý do bệnh tật, các địa phương cần sử dụng đồng bộ các chính sách khác để hỗ trợ để giải quyết xong, không còn hộ người có công trong diện nghèo và cận nghèo”, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.
Bài và clip: Xuân Cường
Ảnh: Xuân Cường - Ban BBT Ảnh - CTV
Trình bày: Xuân Minh
27/07/2020 01:18