Người ta vẫn thường nói tháng 7 ở Quảng Trị không chỉ có ngày Rằm âm lịch xá tội vong nhân, tìm về cội nguồn yêu thương, mà còn có ngày Rằm dương lịch 27/7 để tưởng nhớ, tri ân những người mà máu của họ đã thấm đẫm mảnh đất này để từ nơi đó bật lên ngàn hoa lung linh tỏa sáng.

_____________________________

"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
 Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
 Có tuổi hai mươi thành sóng nước
 Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
(Lời người bên sông - Lê Bá Dương)

Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn đã đi vào thơ ca như những trang sử bi tráng thấm đượm máu và hoa. Mùa hè đỏ lửa năm 1972, bến sông Thạch Hãn trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm oanh liệt đã đón nhận hàng vạn chiến sĩ quân giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành Cổ, làm nên trang sử vàng bất khuất của dân tộc. 

Bến thả hoa bờ nam sông Thạch Hãn nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.

Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, vì thế trong thư tịch còn được gọi là sông Quảng Trị, còn người dân Quảng Trị từ xưa quen gọi là sông Hàn: “Chẳng thơm cũng thể hương đàn/Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”.

Sách Ðại Nam nhất thống chí chép rằng: "Sông Thạch Hãn, từ nguồn Viên Kiều ở Bảo Trấn Lao (Lao Bảo) chảy về đông,… qua phía bắc tỉnh thành Quảng Trị thì mang tên sông Thạch Hãn, đến ngã ba cổ Thành chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy lên đông bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Ái Tử (Vĩnh Phước) ở phía tây chảy vào, qua huyện Ðăng Xương (tức huyện Triệu Phong ngày nay), rồi ngã ba Ðại Ðộ gặp sông Ðiếu Ngao (sông Ðiếu Ngao qua cửa Ðiếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ), rồi qua ngã ba Giáo Liêm đổ ra Cửa Việt. Một nhánh chảy xuống đông nam, chảy vào sông Vĩnh Ðịnh, gặp sông Nhùng (Mai Ðàn) từ phía tây tới, rồi theo hướng nam tới huyện lỵ Phong Ðiền thì gặp sông Ô Lâu (Thác Ma), sau đó chảy ra phá Tam Giang".

Với chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn (đoạn gần thị trấn Khe Sanh) nên lượng phù sa do sông mang đến không nhiều. Trừ những ngày lũ lụt, nước sông trong xanh và có thể nhìn thấy đáy. Từ xưa cho tới nay, sông Thạch Hãn luôn đóng vai trò quan trọng trong huyết mạch giao thông đường thủy và cung cấp nguồn nước cho các vựa lúa chính của tỉnh Quảng Trị như Triệu Phong, Hải Lăng.

Xưa, nhà Nguyễn đã am tường sự lợi hại của “dòng sông đá” này như một hào thành tự nhiên bảo vệ thành Quảng Trị. Chẳng thế mà khi Hoàng đế Minh Mạng cho đúc Cửu Đỉnh (9 cái đỉnh đồng) vào năm 1835 và khánh thành vào năm 1837, đã cho khắc hình sông Thạch Hãn vào một trong 9 cái đỉnh này. Hiện nay, chiếc đỉnh này được bày ở sân Thế miếu thờ các đời vua Nguyễn ở Huế.

Lịch sử của tỉnh Quảng Trị cũng gắn liền với lịch sử của dòng sông Thạch Hãn. Tuy là vùng đất hẹp, ít đồng bằng màu mỡ nhưng nơi đây là cái nôi của các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là nơi sinh ra nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng kiệt xuất.

Nhiều tướng lĩnh, nhà cầm quân đã ví sông Thạch Hãn là con hào thiên tạo ở phía bắc Thành cổ Quảng Trị và sự song hành mà lịch sử đã chọn dòng Thạch Hãn với Thành cổ là sự song hành bi tráng thấm đượm máu và hoa. Thiên sử thi bi tráng đó đến từ vị trí chiến lược về quân sự trong sự nghiệp Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị, mà điển hình là 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ trước cuộc phản kích tái chiếm tỉnh Quảng Trị của đế quốc Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Bến thả hoa bờ nam sông Thạch Hãn lung linh sáng trong đêm tri ân các Anh hùng Liệt sỹ.

Ngược dòng thời gian, mùa hè năm 1972, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” và thực hiện lệnh tổng động viên, hàng nghìn thanh niên ưu tú của đất nước ở tuổi mười tám, đôi mươi đã gác lại những ước mơ và những hoài bão, xếp bút nghiên rời giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị.

Tại nơi đây, mảnh đất Thành cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2.160 m là “túi bom” của kẻ thù. Chúng huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chiếm bằng được Thành cổ vì đây là địa bàn chiến lược, có thể tạo sức nặng “mặc cả” với ta tại Hội nghị Paris. Không thể thống kê hết số bom đạn dội xuống mảnh đất này, song các nhà khoa học quân sự đã ước tính trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời bấy giờ bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành cổ Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.

Khách đến tham quan và dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị

Thế nhưng, bom đạn không làm sờn lòng những chiến sĩ quân giải phóng. Các anh vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không rời trận địa, người này ngã xuống người khác lại đến thay. Báo Quân đội Nhân dân ra ngày 9/8/1972 có viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sỹ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những quy ước thông thường. 

Trong cuộc chiến 81 ngày đêm đó, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông. Đặc biệt ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.

Các chiến sỹ giải phóng phất cờ chiến thắng trên nóc lô cốt địch ở điểm cao 365 (Quảng Trị), ngày 30/3/1972.

Tuổi hai mươi nằm lại dưới đáy sông. Có người kịp gọi tên người yêu thương trước khi gửi thân mình cho sóng nước, có người cả tiếng gọi mẹ ơi cũng tắt nghẹn nửa chừng khi địch bất thần nã pháo vào đội hình vượt sông... Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, các anh chẳng để lại gì trước lúc hy sinh. Có chăng chỉ là một lời nhắn nhủ: “Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt của anh về" (thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Chú thích ảnh
Sen hồng bung sắc giữa nắng gió Quảng Trị.

Các anh đã đi xa, nhưng linh hồn vẫn còn “mãi ngàn năm”, nêu gương sáng về tinh thần yêu nước, tiếp thêm sức mạnh cho lớp lớp thế hệ hậu sinh. Các anh vẫn còn mãi như “sóng nước” không ngừng nghỉ trên sông, “vỗ yên bờ” quê hương, làng xóm. 

"Khi người lính lặng im tan vào đất/ Là cuộc đời chảy mãi những dòng sông/ Ôi dòng sông mang phù sa người lính/ Tươi mát bãi bồi xanh ngát nương dâu" (Dòng sông hoa đỏ - Nguyễn Hữu Quý, Võ Thế Hùng). Khúc tráng ca ấy được chiến sĩ Lê Bá Dương viết tiếp làm lay động trái tim bao người: "Ðò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ/ Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm".

Có một dòng sông linh thiêng như thế trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. Dòng sông là chứng nhân lịch sử chứng kiến những hy sinh anh dũng của những người con đất Việt kiên cường:

"Thạch Hãn giờ dòng chảy vẫn như xưa
 Hồn bạn tôi có còn nguyên đáy nước
 Thả nến, thả hoa có ai nhận được
 Vết đạn bom thù nhức nhối con tim..." 
(Anh sẽ về - Lê Trung Sơn)

Máu xương của các anh đã tan vào đất mẹ, hòa vào sông nước mênh mang của dòng Thạch Hãn để ngàn đời sau vẫn mãi khắc ghi.

Đền tưởng niệm - Bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn.

Tháng 7, dòng người từ mọi miền đất nước và kiều bào nối tiếp nhau về nguồn, thăm viếng, tri ân và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ trên vùng đất “lửa” Quảng Trị. Không hẹn mà gặp, hàng nghìn người đã hội tụ tại Thành cổ Quảng Trị để cùng ôn lại những chiến công vang dội của quân và dân ta.

Từ dãy Trường Sơn hùng vĩ xuôi về dòng sông Thạch Hãn lịch sử, mỗi ngày của tháng 7, những cành hoa tri ân vẫn được thả xuống đều đặn, rồi trôi theo dòng Thạch Hãn yên bình. Tối đến, hàng nghìn đèn hoa đăng mang theo sự tri ân rực sáng, nối nhau thắp sáng dòng sông. 

Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ và quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao.

Cựu chiến binh Đinh Văn Lành, quê ở Hải Phòng, từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972 cho biết, vào dịp lễ 30/4 hoặc 27/7 hàng năm, ông đều dành thời gian vào Thành cổ Quảng Trị, thắp hương cho đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa. Mỗi lần đến Thành cổ Quảng Trị, ông đều không kìm được cảm xúc và nước mắt. Nơi đây, đồng đội ông đã chiến đấu anh dũng và luôn mang trong mình khát vọng Tổ quốc được hòa bình, thống nhất.

Thả nhành hoa tươi, anh Trần Trọng Hoàng, 27 tuổi, đến từ Nghệ An, lặng người nhìn theo hoa trôi dần về phía hạ nguồn sông Thạch Hãn. Anh Hoàng chia sẻ: “Tôi rất biết ơn các Anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu và nằm lại nơi đây. Các anh đã hiến dâng cuộc đời mình, để cho những người trẻ như chúng tôi có cuộc sống yên bình. Đến đây tôi càng thấm thía và trân quý hơn giá trị của hòa bình”.

Dâng hương, dâng hoa các anh hùng liệt sĩ tại Di tích đặc biệt Quốc gia Thành Cổ Quảng Trị.

Những ngày này, dòng người vẫn đổ về Thành cổ Quảng Trị, đến bên bờ Thạch Hãn thắp những nén hương thơm, dâng những đóa hoa tươi thắm tri ân các Anh hùng liệt sỹ và nhắc nhau rằng: 

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng.

Diệp Ninh - Nguyên Lý - Kỳ Thư (tổng hợp)
Ảnh: TTXVN; Video: Vnews
Trình bày: Quốc Bình

25/07/2020 05:30