Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Trải qua cả trăm năm hình thành và phát triển, nghệ thuật đờn ca tài tử luôn cho thấy một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước, con người của người dân đất phương Nam.
Đờn ca tài tử được bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và âm nhạc của các tỉnh Nam Trung Bộ. Vào cuối thế kỷ XIX, các nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đã đem theo truyền thống ca Huế vào vùng Nam Bộ. Trên đường đi, các nhạc sĩ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó tiếng đờn cùng với giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng. Khi vào đến miền Nam thì tiếng đờn miền Trung đã tiếp tục thay đổi, một số bài bản tuy cùng tên nhưng nét nhạc đã khác xa so với ban đầu.
Bản chất phóng khoáng của con người và nếp sống tại miền Nam khiến cho các bài bản không y khuôn bản gốc. Người đàn, người ca cũng không muốn giữ nguyên như thầy đã dạy mà luôn có đôi nét thêm thắt, thay đổi, tô điểm, khiến những bài bản đậm đà thấm thía hơn. Mặt khác, do lòng luôn luôn nhớ thương cội nguồn nên các điệu của đờn ca tài tử đều phảng phất nỗi buồn và được người mộ điệu ưa thích.
Đến đầu thế kỷ XX, đờn ca tài tử trở thành một phong trào ca nhạc phổ thông tại miền Nam, nhất là tại các địa phương như: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An, Mỹ Tho, Sài Gòn… Các nhóm tài tử khối miền Đông (vùng Sài Gòn - Chợ Lớn và phụ cận) cùng với nhóm tài tử khối miền Tây (Vĩnh Long, Sa Đéc) cũng được hình thành. Đứng đầu nhóm tài tử khối miền Đông là ông Nguyễn Quang Đợi - một nhạc sư từ triều đình Huế vào sống ở Cần Đước cùng với các nghệ sĩ khác như Cao Huỳnh Cư và Cao Huỳnh Điểu. Nhóm tài tử khối miền Tây có ông Trần Quang Quờn người Huế vào sống ở Vĩnh Long đứng đầu nhóm cùng với các nghệ nhân Trần Quang Nhiệm, Nguyễn Liên Phong và Nguyễn Tư Ba. Các nghệ nhân này chính là những nhà tiên phong trong việc biên soạn, sáng tác và giảng dạy nhạc tài tử theo phong cách riêng, nền tảng cho đờn ca tài tử hiện nay.
Cùng được coi là dòng nhạc thính phòng nhưng trong ca trù và Nhã nhạc Huế, người hát chính thường là phụ nữ. Trong đờn ca tài tử, nghệ sĩ nam và nữ đều có vai trò bình đẳng, người đàn và người hát có vị trí tương đương nhau. Trước đây, dàn nhạc Đờn ca tài tử sử dụng các loại nhạc cụ gồm đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, song lang, ống tiêu. Khoảng từ năm 1920, lục huyền cầm (đàn ghi ta), hạ uy cầm và violon cũng được thêm vào trong dàn nhạc.
Khi biểu diễn nhạc tài tử, các nghệ sĩ thường chú trọng đến sự kết hợp của nhạc cụ có âm sắc khác nhau, ít thấy có sự kết hợp giữa các nhạc cụ cùng âm sắc. Thường thấy nhất là song tấu đàn kìm và đàn tranh, là sự kết hợp giữa tiếng tơ và tiếng sắt, mà theo các chuyên gia thì được gọi là sắt cầm hảo hiệp. Cũng có khi là tam tấu đàn kìm - tranh - cò, kìm - tranh - độc huyền, tranh - cò - độc huyền mà giới chuyên gia gọi là tam chi liên hoàn pháp.
Đặc biệt, đờn ca tài tử thường được biểu diễn ngẫu hứng. Dựa trên bản nhạc gốc truyền thống, người hát cải biên đi theo cách riêng của mình. Chính vì sự khác biệt này mà mỗi lần nghe dù cùng một bài, người nghe vẫn luôn thấy mới lạ và hài hòa.
Phần hay nhất trong tài tử là ở phần rao của người đàn và lối nói của người ca. Người đàn dùng rao - người ca dùng lối nói - để lên dây đàn và gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn tấu. Ngoài ra, khi trình diễn các nghệ sĩ có thể dùng tiếng đàn của mình để “đối đáp” hoặc “thách thức” với người đồng diễn. Chính vì vậy mà nhạc tài tử luôn luôn sinh động và hấp dẫn người nghe.
Ngoài việc sử dụng một số bài bản trong nhạc lễ, còn có các bài từ ca Huế, dân ca miền Trung, miền Nam, và một số lượng lớn do các nghệ nhân bậc thầy sáng tác và cải biên. Một số bài nổi tiếng được nhiều người biết đến như: bài Bình Đán của ca Huế được phát triển thành Bình Đán Văn trong nhạc tài tử, Lưu Thủy của Huế được cải biên thành Lưu Thủy Đoàn, Kim Tiền Huế thành Kim Tiền Bản…
Tuy số lượng bài bản phong phú và đa dạng, nhưng đa số các bậc thầy của đờn ca và các chuyên gia cho rằng đờn ca có 20 bài tổ được gọi là “nhị thập huyền tổ bản” thuộc hai điệu Bắc và điệu Nam. Trong 20 bản tổ có 6 Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Tây Thi, Cổ bản, Bình bán, Xuân tình), 3 Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo), 4 Oán (Tứ đại, Giang Nam, Phụng hoàng, Phụng cầu) và 7 bài nhạc lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc). Đây thường là những bài lớn rất dài và phức tạp (có khi hơn 10 phút mới chơi hết một bài) và đạt trình độ “cổ điển” về nhạc lý. Tương truyền rằng các bài bản này do ông bà Ba Đợi đúc kết và được xem như là những bài căn bản cho những người bắt đầu bước vào nghệ thuật đờn ca tài tử.
Từ năm 1945, ông Nguyễn Văn Thịnh thường được gọi là ông Giáo Thịnh - một nhạc sư có uy tín tại Sài Gòn đã đúc kết và phổ biến một hệ thống mới gọi là 72 bài bản cổ nhạc miền Nam được gọi là thất thập nhị huyền công. Một nghệ nhân sẽ được coi là bậc thầy nếu biết hết 20 bài bản tổ và để đạt được mức cao hơn nghệ nhân đó cần biết hết 72 bài bản cổ miền Nam. Đầu thế kỷ XX, ông Cao Văn Lầu (còn gọi là Sáu Lầu) đã sáng tác bài Dạ cổ hoài lang (Vọng cổ), là một trong những bài hát nổi tiếng và phổ biến nhất của Đờn ca tài tử.
Đến nay, đờn ca tài tử Nam Bộ được thực hành ở mọi lúc, mọi nơi: trong lễ hội, ngày giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt… Khán giả có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo lời mới.
Ở 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ, trải qua thời gian, nghệ thuật đờn ca tài tử luôn cho thấy một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê. Những người dân chân chất của vùng đất Nam Bộ ban ngày lo việc đồng áng, tối về tụ họp nhau chơi và thưởng thức đờn ca tài tử trước sân nhà. Không gian đó đã nuôi dưỡng nghệ thuật đờn ca tài tử và ươm mầm cho nhiều thế hệ say mê nghệ thuật này.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn nhận, đờn ca tài tử có sức lan tỏa, tác động mạnh tới công chúng chính là vì nó tồn tại song song ở cả hai hình thức: sinh hoạt thính phòng, mang hình thức truyền thống như khi mới ra đời và trình diễn trên các sân khấu.
Hiện nay các tỉnh, thành phố Nam Bộ đều có các câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử hoạt động. Môn nghệ thuật này được biển diễn thường xuyên ở những câu lạc bộ nơi miệt vườn thôn dã cho đến các điểm du lịch hay những sân khấu, hội thi, lễ hội quy mô lớn.
Tại Bình Dương, nhiều lớp học truyền dạy đờn ca tài tử đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương cùng các các địa phương thực hiện, góp phần đưa di sản văn hóa vào cuộc sống cộng đồng. Bình Dương hiện có trên 900 nghệ nhân đờn ca tài tử, hơn 60 câu lạc bộ ở các địa phương.
Cùng ở khu vực Nam Bộ, tỉnh Bạc Liêu là địa phương có Khu Lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu, trong nhiều năm qua, nghệ thuật Đờn ca tài tử được tỉnh đặc biệt quan tâm bảo tồn, tạo sự lan tỏa trong người dân ở các xóm ấp và cả du khách trong và ngoài nước. Toàn tỉnh có gần 200 câu lạc bộ đờn ca tài tử với khoảng 2.000 nghệ nhân đờn, ca tham gia sinh hoạt thường xuyên.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, những năm qua, các cấp, ngành đã ra sức giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật của bản "Dạ cổ hoài lang"; mở nhiều lớp hướng dẫn, truyền dạy hát bài “Dạ cổ hoài lang”, điệu thức trong nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ cho học sinh, sinh viên, các hội viên, nhân dân; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tìm hiểu sự ra đời, giá trị nghệ thuật bản "Dạ cổ hoài lang".
Tại TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều hoạt động gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật đờn ca tài tử, như: Liên hoan các giọng ca tài tử thiếu nhi TP Hồ Chí Minh (Giải Búp sen vàng); Liên hoan đờn ca tài tử TP Hồ Chí Minh (Giải Hoa sen vàng); Chương trình phát thanh Thanh âm dân tộc dạy ca tài tử trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh… Không chỉ là các chương trình lớn, mà đờn ca tài tử còn được triển khai bảo tồn và phát huy ở các địa phương với các mô hình lớp “Truyền dạy ca tài tử cho các CLB đờn ca tài tử và các em thiếu nhi” tại các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… và tại các trường tiểu học.
Nghệ nhân dân gian Phạm Thái Bình, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, cho biết, TP Hồ Chí Minh luôn là một trong những địa phương đi đầu trong việc giữ gìn và phát huy Di sản Văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; đặc biệt, trong các lễ hội mang tính cộng đồng hay quảng bá, xúc tiến kinh tế, du lịch TP Hồ Chí Minh không thể thiếu hoạt động trình diễn của loại hình này. Các chương trình được đầu tư dàn dựng quy mô, giàu bản sắc, quy tụ đội ngũ đông đảo và chất lượng những tài tử đờn, tài tử ca của Thành phố và khu vực Nam Bộ; góp phần đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ ngày càng lan tỏa, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người dân đô thị.
Là người đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu và lý luận, phê bình lĩnh vực đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, Tiến sỹ Lê Hồng Phước, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, với hệ thống gần 300 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử, thành phố cần tạo điều kiện để các câu lạc bộ hoạt động sôi nổi hơn. Thông thường, các câu lạc bộ tại các tỉnh Nam Bộ nói chung sẽ chọn bối cảnh sân vườn, dưới trăng trong, cảnh đẹp thi vị làm không gian thực hiện một buổi sinh hoạt. Tuy nhiên, ở thành phố, hoạt động này cần phải thay đổi để thích ứng cùng thời đại. Đơn cử như: một số câu lạc bộ đã chọn tổ chức sinh hoạt tại quán cà phê, các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà riêng... Một trong những điểm sáng chính là các nghệ nhân ca vẫn giữ được nét chân phương và chất ngẫu hứng cần có của loại hình này.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã chỉ rõ quan điểm “… phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc… phát huy lợi thế quốc gia về văn hóa dân tộc, thế mạnh các vùng, miền… liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng du lịch”.
Với những giá trị hiện hữu và tầm vóc một di sản thế giới được UNESCO vinh danh thì đờn ca tài từ là tài nguyên vô cùng đặc sắc để các địa phương và doanh nghiệp lữ hành có thể phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc thù vùng Nam Bộ.
Trên cơ sở những cố gắng của chính quyền và cộng đồng điểm đến trong việc bảo tồn và đưa nghệ thuật đờn ca tài tử đến với du khách, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp lữ hành cần phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào đờn ca tài tử. Cụ thể là khai thác những giá trị nổi bật và hấp dẫn du lịch của đờn ca tài tử để xây dựng các chương trình du lịch đưa du khách đến thưởng thức đờn ca tài tử tại những địa danh gắn với nhiều tên tuổi lớn như Nhạc Khị, Cao Văn Lầu, Mộng Vân… Tổ chức các tuyến du lịch nội vùng hoặc liên vùng tới Đồng bằng sông Cửu Long - cái nôi sinh ra đờn ca tài tử, đặc biệt là hai tỉnh Bạc Liêu và Long An. Xác định thời gian, địa điểm, không gian thưởng thức đờn ca tài tử trở thành một trong những hoạt động chính không thể thiếu trong chương trình du lịch đến các tỉnh Nam Bộ.
Và để đờn ca tài tử đủ hấp dẫn, trở thành hoạt động không thể thiếu trong chương trình du lịch, thật sự là sản phẩm du lịch hoàn thiện, còn nhiều việc phải làm. Theo đó, đờn ca tài tử phải hấp dẫn, dễ tiếp cận. Đặc biệt là phải mang được yếu tố "xem", bên cạnh "nghe". Sáng tạo, làm mới phong cách đờn ca tài tử sẽ vừa đảm bảo giữ được giá trị gốc, vừa tạo nên chỗ đứng vững vàng cho loại hình này, trong không gian du lịch. Đây chính là sự góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đờn ca tài tử. Có vậy, mới thu hút giới trẻ trở lại với sân chơi âm nhạc dân gian truyền thống; và nghệ nhân thêm hứng thú làm nghề, sống được với nghề. Bên cạnh đó, để đạt được sự thành công, còn cần đến vai trò "bà đỡ" của cơ quan văn hóa nhà nước, cùng tâm huyết của các doanh nghiệp du lịch.
Bài: Phương Anh - Thu Hương - Chanh Đa (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập Hoàng Linh
Trình bày: Nguyễn Hà
10/12/2023 06:10