Quy định 131-QĐ/TW và 132-QĐ/TW mới được Bộ Chính trị ban hành, chính là những bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các quy định này hướng đến việc chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ và ý thức tuân thủ pháp luật ở những cơ quan có nhiều thẩm quyền, giúp các cơ quan này thực sự trong sạch và trở thành những "thanh bảo kiếm", những tấm "lá chắn" sắc bén để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã có trên 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật, trong đó có trên 200 trường hợp bị xử lý hình sự.
Gần đây nhất, vụ án "chuyến bay giải cứu" đã để lại một bài học hết sức đau xót khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn 5 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, nhận mức án tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, tháng 10/2022, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) bị khởi tố, bắt tạm giam vì nhận hối lộ trong vụ "chạy án" tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Hay vụ án Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu bị bắt quả tang khi đang nhận tiền của một nữ bị cáo để chuyển 6 tháng tù giam thành 6 tháng tù treo...
Trên đây chỉ là một số ví dụ về việc cán bộ công tác trong các lĩnh vực bảo vệ pháp luật nhưng lại có những hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Những con số nêu trên có lẽ cũng chưa phản ánh đầy đủ, mà đâu đó vẫn còn có những trường hợp vi phạm chưa được đưa ra ánh sáng.
Theo PGS. TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, thực tiễn vừa qua trong một số vụ án, vụ việc đã xử lý cho thấy một số cán bộ thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật. Cán bộ ở các cơ quan phòng, chống tham nhũng thì lại tham nhũng, tiêu cực. “Đây là một thực trạng rất đau lòng mà lẽ ra những vụ việc này không nên xảy ra ở những cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều đó đã làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật”, PGS. TS Vũ Văn Phúc nói. Cho nên, theo ông Phúc, thực trạng này cần phải được chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc trong thời gian tới.
Còn Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhìn nhận: Câu chuyện cán bộ bảo vệ pháp luật mà lại vi phạm pháp luật là thực trạng đáng buồn. Nhưng buồn hơn cả là những trường hợp kể trên đã gây ra hệ quả xấu do tội phạm vi phạm pháp luật không bị xử lý một cách nghiêm túc, từ đó dẫn tới tâm lý “nhờn luật”, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Thực tế thời gian qua, các cơ quan kiểm tra của Đảng hay cơ quan thanh tra, kiểm toán; các cơ quan tư pháp đóng vai trò hết sức quan trọng giúp cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều vụ việc lớn, vụ việc khó đã được đưa ra ánh sáng, đã được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những “con sâu làm rầu nồi canh" gây ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào cán cân công lý.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định ngành công an sẽ làm gương trong việc thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó là làm trong sạch nội bộ.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành rất "lao tâm, khổ tứ" trong mọi lĩnh vực được Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao phụ trách. Tuy nhiên, vẫn có những cán bộ cấp dưới ở cơ sở, thậm chí là cán bộ ở cơ quan Trung ương vướng vào sai phạm gây ra những hậu quả đáng buồn.
Nêu lại câu chuyện 3 công an “bắn nhầm dê” của người dân ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng: Cán bộ vi phạm pháp luật dù muốn hay không muốn thì đã ảnh hưởng tới uy tín của ngành, uy tín của lực lượng công an. Nhiều đồng chí “Tư lệnh ngành” cũng bị ảnh hưởng đến uy tín do cấp dưới vi phạm, dẫn tới xói mòn lòng tin của nhân dân không chỉ riêng với cá nhân họ mà còn với cả ngành, lĩnh vực đó.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, đó là quyết tâm chính trị rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Với tinh thần đó, ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; và Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Lần đầu tiên, 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được nhận diện trong Quy định 131. Tương tự như vậy, 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được Quy định 132 chỉ rõ. Việc Bộ Chính trị ban hành 2 quy định này cho thấy đối tượng của Quy định 131 và 132 là rất đặc biệt, là những cán bộ được các cơ quan Đảng và Nhà nước giao quyền lực rất lớn để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, sự liêm chính của nền công vụ. Những quy định này là cần thiết và kịp thời nhằm răn đe, chấn chỉnh, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa và cũng là minh chứng khẳng định "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong thực hiện những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
PGS. TS Vũ Văn Phúc cho rằng: Cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật là những người bảo vệ công lý, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ. Họ là những người am hiểu pháp luật nhất, nhưng đã có một số người vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực nên cần thiết phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực ngay trong các cơ quan này. Việc Bộ Chính trị ban hành hai quy định này trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
“Nếu chúng ta kiểm soát được quyền lực, phòng, chống được tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thực thi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ đạt bước tiến mới. Đối tượng áp dụng của 2 quy định là những cán bộ có vai trò rất đặc biệt, bởi họ là những người "cầm cân nảy mực", những người bảo vệ công lý và mỗi một quyết định của họ có ảnh hưởng lớn đến những người khác”, PGS. TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Việc Bộ Chính trị ban hành hai Quy định 131 và 132 là những bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo PGS. TS Vũ Văn Phúc, có quan niệm cho rằng “không ai dám đụng đến” những người làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thế nhưng lần này, Bộ Chính trị ban hành hai quy định để kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp ở các cơ quan thực thi pháp luật và kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng. Điều đó sẽ có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh rất lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho rằng, có thể coi việc ban hành hai quy định này như "những luật chơi mới". Mới ở chỗ đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh không chỉ là con người cụ thể, mà cả cấp ủy, tổ chức Đảng ở nơi có người vi phạm, cũng chịu xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm. "Cho nên, tôi cho rằng đây là hai văn bản rất quan trọng giúp Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch đội ngũ cán bộ”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ cho hay.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cũng đồng quan điểm: "Tôi tin tưởng vào anh mà anh lại không giữ được phẩm chất, vi phạm pháp luật thì tôi còn biết tin tưởng ai được nữa. Cho nên, những cơ quan bảo vệ pháp luật phải gương mẫu đi đầu, phải quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan bảo vệ pháp luật".
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức ngày 17/8/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Mình là cơ quan phòng, chống tham nhũng mà lại tham nhũng thì mình nói được ai? “Chân mình còn lấm bê bê/Lại cầm bó đuốc đi rê chân người", Tổng Bí thư nhắc nhở.
Hiến pháp và pháp luật có được thực hiện nghiêm hay không thì hãy nhìn vào các cơ quan bảo vệ pháp luật và trực tiếp là nhìn vào những cán bộ trong các ngành, cơ quan bảo vệ pháp luật. Cho nên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần lưu ý, cán bộ công tác trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà "nhúng chàm" thì phải xử lý trước, xử lý thật nghiêm.
“Tôi cho rằng thông điệp của người đứng đầu của Đảng một lần nữa khẳng định: Những người làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật phải nêu gương trước nhân dân, phải tự mình tự soi, tự sửa. Và chính họ xử lý những vi phạm của người khác thì họ phải rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình và họ không được phép vi phạm pháp luật, không được phép tiêu cực”, PGS. TS Vũ Văn Phúc nói.
Đồng quan điểm này, ông Mai Công Quấn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình cho rằng, nếu những người làm công tác phòng, chống tham nhũng mà lại tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật thì cần phải bị xử lý nghiêm khắc hơn những người khác. Bởi họ là những người am hiểu pháp luật, là người đi điều tra, truy tố, xét xử người khác mà lại vi phạm, thì phải xử lý nghiêm hơn.
Quy định 131 và 132 đã nêu rõ những "điều cấm" đối với từng chủ thể, tạo nên "hành lang pháp lý mới" đối với cán bộ, đảng viên khi thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật và kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng. Các quy định này tiếp tục góp phần củng cố niềm tin của người dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", vào quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và vào vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Bài: Viết Tôn/Báo Tin tức
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Trình bày: Nguyễn Hà
25/11/2023 06:10