Ra đời trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng Thanh niên xung phong đã không ngừng rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; tham gia chiến đấu trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên những kỳ tích lịch sử của dân tộc.

Đầu những năm 50 của thế kỷ XX, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã đến thời điểm quyết liệt, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên Cứu quốc tổ chức một lực lượng Thanh niên xung phong. 

Ngày 15/7/1950, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Sau đó, các Đội Thanh niên xung phong khác lần lượt ra đời, nhiệm vụ được giao là mở đường, vận chuyển lương thực thực phẩm, khiêng thương, tải đạn, sát cánh với bộ đội, phục vụ chiến đấu, phục vụ chiến trường, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não chiến khu Việt Bắc (ATK).

Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước 552 (Hà Tĩnh) dũng cảm vừa chiến đấu vừa đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến đường trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc.

Sự kiện này chứng tỏ rằng, Bác Hồ nhận thấy vai trò to lớn của thanh niên. Nếu được tổ chức lại, được động viên, bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước, kết hợp ý chí người Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thanh niên, Bác đánh giá cao và tin tưởng họ có sức mạnh dời non lấp biển. 

Ngày 15/7 từ đó đã đi vào lịch sử, được lấy làm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam. Sự ra đời của lực lượng Thanh niên xung phong là sự sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là sự lãnh đạo xuất sắc của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Trường học lớn của thanh niên xung phong đã giáo dục và rèn luyện một cách toàn diện về chính trị, tư tưởng, quân sự, văn hóa và niềm tin, lối sống, bằng những phương châm, phương pháp rất phù hợp đặc điểm, đậm tính sáng tạo thanh niên. Đây là bài học quý giá cho hôm nay về mô hình, tổ chức, về nội dung, phương thức tập hợp, giáo dục thanh niên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trong kháng chiến, nhất là chiến dịch, nếu không có Thanh niên xung phong, bộ đội sẽ gặp khó khăn. Bởi công tác hậu cần, nhất là công tác xây dựng các tuyến đường chiến lược và bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến là vô cùng khó khăn và cực kỳ quan trọng, quan trọng không kém công tác chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu hàng ngày, hàng giờ. Lực lượng Thanh niên xung phong đã thực sự đem tinh thần “xung phong” mà Bác Hồ dạy, xung phong trên các chiến trường, góp phần cùng Quân đội lập nên những chiến công oanh liệt và cùng xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng...” (Trích “Tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn Thanh niên xung phong, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2017).

Thanh niên xung phong là lực lượng đã góp phần cùng toàn quân, toàn dân ta hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Với khí thế của phong trào "Ba sẵn sàng", "Năm xung phong", lực lượng Thanh niên xung phong đã có mặt ở các chiến trường, địa bàn trọng điểm, sát cánh cùng bộ đội tham gia chiến đấu. 

Họ phần lớn đều có tuổi đời còn rất trẻ nhưng đều có mặt nơi những chiến trường khốc liệt. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” lực lượng Thanh niên xung phong đã góp một phần quan trọng tham gia phục vụ chiến dịch. Trong mưa bom, bão đạn, lực lượng thanh niên xung phong đã xẻ núi, bạt đồi, vận chuyển lương thực, vũ khí, vận tải cứu thương,…

Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Thanh niên xung phong đã tham gia mở đường Trường Sơn huyền thoại, khắc ghi chiến công tại ngã ba Đồng Lộc, phà sông Gianh, Truông Bồn, Hàm Rồng… Sau ngày giải phóng miền Nam, lực lượng Thanh niên xung phong tiếp tục tham gia xây dựng kinh tế mới, bảo vệ biên giới…

Đội TNXP tích cực tham gia sản xuất, san đồi làm đường chống Mỹ, cứu nước.

Ghi nhận những đóng góp của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020) tại Hà Nội, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết: 70 năm qua, trên 65.000 nam nữ Thanh niên xung phong đã gắn bó máu thịt với cách mạng, trên nhiều mặt trận, phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, lao động sáng tạo với tinh thần dũng cảm, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trên 6.700 Thanh niên xung phong đã hy sinh; trên 40.400 Thanh niên xung phong bị thương qua các thời kỳ; trên 14.000 người bị nhiễm chất độc dacam/điôxin. Nhiều tên người, tên đất đã đi vào lịch sử không chỉ của Thanh niên xung phong, của thế hệ trẻ Việt Nam mà còn được lịch sử cách mạng Việt Nam ghi nhận. 

Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn khẳng định, các thế hệ Thanh niên xung phong Việt Nam trong kháng chiến là những tấm gương sáng ngời về chí khí anh hùng cách mạng, đã không tiếc tuổi thanh xuân, máu xương vì Tổ quốc, một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ. Nền độc lập, hòa bình - thành quả mà đất nước có được ngày hôm nay đã được các bậc tiền bối cách mạng cũng như biết bao thế hệ Thanh niên xung phong, lực lượng vũ trang và hàng triệu người con Việt Nam năm xưa đánh đổi bằng máu xương, hạnh phúc.

Trải qua các thời kỳ kháng chiến, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc..., hoạt động trong điều kiện chiến tranh ác liệt, địa bàn khó khăn, gian khổ, nhiều Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mang trên mình những vết thương, sức khỏe giảm sút, thiếu chỗ dựa gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, họ rất cần sự gần gũi, giúp đỡ của đồng đội, đồng thời cần được Nhà nước và xã hội quan tâm.

Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh hăng hái lên đường đi xây dựng vùng kinh tế mới, ngày 28/3/1976.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vì các đơn vị đã giải thể, cơ quan quản lý trực tiếp cũng giải thể hoặc chuyển đổi nên hồ sơ tài liệu về đơn vị Thanh niên xung phong, cán bộ, đội viên... qua nhiều năm bị thất lạc, gây khó khăn cho công tác giải quyết chế độ chính sách. Trong khi đó, cựu Thanh niên xung phong không có tổ chức đại diện làm nhân chứng lịch sử để giúp Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng giải quyết những tồn đọng về chính sách.

Trước đòi hỏi đó, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam được thành lập ngày 19/12/2004 và dần mở rộng tại các cấp Hội cơ sở tại nhiều địa phương. Với vai trò là “nhân chứng lịch sử, vì nghĩa tình đồng đội”, mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song hơn 15 năm qua, Hội đã góp phần tích cực bảo vệ lợi ích chính đáng của cựu Thanh niên xung phong, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống; cùng với Đoàn Thanh niên tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu nhi phát huy truyền thống lịch sử, phẩm chất của Thanh niên xung phong Việt Nam.

Những năm qua, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức nhiều nội dung, phương thức hoạt động phong phú, hấp dẫn, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội, đáp ứng nguyện vọng của cựu thanh niên xung phong, đóng góp vào công tác xã hội và cải thiện đời sống gia đình hội viên, trong đó, nổi bật nhất phải kể đến phong trào “Cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội”.

Thanh niên xung phong thu hoạch lúa tại tỉnh Kiên Giang sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Hưởng ứng phong trào, hàng vạn cựu Thanh niên xung phong trên cả nước đã triển khai học tập, xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế thành công. Các cựu Thanh niên xung phong đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vật nuôi, cây trồng; phát triển sản xuất, kinh tế hàng hóa, dịch vụ, làm giàu cho bản thân và gia đình; đồng thời có điều kiện giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế. Qua đó, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, phát huy tinh thần lao động cần cù, vượt khó, dám nghĩ dám làm, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Trở về sau chiến tranh, những chiến sĩ Thanh niên xung phong trong thời bình đã tìm tòi, sáng tạo, vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng. Họ tận dụng đất đai, nguồn vốn, sức lao động của con người để sản xuất, kinh doanh, bứt phá, lăn lộn với thương trường như trong chiến trường đánh Mỹ, đánh Pháp. Nhiều người có xuất phát điểm rất thấp, nhưng họ có ý chí, có nghị lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và cho xã hội.

TNXP Thành phố Hồ Chí Minh tham gia sản xuất muối tại Lâm trường Lý Nhơn - Duyên Hải.

Từ những cố gắng, nỗ lực ấy, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đã được hình thành, từ hộ gia đình, liên kết sản xuất, đến thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã ngành nghề, với phương thức kinh doanh đa dạng: từ mô hình kinh doanh đồi rừng, miệt vườn, VAC đến nông trại, trang trại; kinh doanh vận tải, vật liệu xây nhà thủy sản, chế biến; kinh doanh xây dựng, nội thất; sản xuất đồ gỗ, điêu khắc đến xuất khẩu; phát triển làng nghề truyền thống như kim hoàn, vàng , các ngành cơ khí, lắp ráp sửa chữa ô tô, xe máy...

Nhiều cựu Thanh niên xung phong khởi nghiệp khi tuổi đã cao. Họ đào tạo và hướng dẫn con cháu theo mình lập nghiệp, trong đó phải kể đến các mô hình kinh doanh đồi rừng kết hợp trang trại của cựu Thanh niên xung phong tại các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung. Mô hình trồng cam Cao Phong của cựu Thanh niên xung phong ở Hòa Bình; mô hình nuôi gà trang trại ở Ba Vì (Hà Nội); vườn cây ăn quả ở Hà Nam, Hưng Yên, Đắk Nông; trồng cao su ở Bình Dương. Họ chặn dòng chảy thành ao nuôi cá ở Yên Thành (Nghệ An), kinh doanh chế biến thủy sản ở Quảng Trị; sản xuất kim hoàn ở Đồng Xâm (Thái Bình); xây dựng và sản xuất vật liệu ở Quảng Bình; kinh doanh nước đá ở Kiên Giang phục vụ nghề biển, môi giới bất động sản ở Hà Nội, công nghiệp ô tô Đồng Nai...

Phát huy tính sáng tạo, nhiều mô hình kinh doanh đã đạt được hiệu quả. Các mô hình nuôi chim yến, lợn rừng ở Bạc Liêu; nuôi lợn sạch ở Bình Thuận, Lạng Sơn, nuôi lợn thương phẩm ở Hải Phòng, bò sữa ở Bắc Ninh, nuôi ong ở Nghệ An; sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ từ gỗ lũa của Tuyên Quang, cây cảnh ở Hà Nam, làng nghề sản xuất hương ở Bắc Ninh, làm muối ở Ninh Thuận, nuôi trồng thủy sản; sản xuất các dụng cụ y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh... đều cho thu nhập tốt và có lãi.

Với những hình thức kinh doanh, ngành nghề phong phú, đa dạng, thành công của cựu Thanh niên xung phong ở nhiều tỉnh thành là do biết tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh doanh, cũng từ đó làm giàu cho chính quê hương mình. Tuy nhiên, kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi, sự bất ổn, rủi ro của thương trường đôi lúc cũng khiến cựu Thanh niên xung phong gặp nhiều khó khăn. Song bản lĩnh của người lính, của Thanh niên xung phong trong chiến tranh lại vực họ dậy, tiếp tục chiến đấu. Nghị lực ấy, bản lĩnh ấy có được chính là do đã trải qua tôi luyện trong trường học lớn Thanh niên xung phong.

Hội cựu Thanh niên xung phong thăm quan phòng truyền thống. 

Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho biết: Kể từ khi được phát động tháng 10/2011, phong trào đã thu hút đông đảo cựu Thanh niên xung phong cả nước đồng tình, ủng hộ, phấn khởi tham gia, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, gắn kết hội viên, cải thiện đời sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Tính đến hết năm 2019, cả nước có trên 13.000 hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, với tổng số vốn sản xuất, kinh doanh trên 12.000 tỷ đồng, thu nhập hằng năm trên 3.000 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước trên 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động, trong đó phần lớn là con em cựu Thanh niên xung phong. 

Ngày 7/7/2020, tại Khu di tích lịch sử thanh niên Việt Nam ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ sáng lập Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020).

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, có được những kết quả đáng ghi nhận này là do các cấp Hội đã tích cực, năng động, sáng tạo trong quá trình vận động, hướng dẫn thực hiện phong trào. Phong trào “Cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội” đã được hơn 30 tỉnh, thành hội đã thực hiện tốt, qua đó xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình làm kinh tế giỏi.

Từ nguồn thu của các mô hình kinh tế, các cựu Thanh niên xung phong đã đóng góp trên 10 tỷ đồng để giúp đỡ đồng đội khó khăn, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cấp hội trên 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cựu Thanh niên xung phong cả nước còn tiết kiệm, đóng góp xây dựng “Quỹ Nghĩa tình đồng đội” được gần 300 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, công ty, tập đoàn, hộ gia đình cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế đã trích một phần lợi nhuận của mình để hỗ trợ hoạt động cho Hội Cựu Thanh niên xung phong các cấp hoạt động, gây quỹ cho hội viên vay vốn không lấy lãi, tặng con giống như dê, bò, cừu cho các gia đình khó khăn...

Hội Cựu thanh niên xung phong Quảng Bình dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ.

Đặc biệt, nhiều gia đình cựu Thanh niên xung phong khó khăn còn được đồng đội cưu mang như gia đình cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Thị Lý ở Quảng Trị. Doanh nghiệp của cựu Thanh niên xung phong Đặng Phước Hùng trong 5 năm (2014-2018) đã góp hàng tỷ đồng mỗi năm cho công tác an sinh xã hội của tỉnh Tây Ninh và Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh; doanh nghiệp của cựu Thanh niên xung phong Trần Tấn Phát ở Đồng Nai ủng hộ 800 triệu đồng để xây 20 nhà tình nghĩa...

“Cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội” không chỉ là một cuộc vận động kinh tế - chính trị rộng lớn mà đã trở thành phong trào thiết thực góp phần gắn kết các hội viên, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đồng đội xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình, là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập, tạo nên sức mạnh mới của cựu Thanh niên xung phong trong thời bình.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao hoa và biểu trưng tặng các cá nhân điển hình tiêu biểu được tôn vinh.

Truyền thống cách mạng, phẩm chất của Thanh niên xung phong trong kháng chiến được phát huy, nuôi dưỡng đến hôm nay và là hình mẫu để thế hệ trẻ học hỏi, tiếp bước cha anh, cùng chung sức thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2020) diễn ra tại Hà Nội ngày 14/7, bày tỏ sự xúc động khi được gặp đại diện thanh niên xung phong qua các thời kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định lực lượng Thanh niên xung phong đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Những mốc lịch sử, những chiến thắng vang dội trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đều có dấu ấn đóng góp quan trọng, hy sinh lớn lao của lực lượng Thanh niên xung phong.

“Chính từ những nơi khốc liệt nhất của chiến tranh, bị tàn phá ác liệt nhất của bom đạn lại là nơi thể hiện cao nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù, tinh thần lạc quan yêu đời, nghĩa tình đồng đội sâu nặng... Những tấm gương hy sinh anh dũng của Thanh niên xung phong, điển hình như tại Ngã ba Cò Nòi, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Ga Lưu Xá… đã góp phần tô thắm chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trở thành niềm tự hào của các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các cá nhân điển hình tiêu biểu được tôn vinh.

Khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ và tri ân những cống hiến hy sinh to lớn của các thế hệ Thanh niên xung phong, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong suốt chặng đường 70 năm qua, lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Từ phong trào cách mạng này đã sản sinh nhiều tập thể, cá nhân anh hùng tiêu biểu của một thế hệ thanh niên anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Để tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng thanh niên xung phong ngày càng đầy đủ và tốt hơn nữa, Thủ tướng đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cùng các cấp, ngành tập trung thực hiện hai nhóm nhiệm vụ: Chăm lo đời sống cho cựu thanh niên xung phong; phát huy hiệu quả hoạt động của Thanh niên xung phong trong thời kỳ mới.

Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát các chế độ chính sách cho cựu thanh niên xung phong, nâng cao mức sống cho cựu thanh niên xung phong tối thiểu đạt ngang mức trung bình của người dân trong khu vực, không để bất kỳ cựu thanh niên xung phong nào thuộc diện hộ nghèo, nhất là những đồng chí tuổi cao, bệnh tật, neo đơn; quan tâm tới đời sống hằng ngày, chăm sóc sức khỏe, giải quyết công ăn việc làm không chỉ cho các cựu thanh niên xung phong mà còn đối với con em họ.

Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cần quan tâm tổ chức, lồng ghép các chương trình, các cuộc vận động một cách hiệu quả; nâng cao chất lượng phong trào cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, vì nghĩa tình đồng đội, góp phần phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công theo hướng tăng mức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu cựu Thanh niên xung phong.

Các cấp Hội cũng cần phối hợp với cơ quan liên quan phấn đấu hoàn thành cơ bản việc giải quyết chế độ, chính sách cho người có công, hạn chế tối đa tình trạng để hồ sơ tồn đọng; thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương, khen thưởng cựu thanh niên xung phong, phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách thuận lợi để Thanh niên xung phong ngày nay tham gia phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng quê hương, đất nước. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các bộ ngành chức năng tham mưu, đề xuất cụ thể hóa những quy định về Thanh niên xung phong trong Luật Thanh niên sửa đổi mà Quốc hội mới ban hành.

Bài: Trần Hiền Hạnh - Hoàng Linh
Ảnh: TTXVN; Video: Vnews
Trình bày: Quốc Bình

15/07/2020 03:00