Đam mê làm báo từ khi còn ngồi trên ghế phổ thông, năm 2016 về công tác tại báo điện tử Vnexpress, phóng viên trẻ Mai Huy Mạnh không ngừng dấn thân, thâm nhập cuộc sống. Trong quá trình tác nghiệp, anh luôn “có duyên” với những vụ cháy nổ. Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, nhận được tin cháy nổ, anh nhanh chóng đến hiện trường. Cũng bởi vậy, Huy Mạnh được đồng nghiệp gọi với biệt danh “phóng viên cháy nổ”.

“Nhiều lần đến hiện trường vụ cháy rồi lại về vì đám cháy nhỏ, sớm được khống chế. Không làm được tin, bài, nhưng tôi thấy vui vì người dân đã được an toàn”, Huy Mạnh nói.

Là phóng viên đa phương tiện, đưa thông tin đến công chúng chủ yếu thông qua thị giác nên việc có mặt tại hiện trường, ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc đang diễn ra, luôn được phóng viên Huy Mạnh chú trọng.

Phóng viên Huy Mạnh “trắng đêm” cập nhật thông tin vụ hỏa hoạn tại Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông năm 2019.

23 giờ 30 phút ngày 12/9/2023, chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày tác nghiệp vất vả, Mai Huy Mạnh nhận được tin xảy ra hỏa hoạn tại 29/70 Khương Hạ. Mở cửa ban công, anh thấy những cột khói đen, bốc cao ngun ngút, anh ngay lập tức xách đồ tác nghiệp, phóng xe máy đến hiện trường trong đêm.

“Lúc đó, lực lượng chức năng phong tỏa mặt trước của tòa chung cư để phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ, tôi nhanh chóng tìm vị trí tiếp cận khác. Vừa đến phía sau tòa chung cư, tôi thấy một người nằm dưới đất, đang được đưa ra ngoài, xung quanh nhiều âm thanh hỗn độn, ồn ào. Vì thường xuyên tác nghiệp trong các đám cháy nên tôi khá bình tĩnh, ghi lại những khoảnh khắc nạn nhân la hét, kêu cứu; lực lượng phòng cháy chữa cháy tất bật đập tường, đập sắt,... đến những giây phút thót tim đưa người ra ngoài thành công,...”, nhà báo Mai Huy Mạnh chia sẻ.

Để có nhiều hình ảnh, thước phim ấn tượng, phóng viên Huy Mạnh không ngại dấn thân. Có những vụ cháy, anh “ăn nằm” tại hiện trường nhiều giờ đồng hồ. Lăn lộn trong không gian bụi khói ướt đẫm mồ hôi, tay chân rã rời, lấm lem,... nhưng ngọn “lửa nghề” đã giúp nhà báo trẻ vượt lên mọi khó khăn, thử thách, nghiêm túc theo đuổi thông tin.

“Tôi nhớ như in 18 giờ 30 phút, ngày 28/8/2019, khi nhận được tin cháy kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, ngay lập tức tôi phóng xe đến hiện trường. Trong 8 giờ tiếp theo, tôi bám trụ hiện trường, liên tục cập nhật thông tin mới nhất về hiện trường vụ cháy, công tác cứu hộ của lực lượng chức năng,...”, phóng viên Huy Mạnh kể lại. Không chỉ “chạy đua” với “bà hỏa”, công việc làm báo mang đến cho anh nhiều trải nghiệm.

Phóng viên Mai Huy Mạnh “chạy đua” với lũ lụt tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội)

Huy Mạnh nhớ những lần “chạy đua” với lũ lụt tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) hay tác nghiệp trong vụ sập hầm khai thác vàng trái phép tại huyện Lạc Thủy (tỉnh Hoà Bình) năm 2018; vụ bắt 2 trùm ma túy ở xã Lóng Luông (tỉnh Sơn La); tác nghiệp trong đại dịch COVID-19, ngập lụt tại thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội), tác nghiệp vụ sạt lở đất đá tại huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) năm 2017… Vất vả, nguy hiểm rình rập, nhưng với phóng viên Huy Mạnh, việc được tác nghiệp trong tình huống khẩn cấp như bão lũ, hỏa hoạn, sạt lở... luôn mang đến những góc nhìn mới mẻ.

“Tôi nhớ mãi lần tác nghiệp vụ sạt lở đất đá tại huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) năm 2017, khi đó tôi làm nghề được khoảng 1 năm. Tôi cùng 3 phóng viên “đội mưa”, đi xe máy lên Hòa Bình ghi nhận thông tin, hình ảnh vụ sạt lở đất đá. Đường lên Hòa Bình ngày mưa bão dường như xa hơn, trắc trở hơn, xe chết máy nhiều lần, chúng tôi hải dắt bộ nhiều cây số,... nhưng ai nấy đều tràn đầy năng lượng, tràn đầy nhiệt huyết làm nghề”, Huy Mạnh chia sẻ.

Tại hiện trường các vụ cháy, phóng viên, nhà báo Huy Mạnh tập trung khai thác những hình ảnh về con người, khoảnh khắc sinh tử của những người mắc kẹt trong đám cháy, nỗ lực cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng.

“Khi còn là sinh viên, tôi đã lăn xả với mảng thông tin nóng về giao thông,... nên tôi rèn luyện được bản lĩnh, bình tĩnh khi tác nghiệp trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, điều khiến tôi gặp nhiều khó khăn nhất là việc tiếp cận hiện trường. Khi tác nghiệp tại hiện trường, tôi cố gắng quan sát, di chuyển nhiều vị trí khác nhau để không bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá tại hiện trường”, Huy Mạnh trải lòng.

Tác nghiệp trong giai đoạn chống dịch Covid-19.

Trong những năm làm nghề, phóng viên Huy Mạnh không ít lần phải đối phó với những đối tượng quá khích, bị các đối tượng đe dọa, hành hung… đối mặt với những tình huống đó, anh cố gắng bình tĩnh, kiên trì “cảm hóa” họ.

“Sau nhiều lần bị đe dọa, thậm chí hành hung khi tác nghiệp, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân: Dừng lại một vài phút để quan sát, phân tích hiện trường trước khi tiếp cận sâu, bản thân nhà báo, phóng viên phải tự bảo vệ an toàn cho mình, sau đó mới có thể bảo vệ được sự thật và lẽ phải”, Huy Mạnh chia sẻ.

Phóng viên trẻ say sưa tác nghiệp trong đêm.
Tác ghiệp trong vụ bắt trùm ma túy ở xã Lóng Luông (tỉnh Sơn La).

Sau 8 năm làm nghề, tác nghiệp hàng nghìn vụ cháy lớn nhỏ,... đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhưng Huy Mạnh luôn tâm niệm: Lăn xả, dấn thân hết mình, bởi Huy Mạnh luôn tâm niệm: làm báo không chỉ là một công việc, mà nó là niềm hạnh phúc, niềm hãnh diện trong cuộc đời.

Chính những lần tác nghiệp hiện trường khắc nghiệt như vậy, đã giúp cho phóng viên Mai Huy Mạnh vững vàng, bản lĩnh, ngày càng trưởng thành hơn trong công việc.

Bài: Hồng Phượng; Ảnh: NVCC

20/06/2024 11:01