Thông tin từ các hãng thông tấn Nhật Bản, ban tổ chức Olympic 2020 đã có kế hoạch kiểm soát COVID-19 một cách hết sức chặt chẽ. Các chính sách thử nghiệm COVID-19 sẽ sớm được công bố sau cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm đối phó với COVID-19 bao gồm các quan chức của Chính phủ Nhật Bản, Chính quyền Thủ đô Tokyo và Ban tổ chức Tokyo 2020 với Thủ tướng chính phủ.

Theo đó, các vận động viên có thể sẽ phải kiểm tra COVID-19 từ 4 đến 5 lần trong thời gian lưu trú tại Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Tokyo 2020.

Vẫn chưa biết liệu khán giả có thể tham dự Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 hay không. Nhưng từ phía Ban tổ chức vẫn đang nỗ lực đưa ra các biện pháp đối phó với COVID-19 để đảm bảo tổ chức Thế vận hội thành công, an toàn và hy vọng về một Thế vận hội với có khán giả đến sân.

Đồng hồ đếm ngược tới ngày khai mạc Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản bị tạm ngừng do dịch COVID-19. Ảnh: AFP/ TTXVN.

 

Nhật Bản hiện có thời hạn cách ly 14 ngày đối với những người mới đến từ hầu hết các quốc gia, nhưng các nhà tổ chức đang xem xét nới lỏng các hạn chế. Đây được coi như một phần trong chính sách của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nhằm phục hồi ngành du lịch.

Song song với việc nới lỏng hạn chế sẽ là những yêu cầu ngặt nghèo hơn để theo dõi du khách. Kể từ tháng 3 năm sau, Nhật Bản sẽ thành lập một trung tâm theo dõi sức khỏe để theo dõi du khách trước và trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Tokyo 2020. Đất nước này đang có kế hoạch chấp nhận các chuyến du lịch theo nhóm nhỏ trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020.

Ban tổ chức dùng nhiều biện pháp để đo lường nguy cơ bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

 

Công dân nước ngoài từ 152 quốc gia và khu vực hiện bị cấm nhập cảnh vào Nhật Bản do hậu quả của đại dịch COVID-19. Theo hướng dẫn mới, khách du lịch sẽ có thể nhập cảnh vào đất nước này nếu họ cung cấp kết quả xét nghiệm, mua bảo hiểm y tế và tải xuống ứng dụng theo dõi điện thoại thông minh khi đến.

 

Khách du lịch cũng sẽ được yêu cầu đăng ký số hộ chiếu của họ với trung tâm theo dõi sức khỏe và cập nhật thông tin hàng ngày về tình trạng sức khỏe của họ trong hai tuần. Nếu nghi ngờ có nhiễm bệnh, Trung tâm sẽ tư vấn bằng nhiều ngôn ngữ và thông tin thu thập được sẽ được cung cấp cho các trung tâm y tế công cộng và chính quyền địa phương.

Trung tâm cũng được thiết lập để tạo ra các hướng dẫn cho các khách sạn và đại lý du lịch về cách ứng phó nếu một du khách xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Bên cạnh đó, việc đeo khẩu trang cũng được đưa ra. Ban tổ chức Tokyo 2020 Toshirō Mutō cho biết các biện pháp dành cho khán giả, bao gồm cả cư dân không phải là người Nhật Bản, sẽ được đưa ra vào mùa xuân, trong khi Thống đốc Tokyo Yuriko Koike gần đây đã tiết lộ

Theo báo chí Nhật Bản, ban tổ chức dành 960 triệu USD để chi cho các biện pháp đối phó với COVID-19 tại Tokyo 2020.

 

Khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ là những quy định áp dụng trong thời gian diễn ra Tokyo 2020.

Những người tham gia vào Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Tokyo 2020 sẽ được yêu cầu sử dụng khẩu trang mọi lúc cũng như thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Vòng tròn Olympic được trưng bày tại sân vận động Quốc gia Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN.

 

Các vận động viên và nhân viên sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang ở mọi thời điểm ngoại trừ khi thi đấu và trong các bữa ăn. Đây là một phần của kế hoạch để tránh những rủi ro được gọi là tắt là “3 C” đó là không gian hẹp trong nhà, nơi đông đúc và khi tiếp xúc gần.

 

Các địa điểm trong nhà sẽ được thông gió 30 phút một lần, trong khi những người trong Làng vận động viên sẽ chỉ có thể ở căng tin trong 30 phút cho bữa sáng và một giờ cho bữa trưa và bữa tối.

Các thành viên tại Làng sẽ nhận được thông báo về thực đơn trên điện thoại để tránh tắc nghẽn. Các biện pháp đối phó COVID-19 theo kế hoạch đã được Ban tổ chức Tokyo 2020 đệ trình Ủy ban Olympic Quốc tế và Ủy ban Paralympic Quốc tế và đang chờ đợi kết luận liên quan tới các biện pháp đối phó nào sẽ được sử dụng.

Trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã chia sẻ thông tin về vaccine COVID-19 hiệu quả khiến ông tin tưởng rằng Tokyo 2020 có thể đón khán giả đến sân vận động vào năm tới với một môi trường an toàn. Chủ tịch Bach cũng tiết lộ các vận động viên sẽ được khuyến khích tiêm vaccine trước Thế vận hội Olympic, nhưng đó không phải là yêu cầu bắt buộc.

 

Chủ tịch Ủy ban phối hợp Ủy ban Olympic quốc tế John Coates cho biết: các vận động viên lưu trú lâu hơn tại Làng vận động viên sẽ làm tăng khả năng xảy ra rủi ro. Trong thời gian diễn ra sự kiện, số lượng các vận động viên sẽ không giảm và để đảm bảo rằng Làng vận động viên sẽ là nơi an toàn nhất, Ủy ban Olympic quốc tế và Ban tổ chức nước chủ nhà sẽ kiểm soát chặt chẽ để địa điểm này không bị quá tải số lượng người lưu trú. Đồng thời, đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng, các đội thể thao, các Ủy ban Olympic quốc gia và các Liên đoàn thể thao quốc tế.

Ông John Coates cũng đưa ra khuyến cáo các vận động viên sẽ hạn chế ở lại Làng vận động viên càng nhiều càng tốt. Các vận động viên cũng có khả năng được yêu cầu ở lại Làng trong thời gian họ ở thủ đô Nhật Bản và sẽ được khuyến khích không ra ngoài tham quan.

 

Ủy ban Paralympic quốc tế cũng đưa ra hướng dẫn về thời gian lưu trú cho Thế vận hội Paralympic mùa hè Tokyo 2020 tương tự với hướng dẫn của Ủy ban Olympic quốc tế. Theo đó, các vận động viên tham dự Thế vận hội Paralympic mùa hè Tokyo 2020 được yêu cầu chỉ đến trước từ 5 đến 7 ngày trước khi môn thi diễn ra và khởi hành không quá 2 ngày sau khi kết thúc thi đấu theo hướng dẫn về thời gian lưu trú đã được Ủy ban Paralympic quốc tế phê duyệt. Mục đích của hướng dẫn là "giảm thiểu số lượng người lưu trú trong Làng Paralympic tại bất kỳ thời điểm nào để giảm thiểu rủi ro do phơi nhiễm COVID-19".

Ủy ban Paralympic quốc tế cũng thông báo với các Ủy ban Paralympic quốc gia rằng họ sẽ "cần phải điều chỉnh chính sách đến và đi" để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí. Một số trường hợp ngoại lệ về thời gian lưu trú được xem xét tùy thuộc vào các tiêu chí cụ thể.

Cùng với đó, số lượng các quan chức tham dự Lễ Khai mạc Thế vận hội Olympic và Paralympic mùa hè Tokyo 2020 cũng sẽ được giới hạn như một phần những giải pháp đối phó với COVID -19. Trưởng Ban tổ chức Tokyo 2020 Yoshirō Mori cho biết, Ban tổ chưc sẽ phải cân nhắc về số lượng người tham gia diễu hành tuy nhiên không muốn bất cứ vận động viên nào mất đi quyền được tham gia diễu hành.

 

Các sự kiện thử nghiệm của Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã được lên lịch trở lại vào tháng 3/2021 - một năm sau khi bị tuyên bố tạm ngừng do đại dịch COVID-19. Tokyo 2020 đã công bố lịch cập nhật cho 18 giải đấu mà Ban tổ chức lên kế hoạch triển khai bao gồm cả các biện pháp đối phó COVID-19. Trung tâm thể thao dưới nước ở Tokyo sẽ tổ chức sự kiện thử nghiệm đầu tiên vào năm 2021 đó là giải Bơi nghệ thuật của Liên đoàn Bơi thế giới từ ngày 4 - 7/3.

Chín sự kiện sau đó sẽ được tổ chức trong tháng 4/2021 ở nhiều địa điểm khác nhau tại Tokyo như: Sân đua xe đạp lòng chảo Izu, Trường bắn Asaka, Công viên Thể thao Đô thị Ariake, Trung tâm Bóng nước Tatsumi và Sân vận động Tokyo. Trung tâm Thể dục Ariake dự kiến sẽ tổ chức hai sự kiện tiền Thế vận hội vào tháng 5 với Cúp thế giới toàn năng Thể dục Nghệ thuật ở Tokyo, sau đó là một giải thể dục nhịp điệu. Một giải đấu bóng chuyền tại Ariake Arena cũng như các giải đấu điền kinh và bóng rổ 3 x 3 cũng sẽ diễn ra vào tháng 5.

Ngọn lửa tinh thần Olympic vẫn được thắp sáng ở Tokyo, chờ ngày tỏa sáng.

 

Ban tổ chức Tokyo 2020 cho biết các sự kiện thử nghiệm sẽ được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Yoyogi đối với môn bóng bầu dục xe lăn, môn điền kinh Para tại Sân vận động Olympic và Công viên Sapporo Odori là nơi diễn ra các cuộc thi marathon. Tuy nhiên, thời gian cụ thể của những sự kiện này vẫn chưa được xác nhận.

Cuộc thăm dò do các hãng tin Nhật Bản công bố mới đây cho thấy phần đông người dân Nhật Bản muốn Thế vận hội Tokyo hủy bỏ hoặc hoãn khi đất nước đang trải qua đợt gia tăng mới các trường hợp nhiễm virus corona:

Ngoài việc kiểm tra thi đấu, sử dụng công nghệ và lực lượng nhân sự thì các biện pháp chống lại COVID-19 cũng sẽ nằm trong số các yếu tố được thử nghiệm. Ban tổ chức Tokyo 2020 cũng cho biết để đối phó với tình huống COVID-19, sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với sự lây nhiễm và lên kế hoạch tiến hành các cuộc kiểm tra toàn diện địa điểm thi đấu.

Hình ảnh biểu tượng Olympic Tokyo 2020.

 

Trước những nỗ lực "giăng thiên la địa võng" ngăn chặn dịch bệnh của ban tổ chức và chính quyền địa phương, lòng dân Nhật Bản vẫn ngả nghiêng với những mong muốn hoãn, hủy kỳ Thế vận hội mùa hè khi COVID-19 vẫn là mối đe dọa lớn nhất trên toàn cầu. Cùng hy vọng năm 2021 sẽ là năm thật thành công của Olympic Tokyo 2020.

Bài: Lê Sơn/Báo Tin tức
Ảnh: AP, AFP
Đồ họa: TTXVN

29/12/2020 06:35