Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, Việt Nam đã nỗ lực chủ động phối hợp với EU tháo gỡ "thẻ vàng" liên quan hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
“Tàu KG 93179-TS chú ý. Chúng tôi là lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN), thông báo: Hiện nay, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đang triển khai đợt cao điểm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) trên phạm vi toàn quốc, với quyết tâm gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản Việt Nam. Do vậy, CSBVN yêu cầu tất cả các tàu cá chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định về khai thác IUU”, tiếng loa phát thanh dõng dạc của Thượng úy Nguyễn Huy Anh - Chính trị viên Tàu CSB 4039 vang lên trên không gian biển tĩnh lặng.
Cùng đi trên tàu CSB 4039 tuần tra chống khai thác IUU trên vùng biển giáp ranh Việt Nam - Thái Lan - Malaysia, chúng tôi mới thấy hết những cố gắng, vất vả của lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Trên đường tuần tra, tàu CSB 4039 nối bộ đàm với biên đội tàu CSB 4035 và tàu Kiểm ngư 270. Được biết, các tàu đã trực ở đây hơn 50 ngày để tuyên truyền, cảnh báo ngư dân không vi phạm về phòng, chống khai tác IUU. Hàng ngày, mỗi khi gặp tàu cá của ngư dân đánh bắt trên vùng biển giáp ranh, các tàu trực đều phát thanh qua loa trên tàu và máy liên lạc nghề cá hoạt động trên biển để tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU.
Đại tá Trần Nguyên Lai, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng BTL Vùng CSB4 cho biết, từ tháng 7/2021, BTL Vùng CSB 4 được giao nhiệm vụ chủ trì tuần tra, kiểm soát, phòng chống khai thác IUU ở khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Malaysia. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Vùng, cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng công tác, đoàn kết thống nhất khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác tuyên truyền cho ngư dân trên biển đã dần di vào chiều sâu; không còn tình trạng tàu cá, ngư dân chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh của tổ tuần tra, kiểm soát; các hành vi cố tình vi phạm về khai thác IUU đều giảm đáng kể, nhất là các quy định về bằng cấp chuyên môn, giấy tờ tùy thân của thuyền trưởng, thuyền viên; tàu cá giảm thiểu hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài; góp phần vào mục tiêu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quân đội và các cấp ban, ngành, chính quyền địa phương, các lực lượng trong việc giảm thiểu, tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác IUU trong lĩnh vực thủy sản. BTL Vùng CSB4 đã nghiên cứu kỹ về đối tượng tuyên truyền, công tác nắm tình hình, phân tích rõ tác hại về thẻ vàng của EC cho các chủ tàu, ngư dân, thuyền viên; đặc biệt là những chủ tàu có nguy cơ có thể vi phạm vùng biển nước ngoài, hoặc vi phạm IUU nói chung.
“Trên bờ, chúng tôi đã tập trung mời bà con đến để động viên, tuyên truyền cũng như giáo dục cho các thuyền trưởng, thuyền viên không đưa tàu ra vùng biển nước ngoài vi phạm”, Đại tá Trần Nguyên Lai cho hay. Trên biển, việc gặp gỡ trực tiếp để tuyên truyền cho ngư dân đang tham gia đánh bắt cũng được đẩy mạnh. Hoạt động này được kết hợp với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát thực thi pháp luật của các tàu cảnh sát biển. “Mưa dầm thấm lâu”, việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục khiến ngư dần nâng cao ý thức, tiến tới chấm dứt hành vi khai thác IUU.
Tại âu tàu xã đảo Thổ Chu, tỉnh Kiên Giang, ông Lê Trường Giang, ngư dân tàu cá CM 91242-TS ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Ghe của tôi chỉ đánh cá trong vùng biển Việt Nam chứ không dám vượt biên ra ngoài, nếu ít cá thì về chứ không ra ngoài đó”.
Để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, trọng tâm là ngăn chặn, xử lý tàu cá ngư dân ta đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về chống khai thác IUU, duy trì lực lượng làm nhiệm vụ tại vùng biển giáp ranh với Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia; đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc quyền (các quân khu ven biển, Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, CSBVN) triển khai đồng bộ các biện pháp.
Theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về chống khai thác IUU, Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 24/6/2021 về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Đây là cơ sở pháp lý trong công tác trao đổi thông tin nhằm phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm, góp phần ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác điều tra cơ bản, phân loại, lập hồ sơ về các tàu (đối tượng) vi phạm, nhóm tàu (đối tượng) có nguy cơ cao về vi phạm vùng biển nước ngoài, thông báo, phối hợp với các lực lượng chức năng để quản lý. Chủ động điều chỉnh, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện tăng cường cho các trạm kiểm soát Biên phòng và thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát lưu động, đặc biệt tại các đảo, bãi ngang, cửa sông, cửa lạch bảo đảm kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên, xuất nhập bến phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá), đặc biệt thiết bị giám sát tàu cá (VMS) trên tàu phải hoạt động liên tục theo quy định; thiết lập cơ chế chia sẻ, tăng cường trao đổi thông tin giữa các tỉnh có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, CSBVN tăng cường phối hợp với lực lượng có liên quan điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo Lực lượng Hải quân, CSBVN tăng cường lực lượng trực, tổ chức tuần tra, kiểm tra vùng biển giáp ranh với các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia. Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin trên thực địa, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU, trọng tâm là tàu cá ngư dân ta đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Kịp thời hỗ trợ, bảo vệ tàu cá ngư dân ta khi bị lực lượng chấp pháp nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý trong vùng biển chồng lấn, chưa phân định.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo mở đợt cao điểm chống khai thác IUU với nỗ lực cao nhất là sớm gỡ được thẻ vàng của EC. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP và Nghị định 26/NĐ-CP và Thông tư số 13/TT-BNNPTNT để thực hiện các khuyến nghị của EC; tổ chức truyền thông về nội dung sửa đổi, bổ sung của các văn bản nêu trên, trong đó có quy định phạt nguội các hành vi vi phạm.
Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các đối tượng môi giới, móc nối, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm truy xuất nguồn gốc.
Các địa phương quán triệt tinh thần xử lý nghiêm vi phạm; việc gì chưa làm thì sớm bắt tay vào làm, việc gì làm rồi thì tích cực hơn; phải thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt bằng những kết quả cụ thể. Phó Thủ tướng nhấn mạnh từ nay đến ngày 30/4/2024 là thời điểm "vàng" để gỡ được thẻ vàng sớm nhất, trước kỳ bầu cử Nghị viện EU, nếu không có thể phải mất vài năm mới làm được việc này.
Sau đợt thanh tra thứ 4, EC khuyến nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố các hành vi vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt chú ý các trường hợp ngắt kết nối VMS sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế.
Việt Nam cũng cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm tất cả các tàu đã huỷ đăng ký không được phép hoạt động khai thác; bảo đảm tính chính xác thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase và theo dõi, đôn đốc địa phương thực hiện việc cập nhật; duy trì việc cấm đăng ký tàu mới; kiểm soát chặt chẽ tàu cá "3 không"…
Bảo đảm tất cả các tàu phải được đánh dấu, kẻ số đăng ký đúng quy định, kể cả tàu đang sửa chữa hoặc được thông báo là không hoạt động; tàu không đủ điều kiện hoạt động phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Quản lý chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc thủy sản; yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hàng ngày dữ liệu sản lượng thủy sản; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt nghiêm và thống nhất hành vi vi phạm về VMS.
Đặc biệt, trong thời gian tới, để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tàu cá hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài, góp phần gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc quyền tiếp tục thực hiện các biện pháp trên; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp tốt với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện có hiệu quả Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 4/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, làm việc với Cao ủy Môi trường, Đại dương và Nghề cá và Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản (DG MARE), Ủy ban Châu Âu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định quyết tâm chính trị của Việt Nam với nỗ lực cao nhất để giải quyết tốt nhất các nội dung kiến nghị của DG MARE đối với việc đẩy lùi và chấm dứt khai thác IUU, hướng tới một nghề cá phát triển bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ một số kết quả nổi bật sau những nỗ lực xử lý vấn đề IUU. Điển hình như: Đạt được sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn xã hội đối với thực hiện các quy định của pháp luật, các quy định và khuyến nghị của EC để phòng, chống IUU.
Cùng với đó, Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý toàn diện, đầy đủ về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU. Đặc biệt, gần đây Quốc hội và Chính phủ đã tiếp tục siết chặt chế tài xử lý vi phạm IUU, xuyên suốt từ cấp Trung ương đến địa phương.
Công tác quản lý tàu cá tại Việt Nam cũng chuyển biến một cách rõ rệt: Đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương, liên thông với các lực lượng thực thi pháp luật (Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển), và các cơ quan quản lý cảng để kiểm soát hoạt động của tàu cá. Trên 98% tàu cá (có chiều dài từ 15 m trở lên) hoạt động vùng khơi đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được thực hiện và kiểm soát theo chuỗi từ khâu kiểm soát sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến. Cùng với đó, các nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm soát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng, và trong thời gian tới sẽ thực hiện hậu kiểm tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản từ khai thác nhập khẩu bằng container.
Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương. Các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2015 đến nay đã giảm rõ rệt. Đến nay, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016; trong đó đã ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển các nước, quốc đảo Thái Bình Dương từ năm 2018 đến nay.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh việc Việt Nam đang tích cực triển khai các chương trình, đề án chuyển đổi ngành ngành khai thác hải sản bền vững, nhằm tạo nền tảng cơ sở quản lý đội tàu theo hướng phù hợp với hiện trạng nguồn lợi đang được xây dựng, và chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Để triển khai các giải pháp đồng bộ cho phát triển nghề cá bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam có chiến lược giảm cường lực khai thác, giảm đội tàu và chuyển sang phát triển nuôi trồng thủy sản để phát triển ngành thủy sản bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Ủy ban Châu Âu hỗ trợ Việt Nam trong công tác điều tra nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam. Triển khai các chương trình chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển. Bên cạnh đó, hỗ trợ Việt Nam tham gia các chương trình phát triển kinh tế xanh, quản lý rác thải nhựa trên biển.
Thả con giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Cao ủy Môi trường, Đại dương và Nghề cá và DG MARE cho rằng, khung pháp lý về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU mà Việt Nam đã xây dựng hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi còn một số tồn tại như vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU tại các vùng biển nước ngoài mặc dù đã giảm so với trước đây; việc thực thi pháp luật chưa đồng bộ giữa các địa phương. Cường lực khai thác hải sản còn cao, cần cân đối giữa nguồn lợi thủy sản và cường lực khai thác.
Ủy ban Châu Âu sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển thủy sản bền vững; sẽ ban hành hướng dẫn về phát triển thủy sản bền vững theo đúng chiến lược của EU về phát triển bền vững như thỏa thuận xanh, kinh tế tuần hoàn... Đặc biệt, EU mong muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành một hình mẫu của thế giới trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản và chống khai thác IUU. Cao ủy Môi trường, Đại dương và Nghề cá của EU thông báo sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào đầu năm 2024.
Bài: Viết Tôn
Ảnh: Viết Tôn, TTXVN; Video: Viết Tôn
Trình bày: Nguyễn Hà
28/01/2024 06:10