Đã hơn 10 ngày kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhưng giữa cảnh hoang tàn và tuyệt vọng bao trùm, vẫn có những trường hợp sống sót thần kỳ, thắp lên tia hy vọng cứu thêm được người mắc kẹt dưới những đống đổ nát. Cả thế giới đang hướng về nơi này và bất chấp những khó khăn, hàng nghìn người tham gia lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria lẫn cộng đồng quốc tế vẫn không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm những người sống sót. Việt Nam cũng đang tích cực chung tay đóng góp nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng này.

Trận động đất có độ lớn 7,8 tại Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm 6/2/2023 đã làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ cùng quốc gia láng giềng và Syria, cướp đi sinh mạng của trên 40.000 người (tính đến ngày 17/2), làm hàng chục nghìn người bị thương, đẩy rất nhiều người vào tình cảnh "màn trời chiếu đất" trong thời tiết lạnh giá của mùa đông. Trận động đất cũng khiến hàng nghìn tòa nhà bị sập và vô số công trình kiến trúc bị phá hủy, ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 13 triệu người. 

Cảnh đổ nát và hậu quả đau lòng sau trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Số nạn nhân được dự báo sẽ còn tăng khi công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang chạy đua với thời gian tìm kiếm người mắc kẹt trong các đống đổ nát giữa lúc thời tiết lạnh giá. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ để quốc tang 7 ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất, treo cờ rủ tại tất cả các cơ quan chính phủ ở trong nước và các văn phòng đại diện tại nước ngoài.

Với hơn 50 dư chấn được ghi nhận sau động đất, trận động đất ngày 6/2 là trận động đất lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ từng ghi nhận kể từ năm 1939 - thời điểm một trận động đất ở tỉnh Erzincan phía Đông nước này khiến 33.000 người thiệt mạng. Trung tâm Động đất quốc gia Syria cũng cho biết đây là trận động đất mạnh nhất mà cơ quan này ghi nhận kể từ khi được thành lập vào năm 1995. Rung chấn của trận động đất lan tới cả Liban và Cộng hòa Cyprus. Cơ quan xếp hạng Fitch ước tính trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể gây thiệt hại kinh tế hơn 4 tỷ USD. Nhiều chuyên gia ước tính thiệt hại về kinh tế là tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bức ảnh được ghi lại tại thành phố Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, gần tâm chấn của trận động đất. Người bố tên Mesut Hancer mặc chiếc áo khoác màu cam đang ngồi giữa một đống đổ nát của một tòa nhà đổ sập. Ông ngồi cạnh, nắm chặt tay cô con gái để an ủi trong những giây phút cuối đời.

Báo The New York Times dẫn nhận định của Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines rằng năng lượng giải phóng ra từ trận động đất tương đương 32 quả bom nguyên tử đã thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây gần 80 năm. Trong khi đó, chuyên gia của Đại học Melbourne (Australia) đánh giá năng lượng do trận động đất giải phóng ra tương đương năng lượng đủ để thành phố New York (Mỹ) tiêu thụ trong 4 ngày. 

Theo giới chuyên môn, trận động đất gây thiệt hại lớn do xảy ra ở khu vực đông dân cư và vào rạng sáng khi nhiều người còn đang ngủ. Ngoài ra, tâm chấn nông cũng là yếu tố gia tăng mức độ tàn phá. Một nhân tố khác cũng ảnh hưởng đến mức độ tàn phá là chất lượng xây dựng của các tòa nhà trong khu vực. Dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho thấy, cấu trúc của phần lớn các tòa nhà trong khu vực đều rất dễ chịu tác động của các đợt rung chấn. USGS đánh giá dù không phải trận động đất mạnh nhất thế giới, nhưng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nguy hiểm. Mặc dù dữ liệu của USGS cho thấy trận động đất có độ lớn 7,8, nhưng một số chuyên gia nhận định con số này có thể lớn hơn.

Những người sống sót sau động đất đang đối mặt với khủng hoảng về thực phẩm và nơi ở. Nhiệt độ giá buốt khiến điều kiện sinh hoạt càng thêm khắc nghiệt.

Những người sống sót sau động đất đang đối mặt với khủng hoảng về thực phẩm và nơi trú ẩn. Nhiệt độ giá buốt khiến điều kiện sinh hoạt thêm khắc nghiệt, đặc biệt đối với hàng nghìn người phải ngủ lại trong ô tô và lều tạm do không thể trở về nhà. Do quy mô thiệt hại quá lớn và nỗ lực cứu trợ bị hạn chế tại một số khu vực nhất định, nhiều người sống sót cho biết họ cảm thấy đơn độc khi ứng phó với thảm họa. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nhiệm vụ khẩn cấp hiện nay là tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo những người sống sót trong thảm họa vẫn tiếp tục sống. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng khi có quá nhiều người đang phải sống trong trong tình cảnh ngày càng tồi tệ, từ thiếu thốn đồ ăn, nước uống đến nhiên liệu, thông tin liên lạc. Theo WHO, mối đe dọa dịch bệnh sau động đất có thể là một thảm họa khác, đẩy nhiều người vào tình cảnh còn nghiêm trọng hơn nếu cộng đồng quốc tế không có hành động ngay lập tức.

Chú thích ảnh

Đã hơn 10 ngày kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, con số thương vong dự báo vẫn sẽ tiếp tục có thể tăng lên. Nhưng giữa cảnh hoang tàn và tuyệt vọng bao trùm, vẫn có những trường hợp sống sót thần kỳ, thắp lên tia hy vọng cứu thêm được người mắc kẹt dưới những đống đổ nát. 

Công tác cứu hộ, cứu nạn được gấp rút thực hiện với hy vọng giải cứu được những người sống sót trong những khu nhà đổ nát.

Ngày 11/2, tức năm ngày sau trận động đất, một em bé 2 tháng tuổi ở thành phố Antakya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, đã được các nhân viên cứu hộ đưa ra ngoài an toàn. Theo hãng thông tấn Anadolu, em bé sơ sinh đã được giải cứu sau 128 giờ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Cùng ngày, một người phụ nữ 70 tuổi ở thành phố Kahramanmaras, tâm chấn của trận động đất có độ lớn 7,8, cũng được tìm thấy sống sót thần kỳ sau nhiều ngày bị chôn vùi. Cũng trong ngày hôm đó, với sự nỗ lực phi thường, lực lượng cứu hộ cũng đưa ra khỏi đống nát một bé gái 2 tuổi, một phụ nữ mang thai tháng thứ 6, một bé gái 4 tuổi và cha của bé...

Nhưng đây chỉ là con số quá ít ỏi so với những gì đang diễn ra. Để có thể tìm kiếm nhiều hơn, nhanh hơn các nạn nhân, hiện hàng chục nghìn nhân viên cứu hộ vẫn đang tích cực đào bới các đống đổ nát trong thời tiết lạnh giá, trong khi hàng triệu người đang rất cần viện trợ.

Nhưng, việc hàng chục nghìn người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do động đất đã vượt quá năng lực cứu hộ, cứu nạn của bất kì quốc gia riêng lẻ nào. Sau khi động đất xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời chính thức đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thảm họa. Về phía Syria, chính phủ nước này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả.

Trong nỗ lực tham gia hoạt động cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, các tổ chức lớn và nhiều quốc gia trên thế giới đã cử những đội nghiệp vụ cùng trang thiết bị y tế tới hỗ trợ hai nước khắc phục hậu quả của trận động đất kinh hoàng này.

Đoàn xe cứu trợ đầu tiên của LHQ có mặt tại khu vực Tây Bắc Syria do phe đối lập kiểm soát sau thảm họa động đất, ngày 9/2/2023.

Liên hợp quốc đã công bố khoản tài trợ trị giá 25 triệu USD cho công tác nhân đạo tại những khu vực bị ảnh hưởng tại hai nước trên, đồng thời cho biết đã cử các nhóm tới đánh giá tình hình thực tế và tham gia hỗ trợ khi cần thiết. Trong khi đó, WHO đã cử phái đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời cử ba máy bay chở vật tư y tế đến các khu vực bị động đất tàn phá, nơi "nhu cầu về y tế là rất lớn". Tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế thì cử 6 đội hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và điều trị khẩn cấp tới các vùng gặp nạn.

Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đang thực hiện tiến trình hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ với khoản phục hồi tài chính trị giá 1,78 tỷ USD. 780 triệu USD sẽ được gửi ngay lập tức cho Ankara, trong khi các khoản vay khác thuộc gói cứu trợ nêu trên sẽ được chuyển sang hai dự án vay vốn của WB tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, một khoản viện trợ khác trị giá 1 tỷ USD để giúp Thổ Nhĩ Kỳ phục hồi và tái thiết cũng đang được chuẩn bị.

Khu lều tạm dành cho những người dân bị mất nhà cửa sau trận động đất tại Idlib, Syria, ngày 11/2/2023 (ảnh lớn). Tình nguyện viên sắp xếp hàng cứu trợ dành cho các nạn nhân của trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, tại Arbil, Iraq, ngày 9/2/2023 (ảnh nhỏ).

Với phương châm cần đẩy nhanh và mạnh cùng lúc hai nhiệm vụ cứu người bị nạn và cung cấp cứu trợ nhân đạo, Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị các nhà tài trợ vào tháng 3 tới để huy động viện trợ quốc tế cho Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất. Ủy ban châu Âu (EC) khuyến khích các nước thành viên EU đáp ứng đề nghị về thực phẩm và vật tư y tế của Syria.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thể hiện sự đoàn kết với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc triển khai lực lượng gồm 1.400 người từ khắp 20 quốc gia đồng minh và đối tác của NATO tới Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện công tác cứu hộ. Hàng chục quốc gia, gồm Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia vùng Vịnh cam kết giúp đỡ và triển khai các đội tìm kiếm cũng như đảm bảo hàng cứu trợ được chuyển đến.

Ngày 14/2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên 300 quân nhân và 60 đơn vị thiết bị quân sự đặc biệt của nước này đang hỗ trợ Syria khắc phục hậu quả của thảm họa động đất. Theo tuyên bố của bộ trên, các quân nhân Nga cũng tham gia vận chuyển các gói thực phẩm cũng như chất khử trùng và các nhu yếu phẩm khác đến các địa điểm phân phối hàng viện trợ nhân đạo ở thành phố Aleppo, miền Tây Bắc Syria. 

Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc (CIDCA) cho biết một máy bay chở hàng cứu trợ nhân đạo của nước này đã lên đường đến Syria vào sáng 14/2. Máy bay chở khoảng 30.000 bộ sơ cứu, 10.000 áo khoác, 300 lều bạt, 20.000 chiếc chăn cũng như các thiết bị y tế khẩn cấp như máy thở, máy gây mê, máy tạo oxy, đèn phẫu thuật và các vật dụng thiết yếu khác.

Một quan chức của Bộ Giao thông Saudi Arabia cũng cho biết máy bay chở hàng cứu trợ của nước này đã hạ cánh xuống Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria vào ngày 14/2. Đây là chuyến bay đầu tiên từ Saudi Arabia đến Syria trong hơn 10 năm qua. Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria cũng đã xác nhận thông tin này và cho biết máy bay trên chở theo 35 tấn hàng lương thực cứu trợ. 

Bằng nhiều cách và nhanh nhất có thể, đến nay đã có trên 90 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đưa lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng như viện trợ, cam kết viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria; trong đó có Việt Nam.

Giải cứu được nhiều nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ:

Trong bối cảnh hoạt động cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thu hút được sự tham gia đông đảo, khẩn trương của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đưa lực lượng cứu hộ, cứu nạn và lực lượng quân y của Quân đội sang giúp khắc phục hậu quả thảm họa động đất. Việc tham gia hoạt động này thể hiện trách nhiệm quốc tế, tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai phối hợp cùng nhiều quốc gia khác. 

Lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.

Công tác cứu hộ, cứu nạn của đoàn Việt Nam được thực hiện từ ngày 10/2/2023. Trong đó, lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ của Quân đội nhân dân Việt Nam đến Thổ Nhĩ Kỳ có 76 đồng chí, gồm Đội Quân y (Tổng cục Hậu cần) 30 đồng chí; Đội Cứu sập (Binh chủng Công binh) 30 đồng chí; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) gồm 9 đồng chí bao gồm huấn luyện viên và chỉ huy, 6 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan quân số 7 đồng chí, trong đó có các cán bộ của Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Cục Đối ngoại...

Cùng với sự hỗ trợ về người, quân đội đã vận chuyển 35 tấn vật chất hậu cần bảo đảm cho lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Số vật chất hậu cần gồm 10 tấn lương khô; 13,5 tấn lương thực, thực phẩm; 1,3 tấn dụng cụ cấp dưỡng; 2,2 tấn trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và 3 tấn vật tư doanh trại).

Ghi nhận tại hiện trường, chiều 14/2, ngay sau khi tới khu vực xã Haci Omer Alpagot, huyện Antakya, tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm cứu hộ cứu nạn của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khẩn trương bắt tay vào công tác tìm kiếm và giải cứu những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau động đất. Hatay là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của trận động đất hôm 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Địa bàn trên có dân số khoảng 5.200 người. Chiến thuật cứu hộ được áp dụng là các tổ sẽ tiến hành trinh sát mục tiêu. Nếu phát hiện mục tiêu cần đưa ra khỏi khu vực sập đổ, hoặc có dấu hiệu cần ứng cứu, các tổ sẽ lập tức báo cáo để chỉ huy trưởng điều động lực lượng công binh tới hiện trường, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tiến hành công tác cứu hộ. Lực lượng Quân y ở vòng ngoài sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp cần thiết, hoặc thực hiện các biện pháp đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, bàn giao cho giới chức sở tại.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam triển khai công tác tìm kiếm, cứu trợ các nạn nhân trong trận động đất tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng với quân đội, Bộ Công an cũng đã cử Đoàn công tác đi cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm 24 cán bộ, chiến sỹ và nhân viên y tế, trong đó có 6 người thuộc Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; 5 người thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an TP Hà Nội; 5 người thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an TP Hồ Chí Minh; 5 người thuộc Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy và 3 người thuộc các đơn vị khác của Bộ Công an.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Âu, sau 4 ngày làm việc nỗ lực, với phương châm “khẩn trương, nhanh chóng, thận trọng và an toàn”, đoàn cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã góp phần cứu sống được một thanh niên 17 tuổi và đưa được thi thể của 9 nạn nhân từ khu vực sụp đổ ra bên ngoài.

Đội cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ công an Việt Nam đang sẵn sàng tiếp cận sâu vào khu vực có nạn nhân bị kẹt lại.

Theo chia sẻ của Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), Trưởng đoàn công tác, công tác của đoàn cứu nạn cứu hộ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện theo hướng sử dụng các thiết bị chuyên dụng được mang từ Việt Nam sang. Đó là những thiết bị khoan cắt bê tông, thiết bị dò tìm nạn nhân bằng sóng radar, thiết bị dò tìm nạn nhân bằng camera và âm thanh. Đoàn cũng đang đồng thời kết hợp với các phương tiện cơ giới hiện có tại địa phương như máy xúc, máy cào, máy cẩu để phục vụ việc di dời, phá vỡ những tấm bê tông tại những khu vực có người bị nạn.

Đoàn công tác Bộ Công an trao thiết bị y tế cho Cơ quan ứng phó Thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD).

Về cơ bản, đoàn công tác cứu nạn cứu hộ của Việt Nam có được nhiều thuận lợi, được sự hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn cụ thể của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đơn vị tình nguyện của nước sở tại. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn nhất định do tiết rất khắc nghiệt. Thời tiết ban ngày tại khu vực cứu trợ đối với cán bộ, chiến sĩ không phải là vấn đề lớn; nhưng ban đêm quả là một thách thức vì nhiệt độ xuống tới âm 6 đến âm 7 độ C; trong khi các cán bộ, chiến sĩ phải ngủ trong lán trại dựng ngoài trời. Ngoài ra, bất đồng ngôn ngữ cũng là một yếu tố gây khó khăn cho việc hiểu và thống nhất những phương án đưa ra của các lực lượng phối hợp với nhau. Song, các lực lượng phối hợp tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các lực lượng quốc tế tham gia cứu nạn cứu hộ đều có tinh thần chung, nên chỉ sau một thời gian rất ngắn, tất cả đều hiểu nhau và phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Sự nhiệt tình và sự chuyên nghiệp của các lực lượng cứu nạn cứu hộ Việt Nam đã được Thổ Nhĩ Kỳ và các đoàn quốc tế tham gia công tác cứu nạn cứu hộ đánh giá rất cao. Tất cả thể hiện ở việc đoàn Việt Nam sử dụng hiệu quả các thiết bị chuyên dụng, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là sự chuyên nghiệp trong sử dụng các thiết bị banh, cắt thủy lực, tìm kiếm bằng camera hình ảnh và âm thanh, sử dụng các thiết bị liên quan đến kích, nâng để có thể tách những khối bê tông để phục vụ cho việc cứu nạn cứu hộ. Bằng sự khẩn trương và nỗ lực nhất, các đội cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đều mong muốn có thể tìm thêm được người còn sống sót và đưa được thi thể của các nạn nhân bị kẹt tại đống đổ nát ra bên ngoài càng nhanh càng tốt. Trong thảm họa, ngọn lửa tình người đã được thắp sáng lên và lan tỏa, góp phần xoa dịu đi những đớn đau, mất mát và đặc biệt tiếp tục thắp lên hy vọng đem lại sự sống giữa cơn bĩ cực.

Các đoàn cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá cao:

Bài: Minh Trà - Trọng Đức - Chí Cương - Thi Tùng - Văn Hiếu - Dương Hoa
Biên tập: Hoàng Linh (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Trình bày: Nguyễn Hà

18/02/2023 05:55