Song hành cùng hơn 90 mùa xuân của Đảng, công tác dân vận đã và đang đi vào chiều sâu, hướng về cơ sở, đa dạng hình thức tập hợp nhân dân. Dù nội dung, phương thức khác nhau, song mục tiêu của công tác dân vận nhằm vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của Đảng, đất nước và dân tộc.
Tại huyện vùng sâu, vùng xa Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, công tác dân vận đã ghi dấu ấn ở mọi mặt như đoàn kết tập hợp nhân dân, giúp dân phát triển kinh tế, chống dịch COVID-19, xây dựng nông thôn mới. Thôn 10, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, hiện có 175 hộ dân với 795 khẩu. Thôn đã thành lập các tổ dân vận cơ sở, mỗi tổ gồm 8 người có uy tín trong thôn. Tổ đã gần gũi với nhân dân, hoạt động với tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, gương mẫu thực hiện, đi đầu trong các phong trào. 10 năm nay, tổ dân vận cơ sở đã hòa giải, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và quản lý cụm dân cư; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào, cuộc vận động, chung sức xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tình hình an ninh trật tự ở thôn ổn định, nhiều năm không phát sinh vụ việc phức tạp; diện mạo nông thôn mới khởi sắc.
Để đa dạng hình thức tập hợp nhân dân, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk còn triển khai các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và phù hợp như: Mô hình kết nghĩa với thôn/buôn dân tộc thiểu số, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”... Bước chân của cán bộ dân vận miệt mài đi đến tận vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng dân di cư ngoài kế hoạch để vận động, tuyên truyền, góp phần triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách, phong trào thi đua yêu nước.
Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk Nghiêm Văn Chuẩn cho biết, người làm công tác dân vận phải gần dân, sát dân và có trách nhiệm với nhân dân, coi trọng công tác đối thoại, lắng nghe và nhận thức rõ vai trò làm chủ của nhân dân; thực hiện linh hoạt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng".
Mọi việc nhân dân đồng tình ủng hộ, việc gì cũng thành công. Trong tiếp cận vụ việc, cần phải hiểu được phong tục tập quán, đời sống, tâm tư nguyện vọng, tiếng nói và chữ viết… của nhân dân ở mỗi địa phương, mỗi khu vực và tuyên truyền dễ hiểu, đúng thực tiễn, khơi gợi trách nhiệm, sự hăng hái của nhân dân. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm với nhân dân, lấy dân làm gốc và phát huy hiệu quả trong việc thực hiện công tác dân vận chính quyền của các cơ quan hành chính nhà nước.
Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã kịp thời đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến gần gũi với đồng bào khu vực biên giới, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nền Biên phòng toàn dân, cùng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tích cực đã cùng chính quyền các địa phương biên giới tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.
Tại Đồn Biên phòng Ba Sơn (huyện Cao Lộc), cùng với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị đã triển khai nhiều mô hình tạo sinh kế, giúp đồng bào cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Với phương châm “hướng về cơ sở”, “nói cho dân hiểu”, “làm cho dân tin”, đơn vị luôn chủ động gần dân, bám bản, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Chia sẻ về mô hình trồng cây hoa trà mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Mẫu Sơn, Trung tá Hoàng Trung Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn giải thích, giống cây trà hoa vàng đang có giá trị kinh tế cao lại rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Để biết được điều đó, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã chủ động, tích cực bám nắm địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Căn cứ vào đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể triển khai các chương trình phù hợp và đạt hiệu quả trong việc giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Qua đó, góp phần giúp người dân vùng biên giới ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó, xây dựng quê hương.
Không chỉ vậy, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tính đến tháng 8/2022, có 96 học sinh được giúp đỡ theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”, 9 em được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn nhận làm con nuôi đồn Biên phòng. Ngoài ra, 20 công trình dân sinh được xây dựng với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng, làm 3 nhà mái ấm nơi biên giới, tặng trên 5.400 giống cây trồng cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn… Đặc biệt, chủ trương cán bộ Đồn Biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã giải quyết được nhiều vấn đề ở cơ sở, hóa giải vụ việc phức tạp ở địa bàn biên giới. Những nghĩa cử cao đẹp ấy đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa Bộ đội Biên phòng với người dân vùng biên cương của Tổ quốc.
Tại Thanh Hóa, xác định công tác dân vận khéo là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống dân vận tại tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò, vị trí của mình cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần huy động nguồn lực chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân.
Tân Phúc là xã vùng khó khăn của huyện miền núi Lang Chánh, xuất phát điểm thấp. Khi xây dựng nông thôn mới, Tân Phúc gặp không ít khó khăn: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ; sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ... Để giải quyết hạn chế này, xã xác định công tác dân vận phải đi trước một bước.
Theo đó, Đảng ủy xã thành lập 9 Tổ dân vận ở cơ sở, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”; chỉ đạo tổ chức đoàn thể chính trị, chi bộ vận dụng “cẩm nang” dân vận khéo “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để vận động, tập hợp, khuyến khích, khơi dậy sức dân trong thực hiện tiêu chí nông thôn mới.
Đi trên những con đường bê tông sạch, đẹp tại thôn Tân Thành, xã Tân Phúc, ông Lê Văn Hạnh phấn khởi chia sẻ, đây là thành quả của dân vận khéo trong việc khơi dậy lòng dân, sức dân đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông nông thôn, trong đó có một phần đóng góp của gia đình ông…
Khẳng định vai trò của công tác dân vận tại địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phúc Lê Quang Tùng cho biết, thông qua dân vận khéo, xã huy động được tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới ở địa phương là 92,8 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 48,8 tỷ đồng (chiếm 52,5%) để xây dựng hạ tầng nông thôn, chỉnh trang xây dựng nhà ở dân cư. Kết quả này là một trong những minh chứng vai trò quan trọng của công tác dân vận ở địa phương.
Để mô hình “Dân vận khéo” ngày càng đi vào thực chất, hằng năm, huyện Lang Chánh đều xây dựng kế hoạch cho các cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân tự nguyện đăng ký thực hiện; đồng thời có hướng dẫn, kiểm tra, tìm ra “cái khéo” trong vận động, tập hợp điển hình nổi bật, có sức lan tỏa để nhân rộng. Đến nay, huyện xây dựng được trên 200 mô hình dân vận khéo, trong đó, có gần 70 mô hình hoạt động hiệu quả ở các xã Trí Nang, Giao An, Quang Hiến...
Tại Quân đoàn 3, cùng với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 luôn xem công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm. Các cán bộ, chiến sỹ Quân đoàn đã tận tâm giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các công trình phúc lợi, ổn định dân sinh... xứng đáng với lời dạy của Bác “Dân vận khéo tức là làm những việc mà nhân dân cần, gần gũi, gắn bó với nhân dân”.
Quân đoàn 3 đóng quân trên địa bàn 4 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Bình Định. Với đặc thù địa bàn chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi đây từng là điểm nóng của hoạt động chống phá Nhà nước của các thế lực phản động, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh, chính trị. Trước những khó khăn, thách thức đó, ngay từ khi hình thành, công tác dân vận luôn được Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân đoàn xem là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Quân đoàn 3 đã có nhiều sáng kiến, chương trình, phong trào thiết thực gắn với tình hình phát triển chung của từng địa phương. Phong trào về công tác dân vận khéo đã ăn sâu, bám rễ từng buôn làng như: thi đua “Dân vận khéo”; xây dựng “Đơn vị Dân vận tốt”; “Quân - Dân một ý chí năm 2021”…
Qua đó, nhiều buôn làng đã có sự đổi thay. Điển hình, xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) vốn là căn cứ của Sư đoàn 320 trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Cuộc sống của bà con người Jrai chủ yếu dựa vào du canh, du cư, thiếu sự ổn định. Để giúp người dân “an cư lạc nghiệp”, cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 320 đã hướng dẫn bà con thay đổi phương thức sản xuất như: làm lúa nước, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với người địa phương. Nhờ đó, đời sống của đồng bào đã có nhiều thay đổi.
Bí thư Đảng ủy xã Ia Lang Siu Uih chia sẻ, địa phương có trên 57% là người dân tộc Jrai với điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhờ có sự tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ của bộ đội, đồng bào đã biết làm kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, khoa học.
Bên cạnh hoạt động hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế, hàng năm, Quân đoàn 3 đã triển khai nhiều chương trình chăm lo cho người nghèo trên địa bàn. Quân đoàn đã hỗ trợ kinh phí và ngày công lao động xây dựng 12 “nhà Chính sách” với số tiền gần 1 tỷ đồng từ nguồn quỹ của Quân đoàn; xây 8 “nhà Đồng đội” với số tiền hơn 600 triệu đồng từ nguồn Quỹ vì người nghèo Bộ Quốc Phòng và Quỹ vì người nghèo của Quân đoàn; xây 6 “nhà tình nghĩa”, 2 “Ngôi nhà 100 triệu đồng" với số tiền hơn 600 triệu đồng...
Trong hai năm dịch COVID -19, trên địa bàn đóng chân, lực lượng Quân đoàn đã làm tốt vai trò, trách nhiệm, xứng đáng là đơn vị chủ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Không chỉ tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch (như: có mặt tại các điểm nóng thực hiện phun khử khuẩn, hỗ trợ lực lượng chức năng phòng, chống dịch bệnh), lực lượng Quân đoàn 3 còn là nòng cốt tiếp nhận, bố trí chỗ ăn, ở cho người bị cách ly và hàng nghìn công dân về quê tránh dịch.
Đại tá Nguyễn Thanh Phong, Phó Chính ủy Quân đoàn 3 cho biết, bện cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 luôn xác định việc bám làng, bám dân, gần dân, giúp nhân dân phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ chính trị quan trọng; công tác xây dựng tổ chức Đảng và chính quyền cơ sở, các tổ chức, đoàn thể xã hội vững mạnh, xây dựng đời sống mới trong nhân dân là vấn đề cơ bản; lấy việc giúp bà con đổi mới tư duy lao động, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi làm khâu đột phá.
Nét mới trong công tác dân vận ở Quân đoàn 3 là tập trung vào những nhiệm vụ trung tâm, mang tính thời sự; chủ động phối hợp với địa phương, cử cán bộ, chiến sỹ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, biết được nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Từ đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thống nhất nội dung, chương trình, kế hoạch giúp đỡ người dân cụ thể, có hiệu quả.
Tại Kiên Giang, trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội vùng biên, các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cũng luôn chú trọng công tác dân vận và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trung tá Nguyễn Văn Toàn, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, giai đoạn 2016 - 2021, Ban Dân vận Tỉnh ủy và đơn vị ký kết chương trình phối hợp hoạt động về công tác dân vận. Trong 5 năm qua, việc thực hiện chương trình ký kết của 2 đơn vị đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, củng cố quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các Đồn Biên phòng đã phối hợp đơn vị chức năng ký kết quy chế phối hợp hoạt động công tác dân vận phù hợp đặc điểm địa bàn, thực tế tuyến biên giới và hải đảo gắn với xây dựng mô hình điển hình “Dân vận khéo”, thực hiện các phong trào “Tuổi trẻ giữ nước”, “Đường biên thanh niên làm chủ”, “Phụ nữ với sự phát triển bình yên tuyến biên giới”, “Cựu Chiến binh với xây dựng địa bàn biên giới an toàn, hữu nghị”…
Thực hiện phong trào thi đua yêu nước, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Kiên Giang đăng ký triển khai 27 mô hình “Dân vận khéo” thiết thực, đạt hiệu quả. Cụ thể, mô hình “Nâng bước em đến trường” trích từ tiền lương cán bộ, chiến sĩ đơn vị Biên phòng hỗ trợ 113 em với mức 500.000 đồng/em/tháng, nhận phụng dưỡng 8 Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ 12 gia đình chính sách hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/hộ/tháng, 4 cháu là con nuôi Đồn Biên phòng và nhiều hoạt động an sinh xã hội khác với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng/năm.
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phối hợp với địa phương tổ chức hoạt động “Tết Quân - Dân” hàng năm, xây dựng 12 nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh tổng trị giá hơn 850 triệu đồng, triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, giúp nhân dân lao động sản xuất, hỗ trợ cơ sở vật chất và các mặt công tác khác vùng biên giới, biển đảo.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai, duy trì thực hiện tốt Hiệp định, Hiệp nghị, quy chế khu vực biên giới, vùng biển và đã phân giới cắm 23/28 vị trí mốc. Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với địa phương vùng biên duy trì các hộ tham gia tổ tự quản đường biên, cột mốc. Đến nay, có 22 ấp biên giới với 190 hộ dân, 622 người đăng ký tự quản gần 50 km đường biên giới và 23/28 vị trí mốc. Hoạt động kết nghĩa hai bên biên giới giữa phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang với xã Bâng sala Đông, huyện Kam Pong Trách, tỉnh Kam Pốt (Campuchia) cũng góp phần thắt chặt tình đoàn kết, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Trung tá Nguyễn Văn Toàn cho hay, đơn vị và Ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ký kết tiếp tục phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2022 - 2026 nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực hành động của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trên tuyến biên giới, biển đảo. Cùng với đó, tăng cường mối quan hệ giữa cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với nhân dân; qua đó góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, biển đảo.
Theo báo cáo tổng kết công tác dân vận năm 2022, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm điều lệ Đảng, các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Dân vận Trung ương về công tác dân vận của hệ thống chính trị. Ban Dân vận các cấp chủ động tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác dân vận năm 2022; phổ biến, quán triệt các quyết định, quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác dân vận của Đảng; xây dựng chương trình và triển khai thực hiện công tác dân vận có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nhiệm vụ chính trị của địa phương, các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân theo hướng sát thực, hiệu quả, gắn với cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát liên quan đến công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở...
Những kết quả quan trọng trên đã góp phần tạo sự đồng thuận, động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.
Từ những thành tích đã đạt được của hệ thống dân vận và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, công tác dân vận phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, lý giải thấu đáo, kiên trì thuyết phục để nhân dân hiểu đúng tình hình đất nước và thế giới, những tác động tới nước ta; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Trên cơ sở đó, vận động, hướng dẫn nhân dân tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.
Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nêu gương trong học tập, lao động, công tác và cuộc sống hằng ngày; phải bám sát cơ sở, gần dân, học và làm theo phong cách dân vận của Bác Hồ "trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", từ đó tạo niềm tin và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thường trực Ban Bí thư thẳng thắn chỉ rõ, các chủ trương, chính sách có hay đến đâu mà không đi vào nhận thức, tình cảm, quyết tâm của nhân dân thì chưa đạt yêu cầu. Người làm công tác dân vận phải nắm sát tình hình nhân dân một cách chính xác, khoa học, đúng bản chất vấn đề.
Nêu rõ một số nhiệm vụ công tác trọng tâm trong năm 2023 toàn ngành, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu Ban Dân vận các cấp tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy các cấp ban hành, triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy về công tác dân vận; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 23-QĐ/TW của Bộ Chính trị về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị;" Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận và các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác dân vận và các văn bản mới ban hành.
Đồng thời, tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; nắm bắt tình hình dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải pháp có hiệu quả nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo... Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Ban Dân vận các cấp tiếp tục phát động và thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" gắn với tình hình thực tiễn địa phương.
Dân vận phải bám sát cơ sở, tạo niềm tin trong nhân dân:
Bài: Diệp Trương - Khiếu Tư - Quang Thái - Lê Huy Hải
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn
03/02/2023 06:09