Từ một “gã bán sách online” xuất thân trong một gia đình lao động, Jeff Bezos trở thành một huyền thoại khởi nghiệp, đi vào lịch sử như là tỉ phú giàu nhất hành tinh và giàu nhất trong lịch sử hiện đại nhờ sự phát triển vũ bão của đế chế thương mại điện tử Amazon.
Nói đến người quyền lực nhất hành tinh lúc này thì có thể gây nhiều tranh cãi: Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng nói đến người giàu nhất thế giới hiện nay, thì không ai có thể tranh cãi: đó là nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos.
Hôm 4/9 vừa qua, giá cổ phiếu tăng mạnh đã đẩy tài sản ròng của CEO Amazon lên 167,6 tỉ USD bỏ xa người đứng thứ hai là "Vua phần mềm" Bill Gates còn đang dưới ngưỡng 100 tỉ USD. Jeff Bezos trở thành người giàu nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, một "Rockeffeller mới" của thế giới.
Chỉ có một thước đo về mức độ giàu có mà ông Bezos chưa đạt được – đó là người giàu nhất thế giới dựa trên thước đo tỷ trọng so với GDP quốc gia. Khối tài sản khi đạt đỉnh của "Vua dầu lửa" John D. Rockefeller vào đầu những năm 1900 trị giá tương đương 2% GDP của Mỹ. Để vượt qua kỷ lục này, tài sản của Bezos sẽ phải lên tới hơn 350 tỷ USD. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ trong vài năm, Jeff Bezos sẽ xô đổ kỷ lục này nhờ tương lai tăng trưởng xán lạn của Amazon cũng như triển vọng thương mại điện tử trên toàn cầu.
Jeff Bezos sinh ngày 12/1/1964 tại Albuquerque, bang New Mexico, khi mẹ ông Jacklyn Gise Jorgensen mới là một cô gái tuổi 17. Ông bố Jorgensen bỏ hai mẹ con 17 tháng sau đó, và năm Bezos 4 tuổi, mẹ ông tái hôn với một người Cuba nhập cư tên là Mike Bezos.
Từ nhỏ cậu bé Jeff đã có niềm say mê khám phá xem mọi thứ hoạt động ra sao, cậu biến gara ô tô của bố mẹ thành một phòng thí nghiệm và đấu nối những thứ đồ điện lạ lùng quanh nhà. Khi gia đình chuyển tới Miami, Jeff ngày càng yêu thích máy tính, cậu học rất giỏi và là thủ khoa tốt nghiệp trường trung học. Ngay ở trường trung học, Jeff Bezos đã bắt đầu dự án kinh doanh đầu tiên của mình với “Dream Institute”, một trại hè giáo dục dành cho các học sinh lớp 4, 5 và 6. Bezos tiếp tục theo đuổi đam mê với máy tính tại Đại học Princeton, nơi ông tốt nghiệp năm 1986 với bằng cử nhân tin học và điện tử.
Jeff Bezos sáng lập ra Amazon khi đã 30 tuổi. Lúc ấy ông đang là Phó chủ tịch cao cấp trẻ nhất của một công ty tài chính tại Phố Wall - một công việc "êm ấm", theo lời Bezos. Nhưng khi nhận thấy tiềm năng khổng lồ của Internet qua một báo cáo đánh giá Internet sẽ tăng trưởng với tốc độ 2.300% mỗi tháng, ông quyết định bỏ ngang công việc mà nhiều người mơ ước để khởi nghiệp.
Trên đường chu du xuyên nước Mỹ từ New York đến Seattle, những khi để vợ cầm lái chiếc xe tải, Bezos phác thảo kế hoạch kinh doanh sơ lược vào chiếc laptop. Ông vừa đi vừa gọi cho bạn bè, người thân để vay vốn đầu tư. Khi đặt chân đến Seattle, Bezos thành lập công ty start-up ngay trong garage của gia đình, với số vốn khởi đầu là 1 triệu USD, trong đó khoản góp lớn nhất là 300.000 USD - số tiền tiết kiệm cả đời mà bố mẹ tin tưởng trao cho ông.
Với tham vọng đưa công ty trở thành một hiệu sách, hay một cái gì đó, lớn nhất thế giới, Bezos chọn cái tên Amazon, tên con sông dài nhất thế giới, một con sông "kỳ lạ và khác biệt". "Không có gì trong mô hình của chúng ta mà không bị bắt chước theo thời gian. Bạn biết đấy, McDonald’s cũng đã bị bắt chước. Nhưng họ vẫn cứ là một công ty khổng lồ. Rất nhiều thứ trở về với cái tên thương hiệu. Và một hiệu sách trực tuyến với hàng triệu đầu sách – một thứ chưa hề tồn tại trong thế giới thực – là một ý tưởng hấp dẫn," Bezos phát biểu với các phóng viên khi công ty mới thành lập. Và thế là kho sách trực tuyến Amazon ra đời.
Amazon tăng trưởng rất nhanh. Ngày 15/5/1997, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ với mức giá 18 USD/cổ phiếu. Đến nay, cổ phiếu của tập đoàn có giá 2.012 USD, tức là đã tăng trên 110.000%!
Chỉ 5 năm sau khi thành lập Amazon, năm 1999, Bezos đã được tạp chí Time bình chọn là “Nhân vật của Năm”. Hình ảnh của nhà sáng lập Amazon xuất hiện trên trang bìa Time cùng với dòng chữ "Thương mại điện tử đang thay đổi cách mua hàng của thế giới."
Ngày nay, với 541.000 nhân viên, Amazon bán tất tần tật không kể thứ gì, từ thiết bị công nghệ cho đến thực phẩm, từ quần áo cho đến giấy vệ sinh. Công ty đã thực sự trở thành siêu thị lớn nhất thế giới, đúng như những gì Bezos kỳ vọng. Một thống kê vào năm 2016 cho thấy Amazon chiếm tới 43% các hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn thế giới.
Hôm 4/9 vừa qua, Amazon đã trở thành công ty đại chúng thứ hai của Mỹ sau người khổng lồ công nghệ Apple chạm mốc giá trị vốn hóa 1 nghìn tỷ USD.
Chỉ trong vòng 12 tháng qua, tài sản của Jeff Bezos đã tăng thêm khoảng 60 tỉ USD. Nhưng ít ai biết rằng, trong những năm đầu khởi nghiệp, Bezos đã phạm phải nhiều sai lầm hơn bất cứ ai trong chúng ta phạm phải trong cả cuộc đời. Những sai lầm ông phạm phải cũng tốn kém hơn bất cứ người nào khác trên thế giới.
Năm 1998, trang web Amazon.com bắt đầu bán sách, đĩa nhạc, phim và nhanh chóng trở thành công ty online hàng đầu trong lĩnh vực này. Thu hút được một số vốn lớn, Bezos bắt đầu mơ tới việc biến Amazon trở thành "chợ bán tất tần tật mọi thứ". Sau khi nghiên cứu thị trường, ông quyết định đột phá vào thị trường đồ chơi. Nhưng đồ chơi rất khác với những thứ mà Amazon vẫn bán bởi không có nhà phân phối chính nào cả. Amazon đã phải mua đồ chơi từ rất nhiều nhà sản xuất, trữ trong kho rồi hy vọng có thể bán hết. Điều này đi ngược lại mô hình kinh doanh cốt lõi của công ty, nhưng Bezos vẫn không thoái chí. Ông khăng khăng chi 120 triệu USD để mua đồ chơi, đi ngược lại ý kiến của tất cả các giám đốc công ty, kể cả giám đốc nhóm hàng đồ chơi. "Nếu thất bại, tôi sẽ tự chở chúng (đồ chơi ế) ra bãi phế thải", ông tuyên bố.
Sau mùa lễ Giáng sinh năm đó, còn tồn tới 50 triệu USD đồ chơi. Không có kho để chứa, cũng không có gì đảm bảo rằng những món đồ chơi đó còn được ưa chuộng trong năm kế tiếp. Cách dễ dàng nhất là đổ bỏ đồ chơi ra bãi phế thải. Amazon cuối cùng đã lấy đồ chơi ế tặng cho các quỹ từ thiện trẻ em và bán tống bán tháo phần còn lại cho các nhà xuất khẩu.
Cùng năm, Bezos bắt đầu đưa vào hoạt động Amazon Auctions, công ty mà ông hy vọng có thể vượt qua eBay. Ông chi 175 triệu USD mua công ty thanh toán Accept.com để thực hiện giao dịch giữa người mua và bên bán. Đó là một thất bại còn lớn hơn cả vụ đồ chơi. eBay khi đó đã quá nổi tiếng, họ chiếm ưu thế thống trị đến mức không còn "chỗ trống" nào cho các trang bán đấu giá khác, đặc biệt là với những công ty có ít khách hàng, ít người bán, ít sản phẩm, mà lại không có ưu thế cạnh tranh như Amazon.
Cũng năm 1998, Bezos còn mua Junglee, một trang web so sánh giá cả các sản phẩm online. Tốn kém vào đó 170 triệu USD, nhưng cả ban giám đốc Amazon đều... ghét Junglee, bởi chính nó đã xua khách hàng của công ty tới các trang bán hàng khác. Junglee bị giải tán chỉ trong vài tháng.
Giấc mơ của Bezos không chỉ là Amazon bán mọi thứ trên thế giới, mà ông còn muốn sở hữu chính các doanh nghiệp đang sản xuất ra sản phẩm. Vì thế Bezos đã bước vào một cuộc mua sắm khổng lồ trong thời kỳ 1998-1999, mua hàng loạt công ty từ trang phim IMDB.com, mạng xã hội. PlanetAll.com, công ty dữ liệu Alexa.com, một nhà sách của Anh, một nhà sách của Đức. Ông đầu tư mạnh vào Drugstore.com chuyên về dược, Pets.com (thú cưng), Gear.com, WineShopper.com (rượu), Greenlight.com (đèn chiếu sáng) và HomeGrocery.com (tạp hóa gia đình). Nhưng theo trang The Everything Store thì "hầu hết các khoản đầu tư đó đều đổ sông đổ bể". Bezoz và đội ngũ của ông không có đủ khả năng để quản lý tất cả những công ty kinh doanh đủ mọi lĩnh vực đó.
"Trong hầu hết các trường hợp, sự hối tiếc lớn nhất của chúng ta hóa ra lại là những gì chúng ta đã không làm. Bỏ lỡ một cơ hội thực sự là một nỗi ám ảnh với tôi. Kể cả khi thất bại, tôi vẫn luôn tự hào rằng ít nhất tôi đã thử làm", Bezos chia sẻ. Chính hàng loạt thất bại đã cho ông những bài học lớn để hoàn thiện các triết lý và chiến lược kinh doanh đưa Amazon trở thành một đế chế khổng lồ.
"Tôi không muốn khi tôi 80 tuổi, trong một khoảng lặng suy tư suy nghĩ về cuộc đời mình, tôi lại đi liệt kê sự hối tiếc vì những điều không làm thời còn trẻ" – Jeff Bezos chia sẻ trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
"Luôn là Ngày đầu tiên", đó là tôn chỉ mà Jeff Bezos ghi trong lá thư năm 2018 gửi các cổ đông của Amazon. Ông đã tuân thủ triết lý này suốt nhiều thập niên qua, để nhắc nhở mọi cổ đông và nhân viên rằng Amazon sẽ không bao giờ ngừng hành động như một công ty khởi nghiệp, ngay cả khi công ty hiện đã thuê tới trên 540.000 nhân viên và có hơn 300 triệu người dùng trung thành.
Để thực hiện "Luôn là Ngày đầu tiên", Jeff Bezos tin vào 4 chiến lược trọng tâm.
Thứ nhất, lấy khách hàng làm trung tâm
Lợi thế rõ ràng nhất của một công ty kinh doanh trực tuyến là nó có thể đo lường được thói quen, hành vi của khách hàng. Và chính sự đo lường là điều Bezos và Amazon luôn chú trọng: trong những năm qua, công ty đã thêm vào nhiều tính năng mới với mục đích duy nhất là khiến khách hàng thỏa mãn, và từ đó giúp tăng doanh số bán hàng.
Amazon không ngừng tìm kiếm những điều khiến khách hàng của công ty mỉm cười và luôn luôn đổi mới dựa trên nhu cầu của họ. Bezoz cho rằng việc ông vẫn tiếp tục thói quen đọc email từ hộp thư công khai của mình là một cách giúp ông đồng điệu với những gì xảy ra với khách hàng của Amazon. Ông cũng tin rằng, tập trung vào điều mà khách hàng nói còn quan trọng với sự thành công của doanh nghiệp hơn là tập trung vào những gì mà các đối thủ đang làm. Ông thường so sánh các phản hồi của khách hàng với các số liệu của công ty để xem chúng có "lệch pha" hay không. "Khi phản hồi và dữ liệu không thống nhất, những phản hồi thường là đúng", Bezos kết luận.
Thứ hai, dùng những nhân viên và quản lý tài năng
Trong bức thư gửi cho các nhân viên quản lí ngay sau khi Amazon thành lập, ông Bezos đã viết về chiến lược thuê người cho công ty: “Không khởi nghiệp nào có thể đạt được kết quả thành công trong môi trường năng động như Internet nếu không có những nhân viên phi thường với kĩ năng kỹ thuật chuyên môn thật rộng và thật sâu...”.
Bezos rất coi trọng việc làm việc nhóm, cũng như việc xây dựng một tập thể vững mạnh. Triết lý của ông là tập trung vào việc lựa chọn đúng người, trao thưởng cho họ bằng một phần sở hữu công ty để khiến họ có thêm động lực. Bezos thậm chí còn thực hiện chính sách trả tiền lên đến 5000 USD cho những nhân viên chán việc để họ nghỉ việc ngay lập tức. Điều này cho phép công ty loại được những nhân viên lười biếng, bất mãn, qua đó lại tiết kiệm được nhiều tiền hơn trong dài hạn.
Jeff Bezos đặt ra yêu cầu: “Mỗi năm chuẩn thuê người phải liên tục tăng lên. Tôi yêu cầu mọi người hình dung về công ty trong 5 năm sắp đến sẽ như thế nào, phát triển ra sao? Với công nghệ mới nào? Phải liên tục cải tiến không ngừng. Điều này có nghĩa, mọi nhân viên đều phải nhìn vào tiêu chuẩn mới hàng năm và trả lời 'Mặc dù tiêu chí lên cao thế nhưng tôi vẫn đạt được nó'”. Câu slogan nổi tiếng mà ông đặt ra cho các nhân viên của Amazon là: "Làm việc chăm chỉ - Tận hưởng niềm vui - Tạo nên lịch sử"
Thứ ba, không ngừng đổi mới và phát triển
Mỗi bước trong quá trình xây dựng Amazon, Bezos đã bổ sung thêm các tính năng mới, cho dù ban đầu có thể không hiệu quả, nhưng về lâu dài luôn có lợi cho khách hàng. Đó là lý do tại sao Amazon liên tục cải tiến, phát triển để tối ưu hóa hệ thống hậu cần và phân phối của mình, giúp cho các dịch vụ vận hành trơn tru và hiệu quả nhất có thể. Amazon đã rót một lượng lớn tài nguyên vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của mình. Các khoản đầu tư này đã được đền đáp khi công ty nắm giữ danh hiệu công ty thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới.
Thứ tư, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả lợi nhuận
Tiết kiệm là một trong những tiêu chí cơ bản của Amazon - chi phí thấp và tính hiệu quả cao đã tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận. Bezos luôn tập trung vào việc giữ năng suất cao và đảm bảo tiết kiệm ở tất cả các cấp - từ lãnh đạo xuống toàn bộ nhân viên. Trang web của Amazon cũng nêu rõ điều này như một nguyên tắc cốt lõi: “Làm được nhiều hơn với chi phí ít hơn”.
Điều này không có nghĩa là Bezos không chịu chi tiền – trên thực tế ông tập trung nguồn lực lớn vào những lĩnh vực quan trọng đối với khách hàng và cắt giảm chi phí không cần thiết. Làm vậy sẽ giúp giảm giá, tiết kiệm cho khách hàng và nâng cao tính cạnh tranh cho Amazon.
Ngoài việc đứng đầu Amazon, Jeff Bezos còn theo đuổi một dự án đầy tham vọng khác là Blue Origin, một công ty vũ trụ được thành lập từ năm 2000 và mỗi năm được ông đầu tư hàng tỉ USD.
Blue Origin hướng tới mục tiêu phát triển công nghệ thực hiện các chuyến bay vào không gian với giá cả phải chăng. Năm 2015, công ty đã phóng thử nghiệm thành công tàu không gian New Shepard với tên lửa đẩy có thể tái sử dụng. Trong khi công ty SpaxeX của tỉ phú Elon Musk nhắm đích đến là sao Hỏa, dự định trước mắt của Jeff Bezos với Blue Origin là đưa người lên Mặt Trăng trong vòng 5 năm tới, đưa Amazon trở thành một tên tuổi tầm cỡ vũ trụ.
"Chúng ta sẽ phải rời khỏi hành tinh này" - Bezos phát biểu tại Hội nghị Phát triển Vũ trụ ở Log Angeles - "Chúng ta sẽ rời đi, và điều đó sẽ giúp hành tinh này tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ đến và đi, còn nhưng người muốn ở lại sẽ ở lại".
Tiến ra vũ trụ, cũng chính là chiến lược thể hiện phương châm không ngừng phát triển của Jeff Bezos. Hiện nay, Amazon vẫn đang trong cuộc chiến trường kì với các hãng UPS và FedEX. Họ cần phải làm thứ gì đó khác mà đối thủ không nghĩ tới hoặc không làm nổi: đó là đặt luôn một thị trường mới trên Mặt Trăng, nơi chưa có ai là đối thủ của Amazon.
Jeff Bezos từng nói: “Giới hạn của bạn là cơ hôi của tôi”. Vì thế ngay từ lúc này, hãy tưởng tượng một viễn cảnh kỳ diệu nhất với tham vọng của con người: một hệ Mặt trời với hàng nghìn tỷ hộp hàng hóa Amazon bị vứt bỏ trôi nổi trong không gian!
Bài: Thu Hằng
Trình bày: Nguyễn Hà
01/10/2018 06:35