VÀO NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT, TẤM LÒNG CỦA BÀ CON Ở XA TỔ QUỐC LUÔN HƯỚNG VỀ CỐ QUỐC. ĐỐI VỚI MỘT SỐ KIỀU BÀO VIỆT NAM TẠI PHÁP, TRONG TÌNH YÊU ĐẤT NƯỚC, CÒN CÓ SỰ GẮN BÓ, TRĂN TRỞ VỚI BIỂN ĐẢO QUÊ HƯƠNG.

Dù đã ở tuổi ngoài 80, ông Nguyễn Thanh Tòng, một Việt kiều tại Pháp, vẫn nhớ như in chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào năm 2016. Chuyến thăm do Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức cho bà con kiều bào trở về từ nhiều nước trên thế giới. Ông Tòng đã có may mắn được tham gia chuyến đi đó.

Một số hình ảnh của bác Nguyễn Thanh Tòng trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2016, cùng trang bìa hai cuốn sách của bác. Ảnh: TTXVN phát

Hình ảnh những chiến sĩ dày dạn gió sương, giữ chắc tay súng, canh giữ biển đảo quê hương và những câu chuyện của họ đã khiến ông Tòng xúc động. Ông luôn cảm thấy sẽ thật tiếc nếu không ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ đó, để kể lại cho con cháu và các thế hệ Việt kiều thứ hai, thứ ba tại Pháp những điều mắt thấy tai nghe về cuộc sống và tình yêu của những người lính, nhân dân nơi hải đảo xa xôi.

Sau nhiều tháng miệt mài tập hợp tranh, ảnh và những ghi chép của mình, năm 2020, ông Tòng đã cho ra đời quyển sách ảnh song ngữ Việt - Pháp với tựa đề “Biển đảo quê hương”. Từ những bữa cơm ấm tình quân dân, đến những trải nghiệm cùng người lính nơi đầu sóng ngọn gió, từ sự linh thiêng của ngôi chùa xưa đến giá trị của những tư liệu bản đồ cổ… đã đưa người đọc sống lại với từng khoảnh khắc của chuyến đi.

Không chỉ dừng ở đó, ông Tòng còn dày công tìm hiểu và tập hợp các tư liệu, chứng cứ về lịch sử biển đảo của Việt Nam, để cho ra cuốn sách thứ hai mang tên “Biển đảo lịch sử và pháp lý”, nơi tổng hợp nhiều nguồn thông tin báo chí và những tư liệu nghiên cứu về Biển Đông của các sử gia trong và ngoài nước. Để giúp bạn bè Pháp hiểu hơn về biển và chủ quyền biển của Việt Nam, ông Tòng đã xuất bản cuốn sách này bằng tiếng Pháp.

Với bà Trần Thu Dung, cảm xúc về biển đảo quê hương lại được lưu giữ trong những vần thơ, những bức tranh, thành lời ca điệu nhạc. Bà đã đưa những kỷ niệm về Trường Sa vào phần đầu của tuyển tập các tác phẩm hội họa của mình trong cuốn sách ảnh có tựa đề “Lointain pour toujours - Mãi mãi xa”, nơi bà chia sẻ cảm xúc “mơ hồ, cô đơn, trống vắng” khi “sống một nơi, hồn để một nơi, khi ở Pháp nhớ về Việt Nam và ở Việt Nam nhớ về Pháp”.

Bác Trần Thu Dung giới thiệu tranh và một số ảnh kỷ niệm của bác trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2018. Ảnh: TTXVN phát

Giới thiệu với phóng viên TTXVN tại Pháp những tác phẩm tranh màu nước về Biển Đông, bà Dung nhớ lại chuyến đi lịch sử vào năm 2018 cùng đoàn kiều bào về thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, nơi bà được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển đảo quê hương, được chứng kiến cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhưng giàu tình cảm của những người dân trên đảo, cũng như cảm động trước sự anh dũng, kiên cường và hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ hải quân.

Đặc biệt xúc động trước những ngôi mộ gió vô danh, được xây để tưởng niệm những người lính đã hy sinh trên biển mà không tìm thấy thi thể, bà Thu Dung đã làm bài thơ tựa đề “San hô trắng” ca ngợi tình yêu của những người lính đã hy sinh khi còn trẻ, rất trong trắng, tựa những bông hoa san hô. Bà tâm sự, bài thơ cũng nhằm tưởng nhớ tới người anh trai của bà đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cũng không tìm thấy mộ.

Không chỉ viết sách, làm thơ, vẽ tranh, hay sáng tác ca khúc về Trường Sa, ông Thanh Tòng và bà Thu Dung sau chuyến đi thực tế, đã đề xướng với Hội người Việt Nam tại Pháp triển khai các hoạt động ủng hộ chiến sĩ và người dân, vận động bà con kiều bào quyên góp để mua máy lọc nước mặn thành nước ngọt, sắm bồn trữ nước, bồn trồng cây cho các đơn vị trên đảo, trao học bổng cho học sinh nghèo nơi hải đảo... Nguồn ủng hộ tuy không lớn nhưng cũng đủ làm ấm lòng người dân, động viên tinh thần của những chiến sĩ bám đảo.

Chương trình văn nghệ của CLB yêu biển đảo quê hương Việt Nam hưởng ứng phong trào “Tất cả vì biển, đảo Việt Nam”. Ảnh: Thu Hà/TTXVN

Tháng 3/2023, hưởng ứng phong trào “Tất cả vì biển, đảo Việt Nam”, ông Thanh Tòng và bà Thu Dung đã cùng một số bà con kiều bào thành lập câu lạc bộ yêu biển đảo Việt Nam tại Pháp với mục đích giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa cũng như biển, đảo Việt Nam, từ đó thu hút những người bạn Pháp và Việt kiều tại Pháp yêu thích du lịch và văn hóa biển Việt Nam.

Bên cạnh việc lan tỏa tình yêu với biển đảo quê hương, câu lạc bộ còn tổ chức các hoạt động quyên góp, gây quỹ ủng hộ trẻ em, các thầy cô giáo, trường học và nhà văn hóa, thư viện trên các đảo của quần đảo Trường Sa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nói về tình cảm của bà con kiều bào đối với biển đảo quê hương, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khẳng định: “Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp luôn đi đầu trong các hoạt động hướng về đất nước”. Theo Đại sứ, trong năm qua, các sự kiện của Câu lạc bộ yêu biển đảo quê hương đã thể hiện được tình cảm của cộng đồng và cũng là hành động thiết thực để góp phần thu hút nguồn lực và ý tưởng cho phát triển cuộc sống nơi biển đảo, giữ gìn văn hóa và phát huy thế mạnh của các vùng đất này.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN THU HÀ (P/v TTXVN tại Pháp)

Trình bày: Bảo Hà

11/02/2024 07:27