Trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dữ liệu được xem như một loại tài nguyên, tài sản, “đất đai của không gian mới”. Chuyển đổi số sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu dữ liệu số bởi dữ liệu là nguyên liệu, nhiên liệu, cũng như là sản phẩm của quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu số là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chuyển đổi số bao gồm hai phần, phần chuyển đổi và phần số. Chuyển đổi mang tính tổng thể tại mọi cơ quan, tổ chức. Phần số gồm công nghệ số và số liệu. Do vậy, quá trình chuyển đổi số quốc gia phải gắn liền với xây dựng, phát triển và khai thác dữ liệu. Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa những mục tiêu rõ ràng về xây dựng dữ liệu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020.

Ngày 21/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu ấn nút kích hoạt Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc.

Cụ thể, mục tiêu về dữ liệu số đến năm 2025 là 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (IoT); giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp; tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết: Kho dữ liệu quốc gia có hai mảng chính là dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo ra và dữ liệu do người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội tạo ra trong quá trình tham gia phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, tất cả các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực chung sức tạo ra dữ liệu và phải tiếp tục phát triển dữ liệu, thúc đẩy liên kết dữ liệu.

Xây dựng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Ông Nguyễn Phú Tiến lưu ý, khi phát triển dữ liệu, quan trọng nhất là dữ liệu không được trùng lặp. Thứ hai, khi đã tạo ra cơ sở dữ liệu quốc gia thì phải tiếp tục cập nhật, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu. Đặc biệt, phải mở dữ liệu để người dân và doanh nghiệp dựa vào nguồn dữ liệu quốc gia tạo ra những dịch vụ sáng tạo, tạo ra những dịch vụ ứng dụng công nghệ. Khi các cơ quan nhà nước cung cấp nguồn dữ liệu mở, đẩy mạnh việc kết nối, liên thông dữ liệu thì đây sẽ là nguồn tài nguyên, nguồn lực quý giá, vô tận để phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số sinh ra dữ liệu. Dữ liệu là một yếu tố sản xuất mới, giống như đất đai và vốn. Càng chuyển đổi số thì càng sinh ra nhiều dữ liệu, càng tạo ra nhiều đất đai trên môi trường số. Khai thác đất đai này bằng công nghệ số thì sinh ra giá trị mới, tạo ra sự tăng trưởng, sự giàu có. 

 

Trong xu thế chuyển đổi số diễn ra nhanh, mạnh ở mọi lĩnh vực, cơ sở dữ liệu quốc gia (dữ liệu lớn - Big Data) trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhấn mạnh cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới, nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số Việt Nam, tại Diễn đàn quốc gia về Kinh tế số và Xã hội số lần thứ nhất năm 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Cần thúc đẩy liên thông dữ liệu, chia sẻ cao để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Người dân sử dụng tài khoản dịch vụ công quốc gia.

Thời gian qua, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên kho dữ liệu lớn (Big Data) đã tạo đột phá mọi lĩnh vực của đời sống như ngân hàng, tài chính, y tế, giáo dục nông nghiệp, môi trường đến truyền thông, giải trí… Đáp ứng nhu cầu của mọi hoạt động chuyển đổi số trong xã hội, các tập đoàn công nghệ lớn trong cả nước đã và đang triển khai các dự án chuyển đổi số lấy dữ liệu làm trọng tâm cho các khối chính phủ, tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và người dân để góp phần thúc đẩy chuyển đối số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dữ liệu lớn mới chủ yếu được ứng dụng mạnh tại một số doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng lớn. Tình trạng dữ liệu bị “cát cứ”, không được chia sẻ đang là rào cản để các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể khai thác, sử dụng dữ liệu.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, khi xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu, các đơn vị, địa phương cần huy động tối đa các nguồn lực chuyên gia, tổ chức xã hội để thực hiện mục tiêu, tận dụng và phát huy vai trò của Khung kiến trúc Chính quyền điện tử để giải quyết bài toàn tổng thể về kết nối và chia sẻ dữ liệu. Khó khăn với nhiều địa phương khi xây dựng cơ sở dữ liệu là hệ thống văn bản hướng dẫn chuyên ngành và hướng dẫn kỹ thuật từ trung ương chưa đầy đủ; quy trình, thủ tục đầu tư chậm và nhiều khó khăn khi thí điểm công nghệ mới; đồng thời sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại nhiều đơn vị, địa phương cũng là rào cản lớn. 

Tình trạng “cát cứ” dữ liệu đang là nút thắt trong xây dựng và khai thác dữ liệu. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển dữ liệu làm cơ sở để xây dựng quy hoạch, tiêu chuẩn, quy định pháp lý là những hành lang cơ bản thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2021, là nền tảng quan trọng trong phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, xã hội số.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Phú Tiến cho biết, để giải quyết vấn đề chia sẻ dữ liệu, trên quy mô quốc gia cần xây dựng khung kiến trúc chính phủ điện tử. Ở phía dưới, mỗi bộ, tỉnh, thành phố cần xây dựng nền tảng và trung tâm kết nối chia sẻ dữ liệu.

Hiện tại, các bộ, các tỉnh, thành phố đã xây dựng được Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (NDXP) do các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin triển khai, quản lý. Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2023, 100% các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, hơn 10 bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dữ liệu mở. Trên Cổng dữ liệu quốc gia tại địa chỉ Data.gov.vn có hơn 10.000 tập dữ liệu để các đơn vị chia sẻ và khai thác.

Để khai thác dữ liệu hiệu quả, cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết được với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho nhau để tạo nên một cơ sở dữ liệu lớn tập trung và đầy đủ thông tin. Là nguồn tài nguyên quan trọng trong thời đại công nghệ, việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi, tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.

 

Với việc tạo lập, kết nối liên thông dữ liệu, thời gian qua, Dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển. Dịch vụ công trực tuyến là chỉ số quan trọng trong xếp hạng chính phủ điện tử, chính phủ số của Liên hợp quốc. Theo Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam muốn nâng cao thứ hạng về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số thì cần phải có kết quả đột phá về chất lượng dịch vụ công trực tuyến và số lượng người dân sử dụng, hài lòng với dịch vụ công trực tuyến. 

Nam Định là một trong 7 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 40% thủ tục hành chính trực tuyến ở mức độ 4 (nay là dịch vụ công toàn trình) vào tháng 7/2020. Đến nay, 1.186 trong tổng số 1.705 dịch vụ công của tỉnh (tương đương 75%) đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trung tâm hành chính của tỉnh Nam Định và Bộ phận một cửa các cấp đã phát huy hiệu quả việc giải quyết nhanh chóng, thuận tiện các thủ tục của người dân. Hiện nay, với sự phát triển của dịch vụ công trực tuyến, người dân có thể dễ dàng, thuận tiện tiếp cận sử dụng dịch vụ ngay tại nhà nên số lượng người dân trực tiếp làm thủ tục tại Trung tâm hành chính của tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp đã giảm dần. Trước đây, Trung tâm hành chính của tỉnh và Bộ phận một cửa các cấp bình quân phục vụ từ 400 - 500 người/ngày thì nay giảm xuống còn 150 - 200 người. Thời gian tới, các Trung tâm hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp của tỉnh Nam Định sẽ tối ưu hóa các công đoạn trong xử lý thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. 

Thành viên Tổ công nghệ số tại các tỉnh, thành hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID, tập huấn chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Phúc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nam Định cho biết, hiện nay, 100% người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm thủ tục hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp đã được hướng dẫn hỗ trợ tài khoản, cách thức nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến và nhận kết quả điện tử. Người dân, doanh nghiệp được khuyến khích, hỗ trợ tham gia dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh Nam Định đạt 85%, tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí đạt trên 85%.

Huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cũng là một điểm sáng về triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đây là huyện có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cao nhất thành phố Hải Phòng lên tới trên 90%, thanh toán trực tuyến tháng 7/2023 đạt trên 84%. Từ tháng 8/2022, Bộ phận một cửa huyện Tiên Lãng, Hải Phòng tạm dừng tiếp nhận hồ sơ giấy của công dân để chuyển sang hình thức tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số thủ tục dễ thực hiện, được người dân sử dụng phổ biến như cấp bản sao trích lục hộ tịch, chứng thực bản sao từ bản chính, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, chuyển trường với học sinh tiểu học, trung học cơ sở… 

Chị Đỗ Thị Thu Hiền, Chuyên viên Bộ phận một cửa huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng cho biết, để người dân hiểu, sử dụng các dịch vụ công, các cán bộ tại Bộ phận một cửa của huyện đã tích cực, chủ động hướng dẫn quy trình nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của huyện, trên các nền tảng xã hội Facebook, Zalo và khi công dân trực tiếp đến bộ phận một cửa. 

Người dân sử dụng internet để giới thiệu đặc sản nông sản địa phương bằng bán hàng online với nhiều máy điện thoại cùng lúc.

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ, xác định chính quyền số quan trọng nhất là cung cấp dịch vụ cho người dân bởi khi người dân dùng dịch vụ công trực truyến càng nhiều thì chính quyền cơ sở tự khắc sẽ đổi mới và tốt lên. Khi người dân dùng thường xuyên sẽ tăng cường năng lực số, góp phần xây dựng xã hội số. Do đó, thành phố Hải Phòng đã tập trung vào việc khuyến kích người dân tăng cường dùng dịch vụ công trực truyến.

Không chỉ tại Nam Định, Hải Phòng mà hiện nay, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã làm thay đổi cách làm việc của các cơ quan nhà nước trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Quan trọng hơn, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi khi giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các địa phương trong cả nước.

 

Tại tỉnh Tây Ninh, người dân chỉ cần truy cập ứng dụng Zalo, rồi chọn mini app “Tây Ninh Smart” là có thể sử dụng các tiện ích của ứng dụng này. Tây Ninh Smart là ứng dụng dùng chung của tỉnh Tây Ninh, được coi là "cánh tay nối dài" giữa chính quyền và người dân trên địa bàn tỉnh. Anh Cao Minh Hoàng Quân, Phường 2, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh chia sẻ: Mọi người có thể nộp hồ sơ trực tuyến, gửi phản ánh trực tiếp về khu dân cư xung quanh nơi mình sống ví dụ như sụt lún vỉa hè, dây điện bị đứt... tới cơ quan chức năng để các đơn vị liên quan sẽ cử người xuống khắc phục.

Người dân tìm hiểu cách thức sử dụng nền tảng Long An Số.

Nhờ tiện dụng và mang đến nhiều hiệu quả thiết thực qua một ứng dụng phổ biến trên điện thoại, sau 2 tháng triển khai, trên 81.000 người đã dùng ứng dụng Tây Ninh Smart, đáng nói là tỷ lệ người trên 45 tuổi dùng được ứng dụng này chiếm 26% tổng số người sử dụng. Số lượt truy cập sử dụng trung bình hàng tuần hiện đạt 40.000 lượt. Ứng dụng này đã góp phần nâng tổng số hồ sơ nộp trực tuyến của Tây Ninh lên đến hơn 60.000 lượt, tăng gần 30% so với trước đây.

Để đưa nền tảng công nghệ đến với người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sáng kiến triển khai “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Hơn 1 năm qua, theo hướng dẫn của Bộ thông tin và Truyền thông, các địa phương đã tích cực thiết lập, đưa vào hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng, dần hình thành mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác chuyển đổi số trên toàn quốc. Với phương châm "Đi từng ngõ gõ từng nhà”, nhiệm vụ của tổ công nghệ số cộng đồng là: Hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tạo lập tài khoản thanh toán, mua sắm trực tuyến; sử dụng kỹ năng bảo đảm an toàn ở mức cơ bản để người dân khi lên mạng xã hội không bị lừa đảo; sử dụng nền tảng do các địa phương lựa chọn như đặt vé xe, đọc sách trực tuyến…

Quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm của HTX hữu cơ cung cấp ra thị trường.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng không chỉ giúp ích cho người dân trong việc tiếp cận với môi trường số mà còn mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, những đối tượng đang chuyển dần sang nền kinh tế số. Theo tính toán, để đào tạo được một người dùng số thì chi phí vào khoảng 5 USD, nhưng khi có sự tham gia của Tổ công nghệ số cộng đồng thì chi phí chỉ khoảng 2 USD. Các Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tạo ra các công dân số, công dân số tạo ra xã hội số, xã hội số tạo ra nhu cầu số, nhu cầu số thì tạo ra thị trường số, thị trường số thì tạo ra doanh nghiệp số và từ đó hình thành nền kinh tế số.

Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Theo thống kê của Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ công nghệ số đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74 nghìn tổ và khoảng 350 nghìn thành viên, trong đó 52 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

Thanh toán bằng phương thức QR Code đã đến tận vùng sâu, vùng xa.

Khi người dân các địa phương được tiếp cận và sử dụng công nghệ số, dữ liệu số được sinh ra. Dữ liệu càng sử dụng thì càng tăng thêm, nên khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số là cách để xây dựng và phát triển kho dữ liệu số. Đồng thời, việc xây dựng, kết nối dữ liệu số quốc gia là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy, tạo đột phá trong quá trình chuyển đổi số Việt Nam.

Bài: Ngọc Bích
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà

14/10/2023 06:05