Từ ngày 15/4/2022, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và được cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cấp “Hộ chiếu vaccine”. Hiện các hệ thống đã sẵn sàng cho việc triển khai cấp “Hộ chiếu vaccine” cho người dân. Đây được xem là chìa khóa để mở cánh cửa ra thế giới, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, khôi phục các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn...

“Hộ chiếu vaccine” được hiểu là một dạng giấy chứng nhận điện tử cho phép những người đã tiêm chủng vaccine phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) có thể di chuyển giữa các nước. “Hộ chiếu vaccine” cung cấp những thông tin xác thực để chứng minh rằng một người đã được tiêm đủ số mũi vaccine phòng, chống COVID-19.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh là việc chưa thể thực hiện ngay, thì việc áp dụng “Hộ chiếu vaccine” được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước gỡ khó và mở lối đi cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thời gian qua. 

Du khách tham quan chụp ảnh tại cầu Vàng, khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng).
Tính đến ngày 12/4/2022, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 cả nước đã tiêm là hơn 208,8 triệu liều.

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vaccine” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Xu hướng chung là điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh theo hướng ưu tiên người có “Hộ chiếu vaccine”. Các chính sách này có thể là việc mở cửa hoàn toàn, hoặc mở cửa riêng đối với người đã được tiêm chủng đến từ vùng dịch; cho phép người nhập cảnh có “Hộ chiếu vaccine” được hưởng các ưu đãi về các biện pháp kiểm soát y tế, như: giảm thời gian hoặc miễn cách ly tập trung, không cần phải xét nghiệm khi nhập cảnh...

Đối với Việt Nam, sau hơn 2 năm thực hiện phòng, chống COVID-19, đến nay nước ta đã đạt được những thành công nhất định trong chiến lược tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến ngày 12/4/2022, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 cả nước đã tiêm là hơn 208,8 triệu liều. Đáng chú ý, từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.

Song song với việc đẩy mạnh chương trình tiêm chủng rộng rãi cho người dân, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo thực hiện triển khai công nhận “Hộ chiếu vaccine”. Từ tháng 9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận “Hộ chiếu vaccine”. Văn bản nêu rõ, việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vaccine”.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây trong buổi họp báo chiều 7/4/2022, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết hiện Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau với 19 quốc gia gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia. 

Việc công nhận “Hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước/vùng lãnh thổ được xem là chính sách quan trọng và cần thiết, bởi đây là chìa khóa để mở cánh cửa ra thế giới, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, khôi phục các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn...

 

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng bộ tiêu chí công nhận đối với “Hộ chiếu vaccine” của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, ngày 20/12/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5772/QĐ-BYT về biểu mẫu và quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine”. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các đơn vị liên quan xây dựng chức năng trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 và các hệ thống liên quan phục vụ cho việc ký số và cấp “Hộ chiếu vaccine”. Đến nay, các hệ thống đã hoàn thành, sẵn sàng cho việc cấp “Hộ chiếu vaccine” cho người dân trên cả nước. 

Các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19.

Ngày 4/4 vừa qua, Bộ Y tế đã có Thông báo chi tiết về quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine” của Việt Nam. Và từ ngày 8/4, các cơ sở tiêm chủng trên cả nước chuẩn bị các điều kiện cần thiết, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 để Bộ Y tế tiến hành cấp “Hộ chiếu vaccine” cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/4/2022.

Theo ông Đỗ Trường Duy - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp “Hộ chiếu vaccine” mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm.

Đại diện Bộ Y tế cho biết “Hộ chiếu vaccine” bản chất là chứng nhận tiêm vaccine điện tử. Mỗi người dân sẽ có mã QR giống như mã QR trên ứng dụng PC-COVID hiện nay, chỉ khác là chúng ta sử dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh châu Âu (EU) để có thể xác minh thông tin lẫn nhau khi ra nước ngoài. 

“Hộ chiếu vaccine” sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Những người dân chưa được cấp “Hộ chiếu vaccine” là do thiếu hoặc sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.

1. “Hộ chiếu vaccine” điện tử là gì?

Hiện nay “Hộ chiếu vaccine” điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành.

2. Thời hạn của “Hộ chiếu vaccine” điện tử

Thời hạn của “Hộ chiếu vaccine” điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.

3. Tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19 có được cấp “Hộ chiếu vaccine” điện tử không?

“Hộ chiếu vaccine” điện tử là chứng nhận tiêm chủng COVID-19 điện tử, do vậy người dân tiêm bao nhiêu mũi thì vẫn được cấp “Hộ chiếu vaccine”, trong đó sẽ có thông tin tiêm loại vaccine nào, bao nhiêu mũi.

Du khách tham quan chụp ảnh tại cầu Vàng, khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng).
Khai báo y tế để tích cực phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.

4. “Hộ chiếu vaccine” điện tử của Việt Nam sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật nào, có bao nhiêu quốc gia sử dụng tiêu chuẩn này?

“Hộ chiếu vaccine” điện tử của Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn do WHO và EU ban hành, hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.

5. “Hộ chiếu vaccine” điện tử của Việt Nam được sử dụng ở những quốc gia nào?

Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp “Hộ chiếu vaccine”. Để biết “Hộ chiếu vaccine” được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao.

6. Người dân phải làm gì để được cấp “Hộ chiếu vaccine”?

Người dân đã tiêm chủng và được cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu lên hệ thống, được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp “Hộ chiếu vaccine” mà không phải làm thủ tục gì thêm.

7. Xem “Hộ chiếu vaccine” ở đâu?

“Hộ chiếu vaccine” điện tử được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử và PC-COVID hoặc trên trang tra cứu Bộ Y tế đang thực hiện xây dựng và sẽ công bố trong thời gian tới.

8. Thông tin tiêm chủng COVID-19 sai, thiếu thì phải làm gì?

Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19  hoặc trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.

Nếu có sai sót hoặc thiếu thông tin đề nghị người dân liên hệ (trực tiếp hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn) với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật.

9. Trường hợp người dân tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì phải làm gì để được cấp “Hộ chiếu vaccine”?

Trường hợp người dân tiêm chủng các mũi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng khác nhau thì các cơ sở có trách nhiệm ký số chứng nhận, Bộ Y tế sẽ cấp “Hộ chiếu vaccine” bao gồm thông tin các mũi tiêm. Người dân không cần phải làm thủ tục gì thêm.

10. Quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine”

Theo quyết định số 5772/QĐ-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế, quy trình cấp “Hộ chiếu vaccine” bao gồm 3 bước:

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện rà soát, bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19. Dữ liệu sẽ được đẩy về Hệ thống Quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số tập trung chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Người dân có thể xem “Hộ chiếu vaccine” trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC- COVID hoặc tra cứu trên Cổng thông tin do Bộ Y tế công bố trong thời gian tới.

11. Thời gian dự kiến triển khai cấp “Hộ chiếu vaccine” trên cả nước là khi nào?

Ngày 8/4/2022, các cơ sở tiêm chủng bắt đầu thực hiện ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19; từ ngày 15/4/2022, Bộ Y tế sẽ thực hiện ký tập trung để cấp “Hộ chiếu vaccine” cho người dân.

12. Người dân không có hoặc mất chứng nhận tiêm chủng bản giấy có được cấp “Hộ chiếu vaccine” điện tử không?

Nếu trên hệ thống đã có thông tin tiêm chủng COVID-19 thì người dân sẽ được cấp “Hộ chiếu vaccine” điện tử mà không cần bản giấy. Người dân cần kiểm tra thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 hoặc ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử.

Sẵn sàng cho việc cấp Hộ chiếu vaccine:

Bài: An Ngọc (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Quốc Bình

14/04/2022 07:00