Sau một thời gian thực thi, các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)… đã phát huy hiệu quả tích cực cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và bước đầu tạo được vị thế trên thị trường. Tuy nhiên cũng có không ít thách thức, đặc biệt về chứng nhận xuất xứ, tiêu chuẩn mới đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng mới có thể đi đường dài.

Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới.

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương thông tin, hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi, quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU với những kết quả đáng ghi nhận, xuất khẩu tăng trưởng ở mức hai con số. Theo đó, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.

Chế biến gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Thành phố cần Thơ).

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tính 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.

EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 7,5%, chiếm tỷ trọng bình quân 13,6% trong tổng xuất khẩu của cả nước (2015 - 2021).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU (năm 2021- theo Eurostat).

Theo bà Nguyễn Thảo Hiền, không chỉ tăng về kim ngạch, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa. Ngoài các mặt hàng truyền thống như máy móc - thiết bị (43%), giày dép (54%), dệt may (44%), kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như: cà phê (43,4%), thủy sản (31,6%), rau quả (23,5%), gạo (12,2%)…

Công ty TNHH MTV cà phê BaZan ở thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, mỗi năm cung cấp 60 tấn cà phê thành phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Italy, châu Âu.

Đặc biệt, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với quy mô khoảng 2,1 nghìn tỷ Euro (năm 2021), trong khi thị phần hàng hóa nhập từ Việt Nam mới chỉ chiếm gần 2% (theo Eurostat); cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam - EU cũng phần nhiều mang tính bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp. Do vậy dư địa thị trường còn tương đối lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.

Dưới góc độ ngành hàng, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đang giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư. Từ đó các doanh nghiệp có thể thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với giá trị lớn hơn, có được kinh nghiệm quản lý điều hành và nhận chuyển giao công nghệ hiện đại từ các tập đoàn lớn nước ngoài. 

Xét cụ thể về FTA điển hình như CPTPP, sau 3 năm thực thi đã mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam. Đầu tiên, hiệp định đã mở ra thị trường khá lớn cho hàng hóa nông thủy sản, thực phẩm chế biến Việt Nam, bởi quy mô kinh tế của nhiều nền kinh tế trong CPTPP tương đối lớn. Trước khi thực thi CPTPP, hầu hết nông sản, thực phẩm của Việt Nam không thể tiếp cận được các thị trường thành viên bởi hàng rào thuế quan rất cao. Việc xóa bỏ hầu hết các dòng thuế theo cam kết tạo ra nhiều thuận lợi giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa và lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp với lợi thế của chính mình. 

Tận dụng cánh cửa FTA, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm cơ hội và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu. Tiến sĩ  Phạm Đình Thưởng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC đánh giá, trong số 15 Hiệp định FTA Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA và UKVFTA là những hiệp định rất quan trọng. Đây là các FTA mang lại nhiều kết quả đàm phán có lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường các nước Đông Á. 

Theo kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp, có khoảng 85,8% doanh nghiệp thuộc nhóm chịu tác động từ các FTA cho rằng hội nhập đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ (con số này năm 2016 chỉ là 46,8%). Như vậy, nhận thức của doanh nghiệp về tác động tích cực của tiến trình hội nhập FTA đang ngày càng được cải thiện. 

Chăn nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu tại tỉnh An Giang.

Mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp về các FTA cũng tăng lên khi có 26,1% các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ về các FTA (con số này tăng lên từ mức 12,6% năm 2016). Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm cũng như tạo cơ sở để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các FTA này. 

Chia sẻ lợi ích thiết thực mà các FTA mang lại cho doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, với EVFTA, các mặt hàng nông sản chế biến xuất khẩu sang EU đều được giảm thuế. Nhờ đó, doanh số xuất khẩu của Phúc Sinh sang thị trường này tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2020, Phúc Sinh xuất khẩu sang châu Âu trị giá hàng hoá 50 triệu USD thì đến năm 2021 đã tăng lên 63 triệu USD, tương đương mức tăng 26% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng khoảng 30% trong năm 2022. Ngoài lợi ích cho xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu cũng được hưởng lợi từ EVFTA. Điều này giúp các doanh nghiệp tự tin hơn trong việc đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng để cạnh tranh với nhiều nước trên thế giới.

Ngoài hoạt động xuất khẩu các nông sản như hạt tiêu, cà phê, Phúc Sinh còn hoạt động thương mại quốc tế. Phúc Sinh thu mua hạt tiêu của Indonesia và bán lại cho các khách hàng châu Âu, Mỹ. Phúc Sinh có lợi thế nhà máy tiêu tiệt trùng mà tại Indonesia không có, trong khi thị trường châu Âu chỉ nhập khẩu tiêu tiệt trùng. Hoạt động này của doanh nghiệp được “trợ lực” bởi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã đưa thuế suất nhập khẩu hạt tiêu từ Indonesia vào Việt Nam về mức 0%. Nhờ đó Phúc Sinh đã có được lợi thế rất lớn khi cạnh tranh với các nhà thương mại từ Hà Lan, Đức.  

Muốn tận dụng được tốt nhất lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đòi hỏi ngành lúa gạo phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các quốc gia nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, gạo Việt Nam đã tiếp cận thị trường châu Âu trước khi EVFTA có hiệu lực nhưng phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao, từ 5 - 45% tùy từng quốc gia. Có khi nhà nhập khẩu gạo từ Việt Nam phải đóng thuế từ 100 - 200 Euro/tấn gạo, do đó rất khó để cạnh tranh với gạo của các nước khác như Campuchia, Lào, Myanmar vì họ được đặc cách miễn thuế. Khi EVFTA được thực thi đã mang lại cơ hội cạnh tranh sòng phẳng cho gạo Việt Nam về giá cả. 

Cùng với đó, chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu, đáp ứng tốt nhu cầu và được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng. Đến nay, Trung An đã xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu riêng vào thị trường châu Âu và bán được với mức giá ngang bằng với giá gạo của Thái Lan.

Lợi ích mà các FTA mang lại được minh chứng bằng các con số kim ngạch xuất khẩu ấn tượng qua từng năm; những doanh nghiệp nhanh nhạy đã được hưởng lợi nhưng việc vận dụng các FTA của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh thế giới nhiều biến động bất ngờ cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, dù giá trị xuất khẩu sang các thị trường có FTA mới như EU, Anh, Canada, Mexico tăng trưởng tốt, nhưng tỷ trọng của các thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chưa tăng, thậm chí một số thị trường còn khá khiêm tốn. Thêm vào đó, tỷ lệ tận dụng các FTA cũng rất thấp, cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA là 20%, UKVFTA là hơn 22% và CPTPP mới chỉ là 6%.

Nhờ Hiệp định EVFTA, ngành da giày duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo ông Ngô Chung Khanh, có rất nhiều yếu tố cản trở doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA nhưng năng lực cạnh tranh hạn chế đang là lực cản lớn nhất, tiếp đến là thiếu thông tin về các FTA và những biến động bất định của thị trường. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam năm 2022 cho thấy: Hơn 46% số doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp trở ngại về năng lực cạnh tranh; hơn 40% doanh nghiệp thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng FTA; gần 47% doanh nghiệp lo ngại các yếu tố biến động của thị trường.

Phân tích kỹ hơn về năng lực đáp ứng của doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, sau hơn 2 năm thực thi EVFTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào EU vẫn chưa tương xứng với triển vọng phát triển hợp tác thương mại giữa hai bên. Bên cạnh những ảnh hưởng khách quan từ dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp Việt gặp những khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường EU và thực thi các quy định tại EVFTA. Một trong những khó khăn lớn nhất họ gặp phải chính là việc áp dụng quy tắc xuất xứ. 

Theo đó, để được hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng các quy định về xuất xứ. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra lúng túng khi xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thậm chí còn thiếu kiến thức và năng lực thay đổi sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu đưa ra từ phía khách hàng EU. Đó chính là lý do dù quy mô thị trường EU rất lớn với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm nhưng các ngành hàng xuất khẩu, kể cả mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu của thị trường này. 

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (COFIDEC), huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Một điểm yếu khác mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành nông lâm thủy sản Việt Nam nhận thấy chính là tỷ lệ hàng xuất khẩu được chế biến sâu và có thương hiệu còn rất thấp. Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết cơ hội khi xuất khẩu sang các thị trường lớn có FTA như EU, Hoa Kỳ vì hầu hết sản phẩm được xuất thô hoặc sơ chế, gia công cho thương hiệu nước ngoài khiến hàng Việt chưa được người tiêu dùng nhận diện nhiều. Thêm vào đó, bản thân doanh nghiệp Việt cũng chậm thay đổi để thích ứng và tận dụng các cơ hội, ưu đãi. 

Đơn cử như trường hợp của một doanh nghiệp xuất khẩu tôm gần đây đã mất cơ hội xuất khẩu đi thị trường EU chỉ vì từ chối thay đổi khay nhựa đóng gói. Ngay lập tức đã có đã có nhà cung cấp khác mua sản phẩm của Thái Lan rồi đóng khay và nhanh chóng xuất khẩu. 

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ phân tích, bên cạnh những thuận lợi về cắt giảm thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với nhiều quy định phi thuế quan ngặt nghèo hơn từ các thị trường FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Đáng chú ý là việc siết chặt các vấn đề về môi trường/khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Xu hướng này được nhận định sẽ tác động lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới, gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp.

Đơn cử như tại thị trường EU, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực bị tác động đáng kể nhất khi sẽ phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn với việc mới đây EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn. Trong khi đó, mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu cũng cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép Thỏa thuận đối tác tự nguyện/Quản trị rừng và lâm nghiệp (VPA/FLEGT), giấy phép CITES, tiếp đó là các tiêu chuẩn ESG (Environmental - Social - Governance), phát thải CO2…

Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm vải thiều tại Diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới".

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group chia sẻ, việc xuất khẩu rau quả vào các thị trường FTA thì vấn đề thuế quan chỉ là một phần. Hiện vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam đang vướng đó chính là các hàng rào kỹ thuật. Để có thể tham gia sâu vào các thị trường, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ nghiêm các cam kết, tiêu chuẩn chất lượng.

Lấy ví dụ, thị trường EU tưởng “dễ mà khó, khó mà dễ” bởi hàng hóa xuất khẩu vào EU không cần trải qua quá trình đàm phán như một số thị trường khác. EU cho phép nhập khẩu tất cả các loại trái cây vào nhưng họ kiểm soát rất chặt chẽ hơn 30 chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật các loại. Chỉ cần một lô hàng bị phát hiện dư lượng vượt quá ngưỡng cho phép thì toàn bộ lô hàng sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy và mặt hàng đó sẽ bị dừng nhập khẩu.

Đối với thủy sản, một trong những lực cản lớn nhất tại thị trường EU thời gian qua chính là cảnh báo "thẻ vàng" về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhưng không chỉ có EU mà nhiều thị trường khác cũng bắt đầu áp dụng truy xuất nguồn gốc thủy hải sản khai thác. Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), từ ngày 1/12/2022, Nhật Bản sẽ áp dụng kiểm soát IUU trong toàn bộ quá trình chuỗi và đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản Việt Nam. Các lô hàng thủy sản và sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thuộc 4 loại thủy sản là mực ống và mực nang, cá thu đao Thái Bình Dương, cá thu mackerel và cá trích sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác hoặc xác nhận cam kết khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) chế biến cá ngừ đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.

Còn theo thống kê của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), chỉ trong tháng 11/2022, Văn phòng SPS Việt Nam đã tổng hợp được 115 thông báo của thành viên WTO; trong đó bao gồm 82 dự thảo và 33 văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông, lâm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, những ưu đãi mà các FTA mang lại cho ngành hàng xuất khẩu Việt Nam là rất lớn nhưng cũng chỉ là những lợi thế so sánh mang tính giai đoạn, trước khi các “đối thủ” cũng tham gia các FTA. Để tận dụng hiệu quả những ưu đại hiện tại tạo đà thúc đẩy xuất khẩu lâu dài, bền vững, quan trọng nhất các doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện năng lực cạnh tranh về mặt chất lượng; ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần thúc đẩy chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo xu hướng phát triển chung trên toàn cầu.

Chế biến gạo xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Thành phố cần Thơ).

Từ thực tế cho thấy, chìa khóa giúp các doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các FTA và tạo được chỗ đứng tại các thị trường chính là việc đầu tư đúng mức cho chất lượng và thương hiệu. Cụ thể, sau nhiều năm xuất khẩu gạo vào châu Âu dưới thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài, năm 2020 Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã có quyết định “liều lĩnh” khi dừng cung cấp hàng “xá” (hàng đóng bao trắng) cho các khách hàng để xây dựng thương hiệu gạo Trung An và chỉ bán gạo vào châu Âu dưới bao bì thương hiệu Trung An.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, thời điểm đó, công ty đang có khoảng 6 - 7 khách hàng nhập gạo ổn định ở châu Âu. Khi đưa ra quyết định chuyển hướng, nhiều người đã e ngại rằng công ty sẽ bị mất khách quen và sản lượng xuất khẩu đi châu Âu sẽ sụt giảm. Nhưng thực tế lại chứng minh điều ngược lại, doanh số bán hàng của Trung An không ngừng tăng lên và hiện gạo sạch của Trung An này đã đứng đầu tại thị trường Đức. 

Theo ông Phạm Thái Bình, vấn đề xây dựng thương hiệu là rất quan trọng, mà muốn xây dựng thương hiệu phải đi kèm với chất lượng và tính ổn định. Để xuất khẩu vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gạo cần làm chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP thực thụ; nên chọn lọc sản phẩm phù hợp với thị trường châu Âu là các loại gạo sạch hoặc hữu cơ chất lượng cao. 
“Nhiều người cho rằng, khi châu Âu miễn thuế nhập khẩu gạo, họ sẽ tăng độ khó về hàng rào kỹ thuật, để bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Thật ra, việc bảo hộ doanh nghiệp quốc nội nước nào cũng làm; tuy nhiên châu Âu không trồng hoặc trồng ít lúa gạo, hơn nữa mỗi năm châu Âu nhập khẩu trên dưới 2 triệu tấn gạo, 80.000 tấn gạo nhập của Việt Nam chỉ là số nhỏ, do đó sẽ không bị lấy hàng rào kỹ thuật để gây khó. Điều quan trọng là chúng ta phải làm đúng, làm thật về truy xuất nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

Thả tôm giống tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Bạc Liêu.

Đối với thủy sản, bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam phân tích, một trong những yếu tố thành công của các doanh nghiệp thủy sản trong việc nhanh chóng tận dụng được những ưu đãi do CPTPP mang lại chính là sự chủ động chuẩn bị và xây dựng trước hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất chế biến. Đây là những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU - vốn là thị trường đòi hỏi các tiêu chuẩn và quy trình nghiêm ngặt, do đó họ đã áp dụng các tiêu chuẩn cao của thế giới để quản lý hệ thống nuôi, chế biến.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp thủy sản cũng đang dần thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hơn với các yêu cầu của thị trường từ khâu quản lý chất lượng, đến truy xuất nguồn gốc và hướng đến doanh nghiệp có trách nhiệm. Việc áp dụng các tiêu chuẩn bền vững về nuôi, chế biến, trách nhiệm xã hội là xu thế tất yếu nếu doanh nghiệp muốn thâm nhập và khối CPTPP hay các thị trường khác.

Một số mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam được giới thiệu với người tiêu dùng tại "Tuần lễ hàng hóa và ẩm thực Việt Nam tại Anh năm 2022”.

Các chuyên gia cho rằng, nếu như những năm trước, “bền vững” và “xanh hóa” chỉ là xu hướng dành cho các phân khúc thị trường cao cấp, thì nay đã dần trở thành yêu cầu tất yếu của rất nhiều quốc gia trên thế giới vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế không tách rời với bảo vệ môi trường. 

Tại “Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ Công Thương tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Các thị trường nhập khẩu quan trọng đều áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân" các-bon lớn; nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

Phiên họp lần thứ hai Ủy ban Thương mại trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh, để thúc đẩy xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào, điều kiện đầu tiên cần đáp ứng là việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và tính bền vững trong chuỗi cung ứng. Việt Nam đang có lợi thế lớn khi có nguồn cung nông sản rất đa dạng nhưng cũng đối mặt với việc gia tăng số lượng cảnh báo kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh đặc biệt là đối với nông sản và các sản phẩm thủy hải sản. Do đó, Việt Nam cần tích cực tham gia các chương trình tự nguyện về dán nhãn và chứng nhận quốc tế nhằm thúc đẩy công nghệ sản xuất có trách nhiệm với việc tích hợp các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. 

Sản xuất xanh và thương mại xanh không chỉ giới hạn ở các sản phẩm nông nghiệp mà các nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp cũng có thể tham gia vào xuất khẩu xanh. Các sản phẩm như giày dép và hàng may mặc cũng cần được “xanh hóa”; sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn xã hội và môi trường thường đắt hàng hơn mặc dù giá cao. 

Theo ông Bartosz Cieleszynski, sản phẩm thân thiện với môi trường và tiêu chuẩn lao động quốc tế ngày càng đóng vai trò lớn tại các nền kinh tế phát triển. Điều này liên quan đến nhận thức của xã hội về sự cần thiết bảo vệ môi trường sống. Vì vậy, các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu cần làm quen với lựa chọn của người tiêu dùng và đáp ứng các kỳ vọng của họ bằng việc cung ứng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, xanh và thân thiện môi trường. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và một khi các thông lệ tự nguyện trở thành tiêu chuẩn bắt buộc, cạnh tranh trên thị trường sẽ trở nên rất gay gắt.

Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị đầu tiên trên thế giới đạt 100 điểm tuyệt đối theo mô hình canh tác lúa bền vững (SRP) trên diện tích trên 100 ha chỉ với 14 nông dân.

Chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích từ việc theo đuổi chiến lược “xanh hóa” sản xuất trong ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc Phong Phú Jean Group cho biết, để trở thành nhà cung ứng cho các thương hiệu và bán lẻ trên toàn cầu, từ nhiều năm qua, Phong Phú Jean đã xây dựng chuỗi cung ứng khép kín hàng dệt may với nguyên liệu vải và sản xuất bền vững. Theo đó, Phong Phú ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm thân thiện với người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp cũng vận hành hệ thống năng lượng mặt trời và thực hành tiết kiệm tại các nhà máy, giúp giảm thải hơn 1.100 tấn CO2/ năm. 

Việc theo đuổi chiến lược sản xuất bền vững giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng, từ đó nâng cao uy tín đối với những nhãn hàng cao cấp. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về đơn hàng thì những doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh, bền vững sẽ có lợi thế vượt trội để trở thành đối tác, nhà cung ứng vào các thị trường quan trọng.

Bài: Xuân Anh
Ảnh, đồ họa: TTXVN
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà

26/12/2022 05:55