Sự bùng phát của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Song nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì dịch COVID-19 được xem như một đòn bẩy kích thích tiến trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng, trong đó thói quen giao dịch “offline” sang “online” đã được định hình ngày một rõ rệt hơn.

Vì vậy, một số ngân hàng thương mại tiếp tục đầu tư để phát triển dịch vụ ngân hàng theo xu thế này nhằm đảm bảo khách hàng có thể giao dịch thường xuyên, không bị ngắt quãng.

Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, việc hạn chế tiếp xúc đã trở thành điều kiện góp phần thay đổi góc nhìn, sự lựa chọn của nhiều người dân đến với thói quen mua sắm online, thanh toán điện tử.

Là người đi thuê trọ, công việc lại bận thường xuyên về muộn nên chị Minh Thanh thường ăn uống ở các hàng quán bên ngoài cho tiện lợi. Thế nhưng, từ lúc dịch COVID-19 bùng phát, chị Minh Thanh đã quyết định đặt đồ ăn, thức uống qua các ứng dụng mua hàng trực tuyến.

“Tất cả đều dùng điện thoại từ việc đặt hàng, thanh toán nên tôi ít sử dụng đến tiền mặt. Ngoài ra, tiền thuê nhà trọ tôi cũng thực hiện chuyển khoản cho chủ nhà qua các ứng dụng ngân hàng điện tử để hạn chế tối đa rủi ro lây nhiễm virus từ tiền mặt và người khác,” chị Minh Thanh cho hay.

Cũng là một tín đồ mua sắm trên mạng, anh Nguyễn Văn Hùng (Xuân La-Hà Nội) chia sẻ từ lâu gia đình anh hạn chế tiền mặt mua hàng, ngay dưới chung cư nhà anh có siêu thị Vinmart+ nên hai vợ chồng chỉ thanh toán bằng thẻ. Còn những mặt hàng khác thì được đặt mua online trên các trang như Tiki, Shopee và được trả qua tài khoản ngân hàng.

“Tôi thấy mua trên mạng vừa tiện lợi không mất thời gian đi lại vừa được khuyến mại nhiều, có những mặt hàng được giảm giá đến hơn 30% so với bán ở bên ngoài. Mặt hàng nào không ưng mình có thể đổi lại. Gia đình tôi kiên quyết không dùng tiền mặt để thanh toán nữa trừ trường hợp bất khả kháng,” anh Hùng cho biết. 

Theo số liệu khảo sát của Visa, ngân hàng số đang nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người tiêu dùng Việt Nam với 77% và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Động lực thúc đẩy việc áp dụng các hình thức này xuất phát từ sự tiện lợi, người tiêu dùng có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến ngân hàng. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất (72%) và tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè (67%).

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chia sẻ: “Khảo sát đã chỉ ra người dùng Việt Nam ngày càng sẵn sàng đặt niềm tin vào các dịch vụ thanh toán mới do doanh nghiệp có tên tuổi mà họ tin tưởng cung cấp. Ngoài sự an toàn và bảo mật mà các phương thức thanh toán này mang lại, chúng cũng được đánh giá cao vì khả năng tăng cường kiểm soát và giám sát tài chính cá nhân.”

Cũng theo kết quả khảo sát của Visa, ngày càng nhiều người quan tâm đến các phương thức thanh toán mới trên thị trường. Thanh toán sinh trắc học (chẳng hạn như quét vân tay, nhận dạng giọng nói/khuôn mặt hoặc quét võng mạc) được quan tâm đặc biệt. Có tới 83% người tiêu dùng trong nước hiện đã biết đến các phương thức thanh toán này và đa số cũng quan tâm trải nghiệm chúng. Thẻ không số cũng dần được nhận biết bởi 62% người tiêu dùng và có tới 77% người tiêu dùng sẽ sử dụng chúng cho các giao dịch trong tương lai.

Bà Dung cho biết thêm, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. Dễ nhận thấy tiềm năng của các xu hướng này đối với nhóm người dùng trẻ là rất lớn. Trong đó, người tiêu dùng thế hệ Z là lực lượng tiêu dùng cốt lõi của thương mại trên mạng xã hội, với 85% người được khảo sát đã biết về mạng xã hội và 68% hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để xem tối thiểu ba đánh giá liên quan đến sản phẩm trước khi mua hàng lần đầu tiên.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng Chín, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng lần lượt tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị. Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, thanh toán qua di động tăng từ 50%-80%/năm về số lượng. Thanh toán qua internet tăng từ 35%-40%/năm về số lượng. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như: thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.


 

Có thể khẳng định, tốc độ chuyển đổi số hiện nay tại các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ với việc ra mắt nhiều dự án chuyển đổi số, ứng dụng Mobile Banking, sử dụng hệ thống ngân hàng tự động, cung cấp giải pháp thanh toán online đa nền tảng cho doanh nghiệp.

Hòa nhịp để phát triển, đồng thời hướng tới nâng cao trải nghiệm người dùng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BAC A BANK) cũng liên tục cập nhật các tính năng sản phẩm – dịch vụ để phục vụ khách hàng giao dịch thông suốt, tiện lợi hơn. Đây không chỉ là “bước đi” của BAC A BANK khi COVID-19 bùng phát, mà còn mang tính chiến lược lâu dài.

Lãnh đạo BAC A BANK cho biết, kế hoạch phát triển ngân hàng số nằm trong chiến lược phát triển của ngân hàng đến năm 2030, BAC A BANK đã đưa ra các đề án nâng cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, không chỉ hiện thực hoá mục tiêu đa dạng hoá tính năng tiện ích mà còn tối ưu hoá trải nghiệm của khách hàng. Kết quả là quý 3/2021, BAC A BANK đã ra mắt phiên bản nâng cấp của cả Internet banking và Mobile Banking dành cho khách hàng cá nhân.

Với phiên bản nâng cấp, toàn bộ giao diện của Internet Banking và Mobile Banking được BAC A BANK đồng nhất về thiết kế, mang đến trải nghiệm liền mạch, khoa học cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính (PC/Laptop) và điện thoại di động. Song song, người dùng cũng có thể tuỳ biến thay đổi ảnh đại diện và hình nền, lựa chọn tiện ích ưa thích để truy cập nhanh, chủ động thiết lập trang chủ cho phù hợp với nhu cầu sử dụng thường xuyên của mình.

Không những nổi bật với thiết kế giao diện thông minh, ứng dụng ngân hàng điện tử của BAC A BANK còn được tích hợp loạt tính năng giúp khách hàng thực hiện nhiều loại giao dịch, “phủ sóng” hầu hết các dịch vụ thiết yếu từ thanh toán hoá đơn điện, nước, truyền hình, viễn thông… đến chuyển tiền từ thiện, chuyển tiền qua giấy tờ tùy thân, nạp data, thanh toán QR Pay. Mỗi giao dịch đều được bảo đảm an toàn với phương thức xác thực hiện đại – Smart OTP.

Đáng chú ý, phiên bản mới cho phép khách hàng đăng nhập bằng chính số điện thoại đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, hoặc bằng vân tay hoặc nhận diện khuôn mặt với độ bảo mật cao và chính xác. Tính năng thông báo biến động số dư và các thông báo khác từ ngân hàng sẽ được tích hợp, hiển thị ngay trên BAC A BANK Mobile Banking, từ đó khách hàng có thể cập nhật thông tin về giao dịch, tài khoản, chương trình khuyến mại mọi lúc mọi nơi. Việc truy vấn thông tin tài khoản ngay từ trang chủ, mã hóa tài khoản thụ hưởng bằng QR code hay truy vấn lịch sử giao dịch được giản lược tối đa chỉ với vài “cú chạm.”

Bên cạnh đó, với việc nâng cấp này, các thao tác chuyển đổi sang BAC A BANK Mobile Banking phiên bản mới cũng rất đơn giản và nhanh chóng, khách hàng chỉ cần cập nhật ứng dụng trên Google Play hoặc Apple Store, đăng nhập và kích hoạt lại Smart OTP theo các bước hướng dẫn trực tiếp trên màn hình là đã có thể trải nghiệm đầy đủ những tính năng, tiện ích mới – đáp ứng hầu hết nhu cầu giao dịch và quản lý tài chính cá nhân.

“Chúng tôi hy vọng rằng với những thay đổi này sẽ đáp ứng và làm hài lòng khách hàng hơn nữa khi sử dụng các kênh ngân hàng trực tuyến của BAC A BANK, đặc biệt là trong thời điểm tăng cường giãn cách như hiện nay,” lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ.


 

Trong lần nâng cấp này, BAC A BANK đã đem lại một trải nghiệm mới cho khách hàng cá nhân, theo đó, khách hàng dễ dàng quản lý tình hình tài chính của mình qua đồ thị trực quan và bảng thông tin chi tiết cho mỗi loại tài khoản.

Lãnh đạo BAC A BANK lý giải, đối với khách hàng, việc quản lý các loại tài khoản cần có sự rõ ràng và tách bạch để có thể dễ dàng theo dõi, đặc biệt cần đảm bảo dễ hiểu, dễ nhìn cho người dùng ở mọi lứa tuổi. Dựa trên yêu cầu đó, BAC A BANK đã thiết kế đồ thị dạng tròn (pie chart), trong đó chia tách phần thông tin tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm theo màu sắc khác nhau, hiển thị một cách sắc nét và thông tin tài khoản được cụ thể hoá ngay khi khách hàng lựa chọn phần đồ thị tương ứng. Số dư của tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm cũng được thể hiện ở dạng tổng số dư của tất cả tài khoản và số dư chi tiết khi khách hàng chọn từng tài khoản muốn tra cứu.

Với mỗi tài khoản thanh toán, khách hàng có thể thực hiện ngay các giao dịch liên quan như chuyển khoản hay thanh toán hoá đơn từ tài khoản đó hoặc mã hoá tài khoản ở dạng QR code tiện cho việc gửi thông tin tới đối tác.

“Với tài khoản tiết kiệm, khách hàng không chỉ nhanh chóng tra cứu thông tin mà có thể chủ động điều hướng tới chức năng mở mới hoặc tất toán tài khoản tiết kiệm. Sự tích hợp các tính năng này chính là kết quả của quá trình nghiên cứu chi tiết, tỉ mỉ hành trình khách hàng để mang đến trải nghiệm tiện lợi nhất có thể, giảm thiểu thao tác cũng như thời gian thực hiện thao tác của khách hàng,” lãnh đạo BAC A BANK nhấn mạnh.

Sự gia tăng các giao dịch qua thương mại điện tử có thể thấy mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh như đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của bản thân và gia đình đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn, tiện lợi, nhanh chóng.

Đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội thì các giao dịch từ xa, thanh toán online thực sự lên ngôi vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa dễ dàng mua sắm mọi thứ mình muốn từ lương thực thực phẩm cho đến vật dụng gia đình, đồ điện tử, công nghệ hay thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông… BAC A BANK hiện cũng đang áp dụng biểu phí ưu đãi với nhiều loại phí được miễn giảm: Miễn phí đăng ký, miễn phí duy trì dịch vụ; miễn và giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng, cam kết mức phí luôn rất cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, với việc đầu tư hạ tầng, hệ thống và bảo mật đảm bảo an toàn cho các giao dịch của khách hàng, BAC A BANK cũng áp dụng hạn mức giao dịch tương đối cao so với các ngân hàng hiện đang cung cấp. Cụ thể, với chuyển khoản nội bộ hạn mức lên đến 1,5 tỷ đồng/ngày và 800 triệu đồng/lần; với chuyển khoản liên ngân hàng hạn mức lên tới 1,5 tỷ đồng/ngày và 500 triệu đồng/lần; với chuyển khoản nhanh 24/7 hạn mức lên tới 2 tỷ đồng/ngày và 500 triệu đồng/lần; với các giao dịch nạp tiền và thanh toán hoá đơn hạn mức ngày lên tới 100 triệu đồng/ngày và 50 triệu đồng/lần.

Ngoài các hạn mức cố định dành cho tất cả khách hàng, BAC A BANK còn đưa ra các hạn mức cao hơn đối với các khách hàng có nhu cầu đặc thù và thuộc các đối tượng ưu tiên theo tiêu chí của ngân hàng.

Chị Trần Ngọc Lan, một khách hàng lâu năm của BAC A BANK đã chia sẻ, app của BAC A BANK đã giúp chị tối ưu thời gian giao dịch tài chính với thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng.

“Trước đây tôi vẫn có thói quen thanh toán bằng tiền mặt khi đi mua sắm, nhưng gần đây, lo ngại dịch bệnh, tôi đã chuyển sang mua sắm online, thanh toán qua ebank, giao hàng tận nhà. Còn khi đi mua sắm tại siêu thị, trung tâm thương mại thì tôi chuyển khoản hoặc dùng thẻ contactless, giảm tối đa việc tiếp xúc với tiền mặt. Chỉ với chiếc điện thoại, tôi có thể dễ dàng kiểm tra thông tin tài khoản, chuyển khoản, gửi tiết kiệm online một cách an toàn. Hơn nữa, trước kia cứ đến hạn là tôi phải chạy ra các điểm thu nộp tiền điện, tiền nước, muốn nạp tiền thì phải tìm quầy tạp hóa, giờ chỉ cần 2 phút lên app là giải quyết được mọi vấn đề.”

Chị Trần Thùy Dương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết chị là người sử dụng tài khoản thanh toán của BAC A BANK hàng chục năm nay và thấy rất thuận tiện. Đặc biệt, từ ngày ngân hàng này chính thức nâng cấp dịch vụ Ngân hàng điện tử với phiên bản mới của Internet Banking & Mobile Banking thì lại càng khoa học học và phù hợp hơn.

“Ngay khi vào trang chủ Internet Banking của BAC A BANK, mình đã nhìn thấy các tính năng cần sử dụng, rất thuận tiện. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có nhiều trải nghiệm dễ chịu như lưu những số hay chuyển và gợi nhắc các số tài khoản. Nhờ đó, khi tìm mình có thể không cần nhớ tên thật của người nhận mà chỉ cần tìm tên cửa hàng hay biệt danh, đấy là điểm rất mới của ngân hàng này,” chị Dương chia sẻ.

Chị Dương cũng cho biết thêm, do hay mua bán online nên khi chuyển tiền xong chị Dương có thể chia sẻ trực tiếp biên lai thanh toán trên các cửa sổ như Facebook, Chat, Viber, Zalo… cho chủ shop mà không cần phải thêm 1 bước là chụp hóa đơn rồi mới gửi đi.

“Đặc biệt, BAC A BANK miễn phí chuyển khoản nên mình không ngại giao dịch nhiều lần các món nhỏ chỉ khoảng vài trăm nghìn. Bên cạnh đó, ngoài thông báo SMS vẫn có thể nhận được thông báo qua biến động số dư nên mình hoàn toàn quản lý được tiền dòng tiền,” chị Dương chia sẻ.

Theo số liệu thống kê từ BAC A BANK, từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử của ngân hàng này đã tăng 200%  so với cùng kỳ năm 2020. Nhằm khuyến khích khách hàng chuyển sang hình thức giao dịch online, BAC A BANK luôn không ngừng nâng cấp với những tính năng tối ưu, bảo mật tuyệt đối.

Lãnh đạo BAC A BANK cho biết song song với sự phổ biến của các kênh giao dịch số hoá, nhiều hình thức lừa đảo cũng trở nên tinh vi hơn nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của khách hàng để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, BAC A BANK luôn nâng cấp và cập nhật hệ thống theo các công nghệ mới nhất, mang đến sự an tâm tối đa cho khách hàng. Với việc triển khai bảo mật từ đường truyền, địa chỉ trang, mật khẩu tĩnh, Smart OTP nâng cao,…chỉ cần khách hàng cảnh giác với các hình thức lừa đảo theo khuyến cáo chính thức.

BAC A BANK cũng thường xuyên cập nhật và thông tin tới khách hàng qua email, SMS và các phương tiện thông tin đại chúng về các hình thức lừa đảo, xâm phạm tài khoản ngân hàng; luôn thông báo, gợi nhắc chú trọng bảo mật thông tin về tên đăng nhập, mật khẩu tĩnh, mật khẩu Smart OTP để đảm bảo an toàn giao dịch.

Một tín đồ mua sắm online chia sẻ, khi chúng ta đã có thể trả tiền các loại dịch vụ, mua sắm… trên ứng dụng kênh số của ngân hàng một cách quá dễ dàng, thì tin chắc chẳng mấy ai muốn quay lại việc thanh toán truyền thống. Và khi giá dịch vụ được giảm nữa, thì khách hàng sẽ biết lựa chọn giao dịch online hay offline có lợi hơn cho họ. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh và ngân hàng cũng thêm cơ hội phát triển các kênh số hóa của mình.

Minh Thúy - Lê Minh Sơn

09/12/2021 04:31