Các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra thời gian gần đây đã gây ra những thiệt hại đau xót về cả người và tài sản. Việc làm thế nào để ngăn chặn, hạn chế "bà hỏa" gây họa đang là vấn đề trăn trở không chỉ của riêng lực lượng phòng cháy, chữa cháy mà của chung toàn xã hội.

"Giặc lửa" đang ngày càng khó lường, nhất là khi tình hình kinh tế - xã hội phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng các công trình xây dựng ngày càng nhiều. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2019, cả nước đã xảy ra 17.844 vụ cháy, làm 433 người chết, 960 người bị thương, thiêu hủy tài sản trị giá gần 8.000 tỷ đồng, thiệt hại gần 9.600 ha rừng. 

Số liệu thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; thiệt hại tài sản ước tính sơ bộ khoảng 415 tỷ đồng và gần 41 ha rừng. So với cùng kỳ năm 2021, thiệt hại về tài sản tăng gần 130 tỷ đồng.

Hiện trường vụ cháy sàn nhảy New MDM Club ở Hải Phòng.

Sang tháng 7, số các vụ cháy nghiêm trọng cũng liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ điểm tin của TTXVN cũng đủ hình dung khá rõ bức tranh hỏa hoạn trong tháng đỉnh điểm nắng nóng: An Giang - Cháy nhà lúc rạng sáng khiến hai mẹ con tử vong (ngày 1/7); Vụ cháy lớn trong Khu công nghiệp Phú Tài (ngày 3/7); Cháy lớn ở Bình Định (ngày 3/7); Hà Nội - Kịp thời dập tắt đám cháy, giải cứu một nam thiếu niên (ngày 4/7); Hà Nội - Cháy lớn trong đêm tại một nhà xưởng gần cây xăng (ngày 6/7); Lâm Đồng - Khu nhà kho chứa bao bì nông nghiệp bốc cháy dữ dội (ngày 10/7); Bắc Ninh - Cháy lớn tại chợ Đọ Xá, gây thiệt hại hơn 33 tỷ đồng (ngày 13/7); Quảng Ngãi - Cháy lớn gần cây xăng thiêu rụi 2 căn nhà liền kề (ngày 18/7); Đà Nẵng - Khống chế đám cháy tại kho hàng đường Hoàng Văn Thái (ngày 25/7); Cháy lớn ở Công ty Giấy Lửa Việt ở Phú Thọ gây thiệt hại 23 tỷ đồng (ngày 30/7).

Hiện trường vụ cháy tại Khu công nghiệp Tháp Hồng Kỷ, Nghệ An.

Những tưởng chỉ có tháng 7 - thời điểm có nhiệt độ trung bình cao và số ngày nắng nóng nhiều nhất trong năm - là “bà Hỏa” hoạt động mạnh hơn cả, nhưng không, trong tháng 8/2022, các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về cả người và tài sản vẫn liên tiếp xảy ra. Các PV TTXVN tại các địa phương đã kịp thời thông tin về các vụ việc như: Thành phố Hồ Chí Minh: Kịp thời giải cứu nhiều người trong vụ cháy Homestay ASIA (15/8); Vụ cháy nhà nghiêm trọng tại Ninh Thuận: Đã tìm thấy thi thể ba mẹ con (ngày 14/8); Thành phố Hồ Chí Minh: Kịp thời khống chế đám cháy ở tòa nhà Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (13/8); Hà Nội: Khống chế đám cháy tại biệt thự thuộc Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (12/8); Hà Nội: Chưa xác định có thiệt hại về người trong vụ cháy tại 109 Trường Chinh, Thanh Xuân (10/8); Đà Nẵng: Cháy nhà 3 người tử vong (7/8)…

Đau lòng nhất là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 1/8, tại quán karaoke 231 Quan Hoa, Cầu Giấy (Hà Nội) làm 3 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh khi tham gia chữa cháy, cứu nạn đã khiến cộng đồng xót xa, thương tiếc và một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các cấp chính quyền, người dân về an toàn, phòng, chống cháy nổ.

Vụ cháy khiến 3 chiến sĩ cứu hỏa hy sinh tại quán karaoke 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội).
  

Theo con số thống kê về hỏa hoạn trong 6 tháng năm 2022, trong số 848 vụ hỏa hoạn thì tại thành thị xảy ra 482 vụ (chiếm 56,84%); tại nông thôn xảy ra 366 vụ (chiếm 43,16%). Cháy nhà dân chiếm tỷ lệ cao nhất với 322 vụ (37,97%); có 183 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (21,85%); 109 vụ cháy phương tiện giao thông (12,85%); 69 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (8,14%); 16 vụ cháy chung cư (1,89%)... Trong số 28 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người trong 6 tháng đầu năm 2022 (chết 38 người, bị thương 6 người) thì chủ yếu xảy ra tại nhà dân (24 vụ, chiếm 85,7%; trong đó 21 vụ xảy ra tại nhà ở đơn lẻ và 3 vụ xảy ra tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).

Vụ cháy nhà xảy ra ngày 13/8 tại Ninh Thuận khiến 3 mẹ con tử vong thương tâm.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong số 545 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì có 398 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 46,93%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 89 vụ (chiếm 10,5%); do sự cố kỹ thuật 25 vụ (chiếm 2,95%)...

Con số thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an Việt Nam) khá trùng khớp với số liệu của Tổ chức An toàn điện Hoa Kỳ. Theo đó, sự cố về điện là nguyên nhân gây ra 51.000 vụ cháy mỗi năm ở nước này, khiến 500 người chết, 1.400 người bị thương và thiệt hại tới hơn 1,3 tỷ USD. Chủ yếu là bởi chập điện do dây dẫn bị hở hoặc sử dụng điện quá tải dẫn đến nổ cầu chì, cháy dây dẫn điện. Đặc biệt, các vụ cháy do điện chủ yếu diễn ra trong quá trình chủ nhà đang ngủ.

Một nguyên nhân chủ quan khác là tại nhiều chung cư cũ ở Hà Nội, nhiều hộ dân cơi nới thêm chỗ ở, theo dạng "chuồng cọp" nên không có đường thoát hiểm. Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong căn hộ khó thoát ra, còn lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để có thể phá "chuồng cọp", khó tiếp cận căn hộ để cứu các nạn nhân mắc kẹt. Hiểm họa không chỉ đến từ những căn nhà cơi nới. Hàng trăm khu dân cư có đường vào là ngõ nhỏ dưới 2 mét, sâu vài trăm mét cũng trở thành nguy cơ dẫn đến mất an toàn, khó tiếp cận khi xảy ra cháy nổ. 

Số vụ cháy gây chết người xảy ra nhiều ở thành thị và chủ yếu ở nhà dân tại nước ta có một nguyên nhân là ở các thành phố, thị xã phổ biến mô hình nhà ống với một lối ra, vào duy nhất, sử dụng cửa cuốn và ban công bị bịt khung kim loại. Kiểu nhà loại này được gọi là "nhà không lối thoát” khi bước vào mùa nắng nóng, cũng là “mùa hỏa hoạn”. Cấu trúc nhà ống hiện đại thường chỉ thiết kế duy nhất một cửa ra, vào dưới tầng một. Điều này là do ba bề là những căn nhà khác san sát nên không có cửa hông. Khi có hỏa hoạn, nhà ống rất khó lưu thông được không khí, dẫn đến khói độc không thoát ra ngoài. Nạn nhân mắc kẹt nhanh chóng bị ngạt khói.

 Phần “chuồng cọp” thường được đỡ bởi dầm sắt, xung quanh lợp tôn kín mít nên khi có cháy xảy ra, lối thoát nạn bị cản trở, khiến việc tiếp cận để cứu hộ rất khó khăn.

Cửa cuốn đã trở nên quen thuộc đối với các kiểu kiến trúc nhà hiện đại. Thiết kế cửa cuốn vừa tiện lợi vừa thời thượng, lại có khả năng chống trộm cao hơn các loại cửa khác. Tuy nhiên, tiềm ẩn bên trong đó là những hiểm họa khôn lường. Cửa cuốn hiện nay được chia làm hai loại: Cửa tự động chạy bằng điện và cửa cuốn kéo tay. Trong đó, cửa cuốn tự động lại phụ thuộc vào việc có nguồn điện. Vì thế, khi có hỏa hoạn gây hư hỏng hệ thống điện trong nhà thì cửa sẽ không thể hoạt động. Cửa cuốn tự động được trang bị bộ phận dự phòng, cho phép chủ nhà mở bằng tay. Tuy nhiên, để dùng tay mở loại cửa này sẽ không dễ dàng và khá tốn sức lực. Do đó, khả năng cao là người trong nhà khó có thể kịp thời mở cửa để thoát ra khi có cháy.

Khắc phục nhược điểm nhà ống, cửa cuốn và “chuồng cọp” như thế nào? Nhà ống chỉ có một lối ra, vào; cửa cuốn chạy bằng điện khó mở khi có hỏa hoạn; cửa sổ, ban công thì bị bịt kín để chống trộm và đề phòng trẻ nhỏ bị ngã. Bởi vậy, để vừa chống trộm, bảo vệ trẻ em lại vừa an toàn khi có cháy thì cần sử dụng những tấm lưới chắn cửa sổ, ban công có thể mở ra được khi cần thiết và mọi thành viên trong gia đình phải biết điều này. Bên cạnh đó là việc sở hữu và sử dụng thành thạo loại dây thoát hiểm tự động đạt chuẩn đã được cơ quan chức năng kiểm định và cho phép lưu hành.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Thực hiện Công điện số 683/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 465-CV/TƯ của Thành ủy Hà Nội về việc xử lý vụ cháy xảy ra tại phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của các văn bản trên.

Dập tắt kịp thời đám cháy kho để đồ tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

UBND thành phố giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức rà soát, kiểm tra các điều kiện kinh doanh về văn hóa, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, an ninh trật tự đối với 100% cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn. Các đơn vị thực hiện xong trước ngày 20/9/2022, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định với những trường hợp vi phạm. Các đoàn kiểm tra báo cáo kết quả thực hiện qua Công an thành phố trước ngày 25/9/2022 để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố... Các cấp chính quyền xử lý nghiêm minh tất cả các hành vi vi phạm; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm theo quy định; đồng thời giám sát chặt chẽ, không để cơ sở hoạt động khi không đủ điều kiện theo quy định.

Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy tại 231 phố Quan Hoa, Cầu Giấy; xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện các vụ cháy, kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Các đơn vị Công an xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, bảo đảm cán bộ, chiến sỹ nắm vững kỹ thuật, chiến thuật, sử dụng thành thạo các thiết bị, phương tiện được trang cấp. Cùng với đó, bảo đảm trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ, chiến sỹ tham gia chữa cháy; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tổ chức nghiêm công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, hạn chế tối đa thương vong khi tham gia cứu hỏa...

Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước Thành ủy nếu để xảy ra cháy nổ phức tạp, hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan trên địa bàn, phạm vi quản lý. Cùng với đó, thành phố chỉ đạo các đơn vị vận động để 100% hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mở "lối thoát nạn thứ 2"; nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Quận Ba Đình (Hà Nội) ra mắt mô hình "Khu dân cư an toàn phòng cháy và chữa cháy".

Tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 8 đến nay, ở nhiều khu phố đã lắp đặt thí điểm hệ thống phòng cháy chữa cháy theo mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" và "Điểm chữa cháy công cộng". Công an Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện những mô hình này đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh theo kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 của Bộ Công an.

Tổ liên gia gồm 5 đến 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. Mỗi gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay và tối thiểu một dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu…). Các phương tiện này để ở nơi dễ thấy, dễ lấy nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, mỗi hộ gia đình lắp đặt một chuông báo cháy tại tầng 1 (độ cao từ 2,5 - 3m); lắp đặt hai nút ấn báo cháy (một nút ấn ở trong nhà, một nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau (bảo đảm khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình cùng kêu), để kịp thời tương trợ nhau khi có tình huống, sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn. Các thành viên trong hộ gia đình cài đặt, sử dụng thành thạo app “Báo cháy 114” và “Help 114”. Đây là những tính năng nổi bật của mô hình này.

Lắp đặt thí điểm hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" tại TP Hồ Chí Minh.

Tại Phường 19, quận Bình Thạnh, 10 hộ dân tại hẻm 62 Huỳnh Tịnh Của, Khu phố 2, Phường 19 kết hợp thành một “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy”. Các hộ dân nhiệt tình tham gia diễn tập hệ thống chuông báo cháy được lắp đặt. Bà Lai Kim Liên, thành viên Tổ liên gia chia sẻ: Người dân ở Khu phố 2 rất vui mừng khi nơi mình ở được chọn làm nơi đầu tiên của phường thành lập tổ liên gia. Đây vừa là sự tin tưởng vừa là trách nhiệm của người dân, đồng thời hỗ trợ đảm bảo an toàn cho nhau.

Còn tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, các tiểu thương kinh doanh vải trên đường Phú Thọ Hòa vui mừng khi mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" chính thức đi vào hoạt động. "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" này gồm 10 hộ kinh doanh vải nằm liền kề nhau trên đường Phú Thọ Hòa (Tổ dân phố 103, Khu phố 5, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú). Hệ thống chuông báo cháy được Công an và chính quyền địa phương lắp đặt cho tất cả các hộ. Chị Tuyết Như, một hộ kinh doanh ở đây chia sẻ, khu này kinh doanh vải nên nguy cơ cháy luôn làm chúng tôi lo lắng. Giờ thay vì chỉ có gia đình mình chữa cháy như trước đây thì với mô hình này, chỉ cần bấm chuông là mọi người xung quanh hỗ trợ.

Kịp thời giải cứu nhiều người trong vụ cháy Homestay ASIA, TP Hồ Chí Minh.

Dịp này, Công an Thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Mô hình được triển khai tại khu dân cư có hẻm tập trung nhiều nhà sâu, xe chữa cháy không tiếp cận khi chẳng may xảy ra cháy. Ở đây có vòi nước, bình chữa cháy di động và rất nhiều thiết bị chuyên dụng. Khi hỏa hoạn, người dân tại chỗ có thể sử dụng để chữa cháy, bảo vệ tính mạng và tài sản trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến hiện trường.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm qua, 70% vụ cháy xảy ra tại khu dân cư, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh sản xuất, làm thiệt mạng 26 người. Gần đây Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ cháy tại căn nhà tại tổ 14 (ấp 6, xã Vĩnh Lộc A). Khi cháy căn nhà có 6 trẻ em và đã khiến 2 trẻ tử vong thương tâm.

Với quyết tâm triển khai hiệu quả 2 mô hình trên, Phòng PC07 đã tham mưu cho lãnh đạo Công an Thành phố triển khai đến Công an 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức tham mưu UBND địa phương triển khai; đồng thời phân công chỉ huy cấp Đội thuộc Phòng PC07 theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" tại các tổ dân phố nhằm phát huy tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ. Phương châm 4 tại chỗ xác định: lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân - chỉ huy ở trong dân; lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy.

Tuyên truyền về mô hình "Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy" cho các hộ dân ở phường 19, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Thông qua mô hình, tất cả người dân ở hộ gia đình, khu dân cư, các cơ sở trên địa bàn thành phố đều được hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn phòng cháy chữa cháy, ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và triển khai xây dựng lối thoát nạn thứ hai. Trong đó, lối thoát nạn thứ hai có thể là lên tầng trên, qua nhà bên cạnh, qua ban công, thoát lên mái nhà hoặc thoát bằng thang dây, cửa phụ,… phù hợp đặc điểm của từng hộ dân, từng khu phố.

Định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần, các Tổ liên gia tổ chức họp để phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, nắm lại tình hình, đặc điểm địa bàn để kịp thời đưa ra phương án mới, chủ động phòng ngừa khi có sự cố xảy ra. Từ nay đến cuối tháng 8, Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai 88 "Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy" cùng gần 77 "Điểm chữa cháy công cộng" trên toàn địa bàn thành phố.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình cháy, nổ và yêu cầu bảo vệ, phát triển bền vững đất nước, Bộ Công an đã xác định chiến lược trên mặt trận chống "giặc lửa". Theo đó, cùng với việc nâng cao ý thức của mỗi người dân, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về phòng cháy, chữa cháy thì Bộ Công an đã tiếp tục quan tâm, đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại phù hợp điều kiện Việt Nam để phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong nước cũng được khuyến khích.

Tổ chức diễn tập, nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp ở Tuyên Quang trong quản lý, xử lý cháy, nổ.

Cách đây vài năm, Cục C07 đã được tiếp nhận 81 xe chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn các loại, gồm 18 xe chữa cháy cỡ lớn, 48 xe chữa cháy cỡ trung bình, 2 xe thang chữa cháy loại vươn thẳng, 6 xe thang chữa cháy loại cần trục, 7 xe cứu hộ, với mức đầu tư 502 tỷ đồng. Các phương tiện này đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy của châu Âu, Hàn Quốc và Việt Nam, tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, phù hợp với cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Lực lượng cũng được tiếp nhận 300 camera phát hiện nhiệt với nhiều tính năng ưu việt như tìm kiếm, xác định vị trí người cần được cứu nạn, phát hiện nhiệt tại các địa hình, môi trường như đang xảy ra đám cháy lớn, có khói, khuất tầm nhìn...

Việc nghiên cứu, xây dựng mẫu trang phục chữa cháy đảm bảo những tiêu chí kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng được triển khai. Cục C07 đã nghiên cứu các tiêu chuẩn và mẫu thiết kế trang phục chữa cháy mới của các nước tiên tiến như Đức, Áo, Pháp, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… từ đó đã thiết kế, sử dụng thí điểm bộ trang phục chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ PRO-FIRE-01 tại một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương.

Công an quận Ba Đình (Hà Nội) thực hành hướng dẫn các kỹ năng chữa cháy, thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra. 

Mới đây, thay vì cách báo cháy truyền thống là gọi điện đến số 114, Cục C07 triển khai hệ thống báo cháy, nổ, tai nạn qua app "Báo cháy 114". Ứng dụng này giúp lực lượng xác minh được ngay các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố là thật hay giả, vị trí chính xác địa điểm xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

Bộ Công an còn mở "Cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2021 - 2022". Mục đích là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ trong lĩnh vực này, đồng thời tìm kiếm những sáng kiến, công trình khoa học có chất lượng tốt để ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả trong chống "giặc lửa". Kết quả là tại cuộc thi này năm nay đã xuất hiện nhiều sản phẩm đa dạng như: Phương tiện bay không người lái chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; nghiên cứu, chế tạo dàn phóng chữa cháy; nghiên cứu phát triển thiết bị lặn không người lái dạng lai giữa ROV và AUV phục vụ cứu nạn, cứu hộ ngầm trên biển; nghiên cứu, chế tạo Drone cơ động ứng dụng trong công tác chữa cháy; nệm hơi và ống tuột cứu hộ chống cháy ứng dụng cứu nạn, cứu hộ trong sự cố cháy nhà cao tầng; quả cầu chữa cháy (QC-13); quả nổ chữa cháy tự động (dạng bọt)…

Bộ Công an cũng đang triển khai Dự án "Nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ" sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 25/2/2022).

Đặc biệt, cùng với Bộ Công an, cả hệ thống chính trị cũng nhận thức rõ việc áp dụng và làm chủ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm giúp tăng cường sức mạnh ngăn chặn, phòng ngừa "giặc lửa" hoành hành. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận của Ban Bí thư đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Kế hoạch này nêu rõ việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, trong đó đẩy mạnh xây dựng, triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và phát huy lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Tất cả những nỗ lực đó, như Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, "là những chủ trương hoàn toàn chính xác, kịp thời để xác định các yêu cầu, nhiệm vụ đối với công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới".

Hà Nội tổng kiểm tra quán karaoke, bar, vũ trường:

Bài: Nhóm phóng viên TTXVN 
Ảnh, đồ họa: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

20/08/2022 12:55