Giai đoạn 2007 - 2008, thế giới từng đối mặt với khủng hoảng lương thực khiến trên 75 triệu người thiếu ăn. Nhưng hiện nay, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn và liên tiếp xuất hiện cảnh báo rằng thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, đẩy hàng trăm triệu người vào nạn đói.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức tại Đức hồi cuối tháng 6/2022 vừa qua, an ninh lương thực đã trở thành một trong những nghị trình chính. Thậm chí, G7 còn ra hẳn một tuyên bố chung về vấn đề này. Theo G7, hiện 323 triệu người đang đứng trước bờ vực của nạn đói và dự kiến số người bị đói trong năm 2022 sẽ đạt kỷ lục của kỷ lục: 950 triệu người.
Trước đó, Liên hợp quốc đã công bố số liệu cho thấy chỉ trong 2 năm, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên thế giới đã tăng gấp đôi, từ 135 triệu người hồi trước đại dịch COVID-19 lên 276 triệu người hiện nay. Ngày 24/6, phát biểu qua video tại Hội nghị Đoàn kết vì an ninh lương thực toàn cầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, nhiều nạn đói có thể sẽ xảy ra trong năm nay và năm sau.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng cảnh báo thế giới có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s nhận định cuộc khủng hoảng lương thực sẽ kéo dài đến năm 2024 và có thể lâu hơn nữa. Báo cáo của Standard & Poor’s còn gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế và xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Quả thực, nếu nhìn lại cuộc khủng hoảng lương thực giai đoạn 2007 - 2008, người ta thấy sự gia tăng phi mã của giá lương thực như giá gạo leo thang từ 300 USD/tấn lên hơn 1.100 USD/tấn đã gây ra hàng loạt cuộc bạo loạn trên toàn thế giới. Hiện nay thì sao? Theo Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp quốc (WFP) David Beasley, trên thế giới đang có 48 quốc gia bị rung chuyển bởi bất ổn chính trị, bạo loạn và biểu tình, cho nên, tình trạng hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với làn sóng Mùa Xuân Arab năm 2011 và cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007 - 2008.
Chuyện xảy ra tại Sri Lanka là một trong những minh chứng. Theo số liệu chính thức, trong 12 tháng tính đến tháng 6/2022, lạm phát lương thực ở Sri Lanka đạt 80,1%. Hệ quả, theo WFP, gần 5 triệu người - tương đương 22% dân số Sri Lanka - cần viện trợ lương thực. Do giá thực phẩm tăng vọt, 86% số gia đình ở Sri Lanka đang sử dụng ít nhất một cơ chế đối phó, bao gồm ăn ít hơn, ăn ít thức ăn bổ dưỡng hơn và thậm chí bỏ bữa hoàn toàn.
Nhưng không chỉ có lương thực, giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây. Tình hình trên dẫn đến các cuộc biểu tình ở Sri Lanka kéo dài suốt nhiều tháng. Hệ quả là Tổng thống Rajapaksa và anh trai là cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, hai đại diện cho gia tộc Rajapaksa đầy quyền lực tại Sri Lanka, đã lần lượt phải rời bỏ quyền lực. Các đảng phái ở Sri Lanka đang có kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng mầm mống của khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết và Sri Lanka đang bước vào một thời kỳ bất định với mức độ biến động lớn.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng lương thực 2007 - 2008, Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) cho rằng thực chất cuộc khủng hoảng này là sự tổng hợp các yếu tố: Chi phí nhiên liệu tăng, nhu cầu về nhiên liệu sinh học tăng, thời tiết bất lợi… Đầu cơ trên thị trường tài chính có thể đóng một vai trò nhất định, song không phải là quyết định. Chính các hạn chế xuất khẩu và thu mua hoảng loạn đã biến tình hình nghiêm trọng trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự.
Xem xét cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay có thể thấy những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng lương thực 2007 - 2008 vẫn chưa mất đi. Tới nay có ít nhất 19 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, đã áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực. Theo nhà nghiên cứu David Laborde Debucquet thuộc IFPRI, các biện pháp như vậy có xu hướng kích động sự hoảng loạn và hành vi tích trữ từ phía người mua… càng đẩy nhanh tốc độ tăng giá của lương thực. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ ngô, giá xăng dầu, phân bón tăng cao… cũng gây khó khăn cho việc đảm bảo an ninh lương thực.
Về nhân tố thời tiết, thế giới đã bước vào một "trạng thái bình thường mới" khi hạn hán, lũ lụt, bão và lốc xoáy liên tục diễn ra, phá hoại hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Do đối mặt với thiên tai thường xuyên trong những năm gần đây, nhất là tình trạng lũ lụt, Bangladesh đã chuyển vai trò từ nhà sản xuất gạo lớn thành quốc gia nhập khẩu gạo. Tình trạng khô hạn ở Argentina - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 6 trên thế giới - cũng khiến việc trồng trọt bị đình trệ và làm giảm dự báo sản lượng cho vụ 2022 - 2023. Thời tiết bất lợi còn xảy ra ở nhiều nơi như hạn hán hành hoành ở Mỹ, Maroc, Đông Phi, Afghanistan…; mưa đá, gió lớn vùi dập lúa mì ở Pháp…
Nhiều yếu tố cùng ập tới làm gia tăng nguy cơ mất an ninh lương thực trầm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với khủng hoảng lương thực 2007 - 2008 làm nên “cơn bão khủng hoảng lương thực hoàn mĩ” hiện nay là sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng. Có hai nguyên nhân dẫn tới việc này.
Thứ nhất, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến thể, dòng phụ mới như BA.1, BA.2, BA.4 và BA.5, các nước trên thế giới đều ra sức bảo vệ nguồn lương thực của mình thông qua các chiến lược khác nhau. Trong khi nước xuất khẩu chuyển sang "găm hàng", xuất ít đi, nước nhập khẩu lại cố gắng "tích cốc phòng cơ”. Do đó, một số nước đất đai cằn cỗi, công nghệ lạc hậu, tiềm lực tài chính có hạn, nhất là ở vùng Sừng châu Phi, khó tránh được việc rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng và người dân đói kém triền miên.
Thứ hai, cuộc xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu và hậu cần, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp lương thực. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. Hai quốc gia này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.
Đối với Ukraine, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine hồi tháng 2/2022, 90% lúa mì và các loại ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển qua đường biển. Tuy nhiên, phần lớn khu vực đường biển của Ukraine đang bị phong tỏa bởi tàu chiến của Nga và thủy lôi của Ukraine. Sau nhiều nỗ lực mở đường xuất khẩu, ngày 30/6, tàu buôn đầu tiên chở 7.000 tấn ngũ cốc đã rời khỏi cảng thương mại Berdyansk của Ukraine. Tuy nhiên, số lượng là quá nhỏ so với 22 triệu tấn thực phẩm, bao gồm lúa mỳ, ngô, lúa mạch và hạt hướng dương đang bị mắc kẹt tại các cảng biển Ukraine như ước tính của chính phủ nước này.
Đối với Nga, việc xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này cũng bị ngừng trệ. Phía Mỹ nói rằng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga được thiết kết để ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực, sẽ miễn trừ cho các hoạt động chế biến nông sản và cho phép các giao dịch xuất khẩu cũng như tái xuất khẩu thực phẩm đến và đi từ Nga. Tuy nhiên, phía Nga lại chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với ngành ngân hàng và vận tải Nga khiến họ không thể xuất khẩu lương thực, thực phẩm và phân bón, đồng thời khiến các công ty vận tải nước ngoài không dám vận chuyển hàng hóa cho Nga.
Quả thực, việc Mỹ và đồng minh nhất trí loại Nga ra khỏi hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đang cản trở đáng kể khả năng mua lương, thực phẩm và phân bón từ Nga. Hiện nay chưa có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, cho nên, SWIFT vẫn được coi là “xương sống” của nền tài chính thế giới. Vì thế, theo Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Macky Sall, khi hệ thống SWIFT bị gián đoạn, ngay cả trong trường hợp nguồn cung có sẵn (ở Nga), việc thanh toán (với Nga) cũng trở nên rất phức tạp, thậm chí bất khả thi.
Có thể nói nạn đói tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II đang bùng phát trên toàn cầu. Loài người đang đang chứng kiến "một cơn bão hoàn mĩ" làm giá lương thực tăng cao, gia tăng đói nghèo. Các nguyên nhân gây ra “cơn bão hoàn mĩ” đó cơ bản đều mang tính toàn cầu, do đó, để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, trước tiên cần phải tới những hành động toàn cầu.
Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine làm gián đoạn nguồn cung lương thực toàn cầu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi hành động nhanh chóng và kiên quyết để đảm bảo lưu thông lương thực thông suốt. Ông Guterres nhấn mạnh cuộc khủng hoảng lương thực không thể được giải quyết một cách hiệu quả khi các loại phân bón và lương thực của Nga cũng như của Ukraine không thể tiếp cận thị trường thế giới. Nhiều nỗ lực đã được khởi động, nhưng niềm tin có lẽ vẫn là trở ngại lớn nhất.
Để đưa lúa mỳ và phân bón của Nga trở lại thị trường thế giới, Tổng thư ký cơ quan Hội nghị Liên hợp quốc về Hợp tác và Phát triển (UNCTAD) Rebecca Greenspan đã thay mặt Tổng Thư ký Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian trong đàm phán với Nga. Ngày 30/5, bà Rebecca Greenspan tới Moskva làm việc với Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrei Belousov và sau đó sang Mỹ để tiếp tục thảo luận Washington. Tuy nhiên, cái khó ở đây là điều kiện mà Moskva đưa ra. Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, ngũ cốc của Nga chỉ có thể vận chuyển ra thị trường quốc tế nếu cấm vận được dỡ bỏ. Nhưng câu chuyện, như ông Peskov tiết lộ, tới này “vẫn chưa có đối thoại thực chất về vấn đề này”.
Những nỗ lực kết nối nhằm tái lập nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine cho thế giới cũng được thúc đẩy với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ngay cả khi các bên đồng ý mở đường cho ngũ cốc của Ukraine, khó khăn vẫn rất lớn. Đầu tiên là phải rà phá thủy lôi mà cả Nga và Ukraine đã thả trên biển Đen, nhưng phía Ukaine lại lo ngại nếu rà phá hết thủy lôi, cảng Odesa có thể mất đi lớp phòng thủ và tàu chiến Nga có thể sử dụng hành lang an toàn để tấn công thành phố cảng lớn nhất Ukraine này. Trong khi đó, Moskva lại muốn được kiểm tra tất cả các tàu vào cảng biển của Ukraine “ăn hàng” do lo ngại vũ khí nước ngoài có thể tuồn vào Ukraine qua các tàu này.
Như vậy, có thể nói việc khôi phục nguồn cung lương lực cho thế giới từ Nga và Ukraine vẫn đang hết sức khó khăn và kết quả đạt được tới nay vẫn chỉ dừng ở mức “nhỏ giọt”. Trong khi chờ đợi, không có cách nào khác ngoài việc “tự mình phải cứu mình” trước. Theo Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc, các nước cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống nông sản theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. FAO cũng khuyến nghị các nước ưu tiên mở rộng sản xuất lương thực bằng cách cung cấp vốn và đầu vào thiết yếu cho sản xuất ngũ cốc và rau quả cũng như bảo vệ vật nuôi.
Bên cạnh đó, các biện pháp giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí lương thực cũng cần được coi trọng. Theo thống kê của FAO, khoảng 1/3 thực phẩm sản xuất ra, tương đương 1,03 tỷ tấn bị thải bỏ hoặc thất thoát trong quá trình đi từ trang trại tới bàn ăn. Báo cáo Chỉ số Chất thải thực phẩm năm 2021 từ Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và tổ chức đối tác WRAP cho thấy trung bình một năm, mỗi thành viên trong một hộ gia đình thải bỏ 74 kg thực phẩm và thế giới đang lãng phí gần một tỷ tấn thực phẩm, cao gấp đôi so với những ước tính trước đó. Thực phẩm bị thải bỏ không chỉ phá hỏng nỗ lực giúp hàng tỷ người đang bị đói hoặc không đủ khả năng có một chế độ ăn lành mạnh, mà còn gây hại cho môi trường.
Như vậy, để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực, vấn đề còn nằm ở trách nhiệm của mỗi cá nhân. Theo các chuyên gia, trước tiên, chúng ta chỉ nên mua những gì chúng ta cần thông qua việc lập danh sách mua sắm và tuân thủ mua sắm theo danh sách. Bên cạnh đó, chúng ta không nên bỏ phí thức ăn thừa, hãy để đó tiêu thụ trong bữa sau. Trong trường hợp có lương, thực phẩm dư, hãy tặng cho người cần hoặc tặng cho các Ngân hàng Thực phẩm (food bank)…
Bài: Hà Ngọc
Ảnh, đồ họa: TTXVN, TTXVN phát
Trình bày: Nguyễn Hà
21/07/2022 04:56