Chảo lửa" Trung Đông đã tạm hạ nhiệt khi Israel và lực lượng vũ trang Hamas của Palestine đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Tuy nhiên, những thiệt hại về người và vật chất, những nỗi đau và di chứng thì không dễ xóa bỏ.
Việc Israel và lực lượng Hamas của Palestine cùng xác nhận ngừng bắn từ ngày 21/5 đã tạm khép lại cuộc giao tranh ác liệt nhất giữa hai bên kể từ năm 2014, kéo dài 11 ngày.
Các thông báo ngừng bắn được hai bên đưa ra đêm 20/5 trong các sự kiện riêng rẽ, với thời điểm hiệu lực thống nhất kể từ 2 giờ sáng 21/5 (6h00 sáng cùng ngày theo giờ Hà Nội). Phía Israel công bố thông tin sau một cuộc họp nội các an ninh do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu triệu tập, trong đó các thành viên nội các đã "nhất trí với các đề nghị nhằm chấp nhận một sáng kiến của Ai Cập về một lệnh ngừng bắn vô điều kiện”. Về phía Palestine, không chỉ Hamas mà cả nhóm vũ trang khác ở Dải Gaza là lực lượng Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad) đã xác nhận lệnh ngừng bắn rocket và tên lửa về phía Israel.
Lệnh ngừng bắn trên đã giúp giải tỏa một sức ép tâm lý vô cùng lớn đối với người dân ở cả Israel và Palestine sau 11 ngày căng thẳng. Ngay trong đêm 20/5, người dân sống ở Dải Gaza đã đổ ra đường ăn mừng với các màn bắn pháo hoa rực sáng trên bầu trời, thay cho những luồng sáng của đạn pháo và tên lửa chỉ trong vài giờ trước đó. Sáng 21/5, không khí yên bình cũng đã trở lại với các thành phố lớn ở Israel. Điều này là dễ hiểu, 11 ngày bom rơi đạn nổ đã để lại cho cả hai bên những hậu quả nặng nề.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Hamas và các nhóm vũ trang ở Gaza đã phóng khoảng 4.000 quả rocket về phía Israel, khiến 12 người ở Israel thiệt mạng. Hậu quả về phía Palestine tàn khốc hơn nhiều: Các loạt đòn không kích từ Israel đã khiến trên 230 người Palestine tử vong, trong đó có 65 trẻ em; nhiều tòa nhà đã biến thành đống đổ nát, khoảng 120.000 người đã phải sơ tán.
Có hai yếu tố chính thúc đẩy hai bên ngừng leo thang xung đột: sức ép từ cộng đồng quốc tế và áp lực chính trị từ bên trong. Tại Gaza, cuộc sống của người dân đã rơi vào tình trạng tồi tệ trước các cuộc không kích liên tục từ phía Israel, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Với Israel, cho dù hệ thống Vòm Sắt đánh chặn tên lửa đã phát huy hiệu quả, song suốt 11 ngày qua, người dân ở các thành phố trung tâm chính trị tài chính như Jerusalem và Tel Aviv phải chứng kiến một không khí chiến tranh thực sự khi các tên lửa và đạn pháo của Hamas vươn tới các khu vực này và gây thương vong. Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự hiểu rằng đến thời điểm này sẽ khó có thể đạt được thêm điều gì nếu tiếp tục giao tranh trong vài ngày hay vài tuần tới.
Việc hai bên nhất trí ngừng bắn ở Gaza là diễn biến tích cực mở ra hy vọng, song vấn đề trước mắt là bảo đảm lệnh ngừng bắn được thực thi. Cũng cần nhắc lại rằng đây không phải lần đầu tiên Israel và lực lượng Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza.
Trong lịch sử xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập niên qua, các đợt giao tranh vũ trang giữa Israel với lực lượng Hamas thường xuyên xảy ra và cũng không ít lần các lệnh ngừng bắn giữa hai bên bị phá vỡ. Điều đó khiến dư luận lo ngại lệnh ngừng bắn vừa đạt được chỉ mang tính tạm thời, không có nghĩa là cơ hội hòa bình sẽ sớm quay trở lại với người dân ở dải Gaza.
Để thỏa thuận ngừng bắn kéo dài bền vững và góp phần đưa các bên trở lại tiến trình hòa bình Trung Đông, các nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột vừa qua cần được giải quyết tận gốc rễ. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng.
Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas trả lại sự bình yên mong manh ở Dải Gaza sau 11 ngày bom đạn, nhưng bình yên trong bao lâu thì chưa ai dám chắc. Bởi cuộc xung đột Israel-Palestine vốn được coi là cuộc xung đột phức tạp và khó giải quyết nhất thế giới, kéo theo đó là ít nhất 6 cuộc chiến tranh Trung Đông, 2 phong trào phản kháng Intifada của người Palestine cùng vô số các vụ đụng độ tương tự như loạt vụ tấn công bạo lực vừa qua giữa Israel và Hamas ở Gaza.
Lý giải cho câu hỏi vì sao cuộc xung đột Israel-Palestine khó giải quyết, giới phân tích đưa ra 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, xung đột bắt nguồn từ những mâu thuẫn chồng chất và dai dẳng từ xa xưa trong lịch sử liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, văn hóa… Thứ hai, bản thân mâu thuẫn nội bộ của cả Israel lẫn Palestine luôn là rào cản đối với khả năng giải quyết xung đột. Thứ ba, toan tính của các nước khu vực và các nước có lợi ích liên quan là yếu tố chi phối và tác động lớn.
Ngược dòng lịch sử, sử sách ghi lại rằng khoảng 5.000 năm trước, tổ tiên người Do Thái và người Arab đều định cư ở khu vực Trung Đông. Qua nhiều cuộc giao tranh giành đất thời kỳ trước Công nguyên, có lúc người Do Thái chiến thắng và xây dựng Vương quốc Do Thái phát triển phồn thịnh, song không ít lần họ bị mất đất, bị xua đuổi, phải tha hương, lưu vong khắp nơi. Tuy nhiên, hàng thế kỷ sau, bằng nhiều cách, đặc biệt là mua lại đất của người địa phương, người Do Thái luôn tìm cách quay trở về mảnh đất trước đây từng tồn tại Vương quốc Do Thái, nơi mà năm 168 trước Công nguyên đã được Đế quốc La Mã, sau khi chiếm Vương quốc Do Thái, đổi tên thành xứ Palestine và người Arab sống ở đây được gọi là người Palestine.
Sau những cuộc trở về như vậy, đầu thế kỷ XX, ở vùng đất này có khoảng 500.000 người Arab và 90.000 người Do Thái sống xen kẽ. Năm 1909, những người Do Thái ở Trung Đông đã xây dựng một thành phố mới là Tel Aviv. Qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhất là trải qua nạn thảm sát dưới thời phátxít Đức, người Do Thái càng quyết tâm thực hiện kế hoạch “phục quốc”, thành lập Nhà nước Do Thái ở Trung Đông. Tranh chấp đất đai cũng nổ ra giữa người Do Thái và người Arab. Tuy nhiên, tới cuối những năm 1930, thời điểm xứ Palestine nằm dưới quyền ủy trị của Anh, người Do Thái ở đây đã tăng lên 400 nghìn, bằng 1/3 số người Arab và đến năm 1940 đã gần bằng nhau. Điều đó càng khiến mâu thuẫn giữa hai cộng đồng thêm gay gắt.
Năm 1947, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 181, chia tách xứ Palestine thành hai nhà nước, một cho người Arab Palestine (chiếm 43,5% diện tích lãnh thổ) một cho người Do Thái (chiếm 56,5% diện tích). Người Do Thái tán thành, người Arab phản đối quyết định trên vì cho rằng Nhà nước Do Thái được phần đất gấp đôi (tính theo mật độ dân số). Ngày 14/5/1948, người Do Thái tuyên bố thành lập Nhà nước Israel với thủ đô là Jerusalem. Chỉ 1 ngày sau, chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất nổ ra giữa liên minh các nước Arab và Israel, với kết quả gần 1 triệu người Palestine (hơn 60% dân số ) bị buộc phải rời khỏi vùng đất nơi họ sinh sống từ nhiều thế kỷ đi tị nạn.
Israel chiếm thêm nhiều vùng đất, bao gồm Tây Jerusalem, trong khi Ai Cập chiếm Dải Gaza, Jordan chiếm khu vực Bờ Tây. Sau cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ ba, còn gọi là "Cuộc chiến tranh 6 ngày" năm 1967, Israel đã chiếm một vùng đất rộng lớn, trong đó có Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Kể từ đó, hàng triệu người Palestine được coi là “không có tổ quốc”, phải sống lưu vong ở nước ngoài hoặc hai vùng tự trị là Dải Gaza và Bờ Tây.
Jerusalem có thể coi là một nút thắt trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Đây là nơi cư ngụ lâu đời của người Do Thái, Hồi giáo và Arab. Thành phố này có một số địa điểm linh thiêng đối với người Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo, nơi các tín đồ của cả 3 tôn giáo tới hành hương, cầu nguyện. Bởi tính biểu tượng cao của thành phố này, nghị quyết 181 của LHQ đưa ra quy chế đặc biệt cho Jerusalem, coi đây là “thực thể chia cắt giữa 2 bên do LHQ quản lý.
Tuy nhiên, cả Israel và Palestine đều muốn đây là thủ đô của mình. Việc Israel tuyên bố Jerusalem là thủ đô vì vậy bị cộng đồng Arab phản đối. Tới nay, nhiều vụ đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine vẫn thường xuyên xảy ra ởThành cổ Jerusalem, nơi có đền thờ Al-Aqsa của người Hồi giáo và cũng là khu thánh địa tôn kính nhất của người Do Thái, gọi là Núi Đền.
Những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai bên khiến các nỗ lực nhằm tìm giải pháp toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột Israel-Palestine tới nay chưa đạt kết quả, mặc dù đã có những bước tiến nhất định, như Hiệp định hòa bình Oslo năm 1993, dẫn đến việc Israel rút khỏi dải Gaza và một phần Bờ Tây cũng như chính quyền Palestine được thành lập năm 1994. Trong khi đó, với việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và Dải Gaza, hành động được coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, cũng như việc các tay súng cực đoan của Palestine tấn công các mục tiêu của Israel, tiến trình hòa bình Trung Đông thực sự bế tắc.
Yếu tố thứ hai chính là những vấn đề nội bộ của Israel và Palestine. Ông Lenne Piggott - chuyên gia về Trung Đông thuộc Đại học Sydney (Australia), nhận định nếu Israel và Palestine tiến tới ký kết một thỏa thuận chấm dứt xung đột thì giới lãnh đạo của cả hai bên sẽ phải thỏa hiệp. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra bởi không được các nhân vật cứng rắn ở cả hai bên ủng hộ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể đánh mất sự ủng hộ về chính trị nếu công nhận Nhà nước Palestine bởi tại Israel có những lực lượng và phe phái luôn có quan điểm diều hâu trong vấn đề này. Năm 1995, cố Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, người cùng lãnh đạo Phong trào giải phóng Palestine (PLO) Yasser Arafat ký Hiệp định Oslo lịch sử tại Washington, đã bị ám sát, mà thủ phạm là một đối tượng người Do Thái cực đoan vốn phản đối hòa giải với Palestine.
Về phía Palestine, khác biệt giữa hai lực lượng chính trị chủ chốt là phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, hiện kiểm soát Bờ Tây và phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza, khiến khả năng hai phái tìm được tiếng nói thống nhất trở nên xa vời, bất chấp những nỗ lực hòa giải trong nội bộ Palestine.
Fatah hiện là nòng cốt của PLO, có quan điểm ôn hòa, trong khi Hamas theo đuổi phương thức đấu tranh bằng bạo lực để thành lập Nhà nước Palestine trên cơ sở đường lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948. Ban đầu, phong trào này chủ trương không công nhận Nhà nước Israel và phản đối Hiệp định hòa bình Oslo, phát động Intifada, gây ra các vụ tấn công liều chết nhằm vào người Israel. Năm 2005, sau khi quân đội Israel rút khỏi Dải Gaza, phong trào Hamas tham gia chính trị, giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Palestine năm 2006 và một năm sau, Hamas vượt qua Fatah, giành quyền kiểm soát Dải Gaza.
Rạn nứt giữa Fatah và Hamas đẩy tiến trình đàm phán Israel - Palestine thêm phức tạp. Israel chỉ công nhận PLO là bên đại diện người Palestine tham gia đàm phán. Kể từ đó, giữa Hamas và Israel đã xảy ra nhiều đợt giao tranh quy mô lớn, như vào các năm 2008-2009 và 2014, gây thương vong đáng kể. Các vụ việc đó thường kết thúc bằng những thỏa thuận ngừng bắn, song các vụ đụng độ lẻ tẻ, trong đó Israel không kích các mục tiêu ở Gaza và Hamas phóng rốckét từ Gaza nhằm vào Israel, liên tục xảy ra. Cũng từ khi Hamas kiểm soát Dải Gaza, Israel bắt đầu gia tăng sức ép bao vây kinh tế, hạn chế tiếp lương thực, thuốc men đối với Dải Gaza, ảnh hưởng nghiêm trọng tới dân thường.
Dải Gaza là mảnh đất hẹp chiều dài chỉ khoảng 50 km chạy dọc bờ biển, kinh tế không phát triển vì bị Israel bao vây ba mặt cả trên bộ lẫn trên biển, biên giới với Ai Cập cũng bị rào kín. Toàn bộ năng lượng phải nhập từ đường ống đi qua Israel, 80% dân sống bằng lương thực quốc tế viện trợ, cũng đi qua Israel. Bởi vậy mỗi lần Israel phong tỏa thì người dân vùng này sống trong bóng tối, không có lương thực, thuốc men...
Một yếu tố phải kể tới là vai trò của các nước Arab và các cường quốc có ảnh hưởng. Mặc dù tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine, song không ít quốc gia Arab có những toan tính riêng. Trong khi đó, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem. Washington cũng tuyên bố không coi việc xây dựng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là “không phù hợp luật pháp quốc tế”, đánh dấu sự đảo ngược chính sách của Mỹ trong 40 năm qua đối với vấn đề này. Điều này có nguy cơ gây bất ổn khu vực và cản trở giải pháp “hai nhà nước” giữa Israel và Palestine.
Cuối năm ngoái, Điều phối viên đặc biệt của LHQ về Trung Đông Nickolay Mladenov từng cảnh báo rằng người Israel và người Palestine đã sống trong xung đột quá lâu, đồng thời nhấn mạnh: “Cuộc xung đột này không chỉ là xung đột lãnh thổ, vì cả hai dân tộc đều có quyền coi Israel và Palestine là nhà của họ. Nó không chỉ là một cuộc xung đột lịch sử - cá nhân và cộng đồng. Đó là một cuộc xung đột về quyền cùng tồn tại của hai nhà nước”.
Đưa ra nhận định đó, ông Mladenov kêu gọi quốc tế không quên mục tiêu về một "giải pháp hai nhà nước" cho người Israel và người Palestine, có nghĩa là Israel và Palestine tồn tại như hai nhà nước riêng biệt sống bên nhau trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau, bởi theo ông, đó là cách duy nhất để đạt được nền hòa bình bền vững và lâu dài tại khu vực.
Có thể thấy rằng hàng chục năm qua, cộng đồng quốc tế đã thúc đẩy nhiều nỗ lực chung nhằm tìm hướng giải quyết xung đột Israel-Palestine. Hàng loạt các bước đi ngoại giao và sáng kiến đã được đưa ra.
Liên hợp quốc là tổ chức đi đầu trong các nỗ lực ngoại giao này, thông qua vai trò của đặc phái viên LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông. Trong chưa đầy 2 tuần xảy ra đụng độ giữa Israel và Hamas, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã nhóm họp tới 4 lần để tìm giải pháp ngăn chặn xung đột leo thang. Trước đó, suốt hơn 70 năm qua, HĐBA cũng đã thông qua hàng loạt nghị quyết thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột dai dẳng ở Trung Đông; thành lập Cơ quan LHQ về cứu trợ cho người tị nạn Palestine (UNRWA); tham gia nhóm Bộ Tứ hòa bình Trung Đông, gồm LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quan điểm khác biệt giữa các nước ủy viên khiến HĐBA không thể tìm được tiếng nói chung. Ngay lần này, sau cả 4 lần nhóm họp, do sự ngăn cản của Mỹ, HĐBA cũng không thể thông qua một tuyên bố chung có nội dung kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột.
Trong một phát biểu tại HĐBA năm 2018, Đặc phái viên LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nickolay Mladenov từng nhận xét LHQ, HĐBA và cộng đồng quốc tế nói chung dường như đều ngả theo khuôn mẫu quản lý, thay vì giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Hơn thế, tình trạng thiếu thống nhất ngay trong HĐBA về vấn đề này khiến nỗ lực giải quyết xung đột bị "tê liệt", mà theo ông Nickolay Mladenov, "cái giá đắt" phải trả cho sự tê liệt đó là tình trạng bạo lực và mất an ninh tiếp diễn; Israel mở rộng ở quy mô chưa từng có các khu định cư bất hợp pháp; sự chia rẽ chính trị dai dẳng của người Palestine, tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza... Quan chức này nhiều lần kêu gọi LHQ thay đổi phương thức giải quyết xung đột Israel-Palestine, "chứng tỏ khả năng lãnh đạo chính trị" và thúc đẩy những chính sách trên thực địa để gây dựng lòng tin.
Bên cạnh nỗ lực của LHQ, các tổ chức và các nước cũng đề xuất nhiều kế hoạch giải quyết cuộc xung đột, trong đó phải kể tới "Sáng kiến hòa bình" được Liên đoàn Arab đưa năm 2002. Theo sáng kiến trên, các nước Arab sẽ công nhận Israel nếu Israel rút khỏi vùng đất nước này chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, chấp nhận việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem và quyền hồi hương của người tị nạn Palestine. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, sáng kiến hòa bình do AL đề xuất vẫn chỉ nằm trên giấy.
"Lộ trình hòa bình Trung Đông" được nhóm Bộ Tứ Trung Đông đưa ra năm 2003 cũng trong tình trạng bế tắc từ năm 2014. Ban đầu, nhóm Bộ Tứ tuyên bố đây là lộ trình gồm một số giai đoạn hướng tới việc chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine trong vòng hai năm, trong đó trước hết Palestine phải giải giáp các tay súng, đồng thời Israel phải "đóng băng" hoạt động xây dựng các khu định cư để tạo cơ sở cho cuộc đàm phán giữa hai bên, bởi như khẳng định của Đặc phái viên LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov, "khu định cư xác nhận sự chiếm đóng của Israel và phá hoại giải pháp hai nhà nước”. Từ đó, đàm phán hòa bình Israel-Palestine dưới sự bảo trợ của nhóm Bộ Tứ được khởi động, nhiều lần đổ vỡ, được nối lại rồi lại đổ vỡ. Cả Israel và Palestine liên tục đổ lỗi cho nhau là bên phá vỡ tiến trình hòa bình Trung Đông, trong bối cảnh Israel không chấp thuận đình chỉ các hoạt động xây dựng khu định cư mới, trong khi PLO chưa có giải pháp ngăn chặn các vụ tấn công của các phần tử quá khích Palestine nhằm vào Israel. Điều này khiến cho cơ hội đạt được một thỏa thuận ngày càng trở nên khó khăn, làm lu mờ hy vọng về giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình.
Cuối năm 2020, ông Mladenov, trong bài phát biểu cuối cùng trước HĐBA LHQ sau 5 năm đảm nhiệm vai trò Điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông, đã cảnh báo rằng khi không có các cuộc đàm phán mang tính xây dựng giữa Israel và Palestine, thì nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh tàn khốc ở Dải Gaza vẫn còn hiện hữu. Đó là lý do cộng đồng quốc tế phải kiên trì nỗ lực ngăn chặn bạo lực leo thang và khuyến khích các nhà lãnh đạo của cả hai bên thể hiện thiện chí, cùng thực hiện các bước đi để cho phép quay trở lại đàm phán.
Theo quan chức này, điều quan trọng là duy trì sự đồng thuận quốc tế, rằng mục tiêu cuối cùng là một giải pháp hai nhà nước, trên cơ sở đó nhóm Bộ Tứ về Trung Đông cùng với các đối tác Arab cũng như các nhà lãnh đạo Israel và Palestine phải làm việc cùng nhau để nối lại lộ trình đàm phán. Khi mà giữa các bên còn nhiều nghi kỵ và hiềm khích, những nỗ lực quốc tế lúc này sẽ tập trung vào gây dựng lại lòng tin, từng bước hóa giải các mâu thuẫn, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả Israel và Palestine, để có thể tìm ra một giải pháp giúp phá vỡ thế bế tắc đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
Bài: Vũ Hội, Thanh Bình, Ngọc Hà
Biên tập: Thùy Dương
Trình bày: Hồng Hạnh
27/05/2021 08:30