Để người cao tuổi được chăm sóc ‘đúng nghĩa’

Với tỷ lệ trung bình một người già mắc tới 3 bệnh mãn tính đặt ra nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế tại các cơ sở y tế rất lớn.

Chú thích ảnh
Cần thành lập khoa Lão riêng biệt tại các bệnh viện để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người cao tuổi. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Gánh nặng bệnh tật ngày càng tăng

Buổi sáng tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số lượng người già được đến khám, điều trị khá đông. Tại bệnh viện không chỉ bố trí khu ghế chờ thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, còn có khu sảnh ngồi nghỉ kèm phục vụ đồ ăn, đồ uống khá lịch sự. Là bệnh viện chuyên phục vụ cho người cao tuổi nên bệnh viện có khu vực khám bệnh riêng cho người trên 80 tuổi, tại các khu vực khám đều nhiều nhân viên trợ giúp cho các bệnh nhân cần phải hỗ trợ…

Đưa chồng đi khám sau tai biến, bà Nguyễn Thị Hưng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Chồng tôi từ khi sau tai biến, việc đi lại, sinh hoạt và nói chuyện khó khăn; vì thế ông cần được theo dõi sức khỏe thường xuyên. Mỗi lần đưa ông đi khám, tôi chủ yếu đưa tới bệnh viện chuyên về khoa lão vì sức khỏe của người tai biến rất yếu, lại cần chăm sóc đặc biệt từ đi lại đến các sinh hoạt nên cần chuyên khoa hơn. Hơn nữa các cơ sở vật chất ở đây rất thuận tiện cho người già đi khám”.

Bà Đoàn Thị Mai, một bệnh nhân đến khám tại đây cũng cho biết: “Các bệnh viện nên có khoa dành riêng cho người già, bố trí các dịch vụ riêng như thế này để chúng tôi đi khám đỡ vất vả. Người già thường xương khớp yếu, đi lại khó khăn, sức chịu đựng kém hơn nên mỗi lần đi khám bệnh phải chen chúc với các bệnh nhân khác, phải xếp hàng chờ lâu là rất khổ, hơn nữa ở chuyên khoa lão thì cách chăm sóc cũng nhẹ nhàng hơn”.

Hầu hết những người già khi phải đến bệnh viện khám bệnh đều chung tâm lý mệt mỏi, sức khỏe yếu nên rất cần sự chăm sóc riêng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong khi đó, hầu hết các bệnh nhân là người cao tuổi khi đến bệnh viện cũng đều đã trong tình trạng bệnh nặng hoặc có bệnh mới đi khám.

Hiện nay Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng nhanh cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính như: Tiểu đường, huyết áp, tim mạch…

Theo thống kê của Bộ Y tế, ở Việt Nam, trung bình có khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền; trung bình 1 người cao tuổi mắc tới 3 bệnh. Đặc biệt, hiện có đến hơn 67% người cao tuổi sống trong tình trạng sức khỏe yếu, rất yếu; đồng nghĩa với việc này sẽ đặt ra nhu cầu chăm sóc y tế rất lớn, nhất là tại các bệnh viện.

Tuy nhiên, hiện nay các bệnh viện có chuyên khoa lão, có hệ thống chăm sóc riêng cho người cao tuổi chưa tương xứng. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay cả nước có hơn 100 khoa Lão đã được thành lập tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện Trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Tuy nhiên hiện hầu hết các khoa lão mới chủ yếu là hoạt động ghép với các chuyên khoa khác như: thận, tim mạch, nội... chưa có sự riêng biệt.

Cần hệ thống chăm sóc chuyên nghiệp

TS.BS Nguyễn Trung Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Thách thức của già hóa dân số đối với hệ thống y tế là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề đang được quan tâm hiện nay là khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn rất hạn chế. Hệ thống bệnh, khoa lão của các bệnh viện, hệ thống nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế và không có chăm sóc y tế… còn rất mỏng. Đặc biệt nhân lực được đào tạo chuyên về chăm sóc người cao tuổi như: Bác sĩ chuyên khoa Lão khoa, điều dưỡng lão khoa đều rất thiếu.

Theo đó, hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc người cao tuổi chuyên biệt. Điều dưỡng của bệnh viện phải kiêm cả công việc của người chăm sóc là một áp lực khá lớn. Đặc điểm bệnh lý của người cao tuổi khác với các lứa tuổi khác như lão hóa các cơ quan, nhiều bệnh lý, sử dụng nhiều thuốc, tình trạng phụ thuộc; tăng nguy cơ tai biến… Đặc biệt, bệnh nhân cao tuổi (nhất những người trên 80 tuổi) thường có các đặc điểm như: Dễ bị tổn thương, rối loạn đi và ngã, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm… cần sự chăm sóc riêng tại các cơ sở y tế, do đó, việc thành lập mô hình khoa lão trong bệnh viện sẽ giúp người cao tuổi được chăm sóc một cách toàn diện và liên tục.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, để tăng cường chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố thành lập khoa Lão theo tiêu chí thành lập khoa Lão.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tùy thuộc vào quy mô bệnh viện, quy mô giường bệnh của khoa Lão chiếm 10% tổng số giường bệnh kế hoạch của bệnh viện (tối thiểu từ 30 giường trở lên). Tại khu vực Phòng khám Lão khoa (do khoa Lão phối hợp tổ chức) phải xây dựng quy trình khám bệnh phù hợp, thân thiện với người cao tuổi như: Khám bệnh tập trung, quầy tiếp đón một cửa, có ghế chờ, hệ thống báo gọi, biển chỉ dẫn, điều hòa, cây cảnh, tranh ảnh… Đặc biệt, có khu vực ưu tiên khám trước cho người trên 80 tuổi, người cao tuổi được nhân viên y tế trợ giúp di chuyển, hướng dẫn làm thủ tục khám bệnh và đưa đi làm xét nghiệm cận lâm sàng…

Bên cạnh việc thành lập khoa Lão trong các bệnh viện, trong đề án “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025” của Bộ Y tế, sẽ nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa để nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho người cao tuổi.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Người cao tuổi làm kinh tế giỏi: Còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến
Người cao tuổi làm kinh tế giỏi: Còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến

Người cao tuổi là nguồn lực quý, là những "thư viện sống" trong nhiều lĩnh vực; luôn có nguyện vọng tiếp tục được làm việc, say mê sáng tạo, cống hiến, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Điểm nổi bật của những người cao tuổi vẫn lao động, sản xuất, làm kinh tế giỏi là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng, nghị lực, tâm huyết của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN