Nhân kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (1975 – 2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), tác phẩm điêu khắc ánh sáng “Trang sử vàng” của Nghệ nhân Bùi Văn Tự chính thức ra mắt công chúng.
Đây không chỉ là một công trình nghệ thuật đương đại mà còn là biểu tượng của khát vọng, tâm huyết và tình cảm thiêng liêng của thế hệ trẻ hôm nay đối với lịch sử dân tộc và vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam.

Tác phẩm “Trang sử vàng” được nghệ nhân Bùi Văn Tự ấp ủ từ hơn hai năm trước, khởi nguồn từ dự án nghệ thuật “Thắp đèn soi niên sử” – bộ sưu tập điêu khắc ánh sáng tôn vinh 14 vị anh hùng dân tộc. “Trang sử vàng” là điểm kết tinh cao nhất của hành trình nghệ thuật ấy – nơi ánh sáng trở thành phương tiện kể chuyện, nơi lịch sử trở nên sống động và lấp lánh từ chính tâm hồn người nghệ sĩ trẻ.
Bùi Văn Tự chia sẻ: “Tôi không sinh ra trong thời chiến, nhưng lớn lên giữa những câu chuyện về lịch sử, về Bác Hồ. Tôi khao khát dùng nghệ thuật để kể lại lịch sử theo cách của thời đại hôm nay – bằng ánh sáng, bằng cảm xúc, bằng trái tim”.
Tác phẩm được thiết kế với kích thước đặc biệt: Chiều rộng 1945mm – tượng trưng cho năm khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chiều cao 2025mm – mốc son của năm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước; và 79 trang sách – tương ứng với 79 mùa xuân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và cống hiến trọn đời cho dân tộc. Mỗi con số đều chất chứa biểu tượng lịch sử, được nghệ nhân tính toán và thể hiện đầy dụng ý.
Mỗi trang sách trong “Trang sử vàng” không chỉ là một chi tiết điêu khắc mà còn là một lát cắt lịch sử. Đó là lời ru thuở ấu thơ, là bước chân Người bôn ba tìm đường cứu nước, là đêm kháng chiến rực cháy niềm tin, là bản Di chúc thiêng liêng viết trong những ngày cuối đời. 79 trang sách là 79 chặng đường – như một cuốn sử sống bằng ánh sáng và cảm xúc.
Chi tiết đặc biệt và mang tính nghệ thuật cao chính là hiệu ứng khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh qua ánh đèn chiếu rọi. Khi ánh sáng xuyên qua các họa tiết kim loại, hình ảnh Bác Hồ hiện lên đầy trang nghiêm và ấm áp – như một biểu tượng của chân lý, của niềm tin soi đường cho dân tộc.
Tác phẩm còn gợi nhắc sâu sắc về cội nguồn dân tộc với hình ảnh 18 con chim lạc bay trên nền mây – biểu trưng cho 18 đời Vua Hùng và hai tiếng thiêng liêng “đồng bào” mà Bác Hồ từng khẳng định trong Thư gửi đồng bào cả nước. Bên dưới là làn sóng nước uốn lượn như tranh thủy mặc, gợi hình non sông gấm vóc và câu nói bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Để hoàn thiện “Trang sử vàng”, nghệ nhân Bùi Văn Tự và cộng sự đã trải qua nhiều tháng lao động miệt mài. Theo nghệ nhân, phần đế của tác phẩm dự kiến sẽ hội tụ dòng nước được rước từ ba miền Bắc – Trung – Nam và từ hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. “Đó là cách tôi gom tụ hồn thiêng đất nước vào một biểu tượng, để tác phẩm thực sự là kết tinh của toàn thể dân tộc”, anh bày tỏ.
Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “Trang sử vàng” được triển lãm tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) từ ngày 16 – 20/5/2025. Tác phẩm được thiết kế để linh hoạt trong cả hai không gian: Ngoài trời – nơi ánh sáng tự nhiên tạo nên hiệu ứng tuyệt đẹp vào khoảng 11 giờ trưa; và trong nhà – cụ thể tại Nhà bái đường, đảm bảo sự trang nghiêm và cảm xúc thiêng liêng cho người thưởng lãm.
Không chỉ là một tác phẩm trưng bày, “Trang sử vàng” được kỳ vọng sẽ trở thành hành trình trải nghiệm nghệ thuật – lịch sử cho người xem. Từng chi tiết, từng vệt ánh sáng trong tác phẩm đều mang theo một câu chuyện – một lời nhắn nhủ từ quá khứ gửi đến hôm nay.
Sinh năm 1992 tại Ninh Bình, nghệ nhân Bùi Văn Tự là người tiên phong theo đuổi nghệ thuật điêu khắc ánh sáng tại Việt Nam. Những tác phẩm của anh mang phong cách rất riêng: kết hợp điêu khắc với ánh sáng, kim loại và những khối vật liệu tưởng chừng vô tri như gỗ lũa để tái hiện lịch sử sống động và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người trẻ.
Với “Trang sử vàng”, Bùi Văn Tự đã khẳng định vị thế một nghệ nhân trẻ tài hoa, giàu tri thức văn hóa và tư duy nghệ thuật sắc sảo. Quan trọng hơn, anh đã góp thêm một tiếng nói nghệ thuật mới – hiện đại, cảm xúc và đầy tính nhân văn – để kể lại lịch sử dân tộc bằng ánh sáng của ngày hôm nay.
18/05/2025 09:59