Năm 2024, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” tạo điều kiện cho nhiều nhóm phụ nữ tham gia như: Trí thức, vận động viên giải nghệ, bị ảnh hưởng bởi HIV, khuyết tật, cao tuổi, hoàn thành án phạt tù… Bà có thể chia sẻ vì sao cuộc thi năm nay mở rộng tới nhiều nhóm phụ nữ tham gia và lan toả ý nghĩa gì trong cuộc sống, thưa bà?

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2024, Trung ương Hội LHPN Việt Nam mở rộng đối tượng tham gia cuộc thi thông qua sự phối hợp với 6 bộ, ngành: Bộ Công an, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Liêp hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam, để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đến nhiều hơn đối tượng chị em phụ nữ có yếu tố đặc thù trong xã hội.

Đối với phụ nữ trí thức, đây là cơ hội để giúp các chị phát triển và hiện thực hóa, thương mại hóa các dự án nghiên cứu khoa học, qua đó đóng góp, cống hiến trí tuệ, sức lực vào công cuộc chuyển đổi xanh của đất nước.

Đối với nhóm nữ vận động viên, thời gian thi đấu đỉnh cao của họ thường không dài, sau khi những nữ vận động viên giải nghệ, một bài toán đặt ra đó là việc làm. Họ sẽ làm gì để có điều kiện phát triển kinh tế của bản thân, tăng thu nhập, cũng như cải thiện đời sống của gia đình? Chúng tôi mong muốn, thông qua việc lan tỏa những cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sẽ là một lời giải hay cho bài toán toàn xã hội đang quan tâm.

Còn với đối tượng là phụ nữ chấp hành xong án phạt tù, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ khuyết tật… đây là những đối tượng phụ nữ đang gặp “rào cản” định kiến xã hội, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế. Đến với cuộc thi, chị em được tập huấn, đào tạo và khích lệ, giúp tự tin và mạnh dạn khởi nghiệp, biến ước mơ thành hiện thực…

Vậy, cuộc thi năm nay với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi xanh” đã mang lại những kết quả khích lệ như thế nào, thưa bà?

Tiếp nối các cuộc thi 5 năm trước, cuộc thi năm nay đạt được nhiều kết quả khích lệ như: Có với nhiều dự án tham gia nhất, với 2.545 dự án khởi nghiệp dự thi (tăng 26% so với năm 2023 và tăng 65% so với cuộc thi năm 2021). Điều này thể hiện sự lan tỏa mạnh mẽ và sức hút của phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên cả nước.

Bên cạnh đó, cuộc thi có nhiều thành phần, đối tượng phụ nữ tham gia nhất: Phụ nữ miền núi, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tham gia dự thi 13,7%, phụ nữ khuyết tật với tỷ lệ 7%; về các chủ thể tham gia dự thi: Hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác 33,7%, cá nhân 31,2%, hộ kinh doanh 17,7%; doanh nghiệp 17,4%; ứng viên ít tuổi nhất là 17 tuổi, ứng viên cao tuổi nhất là 82 tuổi.

Ngoài ra, chất lượng các dự án tăng cao và đồng đều nhất. Các dự án thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng như: Nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, chế tạo sản phẩm; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; kinh doanh tạo tác động xã hội, các lĩnh vực khác (công nghiệp, chế tạo sản phẩm; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp)…

Trong quá trình khởi nghiệp, chị em thường gặp nhiều khó khăn về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng khởi nghiệp hạn chế; thiếu vốn, thiếu chuyên gia định hướng… Vậy, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã có những cách làm nào để hỗ trợ các chị em, đặc biệt là nhóm chị em yếu thế, thưa bà?

Trong khuôn khổ Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội đã lồng ghép trong các hoạt động khác của Hội, tiếp tục tập trung hỗ trợ chị em qua nhiều hoạt động: Tuyên truyền, phổ biến để chị em biết đầy đủ về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực khởi nghiệp như: Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ phát triển HTX, tổ hợp tác, hỗ trợ đổi mới sáng tạo; các chương trình, các gói tín dụng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và các ngân hàng thương mại khác…

Mặt khác, tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo cho chị em về các kiến thức khởi nghiệp như: phát hiện ý tưởng, xây dựng dự án khởi nghiệp, kiến thức kinh doanh, kiến thức quản trị, quản lý tài chính, thương hiệu, marketing, thương mại điện tử… Kết hợp với tổ chức cho chị em đi thăm quan các mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế hiệu quả của các chị em khởi nghiệp, tạo động lực khích lệ…

Đồng thời, Hội phát huy vai trò đồng hành với chị em trong quá trình khởi nghiệp. Hỗ trợ chị em kết nối với các tổ chức, cơ quan, ngân hàng, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học phù hợp. Ví dụ, chị em có khó khăn về công nghệ sản xuất, chúng tôi giúp chị em kết nối với các nhà khoa học, chị em khó khăn về nguồn vốn chúng tôi giúp kết nối với ngân hàng, kết nối tiêu thụ hàng hóa…

Trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2023, 2024, tại phần thi thuyết trình của các ứng viên, chúng tôi mời thêm các nhà đầu tư có quan tâm đến dự. Nhiều dự án được các nhà đầu tư cam kết đồng hành, hỗ trợ.

Ngoài ra, Hội LHPN Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Liên minh HTX và một số cơ quan khác, trong đó có nội dung hỗ trợ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của Hội viên, phụ nữ cả nước.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 3/1/2023 phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030". Trong những năm qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai và đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa bà?

Với vai trò chủ trì thực hiện các Đề án trên, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp được giao. Công tác tuyên truyền các đề án được triển khai rộng khắp trong toàn hệ thống Hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, hội thảo, diễn đàn, câu lạc bộ phụ nữ...

Trong những năm qua, Hội LHPN các cấp đã tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh và khởi nghiệp thông qua việc triển khai có hiệu quả các hoạt động, bao gồm: 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức cuộc thi/ngày phụ nữ khởi nghiệp định kỳ hoặc hàng năm đã thu hút được 85.568 dự án khởi nghiệp tham gia dự thi; tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, kết nối đầu tư, vay vốn... theo đó, hỗ trợ được 22.918 phụ nữ vay vốn với tổng số tiền 506,755 triệu đồng.

Các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ thành lập mới trên 6.000 tổ hợp tác/HTX do phụ nữ tham gia quản lý; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của trên 1.600 hợp tác xã, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nữ, trong đó đa phần là phụ nữ nông thôn, vùng dân tộc, miền núi khó khăn.

Tính đến năm 2023, các cấp Hội đã huy động được kinh phí để thực hiện Đề án từ nguồn xã hội hóa trên 227 tỷ đồng và các hỗ trợ kỹ thuật về đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ chuyên gia tư vấn; tăng cường các hoạt động truyền thông... cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, phát triển kinh tế tập tế từ các tổ chức quốc tế, tập đoàn, công ty...

Việc nâng cao “quyền năng” kinh tế của phụ nữ thông qua các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia quản lý, điều hành HTX đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và vì sự tiến bộ của xã hội. Sự hiện diện của chị em không chỉ phản ánh sự tiến bộ về quyền bình đẳng giới, mà còn mang lại những lợi ích thiết thực và sâu rộng cho cộng đồng và xã hội.

Phụ nữ dám thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới, hiện đại và áp dụng công nghệ, các phương pháp quản lý tiên tiến, chuyển đổi xanh... Bằng sự nỗ lực và thành công của mình, chị em đã chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có thể đảm nhận những vị trí quan trọng và đạt được những thành tựu trong công cuộc phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước và toàn cầu.

Trân trọng cảm ơn bà!

20/10/2024 12:19