Thưa ông, hiện nay, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ mạnh mẽ, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Ông đánh giá thế nào về tác động của AI với hoạt động báo chí hiện nay?

Ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động báo chí là rất cần thiết. Công nghệ sẽ giúp các nhà báo đỡ vất vả hơn trong tác nghiệp, hỗ trợ báo chí nghiên cứu công chúng, đánh giá, tiếp nhận thói quen, hành vi của người dùng, qua đó có cách tiếp cận công chúng tốt hơn.

Công nghệ cũng làm tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm, giúp tác phẩm đến với công chúng nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu công chúng thông qua các công cụ đánh giá, các phương tiện báo chí truyền thông mới, hiện đại.

Thế nhưng, công nghệ không bao giờ thay thế được sự sáng tạo của con người. Làm báo là công việc đòi hỏi sự sáng tạo, cần phân tích bình luận sâu, thể hiện quan điểm dấu ấn cá nhân, kinh nghiệm… Sự hấp dẫn nhất của nghề báo chính là dấu ấn cá nhân, chính kiến, tính phát hiện và xử lý thông tin. Dấu ấn sáng tạo của nhà báo nằm ở chính những giọt mồ hôi nỗ lực, đúc kết kinh nghiệm của người làm báo. 

Công nghệ sẽ chỉ phát huy tốt khi người làm báo là người sử dụng tốt công nghệ, bởi chủ thể sáng tạo trong báo chí vẫn nằm ở những người làm báo, các nhà báo. 

Thực tế, bên cạnh những lợi ích, công nghệ cũng như AI cũng tạo ra rủi ro, thách thức cho người làm báo, khi thông tin vừa đăng tải trên mặt báo sẽ được các kênh thông tin, trang mạng xã hội khai thác lại. Nguy hiểm hơn, không ít thông tin, bài báo sẽ bị chỉnh sửa, cài cắm thông tin lệch lạc, đi ngược lợi ích quốc gia dân tộc, xâm hại lợi ích công chúng, gây phản tác dụng. Vậy theo ông, cần có những biện pháp như thế nào để giải quyết vấn đề này? 

Công nghệ luôn luôn mới và có sức hấp dẫn, nhưng đồng thời công nghệ cũng tạo ra rủi ro. Tin giả lan truyền trên mạng rất nhiều. Bây giờ, một bản tin, một bài báo vừa lên trang thì ngay lập tức đã có người khai thác và họ có nhiều cách để tránh các công cụ tìm kiếm và lọc bỏ. 

Đáng ngại là tin giả không phải là giả 100% mà chỉ giả một phần, họ lấy bản tin cũ, bản tin hoàn toàn đúng và thật nhưng cài vào một vài chi tiết giả rất khó phát hiện. Điều đó khiến cho công sức của người làm báo bị triệt tiêu, bởi nhà báo lăn lộn, vất vả để có được tác phẩm báo chí, rồi cuối cùng người khác đưa về khai thác thương mại trên trang của họ. 

Nguy hiểm hơn, nhiều thông tin không chuẩn, bị cài cắm những thông tin đi ngược với lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia và xâm hại cả những lợi ích của người đọc. 

Để xử lý vấn đề này, những người làm báo phải tăng cường tính tin cậy, nhận diện thương hiệu của cá nhân cũng như cơ quan báo chí. Nhà báo phải luôn ghi nhớ và nỗ lực giữ gìn, khắc sâu thương hiệu, tên tuổi, “chữ tín” của tờ báo và thương hiệu cá nhân nhà báo để khi có những thông tin lan truyền thất thiệt, công chúng sẽ tìm đến những cơ quan báo chí và nhà báo tin cậy. 

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, sức “đề kháng” của công chúng là rất quan trọng. Trên không gian số, nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, thông tin lan truyền rất nhanh nên không thể quản lý theo lãnh thổ. Do đó, với công chúng cũng cần nâng cao sức “đề kháng”, sự tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin, không để bị thông tin mạng xã hội dẫn dắt, lôi kéo. 

Để được công chúng tin cậy, báo chí phải “xung trận”, dám nói rõ, chỉ thẳng, chủ động hơn trong cung cấp thông tin, không để trống trận địa thông tin. Nhà báo phải dám chịu trách nhiệm, đưa những thông tin nóng nhất, chính xác nhất tới công chúng. Đồng thời, báo chí cần tiếp tục cảnh báo cho công chúng biết những nguy cơ rủi ro. Khi đó, chúng ta sẽ tạo ra một thế trận chủ động, đủ sức chống lại các luận điệu xấu từ bên ngoài, khắc phục được những tác hại của tin giả, tin xấu. 

Theo ông, báo chí cần có lộ trình thay đổi ứng xử với công nghệ, AI như thế nào để phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và tiếp cận tới đông đảo công chúng? 

Công nghệ sẽ liên tục cập nhật, đổi mới nên không phải đầu tư một lần là xong. Nếu đầu tư lớn nhưng không khai thác hết giá trị công nghệ sẽ gây lãng phí. Do đó, cơ quan báo chí, nhà báo cần phải “liệu cơm gắp mắm”, trước hết phải lượng được sức mình, nhu cầu của mình thực tế đến đâu và mức độ hiểu biết về công nghệ như thế nào rồi mới đầu tư. Đây là bài toán không hề đơn giản, vì nếu chạy theo công nghệ, cái gì cũng có thì nhiều khi chỉ như ngôi nhà hoành tráng chứ không có đồ đạc, tiện ích gì bên trong, thậm chí giống căn biệt thự đắt tiền để hoang, lãng phí. 

Cùng với đó, từng cơ quan báo chí phải có lối đi của mình trong chiến lược tổng thể về chuyển đổi số quốc gia. Để đầu tư ứng dụng công nghệ, các cơ quan báo chí cần xác định công chúng của mình là ai, đang ở đâu, và phải đánh giá đầy đủ, hiểu được nhu cầu, hành vi công chúng của mình. 

Chúng ta đã nói là không để ai bị bỏ lại phía sau, thì trên mặt trận thông tin cũng phải khắc sâu điều đó. Đừng nghĩ tất cả công chúng đều trẻ, đều ào ạt tiến về phía trước mà quên đi rất nhiều đối tượng công chúng vẫn muốn tiếp cận thông tin của mình cho phù hợp. Bên cạnh những clip, video ào ạt trên mạng xã hội, người ta vẫn muốn ngồi bên mâm cơm để xem chương trình thời sự tối mỗi ngày ngày. 

Thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (cuối tháng 2/2019) trên Báo Tin tức điện tử - kênh thông tin của Chính phủ do TTXVN phát hành. Ảnh: TTXVN

Do đó, công nghệ mới phải đi liền kề với cái cũ xen cài, để bao giờ thế hệ công chúng hoàn toàn sử dụng công nghệ mới, phải có quá trình. Nếu các cơ quan báo chí có sản phẩm đặc sắc, công chúng sẽ tự tìm đến. Tôi giả sử nếu chúng ta không có quá nhiều kênh truyền hình trùng lắp nhau, cùng đưa tin thời sự, cùng tọa đàm về một nội dung, mà tiền đó chúng ta xây dựng các trung tâm sản xuất nội dung chuyên biệt, sản phẩm chất lượng đầu ra đó, liệu có hiệu quả hơn không? Một đội ngũ làm nghề không bị áp lực phát hình 24/24h, có thời gian cho tác phẩm đặc sắc, đầu tư kĩ lưỡng, phát trên kênh truyền hình quốc gia cũng tốt, phát trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các trang báo điện tử cũng nhiều người xem lắm chứ! Gốc rễ của vấn đề vẫn nằm ở tác phẩm báo chí có ý nghĩa và chất lượng thông tin chính xác, kịp thời, đáp ứng nhu cầu công chúng chứ không phải quy mô cơ quan hoành tráng hay điều gì khác.

Tôi nhấn mạnh là không giảm tiền đầu tư, không giảm nhân lực cho các cơ quan báo chí, truyền thông, nhưng làm thế nào cho hiệu quả, xứng với trông đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân thì phải luôn trăn trở, suy nghĩ! 

TTXVN là cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm và loại hình thông tin nhất cả nước, như thông tin nguồn bằng văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa, âm thanh...

Một vấn đề đang được các cơ quan báo chí quan tâm là phải bảo đảm bản quyền và sự chủ động thông tin khi các nền tảng mạng xã hội lợi dụng báo chí để hút nguồn thu về phía mình, ông có đánh giá gì về vấn đề này? 

Khi công chúng đang dần “di cư” lên không gian mạng, bên cạnh những loại hình báo truyền thống, các cơ quan báo chí nên tận dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng. 

Tuy nhiên, cần lưu ý, các cơ quan báo chí phải có giải pháp ứng dụng thông minh, đừng để đánh mất chủ quyền và tài nguyên của mình trên không gian mạng chỉ vì chạy theo xu thế. 

Báo chí phải tiếp cận công chúng theo phương cách họ mong muốn, quan tâm công chúng. Báo chí cần tham gia “cuộc chơi” trên không gian mạng một cách mạnh mẽ, sòng phẳng để đạt đích cuối cùng là làm chủ trận địa thông tin. 

Các ứng dụng công nghệ, nền tảng mạng xã hội đang tiếp cận công chúng theo cách riêng. Đặc biệt, những thông tin từ báo chí sẽ bị các nền tảng này khai thác, biến thành dữ liệu của mình, từ đó thu hút công chúng và nguồn lực quảng cáo. Tôi cho rằng đã đến lúc phải có những cơ quan truyền thông chủ lực, đủ sức đầu tư để độc lập, làm chủ công nghệ so với một số nền tảng mạng xã hội khác. Đây là vấn đề cấp thiết đặt ra trong phát triển kinh tế báo chí cũng phù hợp với chiến lược làm chủ đông nghệ để làm chủ trận địa thông tin của báo chí. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Thu Trang, TTXVN
Trình bày: Thuần Như

21/06/2024 09:46