Tham gia cả trận đánh thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972 và được là một trong những chiến sĩ tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, là những phần ký ức vinh dự và tự hào nhất trong lòng người cựu chiến binh Lê Viết Linh.
Những ngày tháng này cách đây 46 năm, người lính trẻ Lê Viết Linh là Chuẩn úy, Trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B (sau này đổi tên thành Sư đoàn 390, Quân đoàn 1) do Thượng úy Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Như Hoạt (nay là Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam) chỉ huy.
Nhận nhiệm vụ là mũi thọc sâu đánh vào Bộ tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn của Quân đoàn 1, Trung đoàn 48 được tăng cường các đơn vị xe tăng, tên lửa, pháo binh, công binh tinh nhuệ. Cùng với đó, lực lượng bổ sung là các tân binh Hà Bắc cũng được trui rèn hơn 1 tháng trước khi nhận nhiệm vụ mà sau này trở thành nhiệm vụ vinh quang bậc nhất thời binh nghiệp - thần tốc tiến công, giải phóng miền Nam.
Tiểu đoàn 1 là đơn vị chủ công đi đầu đội hình. Đúng với tên gọi “thần tốc” của đợt tổng tiến công, những trận đánh quyết liệt nhất, cam go nhất diễn ra liên tiếp trong 2 ngày trước khi đoàn quân đến được với mục tiêu quan trọng được giao là Bộ tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn.
Rạng sáng 29/4/1975, đi đầu là đại đội do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt chỉ huy, đến quận lỵ Tân Uyên thì gặp địch tử thủ chống trả quyết liệt. Được lệnh của cấp trên đại đội 2 cùng với đơn vị xe tăng dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Như Hoạt nổ súng đột phá Tân Uyên.
Mặc dù lực lượng, vũ khí, phương tiện quân địch rất đông do thất bại từ nhiều chiến trường tháo chạy dồn về đây nhưng đó chỉ là đám tàn quân rệu rã, mất hết ý chí chiến đấu nên sức kháng cự khá yếu ớt. Sau hơn một giờ chiến đấu được sự yểm trợ của xe tăng quân ta tiến công như vũ bão và làm chủ quận lỵ Tân Uyên. Trong trận chiến đấu này một số cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và bị thương, trong đó có cả Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt cũng bị thương trong trận này.
Để tránh mìn do lính ngụy cài lại tại Tân Uyên, đoàn quân rẽ theo hướng quốc lộ 13 thẳng tiến Sài Gòn. Tiếng súng Tân Uyên vừa dứt, sáng 30/4/1975, Tiểu đoàn 2 dẫn đầu đội hình của Trung đoàn hành tiến trên quốc lộ 13, đến đoạn cầu Ông Đen thì gặp địch tử thủ. Sở dĩ địch lựa chọn khu vực này để dồn quân là bởi lẽ cầu Ông Đen là cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn. Để chặn đường của ta, địch đổ đầy cát sỏi vào các thùng phi nhựa, dựng khắp mặt cầu. Rồi tập trung hỏa lực mạnh chống trả quyết liệt. Nhưng khi ấy, tin quân ta thắng trận liên tiếp dồn tới từ khắp các mặt trận, lực lượng địch chỉ còn là những tàn binh bạc nhược.
Quân ta triển khai đội hình chiến đấu. Với sức mạnh như chẻ tre, uy lực của binh chủng hợp thành, quân ta đã tiến công dũng mãnh tiêu diệt nhiều xe tăng và sinh lực địch, chiếm được cầu Ông Đen và cầu Bình Triệu, không cho địch phá cầu để ngăn bước tiến của quân ta.
Trong trận chiến này, quân ta bị cháy 1 xe tăng và một số chiến sĩ thương vong nhưng cũng đã bắt nhiều xe tăng và tù hàng binh. Qua khai thác, được biết đơn vị tử thủ ở khu vực cầu Ông Đen và cầu Bình Triệu là Lữ đoàn kỵ binh số 3, Sư đoàn 5 và 2 Tiểu đoàn lính dù được điều từ Biên Hòa lên. Điểm cố thủ cuối cùng của quân ngụy phía Bắc Sài Gòn bị nhổ.
Đáng chú ý nhất ở trận này là khi trận đánh kết thúc, quân ta sử dụng 12 chiếc xe tăng M48 và M41 của địch có lính ngụy lái để bổ sung cho lực lượng tiến công. Trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 1 Lê Viết Linh vinh dự được Trung đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy 12 chiếc xe tăng này cùng lực lượng Tiểu đội trinh sát Tiểu đoàn 1.
“Cuộc chiến đấu đang rất khẩn trương, tôi phân công mỗi chiến sĩ trinh sát phụ trách một xe. Tôi ngồi trên chiếc xe tăng M48 có cắm cờ giải phóng đi đầu đội hình. Nhớ lại tình hình lúc đấy cũng rất cam go, trên mỗi xe tăng là một chiến sĩ Giải phóng quân và hai lính ngụy gồm 1 lái tăng và 1 phụ. Để thị uy, trước lúc xuất kích tôi nói với những người lính ngụy: “Các anh đã đầu hàng quân Giải phóng và muốn lập công chuộc tội thì các anh phải đưa chúng tôi tiến vào Bộ tổng tham mưu Ngụy quyền với cung đường ngắn nhất và nhanh nhất”. Những tiếng “Dạ” đồng thanh vang lên phần nào cho thấy khí thế của quân Giải phóng và sự quy thuận của ngụy quân Sài Gòn.” - người lính già Lê Viết Linh hồi nhớ.
Lúc đó có trên tay tấm bản đồ Sài Gòn, người chỉ huy đoàn xe tăng vượt qua cầu Bình Triệu lần lượt tiến vào đường Hùng Vương, đường Hàng Xanh, đường Bạch Đằng rồi đường Võ Tánh để hòa cùng các cánh quân của đơn vị đánh thẳng vào Bộ tổng tham mưu Ngụy.
Trên đường hành tiến bọn tàn quân ngụy còn ngoan cố thả lựu đạn và bắn từ trên nhà tầng xuống, ông lệnh cho anh em vào xe tăng đậy nắp lại để tránh đạn và tiếp tục hành tiến bởi nếu dùng hỏa lực có thể ảnh hưởng đến người dân Sài Gòn.
Đến cổng Bộ tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn, quân ta lập tức dàn trận. Hỏa lực địch chống đỡ yếu ớt và chỉ sau vài tràng súng của quân đội ta, tàn quân địch tan rã, chạy trốn, ra hàng toán loạn, bỏ mặc súng ống lăn lóc, bỏ mặc chiếc máy bay trực thăng thiện chiến từng đón đưa rất nhiều tướng lĩnh ngụy bật cánh sẵn ở sân.
Lúc này toàn đơn vị đã tràn vào làm chủ hoàn toàn khu Bộ tổng tham mưu Ngụy. Tổ cắm cờ của Trung đoàn đã cắm cờ giải phóng trên nóc tòa nhà 2 tầng của Bộ tổng tham mưu Ngụy. Ông Linh và đồng đội đánh chiếm khu ấn loát và lưu trữ phim ảnh. Cũng ngay lúc này, Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng đang truyền đi lời của Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Sài Gòn hạ vũ khí đầu hàng quân Giải phóng.
XEM CLIP CHIA SẺ CỦA NGƯỜI CHỈ HUY 12 CHIẾC XE TĂNG BẮT ĐƯỢC CỦA ĐỊCH ĐÁNH VÀO BỘ TỔNG THAM MƯU NGỤY QUYỀN SÀI GÒN:
Cuộc Tổng tiến công đã thắng lợi hoàn toàn. Đơn vị tổ chức cho bộ đội một mặt sẵn sàng chiến đấu, một mặt thu dọn chiến lợi phẩm. Cả kho phim ảnh, tư liệu quay, chụp hình ảnh chiến trận và lực lượng địch ở các miền trở thành chiến lợi phẩm quý giá cho quân Giải phóng sau này.
46 năm đã trôi qua nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng mùa Xuân năm 1975 vẫn không thể nào quên.
Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 - 3/4/1975), đòn mở đầu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta giành thắng lợi, đã tạo nên bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh. Lệnh hành quân thần tốc vào chiến trường cho mục tiêu lớn được đưa ra.
Tháng 2/1975, Quân đoàn 1 nhận lệnh tổng tiến công chiến lược vào miền Nam. Chuẩn úy Lê Viết Linh khi ấy đang thực hiện nhiệm vụ đắp đê ở Kim Sơn (Ninh Bình) thì nhận lệnh hành quân. Vào tới Lệ Thủy (Quảng Bình), đoàn triển khai huấn luyện các chiến sĩ mới từ Hà Bắc (nay là 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang). Chỉ hơn 1 tháng ngắn ngủi vừa đi vừa huấn luyện đủ rèn bắn súng, chiến lược cá nhân cho mỗi người lính trẻ, cả quân đoàn thẳng tiến miền Nam.
Từ Quảng Trị, đoàn quân rẽ theo đường 9 sang tỉnh Savannakhet (Lào), dọc theo đường Tây Trường Sơn để hành quân. Ngã ba Đông Dương mùa khô ngầu trong bụi đỏ. Bụi lầy trên mặt đường ngập đến nửa bánh ô tô không thể cản bước đoàn hành tiến. Cả một đoàn quân xe đỏ, người đỏ, cả cành lá ngụy trang cũng đầy bụi đỏ chẳng thể nhận ra nhau. Lúc này, miền Trung, Tây Nguyên đều đã được giải phóng, bụi đất đỏ cứ thế cùng khí thế quân Giải phóng hừng hực khí thế tiến bước đến ngày đánh lớn.
Trong mắt người lính dạn dày kinh nghiệm, chiến trường mùa Xuân năm ấy cho thấy rõ khí thế của quân ta và sự suy yếu cả về lực lượng và thế trận của địch. Suốt dọc đường, từng đoàn xe tăng của địch nằm ngổn ngang, tàn quân địch vẫy tay chào mừng người lính Giải phóng quân. Khi hành quân trong rừng khó có thể không hình dung được, nhưng khi bước tới dốc núi trên quốc lộ 14 Tây Nguyên, từ trên cao nhìn xuống mới thấy rõ khí thế tiến bước của đoàn quân Giải phóng. Hàng đoàn xe tăng, xe công binh, xe tên lửa, xe pháo binh... nối nhau hành tiến, thành một đoàn quân dài như không có điểm cuối.
Trên đường đi, tin chiến thắng từ các chiến trường liên tiếp bay về khiến toàn đơn vị phấn chấn, nôn nao. Ai cũng mong hành quân thật nhanh để tham gia chiến đấu, kịp có mặt trong đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ông kể: “Ngày 26/4, chuẩn bị cho bắt đầu trận đánh, chúng tôi được nghe nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, tất cả chúng tôi ồ lên sung sướng, khí thế hừng hực lên đường hành quân. Như một linh cảm người lính, chúng tôi hiểu ngày Giải phóng miền Nam đã đến rất gần.”
Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B nhận lệnh đánh Bộ tổng tham mưu Ngụy - nơi tướng lĩnh ngụy quyền Sài Gòn tính toán mưu lược, bày binh bố trận, nơi qua lại an toàn nhất của các tướng lĩnh ngụy.
Dọc đường tiến vào Sài Gòn, nhân dân ùa ra hò reo, hoan hô đoàn quân Giải phóng: “Quân Giải phóng đẹp lắm!”, “Quân Giải phóng tài lắm!” làm lòng người chiến sĩ thêm tự hào.
Nhớ lại cảm giác chiếm lĩnh trận địa tại Bộ tổng tham mưu Ngụy, cựu chiến binh Lê Viết Linh chia sẻ: Không sao tả siết niềm vui, niềm hạnh phúc, sự tự hào khi được hòa cùng đoàn quân chiến thắng. Sau ngày giải phóng, những tướng lĩnh ngụy được quân quản cho đăng ký đi cải tạo. Những người lính ngụy thì được phóng thích, cho về nhà với gia đình.
Trải qua bao tháng ngày chiến đấu quên thân vì độc lập tự do của đất nước, người chiến sĩ càng thêm sung sướng, tự hào khi được trở thành một phần của ngày đất nước thống nhất. 12 chiến sĩ Tiểu đoàn trinh sát điều khiển xe tăng địch tiến vào mặt trận cuối cùng cũng ai nấy về đơn vị của mình, đến sau này vẫn chưa có cơ duyên gặp lại.
Trải qua cả “mùa hè đỏ lửa” 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972, thêm cả những chiến thắng ngày Xuân lịch sử năm ấy, những cái tên người cựu chiến binh Lê Viết Linh còn ghi nhớ là Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Như Hoạt, Đại đội trưởng Vi Văn Dính, Chính trị viên Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng Nguyễn Quang Thuý, Chính ủy trung đoàn Trần Quang Tùy... khắc ghi mãi trong tâm trí ông. Những “áng hùng văn chiến trận” luôn được ôn lại mỗi lần gặp mặt.
Sau ngày giải phóng miền Nam, Chuẩn úy Lê Viết Linh tiếp tục học tập và công tác tại Sư đoàn 320B và trở thành Thượng úy, Đại đội trưởng.
Ở tuổi 70, cựu chiến binh Lê Viết Linh nay làm Bí thư Chi bộ phố Tế Độ, Thị trấn Bút Sơn, Hoằng Hoá (Thanh Hoá) vẫn đau đáu trong lòng nỗi nhớ về đồng đội xưa. Kỷ niệm hào hùng của một thời, ai còn, ai mất luôn là câu chuyện mỗi lần những người cựu chiến binh có cơ hội gặp gỡ.
Thế nhưng ký ức trong người lính già cũng vơi bớt phần nào. Nhiều sự kiện trên con đường hành quân thần tốc năm xưa ít nhiều ông đã quên mất ngày giờ chính xác. Tiểu đoàn trinh sát khi xưa giờ ông chỉ còn nhớ đồng chí Hải, người Thái Bình, nhưng cũng không rõ huyện nào, dáng người nhỏ, nhanh nhẹn, trắng, đẹp trai. “Khi đó mới vào Trung đoàn 48, mình cũng không nắm được nhiều về nhân sự” - giọng ông thấm chút tiếc nhớ.
Hơn một năm nay, người lính già biết sử dụng mạng xã hội. Ông chợt nghĩ, có thể sử dụng trang mạng này để chia sẻ câu chuyện xưa, đó cũng có thể là cơ duyên tìm lại đồng đội cũ - những người cùng chung một ký ức, cùng chung những kỷ niệm đã và vẫn đang kể lại cho con, cho cháu, những người cùng chung một điểm tựa - sự thống nhất một nhà của non sông, gấm vóc để làm cơ duyên gặp lại nhau.
Nhiều tháng trôi qua từ khi người cựu chiến binh Lê Viết Linh đăng những thông tin tìm đồng đội đầu tiên, chưa một ai hồi đáp. Nhưng có hề gì, trong lòng ông hiểu, trong ký ức đồng đội đã từng vinh dự đặt chân đến Sài Gòn mùa Xuân năm ấy vẫn luôn rực rỡ cờ hoa, sáng rạng nụ cười ngày giải phóng miền Nam - đất nước hoàn toàn thống nhất.
Bài, ảnh, clip: Lê Sơn
Trình bày: Tuệ Thy
30/04/2021 08:10