Cả nước có hơn 50 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có gần 15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Điều này có nghĩa hơn 35 triệu lao động còn lại, chủ yếu thuộc nhóm lao động nông thôn, thời vụ, lao động tự do… khi về hưu sẽ không có lương. Đây là một lỗ hổng lớn trong lưới an sinh xã hội.

Không biết bắt đầu từ đâu

Ông Đỗ Minh Quang, năm nay 51 tuổi, trưởng thôn 9 xã Kim Quang (Thạch Thất) rất muốn tham gia bảo hiểm hiểm xã hội (BHXH) nhưng không biết tầm tuổi ngũ tuần có được tham gia hay không, chính sách và mức đóng như thế nào, tiếp cận và làm thủ tục ở đâu?

“Từ trước đến nay, tôi vẫn nghĩ chỉ có cán bộ nhà nước hoặc đi làm ở doanh nghiệp thì mới được tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu. Do đó, người dân chúng tôi thường tham gia bảo hiểm nhân thọ vì họ tiếp cận đến từng hộ gia đình vài năm nay, giải thích rất rõ nên chúng tôi ai có điều kiện cũng tham gia bảo hiểm nhân thọ để có tích lũy dự phòng khi về già”, ông Đỗ Minh Quang chia sẻ.

Đó là lý do sau khi nghe tư vấn tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại UBND xã do BHXH huyện và Bưu điện huyện Thạch Thất tổ chức, ông Quang đăng ký tham gia BHXH cho bản thân và bà xã.

Ông Cấn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Quang cũng xác định tình trạng này: “Nhắc đến BHXH thì người dân quê thường nghĩ đó là bảo hiểm dành cho công chức, người lao động trong các doanh nghiệp chứ chưa đến với người lao động tự do. Trong khi đó, loại hình bảo hiểm nhân thọ đã tiếp cận người dân từ hơn chục năm nay với nhiều loại sản phẩm. Tuy nhiên, do mức thu của bảo hiểm nhân thọ cao, mà người dân còn những khó khăn về kinh tế nên họ chỉ tham gia được thời gian đầu”.

Có thể thấy chính sách BHXH tự nguyện đã có từ 10 năm trước nhưng đến nay rất ít người lao động tự do biết đến hoặc có biết nhưng không đầy đủ nên không mặn mà tham gia. Rất nhiều người dân không được tiếp cận với những thông tin về chính sách BHXH tự nguyện và chỉ biết cố gắng làm, tiết kiệm để sau này có một khoản tiền dự phòng khi về già.

Còn rất nhiều người có thể tham gia BHXH tự nguyện

Theo báo cáo của Ban Thu (BHXH Việt Nam), đến cuối năm 2018, cả nước có 270.779 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 81,7% so với kế hoạch được giao. Tính đến ngày 31/5/2019, toàn quốc có trên 360.000 người đang tham gia BHXH tự nguyện. Đây là con số còn khiêm tốn so với dư địa trên 35 triệu lao động phi chính thức.

Việc phát triển BHXH tự nguyện gặp nhiều khó khăn, một mặt do những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức; mặt khác do những hạn chế ngay từ trong chính sách, có thể kể đến như: Nhóm lao động phi chính thức làm việc theo chế độ linh hoạt là rất khó quản lý, họ hưởng lương, thu nhập khác từ nhiều nguồn khác nhau, không ổn định, không cố định về không gian, thời gian cụ thể.

Theo ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam), thời gian qua, chính sách BHXH tự nguyện đã được quan tâm, điều chỉnh về cả chính sách và tổ chức thực hiện. Về đối tượng, mở rộng đối tượng tham gia là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, không khống chế trần tuổi đối với người tham gia BHXH tự nguyện; Về mức đóng, phương thức đóng: Mức tối thiểu được hạ xuống và phương thức đóng đa dạng, linh hoạt hơn...

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, được nhà nước hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, thời gian hỗ trợ tối đa 10 năm;…. Ngành BHXH cũng tổ chức công tác thu phù hợp, phát triển mạnh mẽ mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT rộng rãi đến cấp xã, nhất là đại lý thu Bưu điện; không ngừng cải cách hành chính, đơn giản thủ tục hồ sơ thu nộp và giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp....

Người tham gia BHXH tự nguyện và thân nhân được hưởng những quyền lợi sau: Hưởng lương hưu (khi nam từ đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên và có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên); Được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT khi đang hưởng lương hưu (không phải mua BHYT).

Bên cạnh đó, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH; Người đang hưởng lương hưu, hoặc người đang tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm trở lên, khi qua đời thì thân nhân được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần.

Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng khi tham gia BHXH tự nguyện với thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm. Thời gian đã đóng BHXH đều được ghi nhận để tính hưởng BHXH.

Tuyên truyền tại cơ sở có tính quyết định

Để phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, thực tiễn triển khai tại các địa phương cho thấy phải đề cao vai trò của tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở.

Ông Đỗ Minh Quang (xã Kim Quang, Thạch Thất) đăng ký, nộp tiền tham gia BHXH tự nguyện.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, Giám đốc Bưu điện Hà Nội chia sẻ: Từ đầu năm đến cuối tháng 6/2019, hệ thống bưu điện Hà Nội đã tổ chức được hơn 360 hội nghị và phát triển được trên 3.700 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Để có số lượng tăng trưởng như trên, từ tháng 1/2019, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội quận huyện phối hợp với lãnh đạo các Bưu điện trung tâm/bưu điện huyện tham mưu với lãnh đạo UBND các quận, huyện chỉ đạo, phân công, giao chỉ tiêu và nhiệm vụ cho UBND các xã phường thị trấn cùng các tổ chức, đoàn thể phối hợp tổ chức tuyên truyền về BHXH tự nguyện.

“Quá trình triển khai những tháng đầu năm 2019 cho thấy, những nơi nào chính quyền cơ sở vào cuộc quyết liệt, nơi đó số người tham gia BHXH tăng đáng kể”, ông Nguyễn Hùng Sơn nói.

Trong thời gian 6 tháng này, tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội, số người tham gia BHXH tăng nhanh như huyện Thanh Oai với 450 người tham gia, đạt 68% kế hoạch năm; huyện Phúc Thọ với 295 người mới, đạt 34% kế hoạch; Sóc Sơn với 280 người mới, đạt 32% kế hoạch; Sơn Tây với 250 người mới, đạt 40% kế hoạch.

Chú thích ảnh
Bà Cấn Thị Lan Hương, trưởng thôn 3 xã Kim Quang tuyên truyền các mức đóng BHXH tự nguyện

 Để đạt những kết quả trên, ông Đào Văn Chính, Phó phòng kinh doanh Bưu điện Hà Nội cho biết: Các địa phương xây dựng các kịch bản chi tiết về việc tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội. Mỗi hội nghị tuyên truyền dao động từ 30 người đến 50 người, được lãnh đạo UBND xã, phường mời tham dự hội nghị, được cán bộ tuyên truyền của Bưu điện tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện đến từng người dân, những vướng mắc của đối tượng được cơ quan Bảo hiểm và Bưu điện giải đáp ngay tại hội nghị. Sau khi tổ chức hội nghị tuyên truyền, cơ quan Bưu điện tiếp tục bám sát đối tượng để tư vấn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

“Đơn cử như tại xã Kim Quang, sau khi tổ chức hội nghị tư vấn với trên 200 người tham gia đã có 55 người đang ký tham gia BHXH tự nguyện ngay hôm đó. Có được thành công vậy là do cơ sở đã sơ vấn trước, lựa chọn đúng đối tượng mời tới hội nghị”, ông Đào Văn Chính chia sẻ.

Đối với những địa phương chưa phát triển nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, ông Đào Văn Chính cho rằng: Tại một số nơi, khi tổ chức không mời được người dân đúng đối tượng (tuổi, có thu nhập, lao động tự do) dự hội nghị vì các đối tượng còn phải đi làm hoặc đã tham gia Bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó, một số người cho rằng chế độ quyền lợi BHXH tự nguyện không hấp dẫn so với các loại hình khác…

Do đó, rút kinh nghiệm 6 tháng đầu năm, Bưu điện Hà Nội và BHXH Hà Nội sẽ đa dạng hóa các mô hình hội nghị sau khi đã khảo sát thành 5 nhóm đối tượng. Các mô hình hội nghị gồm: Hội nghị quy mô lớn (theo từng xã, liên xã, số lượng từ 100-300 người); Tổ chức hội nghị quy mô nhỏ (theo từng tổ dân phố, số lượng từ 30-50 người); Tổ chức tư vấn 1-1 (tại các điểm giao dịch, điểm BĐVHX, các đại lý thu của Bưu điện, mối quan hệ của cán bộ, nhân viên Bưu điện).

Bưu điện Hà Nội cũng hướng đến các nhóm tổ chức, hiệp hội gồm Hợp đồng thời vụ tại các bệnh viện, trường học, chợ, trung tâm thương mại, bến xe, làng nghề truyền thống, thợ may, lái xe: Grap, Now, Foody, taxi, thợ xây…; tại các tòa nhà chung cư, các trung tâm giới thiệu việc làm; các hợp tác xã như cốm ăn, xôi, tơ lụa… Bưu điện Hà Nội hướng tới hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện với 10.440 người tham gia mới.

Các mức đóng BHXH tự nguyện được in sẵn để dễ tuyên truyền

Trong khi đó , bà Nguyễn Ngọc Hà, Đại lý thu BHXH tự nguyện phường Long Bình Tân, thành Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Với vai trò của nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT, tôi luôn ý thức phải tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên chính sách BHXH, BHYT nhằm giúp mọi mọi người trên địa bàn nắm bắt, tìm hiểu từ đó có ý thức tự giác tham gia và thụ hưởng BHXH tự nguyện để bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội tại địa phương”.

Bà Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ, với đặc điểm hiện nay trên địa bàn phường Long Bình Tân, đa số người dân đi làm thuê cho các cơ sở dịch vụ của gia đình, không tham gia đóng BHXH khi về già không có lương hưu. Bà Nguyễn Ngọc Hà đã tích cực tham mưu UBND phường mở rộng mạng lưới Đại lý thu BHXH, BHYT và đã thành lập được 8 điểm thu, bình quân một ấp có 2 điểm thu. Kết quả, năm 2018, đại lý thu phường nơi bà Nguyễn Ngọc Hà ở đã phát triển được 15 người tham gia mới và 163 người tiếp tục tham gia; từ đầu năm đến hết tháng 4/2019 phát triển được 9 người tham gia mới, 172 người tiếp tục tham gia. “Bản thân tôi từ đầu năm đến nay đã phát triển mới được 5 người, số người tiếp tục tham gia là 37 người; phấn đấu đến cuối năm phát triển mới được 10 người và khoảng 45 người tiếp tục tham gia”.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng: Việc tuyên truyền tại cơ sở có vai trò quan trọng; đặc biệt là truyền thông trực tiếp theo các nhóm đối tượng là Hội viên, đoàn viên và lao động tại cơ sở. Thông qua đó kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc và tư vấn, giúp đỡ để mọi người lao động không chỉ có hiểu biết đầy đủ hơn, mà còn có niềm tin sâu sắc để tham gia BHXH tự nguyện.

Nhiều khó khăn khi mở rộng đối tượng

Nghị quyết số 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách BHXH đã khẳng định: BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; năm 2025 đạt khoảng 45% và năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Hiện nay tỷ lệ lao động, đặc biệt là lao động tự do tham gia BHXH còn rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này là công tác tuyên truyền còn hạn chế, người lao động tự do chưa nhận thức được vai trò ý nghĩa của việc đóng bảo hiểm có tác dụng về sau này. Mức đóng cho loại hình bảo hiểm này hiện vẫn còn khá cao so với thu nhập của người lao động tự do. Có người thì biết thông tin nhưng không biết đến đâu đăng ký, các thủ tục thực hiện như thế nào, mức đóng tiền ra sao...”.

Lãnh đạo Bưu điện Hà Nội và lãnh đạo BHXH huyện Thạch Thất trao sổ BHXH cho những người đăng ký đầu tiên tại hội nghị tuyên truyền BHXH tự nguyện

 

Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng hàng năm nhưng rất chậm. Trong số hơn 243.000 người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay, chỉ có khoảng 30% là đối tượng mới, còn lại là những đối tượng tự nguyện đóng tiếp vì đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Để phát triển BHXH tự nguyện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ban hành kế hoạch về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm 2019. Theo đó, tốc độ gia tăng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện năm sau cao hơn năm trước. Phấn đấu đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 450.000 người (tăng hơn 200.000 người so với năm 2018).

Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra nhiệm vụ cụ thể như tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về BHXH (Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH các địa phương) với cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương) trong việc chia sẻ dữ liệu về quản lý lao động, thống kê, rà soát số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể, người lao động trong các làng nghề, lao động tự do… những đối tượng đang có nguồn thu nhập ổn định mà không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Việc tuyên truyền về tham gia BHXH tự nguyện triển khai đến từng ngõ ngách, khu phố, chợ

Bộ LĐTBXH phối hợp BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cụ thể hóa chi tiết các nội dung hoạt động để triển khai kế hoạch, trong đó xác định rõ các nội dung công việc và chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo từng tháng, quý, 6 tháng và cả năm; xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền về BHXH tự nguyện; tổ chức đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ một phần tiền đóng của nhà nước từ ngày 1/1/2018 đối với người tham gia BHXH tự nguyện; tổ chức nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Còn lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, BHXH đề nghị UBND tỉnh, thành phố sớm giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh thế - xã hội của địa phương theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về giao chỉ tiêu phát triển BHXH; thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; đưa ra các giải pháp nhằm tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Các địa phương giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý thu; Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Bài, ảnh, clip: Xuân Cường

29/06/2019 02:28