Báo chí số, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong làm báo đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đòi hỏi đội ngũ nhà báo phải có những kỹ năng số. Điều này yêu cầu công tác đào tạo báo chí truyền thông có những đổi mới phù hợp.    

Mong muốn từ báo chí cơ sở

Là sinh viên báo chí ra trường được hơn 2 năm nay, Thái Sơn đã làm việc tại 3 đơn vị báo chí khác nhau. Về kỹ năng dùng công nghệ trong ứng dụng làm các sản phẩm đa phương tiện, Thái Sơn áp dụng khá thành thạo. “Dù chưa được sử dụng công nghệ mới nhất nhưng quãng thời gian là sinh viên, tôi vẫn vẫn được tiếp xúc, học hỏi về các công nghệ trong lĩnh vực báo chí, truyền hình, truyền thông... như các công cụ dựng phim, thiết kế đồ hoạ 3D, VFX, phần mềm Pr, Ae, AutoDesk Maya... để bắt kịp hơn về xu hướng báo chí mới”, Thái Sơn cho biết.

Nhà báo tác nghiệp đa phương tiện.

  “Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cơ sở đào tạo được nâng cấp với nhiều thiết bị được đầu tư dạy cho sinh viên ở mức cơ bản. Về nội dung, chương trình đào tạo đa dạng, chuyên sâu về nghiệp vụ báo chí và truyền thông. Tuy nhiên, máy móc cho thực hành có đủ, nhưng đa số thiết bị cũ, lỗi thời về mặt công nghệ cũng như ứng dụng cho nghiệp vụ báo chí hiện tại. Do đó, cơ sở đào tạo cần liên kết với các đơn vị, cơ quan báo chí để tạo môi trường thực hành nghiệp vụ cho sinh viên”, Thái Sơn chia sẻ.

Từ góc độ cơ quan báo chí, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, đơn vị có 9 ấn phẩm nay đã tích hợp vào làm 1 hệ thống tác nghiệp để quản lý thông tin đầu vào và thống nhất thông tin đầu ra. Đây là thay đổi lớn nhất với báo Kinh tế và Đô thị theo chiến lược chuyển đổi số.

Để có nguồn nhân lực, báo Kinh tế và Đô thị đang phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền đào tạo 100 sinh viên làm podcast. Các em chia sẻ, học lý thuyết ở trường thấy xa vời, nhưng khi làm thực tế tại hiện trường và phát triển nền tảng của báo lại sáng tạo được nhiều ấn phẩm có giá trị. Do đó, đào tạo và thực hành cần gắn với thực tế. Bên cạnh đó, báo chí đào tạo nền tảng về lý luận và kiến thức chiều sâu để không bị dẫn dắt bởi mạng xã hội với thông tin ngắn và nhanh”, ông Nguyễn Thành Lợi chia sẻ.

Trong quá trình đào tạo, cần xây dựng media studio đa chức năng và cùng một cơ sở đào tạo báo chí, không phân biệt rạch ròi môn học. Sinh viên cần thành thạo các kỹ năng: Viết, chụp, ảnh và kỹ năng sử dụng mạng xã hội và thiết bị hiện đại.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Báo Hải Dương đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển trọng tâm từ báo in sang báo điện tử; tăng cường sản xuất và chuẩn hóa các sản phẩm báo chí đa phương tiện, sản phẩm báo chí mới như Emagazine, Podcast, Infographic; tích hợp audio, video trong tin, bài; sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) đọc tin, bài... Báo điện tử Hải Dương luôn trong tốp 10 báo Đảng địa phương trên cả nước có nhiều người đọc nhất.

Ông Nguyễn Quý Trọng, Tổng Biên tập Báo Hải Dương cho biết: “Để làm được điều này, báo Hải Dương tái cấu trúc toà soạn. Chúng tôi thống nhất quy trình xử lý từ 3 phần mềm tác nghiệp tích hợp vào làm 1. Đồng thời, để tạo ra sự chuyển dịch hay phát triển chuyển đổi số, thì điều cốt lõi là nhân lực. Báo Hải Dương đã mở nhiều lớp tập huấn, mời các giảng viên, chuyên gia giỏi về giảng dạy; tổ chức các chuyến đi học tập báo bạn; coi trọng tự rèn luyện, đặt ra chỉ tiêu cụ thể và đưa vào nhiệm vụ đột phá”.

Đài Truyền hình Việt Nam cũng tổ chức theo mô hình đa phương tiện. Theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (Đài Truyền hình Việt Nam): Ranh giới giữa các loại hình báo chí đang mờ dần, tiệm cận tới mẫu số chung là “báo chí đa phương tiện”. Các nhà báo cũng cần có những kỹ năng Mojo (báo chí di động) và “tư duy mobile”, đồng thời phải sớm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như những trợ lý đắc lực trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, quá trình đào tạo cũng thích ứng khi đào tạo những thế hệ Zen Z sử dụng công nghệ chuyên nghiệp, giải phóng người làm báo khỏi những việc lặp lại, cho họ nhiều thời gian hơn để sáng tạo.

Hợp tác “kiềng 3 chân”

Theo chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, TP Hồ Chí Minh nhận định: Trong thời đại chuyển đổi số, cần có sự hợp tác kiềng 3 chân: Cơ sở đào tạo truyền thông - Cơ quan báo chí - Công ty công nghệ. Chân kiềng thứ nhất là cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông có thế mạnh về đào tạo chuyên nghiệp, bài bản từ tuyển sinh đầu vào, tổ chức giảng dạy, thi cử, đánh giá sinh viên cho đến cấp bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên, các trường đào tạo hàn lâm, thiên về lý thuyết và cũng không đủ phương tiện, điều kiện cho sinh viên thực hành các sản phẩm báo chí, đặc biệt là các sản phẩm báo chí mới.

Chân kiềng thứ hai là các cơ quan báo chí sẵn sàng bổ sung cho các trường về phương tiện, điều kiện thực hành các sản phẩm báo chí. Các cơ quan báo chí với một đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp có thể hướng dẫn, tư vấn, chia sẻ cho sinh viên những kinh nghiệm bổ ích trong quá trình hành nghề của họ, để sinh viên có thêm những bài học nghề nghiệp từ thực tế cuộc sống.

Chân kiềng thứ ba là các công ty công nghệ ngày càng chi phối hoạt động báo chí vì công việc làm báo hiện nay gắn chặt với công nghệ từ phần cứng cho đến phần mềm. Điều đó cho thấy, các cơ sở đào tạo hiện nay muốn đi nhanh và đi xa, cần hình thành sự liên kết với các cơ quan báo chí và các công ty công nghệ để tạo mạng lưới đào tạo báo chí - truyền thông liên hoàn trong nghiên cứu và phát triển các mô hình đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu đang thay đổi rất nhanh về nguồn nhân lực ngành báo chí - truyền thông.

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Từ năm 2003, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tuyển sinh chuyên ngành báo mạng điện tử, cũng là nơi đào tạo loại hình báo chí này sớm nhất ở Việt Nam. Tháng 8/2018, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần đầu tiên tuyển sinh ngành Truyền thông đa phương tiện, với chương trình đào tạo đi sâu về báo chí truyền thông số với cấu trúc nội dung số + công nghệ số + mỹ thuật số.

“Để quá trình liên kết giữa cơ quan báo chí, cơ sở đào tạo, đơn vị công nghệ đạt hiệu quả, trước tiên Học viện chú trọng việc xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế; mời các chuyên gia, nhà báo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí số tham gia giảng dạy. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo có thể gửi sinh viên đi kiến tập và thực tập tại cơ quan báo chí từ năm thứ 3 để sinh viên định hình môi trường làm việc, nhu cầu tuyển dụng và các ứng dụng đang sử dụng để từ đó có định hướng tự học hoặc học thêm các kỹ năng mới”, bà Đỗ Thị Thu Hằng chia sẻ.

TS. Đỗ Anh Đức, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Trong lĩnh vực báo chí, sự trỗi dậy của công nghệ AI nhanh chóng ảnh hưởng đến việc thu thập tin tức, sản xuất tin bài và phân phối nội dung. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong báo chí cũng đặt ra nhiều thách thức như kiểm soát thông tin, tin giả, vi phạm đạo đức và bản quyền.... Để giúp các “nhà báo ” tương lai thích ứng với môi trường làm việc được ứng dụng AI rộng rãi, trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông.

Trung bình, hàm lượng công nghệ trong chương trình đào tạo của các trường chiếm tỷ lệ từ 10% - 15% tổng số tín chỉ toàn khoá học. Một số trường do có lợi thế về nền tảng công nghệ thông tin nên số học phần có hàm lượng công nghệ có thể chiếm tỷ lệ từ 20% - 30% tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông cần kết hợp nhiều giải pháp, như liên kết với các công ty/tập đoàn công nghệ, các cơ quan báo chí - truyền thông để đưa sinh viên đi thực tập từ năm thứ 2 hoặc thứ 3. 

 Bài: Xuân Minh; Ảnh: CTV
Trình bày: Xuân Minh - Nguyễn Hà
 

20/06/2024 09:13